Đêm đó, cô đơn và đau đớn, Ávila trân trân nhìn vào gương. Người đàn ông nhìn lại ông ta là một kẻ xa lạ. Những lời của nữ tu sĩ chẳng giúp làm dịu nỗi đau của ông ta.
Tha thứ ư? Chìa má còn lại của ta ra!
Ta vừa chứng kiến cái ác không thể nào tha thứ được!
Trong cơn điên giận càng lúc càng ngùn ngụt, Ávila vung nắm tay đấm vào gương, khiến kính vỡ thành từng mảnh và gục xuống nức nở đau khổ ngay trên sàn phòng tắm.
Là một sĩ quan hải quân chuyên nghiệp, Ávila luôn là người biết kiểm soát – một chiến sĩ có kỷ luật, danh dự và tuân thủ thứ bậc chỉ huy – nhưng con người đó đã ra đi. Chỉ trong vài tuần, Ávila rơi vào trạng thái hoang mang, tìm quên lãng trong hỗn hợp mạnh của rượu và thuốc kê theo đơn. Chẳng mấy chốc, khát khao về hiệu ứng tê liệt của ông ta ngốn hết những giờ phút tỉnh táo, biến ông ta thành một kẻ lánh đời đầy thù hận.
Chỉ trong vài tháng, hải quân Tây Ban Nha âm thầm buộc ông ta nghỉ hưu. Như một chiến hạm hùng mạnh một thời giờ đây mắc lại trong một cảng cạn, Ávila biết mình sẽ chẳng bao giờ ra khơi nữa. Lực lượng hải quân mà ông ta cống hiến cả đời để lại cho ông ta một khoản tiền lương khiêm tốn vừa đủ cho ông ta sống.
Ta năm mươi tám tuổi rồi, ông ta nhận ra vậy. Và ta chẳng có gì.
Ông ta mất nhiều ngày ngồi một mình trong phòng khách, xem TV, uống vodka và chờ đợi bất kỳ tia sáng nào xuất hiện. La hora más oscura es justo antes del amanecer, ông ta cứ nhủ đi nhủ lại bản thân như vậy. Nhưng câu cách ngôn xưa cũ ấy của lực lượng hải quân hết lần này đến lần khác đều không đúng. Giờ khắc tăm tối nhất không phải là ngay trước lúc bình minh, ông ta cảm thấy như vậy. Bình minh không bao giờ xuất hiện. (La hora más oscura es justo antes del amanecer nghĩa là Giờ khắc tăm tối nhất là ngay trước lúc bình minh.)
Vào ngày sinh nhật lần thứ năm mươi chín của mình, đúng một sáng thứ năm mưa dầm dề, trân trân nhìn cái vỏ chai vodka rỗng và tờ thông báo đuổi ra khỏi nhà, Ávila thu hết can đảm tới tủ quần áo, lấy khẩu súng ngắn hải quân của mình xuống, lên đạn và kê nòng súng vào thái dương mình.
“Perdóname” ông ta thì thào và nhắm mắt lại. Rồi ông ta siết cò. Tiếng nổ nhẹ hơn ông ta hình dung rất nhiều. Một tiếng cạch hơn là một phát súng nổ. (Perdóname nghĩa là Xin hãy tha thứ!)
Tàn nhẫn thay, khẩu súng không nổ. Những năm tháng nằm trong chiếc tủ bụi bặm mà không được lau chùi rõ ràng đã làm hỏng khẩu súng nghi thức rẻ tiền của ngài đô đốc. Dường như ngay cả hành động hèn nhát đơn giản này cũng vượt ngoài khả năng của Ávila.
Giận dữ, ông ta ném mạnh khẩu súng vào tường. Lần này, một tiếng nổ vang động căn phòng. Ávila cảm thấy một cảm giác nóng rát xé qua đùi mình và màn sương say xỉn của ông ta tan biến trong một cơn đau đớn kinh khủng. Ông khuỵu xuống sàn hét lên đau đớn và ôm chặt cái chân ròng ròng máu của mình.
Những người hàng xóm hốt hoảng đập cửa phòng ông ta, tiếng còi rít lên, và chẳng mấy chốc Ávila thấy mình ở Bệnh viện tỉnh San Lázaro của Seville, cố gắng giải thích chuyện ông ta đã tìm cách tự sát bằng cách bắn trúng chân như thế nào.
Sáng hôm sau, khi nằm trong phòng hồi sức, suy nhược và nhục nhã, Đô đốc Luis Ávila có một vị khách.
