“Ambra,” Langdon nói, “cô là người quản lý bảo tàng… hẳn cô đã thảo luận thường xuyên về nghệ thuật với Edmond. Cậu ấy có bao giờ nói với cô cụ thể gì đó về Gaudí không?”
“Chỉ những gì Winston đã đề cập,” nàng đáp. “Kiến trúc của ông ấy có cảm giác như thể được chính tự nhiên tạo ra. Các hang động của Gaudí như được đẽo bởi gió và mưa, các cột chống đỡ như từ đất mọc lên, còn tác phẩm gạch lát của ông ấy giống như sự sống nguyên thủy ở biển.” Nàng nhún vai. “Dù lý do là gì thì Edmond cũng ngưỡng mộ Gaudí đến mức chuyển tới Tây Ban Nha.”
Langdon liếc nhìn nàng với vẻ ngạc nhiên. Ông biết Edmond sở hữu nhà ở vài nước trên thế giới, nhưng những năm gần đây, anh chọn định cư tại Tây Ban Nha.
“Cô nói Edmond chuyển tới đây vì nghệ thuật của Gaudí à?”
“Tôi tin là vậy,” Ambra nói. “Tôi có lần đã hỏi anh ấy, ‘Tại sao lại là Tây Ban Nha?’ và anh ấy bảo tôi rằng anh ấy có cơ hội hiếm hoi được thuê một cơ ngơi độc đáo tại đây – một cơ ngơi không giống bất kỳ thứ gì khác trên thế giới. Tôi cho rằng ý anh ấy là căn hộ của mình,” nàng nói.
“Căn hộ của cậu ấy ở đâu?”
“Robert, Edmond sống ở Casa Milà.”
Langdon sửng sốt. “Casa Milà à?”
“Một và duy nhất,” nàng gật đầu trả lời. “Năm ngoái, anh ấy thuê toàn bộ tầng trên cùng làm căn hộ tầng mái của mình.”
Langdon cần một lúc để lĩnh hội thông tin này. Casa Milà là một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất của Gaudí – một “ngôi nhà” độc đáo đến kinh ngạc có phần mặt tiền chia nhiều tầng và các ban công đá nhấp nhô lượn sóng trông rất giống một ngọn núi bị khoét thủng, khiến nó mang cái biệt danh hiện giờ rất thông dụng là “La Pedrera” – nghĩa là “mỏ đá.”
“Chẳng phải tầng trên cùng là một bảo tàng Gaudí sao?” Langdon hỏi, nhớ lại một lần mình tới thăm tòa nhà trước đây.
“Phải,” Winston lên tiếng. “Nhưng Edmond có một khoản quyên góp cho UNESCO, giúp bảo vệ ngôi nhà như một Di sản Thế giới và họ đồng ý tạm thời đóng cửa và để ông ấy sống ở đó hai năm. Xét cho cùng, ở Barcelona thiếu gì nghệ thuật Gaudí.”
Edmond sống bên trong một khu trưng bày Gaudí tại Casa Milà ư? Langdon bối rối. Và cậu ấy chuyển vào đó chỉ mới hai năm?
Winston xen vào. “Edmond thậm chí còn giúp Casa Milà tạo ra một video giáo dục mới về kiến trúc của nó. Rất đáng xem.”
“Đoạn video thực tế khá ấn tượng.” Ambra tán thành, nhổm về phía trước và chạm vào màn hình trình duyệt. Một bàn phím xuất hiện, và nàng gõ Lapedrera. “Anh nên xem cái này.”
“Tôi đang lái xe mà,” Langdon trả lời.
Ambra với tay về phía trụ lái và kéo một cái cần nhỏ hai lần rất nhanh. Langdon cảm thấy vô lăng đột nhiên cứng đờ trong tay mình và lập tức nhận thấy chiếc xe có vẻ đang tự dẫn, vẫn ở nguyên chính giữa làn chạy một cách hoàn hảo.
“Lái tự động,” nàng nói.
Hiệu ứng này quả thật khá đáng lo và Langdon không thể không đặt tay mình phía trên vô lăng và chân bên trên chân phanh.
“Cứ thư giãn đi mà.” Ambra nhoài người và đặt một bàn tay vỗ về lên vai ông. “Còn hơn con người lái rất nhiều.”
Đầy miễn cưỡng, Langdon buông tay xuống đùi.
“Thế chứ.” Nàng mỉm cười. “Giờ anh có thể xem đoạn video Casa Milà này.”
