“Tôi chắc nó làm rồi,” Ambra nói. “Nhưng anh nói đúng. Tôi cần gọi cho Winston để kiểm tra cho chắc.”
“Khoan đã,” Langdon nói, tỏ ý ngạc nhiên. “Cô có thể gọi được cho Winston sao? Khi chúng ta rời khỏi bảo tàng và ra ngoài tầm phủ sóng, tôi cứ nghĩ…”
Ambra bật cười và lắc đầu. “Robert, Winston đâu có đặt bên trong Guggenheim. Nó được bố trí ở một cơ sở máy tính bí mật đâu đó và được truy cập từ xa mà. Thế ra anh thật sự nghĩ Edmond sẽ tạo dựng một nguồn tài nguyên như Winston mà lại không thể liên lạc được với nó bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu trên thế giới à? Edmond nói chuyện với Winston mọi lúc – ở nhà, khi đi lại, khi ra ngoài đi bộ – hai bên có thể kết nối bất kỳ lúc nào chỉ bằng một cuộc điện thoại đơn giản. Tôi đã thấy Edmond nói chuyện hàng giờ với Winston. Edmond sử dụng nó như một trợ lý riêng – để đặt chỗ ăn tối, phối hợp với phi công của anh ấy, làm bất kỳ việc gì cần làm. Thực tế, khi chúng tôi chuẩn bị cho buổi trình diễn ở bảo tàng, tôi nói chuyện với Winston khá thường xuyên qua điện thoại.”
Ambra thò tay vào túi chiếc áo khoác đuôi tôm của Langdon và lấy chiếc điện thoại vỏ ngọc lam của Edmond ra, khởi động máy. Langdon đã tắt nó đi lúc ở trong bảo tàng để tiết kiệm pin.
“Anh nên bật cả điện thoại của mình lên,” nàng nói, “như thế cả hai chúng ta đều tiếp cận được với Winston.”
“Cô không lo bị lần ra nếu chúng ta bật những thứ này lên sao?”
Ambra lắc đầu. “Giới chức không có thời gian để có được lệnh cần thiết của tòa án đâu, cho nên tôi nghĩ cứ mạo hiểm thôi – đặc biệt nếu Winston có thể cập nhật cho chúng ta tiến triển của Cận vệ và tình hình ở sân bay.”
Đầy băn khoăn, Langdon bật điện thoại của mình lên và nhìn nó khởi động. Khi màn hình cơ sở hiện ra, ông nheo mắt nhìn vào màn sáng và nhói lên cảm giác dễ bị tấn công, như thể ông vừa lập tức có thể bị mọi vệ tinh trong không gian định vị vậy.
Mày đã xem nhiều phim điệp viên quá rồi, ông tự nhủ.
Đột nhiên, điện thoại của Langdon bắt đầu phát ra những tiếng “ting ting” và rung lên khi cả một danh sách tin nhắn chưa nhận trong buổi tối hôm nay dồn tới. Langdon hết sức kinh ngạc khi nhận tới hơn hai trăm tin nhắn và e-mail kể từ lúc tắt điện thoại đi.
Trong khi lướt xem hộp thư, ông nhận thấy các tin nhắn đều từ bạn bè và đồng nghiệp của mình. Những e-mail đầu đều có dòng tiêu đề chúc mừng – Bài giảng tuyệt vời! Không tin nổi anh ở đó! Nhưng sau đó, rất đột ngột, giọng điệu của các tiêu đề chuyển sang lo lắng và vô cùng quan tâm, trong đó có một tin nhắn từ biên tập viên sách của ông, Jonas Faukman: CHÚA ƠI… ROBERT, ANH ỔN CHỨ??!! Langdon chưa bao giờ thấy vị biên tập viên uyên bác của mình sử dụng hoàn toàn chữ hoa hay dấu câu lặp thế này.
Cho tới lúc này, Langdon vẫn đang cảm thấy hoàn toàn vô hình trong bóng tối của sông nước Bilbao, như thể vụ việc bảo tàng chỉ là một giấc mơ đang tan dần.
Chuyện lan khắp thế giới, ông nhận ra như vậy. Tin tức về phát hiện bí mật và vụ sát hại tàn bạo của Kirsch… cùng với tên và gương mặt mình.
“Winston đang cố liên lạc với chúng ta,” Ambra nói, mắt đăm đăm nhìn quầng sáng từ chiếc điện thoại di động của Kirsch. “Edmond đã nhận được năm mươi ba cuộc gọi nhỡ trong nửa tiếng qua, tất cả đều từ cùng một số, đều đặn cách nhau đúng ba mươi giây.” Nàng cười khẽ. “Sự kiên trì không mệt mỏi này là một trong nhiều đức tính của Winston.”