“Ông đúng là thứ chẳng ra sao,” người thanh niên nói bằng tiếng Tây Ban Nha. “Không có gì lạ khi người ta buộc ông về hưu.”
Ávila chưa kịp trả lời, gã đàn ông đã mở tung rèm cửa sổ và để cho ánh mặt trời ùa vào. Ávila che mắt, giờ có thể nhìn thấy rằng “thằng ranh ấy” khá vạm vỡ và để kiểu đầu gần như cạo trọc. Anh ta mặc một cái áo phông có gương mặt Jesus trên đó.
“Tên tôi là Marco,” anh ta nói, chất giọng Andaluz. “Tôi là huấn luyện viên phục hồi của ông. Tôi đề nghị được phân công giúp ông bởi vì ông và tôi có điểm chung.”
“Quân sự à?” Ávila nói, nhận ra thái độ xấc xược của anh ta.
“Không.” Gã trai kia nhìn thẳng vào Ávila. “Tôi có mặt ở đó vào sáng Chủ nhật ấy. Trong nhà thờ. Vụ tấn công khủng bố.”
Ávila trân trối nhìn không tin nổi. “Cậu đã ở đó?”
Gã trai cúi xuống và kéo một ống quần thun của mình lên, để lộ ra một chiếc chân giả. “Tôi nhận thấy ông đã trải qua địa ngục, nhưng tôi thì đang chơi bóng đá bán chuyên nghiệp, cho nên đừng mong có sự cảm thông quá nhiều ở tôi. Tôi thuộc tuýp người Chúa chỉ giúp những ai biết giúp chính mình nhiều hơn đấy.”
Ávila còn chưa biết chuyện gì xảy ra thì Marco đã nhấc ông ta vào một chiếc xe lăn, đẩy dọc hành lang tới một phòng tập nhỏ và dựng ông ta dậy giữa hai thanh xà kép.
“Việc này sẽ rất đau đớn,” gã trai nói, “nhưng hãy cố gắng đi tới đầu bên kia. Chỉ cần làm một lần thôi. Sau đó, ông có thể ăn sáng.”
Cơn đau thật không thể chịu nổi, nhưng Ávila không định kêu than với người chỉ còn một chân duy nhất, cho nên dùng hai tay để chống đỡ hầu hết trọng lực của mình, ông ta lê hết quãng đường tới đầu kia cặp xà.
“Tuyệt vời,” Marco nói. “Giờ hãy làm lại xem.”
“Nhưng cậu nói…”
“Phải, tôi nói dối đấy. Làm lại đi.”
Ávila nhìn gã trai, sững sờ. Vị đô đốc đã không nhận một mệnh lệnh nào suốt nhiều năm, và lạ thay, ông ta thấy có gì đó rất mới lạ trong chuyện đó. Nó khiến ông ta cảm thấy trẻ trung… đúng như ông ta đã cảm thấy khi còn là một anh chàng lính mới tò te nhiều năm trước. Ávila quay người lại và bắt đầu lê lết trở lại đầu kia.
“Giờ hãy cho tôi biết,” Marco nói. “Ông vẫn đi dự các buổi lễ ở nhà thờ lớn Seville phải không?”
“Không bao giờ.”
“Sợ à?”
Ávila lắc đầu. “Căm giận.”
Marco phá lên cười. “Phải, để tôi đoán nhé. Đám nữ tu bảo ông hãy tha thứ cho những kẻ tấn công chứ gì?”
Ávila dừng sững lại trên xà. “Chính xác!”
“Tôi cũng vậy. Tôi đã cố. Không thể được. Đám nữ tu cho chúng ta một lời khuyên kinh khủng.” Gã kia cười.
Ávila nhìn chiếc áo Jesus của gã trai trẻ. “Nhưng xem ra cậu vẫn…”
“Ồ phải, tôi vẫn hoàn toàn là một tín đồ Thiên Chúa giáo. Mộ đạo hơn bao giờ hết. Tôi thật may tìm được nhiệm vụ của mình… giúp các nạn nhân của kẻ thù của Chúa.”
“Một sự nghiệp cao quý,” Ávila nói vẻ thèm thuồng, cảm thấy cuộc đời của chính mình thật thiếu mục đích nếu không còn gia đình hay lực lượng hải quân.
“Một đại nhân đã giúp đưa tôi trở lại với Chúa,” Marco nói tiếp. “Người đó là giáo hoàng. Tôi đã trực tiếp được gặp ngài nhiều lần.”