Video bắt đầu với một cảnh quay góc thấp đầy kịch tính hình ảnh sóng xô bờ, như thể được thực hiện từ một chiếc trực thăng đang bay chỉ cách đại dương vài mét phía trên. Ở phía xa nhô lên một hòn đảo – một núi đá với những vách dựng đứng cao hàng chục mét phía trên những đợt sóng xô ầm ầm.
Dòng chữ hiện rõ phía trên ngọn núi.
La Pedrera không phải do Gaudí tạo ra.
Trong ba mươi giây tiếp theo, Langdon xem cảnh sóng biển bắt đầu đẽo gọt ngọn núi mang vẻ ngoài trông rất giống thực thể sống của Casa Milà. Tiếp theo đại dương tràn vào bên trong, tạo ra những khoảng rỗng và các khoang trống, trong đó những thác nước đục đẽo ra các bậc thang và các dây leo mọc lên, xoắn xuýt lấy nhau thành lan can trong khi rêu mọc bên dưới, trải thảm cho phần sàn.
Cuối cùng, máy quay rút ra ngoài biển và cho thấy hình ảnh nổi tiếng của Casa Milà – “mỏ đá” – được đục đẽo thành một ngọn núi sừng sững.
– La Pedrera –
Một kiệt tác của tự nhiên
Langdon phải thừa nhận, Edmond rất có sở trường tạo kịch tính. Xem video do máy tính tạo ra này khiến ông rất nóng lòng thăm lại tòa nhà nổi tiếng.
Đưa mắt trở lại nhìn đường, Langdon với xuống và kết thúc chế độ lái tự động, lấy lại quyền điều khiển. “Chúng ta hãy hy vọng căn hộ của Edmond có thứ chúng ta đang tìm kiếm. Chúng ta cần tìm mật khẩu đó.”
CHƯƠNG 50
Tư lệnh Diego Garza trực tiếp dẫn bốn đặt vụ Cận vệ có vũ trang của mình băng qua trung tâm Quảng trường Armería, mắt nhìn thẳng về phía trước và phớt lờ giới truyền thông đang ồn ã bên ngoài hàng rào, tất cả đều đang chĩa các máy quay truyền hình vào ông qua những chấn song và hét to đòi nghe bình luận.
Ít nhất họ sẽ thấy rằng có ai đó đang hành động.
Khi ông cùng nhóm của mình tới nhà thờ lớn, lối vào chính đã bị chặn – không có gì lạ vào giờ này – và Garza bắt đầu đập cửa bằng báng súng ngắn của mình.
Không có ai trả lời.
Ông tiếp tục nện.
Cuối cùng, các khóa chuyển động và cánh cửa mở ra. Garza thấy mình mặt đối mặt với một nữ lao công, người tỏ ra hoảng hốt một cách dễ hiểu trước một nhóm quân lính ngoài cửa.
“Giám mục Valdespino đâu?” Garza vặn hỏi.
“Tôi… tôi không biết”, người phụ nữ trả lời.
“Tôi biết ngài giám mục ở đây”, Garza tuyên bố. “Và ông ấy đi cùng Hoàng tử Julián. Bà không thấy họ sao?”
Bà ta lắc đầu. “Tôi vừa tới. Tôi dọn dẹp vào các tối thứ bảy sau khi…”
Garza xô qua người bà ta, dẫn người của mình băng qua nhà thờ lớn tối om.
“Khóa cửa lại,” Garza nói với bà lao công. “Và tránh đường.”
Nói xong, ông lên cò súng và đi thẳng tới văn phòng của Valdespino.
Bên kia quảng trường, trong phòng điều khiển ở tầng hầm cung điện, Mónica Martín đang đứng bên cây làm mát và rít một hơi điếu thuốc còn khá dài. Nhờ phong trào “chỉnh đốn chính trị” tự do đang tràn khắp Tây Ban Nha, việc hút thuốc trong các văn phòng tại cung điện bị cấm, nhưng với quá nhiều thứ được cho là tội ác đang đeo bám hoàng cung tối nay, Martín cho rằng việc hút thuốc quá quy định một chút hẳn là sự vi phạm có thể bỏ qua.
Tất cả năm trạm tin trong nhóm truyền hình dàn hàng trước mặt cô vẫn tiếp tục đưa tin trực tiếp về vụ ám sát Edmond Kirsch, cứ ngang nhiên phát đi phát lại đoạn phim vụ sát hại anh ấy dã man. Dĩ nhiên, mỗi lần phát sóng lại đều có dẫn trước bằng lời cảnh báo thông thường.
