Nguồn cội – Dan Brown

“Tôi đồng ý… và chúng ta sẽ nhắc đến tín điều của Don Julián vào bất kỳ tuyên bố nào đức ngài đưa ra.”

“Và khi Hoàng tử Julián xuất hiện trước báo giới, đức ngài sẽ cần có ta ở bên cạnh, tay đặt lên vai ngài – một biểu tượng có sức thuyết phục cho thấy sự gắn kết mạnh mẽ của ngài với Nhà thờ. Hình ảnh duy nhất đó sẽ làm được nhiều để trấn an cả nước hơn là bất kỳ lời nào ông viết ra.”

Garza nổi xung.

“Thế giới vừa chứng kiến một vụ ám sát tàn bạo ngay trên đất Tây Ban Nha,” Valdespino tuyên bố. “Ở những thời khắc bạo lực, chẳng có gì vỗ về được bằng bàn tay của Chúa.”

CHƯƠNG 31

Cầu treo Széchenyi – một trong tám cây cầu ở Budapest – vươn dài hơn ba trăm mét ngang qua dòng sông Danube. Là một biểu tượng của sự kết nối giữa Đông và Tây, cây cầu được coi là một trong những cầu đẹp nhất thế giới.

Ta đang làm gì vậy? Giáo trưởng Köves tự hỏi, nhìn qua lan can xuống vùng nước tối đen cuộn xoáy phía dưới. Ngài Giám mục khuyên ta ở trong nhà kia mà.

Köves biết mình không nên mạo hiểm ra ngoài, thế nhưng bất cứ khi nào ông cảm thấy bất an, có gì đó ở cây cầu cứ luôn thôi thúc ông. Đã nhiều năm, ông đi bộ tới đây vào buổi tối để suy ngẫm trong khi ngắm nhìn cảnh tượng không chịu ảnh hưởng của thời gian, về phía đông, tại Pest, phần mặt tiền sáng trưng của Cung điện Gresham kiêu hãnh đứng đua tranh với những tháp chuông của Vương cung thánh đường Szent István. Về phía tây, ở Buda, tít cao trên đỉnh Đồi Castle, sừng sững những bức tường kiên cố của Lâu đài Buda. Và phía bắc, trên bờ sông Danube, những ngọn tháp duyên dáng của tòa nhà quốc hội, công trình lớn nhất ở Hungary, trải dài.

Thế nhưng, Köves ngờ rằng không phải khung cảnh này đã liên tục đưa ông tới Cầu Chain. Phải là gì đó hoàn toàn khác.

Những cái khóa.

Suốt dọc lan can cầu và những sợi cáp treo là hàng trăm ổ khóa – mỗi cái lại mang một cặp chữ cái khác nhau, cái nào cũng khóa chặt vĩnh viễn vào cây cầu.

Truyền thống là hai người yêu nhau sẽ cùng đi lên cầu này, khắc tên chữ cái đầu của mình lên một cái khóa, khóa chặt nó vào cây cầu và sau đó ném chìa khóa xuống nước sâu, nơi chìa bị mất vĩnh viễn – một biểu tượng cho sự gắn kết mãi mãi của họ.

Lời hứa hẹn đơn giản nhất, Köves nghĩ thầm, chạm tay vào một ổ khóa lủng lẳng. Linh hồn tôi khóa chặt với linh hồn em, mãi mãi.

Bất cứ khi nào Köves cần được nhắc nhở rằng tình yêu vô hạn có tồn tại trên thế giới, ông lại tới nhìn những ổ khóa này. Tối nay, ông có cảm giác giống như những tối ấy. Ông trân trân nhìn xuống dòng nước cuộn xoáy, ông cảm thấy như thể thế giới đột nhiên chuyển động quá nhanh với mình. Có lẽ ta không còn thuộc về nơi này nữa.

Những gì từng là những thời khắc một mình suy tưởng yên bình của cuộc sống – vài phút một mình trên xe buýt, hay đi bộ đi làm, hoặc đợi một cuộc hẹn – giờ đây tạo ra cảm giác không chịu nổi và mọi người đều hối hả vồ lấy điện thoại, tai nghe và những trò chơi của họ, không tài nào cưỡng lại được sự lôi kéo gây nghiện của công nghệ. Những phép mầu của quá khứ đang nhạt nhòa, bị đánh bại bởi sự thèm khát bất tận đối với những gì mới mẻ.