“Tôi xin lỗi… là giáo hoàng ư?”
“Phải.”
“Như là… lãnh tụ của Giáo hội Công giáo à?”
“Phải. Nếu ông muốn, tôi có thể sắp xếp một cuộc diện kiến cho ông.”
Ávila trân trối nhìn gã trai như thể anh ta bị mất trí. “Cậu có thể giúp tôi diện kiến giáo hoàng ư?”
Marco có vẻ khó chịu. “Tôi nhận thấy ông là một sĩ quan hải quân cao cấp và không thể hình dung được rằng một huấn luyện viên thể chất què quặt từ Seville lại tiếp cận được người đại diện của Chúa, nhưng tôi đang nói với ông sự thật. Tôi có thể thu xếp một cuộc gặp với ngài nếu ông thích. Ngài rất có thể sẽ giúp ông tìm đường trở lại, giống như cách ngài đã giúp tôi.”
Ávila tì lên mấy thanh xà, không biết phải trả lời sao. Ông ta tôn sùng giáo hoàng khi đó – một thủ lĩnh bảo thủ kiên định rao giảng về sự tôn trọng truyền thống và chánh tín tuyệt đối. Rủi thay, ngài bị chỉ trích từ mọi phía của cái thế giới đang hiện đại hóa, và có sự bất bình không nói ra rằng sớm muộn ngài cũng sẽ chọn cách nghỉ hưu khi đối diện với áp lực ngày càng tăng của chủ nghĩa tự do. “Dĩ nhiên tôi rất vinh hạnh được gặp ngài, nhưng…”
“Tốt lắm,” Marco ngắt lời. “Tôi sẽ thử sắp xếp việc đó vào ngày mai.”
Ávila không bao giờ hình dung được rằng ngày hôm sau ông ta sẽ thấy mình ngồi tận trong một thánh đường an toàn, đối diện với một vị thủ lĩnh quyền lực dạy cho ông ta bài học tôn giáo có sức thuyết phục nhất trong đời mình.
Có rất nhiều con đường đi tới cứu rỗi.
Tha thứ không phải con đường duy nhất.
CHƯƠNG 37
Nằm ở tầng trệt cung điện Madrid, thư viện hoàng gia là một dãy buồng trang trí rất tráng lệ nơi chứa hàng nghìn bộ sách vô giá, trong đó có cả cuốn Book of Hours của Nữ hoàng Isabella, các cuốn Kinh thánh dùng riêng của một vài vị vua, và một bộ sách chép tay bọc sắt từ thời Alfonso XI.
Garza vội vã bước vào, không hề muốn để hoàng tử một mình trên gác trong sự kiểm soát của Valdespino quá lâu. Ông vẫn đang cố lý giải cái tin Valdespino từng gặp Kirsch chỉ vài ngày trước và quyết định giữ bí mật cuộc gặp ấy. Kể cả dưới ánh sáng của bài thuyết trình và vụ sát hại Kirsch tối nay ư?
Garza đi qua bóng tối mênh mông của thư viện tiến về phía cán bộ điều phối quan hệ công chúng Mónica Martín, vẫn đang đợi trong bóng tối, tay cầm chiếc máy tính bảng còn sáng của mình.
“Tôi biết ngài rất bận, thưa sếp,” Martín nói, “nhưng chúng ta có một tình huống cực kỳ nhạy cảm về thời gian. Tôi lên gác tìm ngài vì trung tâm an ninh của ta nhận được một e-mail rất đáng ngại từ ConspiracyNet.”
“Từ ai cơ?”
“ConspiracyNet là một địa chỉ theo thuyết âm mưu rất quen thuộc. Chất báo chí thì rất tệ, và giọng văn viết như trẻ con, nhưng họ lại có hàng triệu người theo dõi. Họ tung tin giả mạo, nhưng địa chỉ này lại rất được coi trọng trong giới thuyết âm mưu.”
Trong suy nghĩ của Garza, mấy cụm từ “được coi trọng” và “thuyết âm mưu” dường như loại trừ nhau.
“Họ phát tin đặc biệt về tình hình của Kirsch cả tối nay,” Martín nói tiếp. “Tôi không biết họ có được thông tin từ đâu nhưng địa chỉ này trở thành một đầu mối cho các blogger tin tức và những người theo thuyết âm mưu. Ngay cả các kênh phát thanh truyền hình cũng tìm tới họ để có tin đặc biệt.”