Ávila nhìn bàn tay dơ dáy của gã đàn ông đặt trên ống tay áo mới là của mình. “Buông ra đi,” ông ta nói khẽ. “Tôi cần phải đi.”
“Không được… ngài cần ở lại uống bia, ông bạn.” Gã đàn ông siết chặt nắm tay trong khi bạn của gã bắt đầu dùng một ngón tay bẩn thỉu hẩy hẩy những chiếc huy chương trên ngực áo Ávila. “Trông có vẻ ngài là một anh hùng đây, ông già.” Gã đàn ông giật mạnh một trong những chiếc huy chương danh giá nhất của Ávila. “Một cái quyền trượng trung cổ à? Vậy thì lão hiệp sĩ trong bộ giáp bóng bẩy đây à?!” Gã cười hô hố.
Tha thứ, Ávila tự nhắc mình. Ông ta đã từng gặp vô khối gã đàn ông như đám này – những sinh linh thống khổ, đầu óc giản đơn, chẳng bao giờ vì cái gì cả, những con người mù quáng lạm dụng các quyền tự do mà những người khác tranh đấu để dành cho họ.
“Thực ra thì,” Ávila nhẹ nhàng trả lời, “cái quyền trượng là biểu tượng cho Đơn vị Đặc nhiệm của Hải quân Tây Ban Nha.”
“Đặc nhiệm à?” Gã đàn ông vờ run rẩy sợ hãi. “Ấn tượng đây. Thế còn cái biểu tượng kia?” Gã chỉ vào tay phải Ávila.
Ávila liếc xuống bàn tay mình. Ở chính giữa phần thịt mềm hằn lên một hình xăm màu đen – một biểu tượng có từ thế kỷ XIV.
Dấu hiệu này là giấy thông hành của ta, Ávila nghĩ, mắt nhìn biểu tượng. Dù ta sẽ không cần đến nó.
“Bỏ qua đi,” gã lưu manh nói, cuối cùng cũng buông cánh tay Ávila và hướng sự chú ý tới cô gái phục vụ. “Cô em xinh xắn đây” gã nói. “Em là gái Tây Ban Nha một trăm phần trăm à?”
“Phải”, Cô gái hòa nhã trả lời.
“Em không có một chút Ireland trong người sao?”
“Không.”
“Em có thích một chút không?” Gã đàn ông cười ngặt nghẽo đầy kích động và đấm mạnh lên quầy bar.
“Để cô ấy yên đi,” Ávila ra lệnh.
Gã đàn ông xoay người, trừng trừng nhìn ông ta.
Gã lưu manh thứ hai xỉa mạnh vào ngực Ávila “Lão đang dạy chúng tôi làm gì đấy à?”
Ávila hít một hơi thật sâu, cảm thấy mỏi mệt sau chuyến đi dài ngày hôm nay và ông ta làm hiệu về phía quầy bar. “Các quý ông hãy ngồi xuống nào. Tôi sẽ đãi các anh bia.”
Mình rất vui vì ông ấy ở lại, cô gái phục vụ thầm nghĩ. Mặc dù nàng có thể tự lo cho mình nhưng chứng kiến cái cách viên sĩ quan này bình tĩnh xử lý hai gã cục súc kia khiến cho nàng thấy rất phục và hy vọng ông ta có thể ở lại cho tới lúc đóng cửa.
Viên sĩ quan gọi hai bia và một cốc nước khoáng nữa cho mình rồi ngồi xuống đúng chỗ cũ bên quầy bar. Hai gã cổ động viên bóng đá du côn ngồi hai bên ông ta.
“Nước khoáng à?” một gã chế giễu. “Tôi cứ nghĩ chúng ta đang uống cùng nhau cơ đấy.”
Viên sĩ quan mỉm cười mỏi mệt nhìn cô gái phục vụ và uống hết cốc nước của mình.
“Tôi e rằng mình có cuộc hẹn,” viên sĩ quan đứng lên nói. “Nhưng cứ thưởng thức bia của các anh đi.”
Lúc ông ta đứng lên, cả hai gã đàn ông, như đã diễn tập trước, cùng đập bàn tay thô ráp của họ lên vai ông ta và ấn ông ta ngồi xuống ghế. Một thoáng tức giận vụt qua ánh mắt viên sĩ quan và rồi tan biến.
“Kìa ông già, tôi không nghĩ ông muốn để chúng tôi một mình ở lại đây cùng với bạn gái của ông đâu.” Gã du côn nhìn cô gái và làm động tác tởm lợm gì đó bằng lưỡi.