Lúc này, khi Yehuda Köves đăm đăm nhìn xuống nước, ông càng lúc càng cảm thấy mệt mỏi. Thị lực của ông dường như nhòe đi, và ông bắt đầu thấy những hình thù vô định dạng kỳ quái chuyển động bên dưới mặt nước. Đột nhiên, dòng sông trông như một cái nồi sủi lên toàn những sinh vật từ đáy sâu trỗi dậy.

A víz él,” một giọng nói vang lên sau lưng ông. “Nước còn sống.”

Giáo trưởng quay lại và nhìn thấy một cậu bé có mái tóc quăn và đôi mắt đầy hy vọng. Cậu bé khiến Yehuda nhớ lại chính mình những ngày tháng còn trẻ.

“Sao cơ?” giáo trưởng hỏi lại.

Cậu bé mở miệng nói, nhưng thay vì thốt ra tiếng, một âm thanh vo vo điện tử thoát ra từ cổ họng cậu ta và một luồng sáng trắng chói lòa lóe lên trong mắt cậu.

Giáo trưởng Köves choàng tỉnh, thở hổn hển, vẫn ngồi ngay đó trên ghế của mình.

“Oy gevalt!” (Oy gevalt! nghĩa là Ôi, lạy Chúa!)

Điện thoại trên bàn ông đang kêu inh ỏi và vị giáo trưởng già quay người, hốt hoảng nhìn khắp phòng làm việc của mình. Thật may, ông chỉ có một mình. Ông cảm nhận rõ tim mình đập thình thịch.

Quả là một giấc mơ kỳ lạ, ông nghĩ, gượng lấy lại nhịp thở.

Điện thoại vẫn reo, và Köves biết rằng vào giờ này, đó phải là Giám mục Valdespino, gọi đến để cung cấp cho ông tin cập nhật về chuyện đi lại của ông tới Madrid.

“Giám mục Valdespino,” giáo trưởng trả lời máy, vẫn còn cảm thấy mất phương hướng. “Tình hình sao rồi?”

“Giáo trưởng Yehuda Köves phải không?” một giọng nói lạ hoắc vang lên. “Ngài không biết tôi, và tôi không muốn dọa dẫm ngài, nhưng tôi cần ngài lắng nghe tôi cho kỹ.”

Köves đột nhiên tỉnh hẳn.

Giọng nói của phụ nữ nhưng có phần bị giấu giếm, nghe méo hẳn. Người gọi nói thứ tiếng Anh hấp tấp đá nhẹ ngữ điệu Tây Ban Nha.

“Tôi lọc âm giọng mình để bảo đảm bí mật. Tôi xin lỗi vì việc đó, nhưng chỉ lát nữa, ngài sẽ hiểu tại sao.”

“Ai thế nhỉ?!” Köves gặng hỏi.

“Tôi là một người giám sát – người không đánh giá cao những ai tìm cách che giấu sự thật trước công chúng.”

“Tôi… không hiểu.”

“Giáo trưởng Köves, tôi biết ngài đã tham dự một cuộc gặp kín với Edmond Kirsch, Giám mục Valdespino và Allamah Syed al-Fadl ba ngày trước tại tu viện Montserrat.”

Làm sao cô ta biết chuyện này?!

“Thêm nữa, tôi biết Edmond Kirsch cho ba người các ngài biết thông tin về phát hiện khoa học gần đây của anh ấy… và giờ đây ngài đang dính đến một âm mưu nhằm che giấu nó.”

“Sao cơ?!”

“Nếu ngài không nghe tôi cho kỹ, thì tôi đoán chừng sáng ra ngài sẽ chết, bị loại bỏ bởi cánh tay vươn dài của Giám mục Valdespino.” Người gọi ngừng lại. “Giống như Edmond Kirsch và Syed al-Fadl bạn ngài.”

CHƯƠNG 32

Cầu La Salve ở Bilbao bắc qua Sông Nervión ngay khu vực cận kề Bảo tàng Guggenheim, gần đến mức hai công trình thường có vẻ như hòa làm một. Rất dễ nhận lầm trụ đỡ trung tâm độc đáo – một kết cấu cao vút màu đỏ tươi có hình dáng như một chữ H khổng lồ – cây cầu có tên gọi “La Salve” từ những câu chuyện dân gian về những thủy thủ từ biển cả trở về theo dòng sông này và đọc kinh tỏ lòng biết ơn vì đã được về nhà an toàn.