Vừa hay, điện thoại Edmond bắt đầu đổ chuông.
Langdon mỉm cười với Ambra. “Tôi tự hỏi là ai không biết.”
Nàng chìa điện thoại cho ông. “Trả lời đi.”
Langdon nhận điện thoại và ấn nút loa. “Xin chào?”
“Giáo sư Langdon,” giọng Winston vang lên với ngữ điệu Anh quen thuộc. “Tôi rất mừng chúng ta lại liên lạc trở lại. Tôi vẫn đang cố gắng tiếp cận ngài.”
“Vâng, chúng tôi có thể thấy điều đó,” Langdon đáp, thấy ấn tượng rằng máy tính nghe hoàn toàn bình tĩnh và không hề bối rối sau năm mươi ba cuộc gọi nhỡ nối tiếp nhau.
“Có một vài diễn biến mới,” Winston nói. “Rất có khả năng cơ quan chức năng ở sân bay sẽ được cảnh báo tên ngài trước khi ngài đến. Một lần nữa, tôi nhắc ngài làm theo chỉ dẫn của tôi thật cẩn trọng.”
“Chúng tôi đang trong tay anh, Winston,” Langdon nói. “Cứ nói cho chúng tôi biết cần làm gì.”
“Việc trước tiên, thưa Giáo sư,” Winston nói, “nếu các vị chưa vứt bỏ điện thoại di động của mình, các vị cần làm việc đó ngay lập tức.”
“Vậy sao?” Langdon nắm chiếc điện thoại của mình chặt hơn. “Không phải là giới chức cần có lệnh của tòa án trước khi bất kỳ ai.”
“Có lẽ là trên một chương trình cảnh sát Mỹ thì vậy, nhưng các vị đang đương đầu với Cận vệ Hoàng gia và Hoàng cung Tây Ban Nha. Họ sẽ làm những gì cần thiết.”
Langdon nhìn chiếc điện thoại của mình, cảm thấy do dự một cách kỳ lạ khi phải bỏ nó. Cả cuộc đời mình nằm ở trong đó.
“Thế còn điện thoại của Edmond?” Ambra hỏi, nghe rất lo lắng.
“Không truy vết được,” Winston đáp. “Edmond luôn lo ngại chuyện bị đột nhập và gián điệp doanh nghiệp. Đích thân ông ấy đã viết một chương trình che phủ IMEI/IMSI chuyên thay đổi các giá trị C2 cho điện thoại của mình để qua mặt bất kỳ thiết bị chặn GSM nào.”
Dĩ nhiên cậu ấy làm vậy rồi, Langdon nghĩ. Với thiên tài tạo ra Winston, qua mặt một công ty điện thoại địa phương là chuyện dễ như ăn kẹo.
Langdon cau mày nhìn chiếc điện thoại hạ cấp thấy rõ của mình. Vừa lúc đó, Ambra đưa tay và nhẹ nhàng lấy nó khỏi tay ông. Không nói lời nào, nàng đưa nó qua hàng rào chắn và buông tay. Langdon nhìn chiếc điện thoại rơi bõm xuống làn nước đen sì của Sông Nervión. Khi nó biến mất bên dưới mặt nước, ông cảm nhận được nỗi đau mất mát, cứ trân trân nhìn lại phía sau trong khi chiếc xuồng băng băng đi tới.
“Anh Robert,” Ambra thì thầm, “chỉ cần nhớ những lời nói khôn ngoan của Công chúa Elsa hãng Disney.”
Langdon quay lại. “Sao cơ?”
Ambra mỉm cười dịu dàng. “Cứ để vậy đi.”
CHƯƠNG 36
“Su misión todavía no ha terminado,” giọng nói trên điện thoại của Ávila rành rọt. Nhiệm vụ của anh chưa hoàn tất đâu.
Ávila ngồi thẳng đầy chăm chú trên ghế sau chiếc Uber trong khi nghe tin tức từ ông chủ của mình.
“Chúng ta gặp một tình thế phức tạp bất ngờ.” Người liên hệ với ông ta nói nhanh bằng tiếng Tây Ban Nha. “Chúng tôi cần anh chuyển hướng tới Barcelona. Ngay lập tức.”
Barcelona? Ávila đã được báo sẽ tới Madrid để giải quyết thêm việc.
“Chúng tôi có lý do để tin rằng”, giọng nói tiếp tục, “hai cộng sự của Kirsch đang tới Barcelona tối nay với hy vọng tìm cách kích hoạt bài thuyết trình của Kirsch từ xa.”