LƯU Ý: Đoạn phim dưới đây bao gồm những hình ảnh đồ họa có thể không phù hợp với tất cả khán giả.
Vô liêm sỉ, cô nghĩ, biết rằng những lời cảnh báo này không phải là sự phòng ngừa nhạy cảm của nhà mạng mà đúng hơn là sự kích thích rất khôn khéo để bảo đảm rằng không ai đổi kênh.
Martín rít một hơi thuốc nữa, nhìn một lượt rất nhiều mạng truyền hình, hầu hết trong số đó đang khai thác những thuyết âm mưu đang gia tăng bằng những dòng tiêu đề có gắn “Tin nóng” và những băng chữ chạy.
Có phải nhà vị lai chủ nghĩa bị Giáo hội sát hại?
Liệu phát hiện khoa học có bị thất lạc mãi mãi?
Có phải kẻ ám sát được hoàng gia thuê?
Các người phải đưa tin, cô càu nhàu. Đâu phải là lan truyền những lời đồn ác ý bằng hình thức mấy câu hỏi.
Martín luôn tin rằng vị trí quan trọng của báo chí có tính trách nhiệm chính là một nền tảng cho tự do và dân chủ, và vì thế cô thường thất vọng bởi những nhà báo chuyên kích động tranh cãi bằng việc lan truyền những ý tưởng rành rành là ngớ ngẩn – trong khi đó lại né tránh những hậu quả pháp lý bằng cách chỉ việc biến mọi tuyên bố lố bịch thành một câu hỏi khôn ngoan.
Ngay cả những kênh khoa học được nể trọng cũng đang thực hiện việc này, đặt câu hỏi với khán giả của mình: “Liệu có khả năng ngôi đền ở Peru này là do những người ngoài hành tinh cổ đại xây dựng lên?”
Không! Martín muốn hét lên với truyền hình. Không thể có chuyện chết tiệt ma toi đó! Hãy ngừng đặt những câu hỏi ngu đần ấy đi!
Trên một trong số các màn ảnh truyền hình, cô thấy rằng CNN có vẻ đang cố gắng hết sức để được tôn trọng.
Tưởng nhớ Edmond Kirsch
Nhà tiên tri. Người nhìn xa trông rộng. Nhà sáng tạo.
Martín vớ lấy điều khiển và vặn to âm lượng.
“… một con người yêu nghệ thuật, công nghệ, và sáng tạo,” phát thanh viên thời sự nói giọng buồn rầu. “Một con người mà khả năng gần như kỳ bí trong việc dự đoán tương lai đã biến ông ấy thành một người ai cũng biết. Theo các đồng nghiệp của ông, tất cả mọi dự đoán mà Edmond Kirsch đưa ra trong lĩnh vực khoa học máy tính đều trở thành hiện thực.”
“Đúng vậy, David,” người phụ nữ đồng dẫn chương trình với ông xen ngang. “Tôi chỉ ước chúng ta có thể nói những điều tương tự cho những dự đoán cá nhân của ông ấy.”
Lúc này họ chiếu đoạn phim tư liệu ghi hình một Edmond Kirsch khỏe khoắn, nước da rám nắng đang chủ trì một cuộc họp báo trên vỉa hè bên ngoài Trung tâm 30 Rockefeller ở Thành phố New York. “Hôm nay tôi vừa đúng ba mươi tuổi,” Edmond nói, “và tuổi thọ của tôi chỉ là sáu mươi tám. Thế nhưng, với những bước tiến trong tương lai về thuốc men, công nghệ tuổi thọ và tái tạo đoạn cuối nhiễm sắc thể, tôi dự đoán tôi sẽ sống để chứng kiến sinh nhật lần thứ 110 của mình. Thực tế, tôi tự tin về điều này đến mức tôi vừa giữ chỗ Phòng Cầu vồng cho bữa tiệc sinh nhật lần thứ 110 của tôi.” Kirsch mỉm cười và ngước nhìn lên trần nhà. “Giờ tôi chỉ việc thanh toán toàn bộ hóa đơn của mình – tám mươi năm ứng trước – bao gồm cả các khoản dự phòng lạm phát.”
Nữ phát thanh viên xuất hiện trở lại, thở dài rầu rĩ. “Đúng như một câu cách ngôn xưa đã nói: ‘Người tính không bằng trời tính.’”