Viên sĩ quan ngồi yên lặng một lúc lâu, và rồi thọc tay vào túi áo khoác.
Cả hai gã tóm lấy ông ta. “Ấy này! Lão làm gì thế?!”
Rất chậm rãi, viên sĩ quan rút ra một chiếc điện thoại di động và nói gì đó với hai gã bằng tiếng Tây Ban Nha. Họ trân trối nhìn ông ta không hiểu gì cả và ông ta chuyển sang tiếng Anh. “Tôi xin lỗi, chỉ là tôi cần gọi cho vợ và bảo mụ ấy tôi sẽ về muộn thôi mà. Xem ra tôi sẽ ở đây một lúc rồi.”
“Giờ là lão nói đấy nhé, ông bạn!” gã to con hơn nói, nốc cạn vại bia và nện mạnh cốc xuống quầy. Thêm vại nữa!
Trong khi cô gái phục vụ rót đầy cốc cho hai gã du côn, cô nhìn qua gương thấy viên sĩ quan bấm vài phím trên điện thoại rồi áp máy vào tai.
Cuộc gọi thông và ông ta nói nhanh bằng tiếng Tây Ban Nha.
“Le llamo desde el bar Molly Malone,” viên sĩ quan nói, đọc rõ tên quán rượu và địa chỉ trên miếng lót cốc trước mặt. “Calle Particular de Estraunza, ocho.” Ông ta đợi một lúc rồi tiếp tục. “Necesitamos ayuda inmediatamente. Hay dos hombres heridos.” Rồi ông ta tắt máy. (Calle Particular de Estraunza, ocho nghĩa là Tôi gọi từ quán rượu Molly Malone. Phố Particular de Estraunza, số 8. Necesitamos ayuda inmediatamente. Hay dos hombres heridos nghĩa là Chúng tôi cần giúp đỡ ngay lập tức. Có hai người bị thương.)
¿Dos hombres heridos? Mạch đập của cô gái rộn lên. Hai người bị thương ư?
Cô chưa kịp phân tích nghĩa câu nói của ông ta thì thấy một bóng trắng loáng lên và viên sĩ quan xoay sang phải, táng mạnh cùi chỏ lên trúng mũi gã to con kèm tiếng lạo xạo rợn người. Gương mặt gã đàn ông chuyển đỏ và gã ngã ngửa. Gã đàn ông thứ hai chưa kịp phản ứng thì viên sĩ quan lại xoay người, lần này sang bên trái, cùi chỏ kia thúc mạnh vào khí quản gã đàn ông khiến gã ngã nhào khỏi ghế.
Cô gái phục vụ sững sờ, trân trối nhìn hai gã đàn ông trên sàn, một đang rú lên đau đớn, gã kia thở hổn hển và ôm chặt lấy họng.
Viên sĩ quan chậm rãi đứng lên. Với vẻ bình tĩnh kỳ lạ, ông ta móc ví và đặt tờ một trăm euro lên quầy.
“Cho tôi xin lỗi,” ông ta nói bằng tiếng Tây Ban Nha. “Cảnh sát sẽ đến đây ngay để giúp cô.”
Rồi ông ta quay người và bỏ đi.
Bên ngoài, Đô đốc Ávila hít lấy không khí buổi đêm và bước đi dọc theo Trung tâm mua sắm Mazarredo về phía bờ sông. Tiếng còi cảnh sát tiến lại gần, ông ta lẩn vào chỗ tối để nhà chức trách đi qua. Còn công việc quan trọng phải làm và tối nay Ávila không thể lo thêm những chuyện phức tạp nữa.
Nhiếp chính vương đã nêu rõ nhiệm vụ tối nay.
Với Ávila, tiếp nhận mệnh lệnh từ Nhiếp chính vương là việc hết sức bình thản.
Không cần quyết định. Không có tội. Chỉ hành động. Sau cả một sự nghiệp chuyên đưa ra các lệnh chỉ huy, quả là nhẹ nhàng khi nhường lại bánh lái và để những người khác chèo lái con tàu này.
Trong cuộc chiến này, ta là một người bộ binh.
Chỉ vài ngày trước, Nhiếp chính vương cho ông ta biết một bí mật đáng ngại đến mức Ávila thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dâng trọn bản thân cho sự nghiệp này.
Tính chất tàn bạo của nhiệm vụ tối qua vẫn còn ám ảnh ông ta, nhưng ông ta biết những hành động của mình sẽ được tha thứ.
Sự đoan chính tồn tại dưới nhiều hình thức.