Ávila cứng người. “Chuyện đó có thể sao?”
“Chúng tôi chưa dám chắc chắn, nhưng nếu bọn họ thành công, rõ ràng nó sẽ đảo ngược toàn bộ công việc vất vả của anh. Tôi cần một người hiện diện ở Barcelona ngay. Kín đáo. Hãy tới đó càng nhanh càng tốt và gọi cho tôi.”
Nói xong câu đó, kết nối bị ngắt.
Kỳ lạ là tin xấu lại tạo cảm giác rất vui mừng với Ávila. Ta vẫn được cần đến. Barcelona xa hơn hẳn Madrid nhưng vẫn chỉ là vài tiếng với tốc độ tối đa trên một siêu xa lộ vào lúc nửa đêm. Không để phí một khắc, Ávila giơ súng lên và gí vào đầu người lái Uber. Hai tay người ấy trên vô lăng căng cứng thấy rõ.
“Llévame a Barcelona,” Ávila ra lệnh. (Llévame a Barcelona nghĩa là Đưa ta tới Barcelona!)
Người lái xe thoát ở lối ra tiếp theo, chạy về phía Vitoria-Gasteiz, cuối cùng tăng tốc vào xa lộ A-1, thẳng tiến về phía đông. Hai phương tiện khác duy nhất trên đường vào giờ này là hai chiếc đầu kéo ầm ầm như sấm, lao vun vút để hoàn tất chặng đường tới Pamplona, rồi Huesca, tiếp đến là Lleida, và cuối cùng tới một trong những thành phố cảng lớn nhất ở Địa Trung Hải – Barcelona.
Ávila chắc chắn không tin vào chuỗi sự kiện lạ lùng đã đưa ông ta đến thời khắc này. Từ vực sâu nỗi tuyệt vọng thăm thẳm nhất của ta, ta vươn tới thời khắc phụng sự vinh quang nhất của mình.
Trong một khoảnh khắc u tối, Ávila vụt quay lại hố sâu không đáy đó, trườn ngang qua bàn thờ sặc sụa khói tại Nhà thờ lớn Seville, sục tìm vợ và con mình trong đống đổ nát vương đầy máu me, chỉ để nhận ra rằng họ đã ra đi mãi mãi.
Suốt hàng tuần sau vụ tấn công, Ávila không rời khỏi nhà mình. Ông ta nằm run rẩy trên đi văng, bị hành hạ bởi một cơn ác mộng bất tận dù vẫn tỉnh táo, trong đó, lũ quỷ hung hãn kéo ông ta xuống một vực thẳm tăm tối, bủa vây ông ta trong bóng đen, sự cuồng nộ và tội lỗi đến nghẹt thở.
“Vực thẳm ấy là luyện ngục,” một nữ tu thì thào bên tai ông. Bà ấy là một trong số hàng trăm tư vấn viên giúp xoa dịu nỗi đau, được Giáo hội đào tạo để trợ giúp những người sống sót. “Linh hồn con đang bị mắc kẹt trong một ngục tù tăm tối. Tha tội là lối thoát duy nhất. Con phải tìm cách tha thứ cho những người làm việc này, hoặc cơn giận của con sẽ đánh gục con.” Bà làm dấu thánh giá. “Tha thứ là sự cứu rỗi duy nhất của con.”
Tha thứ ư? Ávila gượng nói, nhưng quỷ sứ đã bóp nghẹt họng ông ta. Thời điểm ấy, có cảm giác báo thù là sự giải thoát duy nhất. Nhưng báo thù ai? Chẳng hề có ai nhận trách nhiệm về vụ đánh bom cả.
“Ta nhận thấy những hành động khủng bố tôn giáo là không thể tha thứ,” nữ tu sĩ nói tiếp. “Thế nhưng, có thể sẽ hữu ích khi nhớ rằng tín điều của chính chúng ta đã từng mở ra một Tòa án dị giáo kéo dài hàng thế kỷ nhân danh Thiên Chúa của chúng ta. Chúng ta đã giết những người phụ nữ và trẻ em vô tội nhân danh những niềm tin của chúng ta. Vì chuyện này, chúng ta phải xin thế giới tha thứ và cả từ chính chúng ta. Và theo thời gian, chúng ta đã làm lành.”
Rồi bà đọc cho ông ta nghe từ Kinh thánh: “‘Đừng chống cự người làm ác, nếu bị ai tát má bên phải thì hãy đưa luôn má bên trái cho họ. Hãy luôn yêu kẻ thù, hãy làm điều tốt cho những người ghét mình, hãy làm phúc cho những người nguyền rủa mình và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình.’”