Và sẽ còn nhiều người chết trước khi đêm nay kết thúc.
Lúc Ávila xuất hiện tại một quảng trường bên bờ sông, ông ta ngước mắt nhìn cái công trình đồ sộ trước mặt. Đó là một khối nhấp nhô các hình dạng vô lý được ốp bằng gạch kim loại – như thể cả hai nghìn năm tiến bộ về kiến trúc đã bị vứt qua cửa sổ để có được sự hỗn độn hoàn toàn.
Có người gọi đây là một bảo tàng. Ta gọi nó là một thứ quái dị.
Cố tập trung suy nghĩ, Ávila băng qua quảng trường, vòng vèo qua một loạt tượng điêu khắc rất kỳ quái đặt bên ngoài Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao. Lúc tiến tới gần tòa nhà, ông ta nhìn thấy hàng chục vị khách đang hòa với nhau trong những bộ trang phục đen và trắng đẹp nhất của họ.
Những đám vô thần tụ tập với nhau.
Nhưng tối nay sẽ không như bất kỳ ai trong bọn họ hình dung.
Ông ta nắn thẳng lại chiếc mũ đô đốc và vuốt phẳng áo khoác, củng cố tinh thần mình cho nhiệm vụ đang nằm phía trước. Tối nay là một phần của một nhiệm vụ còn lớn hơn nhiều – một cuộc thập tự chinh của sự chân chính.
Khi Ávila băng qua khoảng sân tiến về phía lối vào bảo tàng, ông ta nhẹ nhàng chạm tay vào chuỗi hạt trong túi mình.
CHƯƠNG 3
Tiền sảnh bảo tàng có cảm giác như một nhà thờ chính tòa trong tương lai. Lúc Langdon bước vào trong, ánh mắt ông lập tức hướng lên trời, leo theo một dãy cột đồ sộ màu trắng chạy dọc một vách kính cao ngất, cao hơn sáu mươi mét lên đến tận vòm trần, nơi những chiếc đèn rọi halogen tỏa ra thứ ánh sáng trắng tinh khiết. Treo lơ lửng trong không trung là một mạng lưới lối đi hẹp và ban công giăng ngang khoảng không, lác đác trên đó là những vị khách mặc đồ đen và trắng di chuyển ra vào các phòng trưng bày trên gác và đứng bên những ô cửa sổ trên cao, chiêm ngưỡng đầm nước phía dưới. Gần đó, một chiếc thang máy bằng kính lặng lẽ trượt dọc theo tường, đáp xuống mặt đất để đón thêm khách khứa.
Trông không giống bảo tàng nào Langdon từng tới xem. Ngay cả âm thanh cũng có cảm giác rất lạ lẫm. Thay vì truyền thống tôn trọng sự yên tĩnh bằng khâu hoàn thiện triệt âm, nơi này lại náo nhiệt với những giọng nói lầm rầm vang vọng dội lại từ đá và kính. Với Langdon, cái cảm giác quen thuộc duy nhất là dư vị khô khốc ở cuống lưỡi mình, không khí bảo tàng trên khắp thế giới đều như nhau – được lọc rất kỹ tất cả các hạt cùng các chất ô xy hóa và sau đó được làm ẩm bằng nước ion hóa tới độ ẩm bốn mươi lăm phần trăm.
Langdon đi qua một loạt chốt an ninh chặt chẽ đến ngạc nhiên, nhận ra có rất nhiều bảo vệ có vũ trang và cuối cùng đứng bên một chiếc bàn làm thủ tục khác. Một thiếu nữ trao cho ông chiếc tai nghe.
“Audioguía?”
Langdon mỉm cười. “Không, cảm ơn cô.”
Nhưng khi ông lại gần chiếc bàn, cô gái chặn ông lại, chuyển sang nói tiếng Anh cực chuẩn. “Xin lỗi, thưa ngài, nhưng vị chủ nhà của chúng ta tối nay, ngài Edmond Kirsch, đã yêu cầu tất cả mọi người đều phải đeo tai nghe. Việc đó là một phần trong trải nghiệm tối nay.”
“Ồ, dĩ nhiên rồi, vậy tôi sẽ lấy một chiếc.”
Langdon với lấy một chiếc tai nghe, nhưng cô gái xua tay, đối chiếu thẻ ghi tên ông với bản danh sách quan khách dài dằng dặc, rồi trao cho ông một chiếc tai nghe có số hiệu khớp với tên của ông. “Hành trình tối nay được thiết kế riêng cho từng vị khách một.”