Sau khi thoát ra từ phía sau tòa nhà, Langdon và Ambra nhanh chóng vượt khoảng cách ngắn giữa bảo tàng với bờ sông và giờ đang đợi, như Winston đã dặn dò, trên một lối đi trong bóng tối ngay bên dưới cây cầu.

Đợi gì nhỉ? Langdon thắc mắc, đầy do dự.

Trong lúc họ vẩn vơ trong bóng tối, ông nhận thấy thân hình mảnh mai của Ambra đang run rẩy dưới chiếc váy dạ hội rất đẹp của nàng. Ông cởi chiếc áo khoác đuôi tôm của mình và choàng lên vai nàng, vuốt cho phần vai xuôi xuống cánh tay nàng.

Rất bất ngờ, nàng đột ngột quay ngoắt sang và nhìn thẳng vào ông.

Nhất thời, Langdon sợ rằng mình vừa vượt quá giới hạn, nhưng nét mặt của Ambra không phải là sự khó chịu mà đúng hơn là nét mặt đầy biết ơn.

“Cảm ơn anh,” nàng thì thào, nhìn xoáy vào ông. “Cảm ơn anh đã giúp tôi.”

Mắt vẫn nhìn thẳng vào mắt ông, Ambra Vidal chìa tay, cầm lấy hai bàn tay Langdon và siết chặt trong tay nàng, như thể nàng đang cố hấp thụ lấy hơi ấm hay sự dễ chịu mà ông mang lại.

Sau đó, cũng rất nhanh, nàng buông tay.

“Tôi xin lỗi,” nàng thì thào. “Conducta impropia,” mẹ tôi hay nói vậy. (Conducta impropia nghĩa là Hành vi không đúng mực.)

Langdon cười trấn an nàng. “Tình tiết giảm khinh, mẹ tôi hay nói vậy.”

Nàng gượng cười, nhưng nụ cười không được lâu. “Tôi ốm mất rồi,” nàng nói, mắt nhìn đi chỗ khác. “Tối nay, những chuyện xảy ra với Edmond…”

“Thật kinh khủng… đáng sợ.” Langdon nói, biết rằng ông vẫn còn vô cùng sốc nên không thể diễn đạt đầy đủ được những cảm xúc của mình.

Ambra trân trân nhìn mặt nước. “Và cứ nghĩ rằng hôn phu của tôi, Don Julián, có liên can…”

Langdon nghe thấy cảm giác phản bội trong giọng nàng nhưng cảm thấy không biết chắc phải trả lời sao. “Tôi hiểu cảm giác đó thế nào,” ông nói, nhẹ nhàng tiếp cận vấn đề tế nhị này, “nhưng chúng ta thật sự không biết chắc. Có thể Hoàng tử Julián không hề biết trước về vụ giết người tối nay. Kẻ ám sát có thể hành động đơn độc, hoặc làm việc cho ai đó chứ không phải hoàng tử. Sẽ rất phi lý ở chỗ đức vua tương lai của Tây Ban Nha lại dàn dựng việc công khai ám sát một dân thường – đặc biệt việc đó lại có thể truy vết ngay tới ngài ấy.”

“Nó chỉ có thể truy vết ra bởi Winston phát hiện được Ávila là trường hợp bổ sung muộn vào danh sách khách mời. Có lẽ Julián nghĩ không ai phát hiện được ai mới là người kéo cò.”

Langdon phải thừa nhận nàng có lý.

“Tôi chưa bao giờ thảo luận về buổi thuyết trình của Edmond với Julián,” Ambra nói, quay lại phía ông. “Anh ấy nài nỉ tôi đừng tham dự và vì thế tôi đã cố trấn an anh ấy rằng việc can dự của tôi chỉ ở mức tối thiểu, rằng không là gì khác hơn là một màn trình chiếu video. Tôi nghĩ thậm chí tôi còn nói với Julián rằng Edmond sẽ công bố phát hiện của anh ấy từ một chiếc điện thoại thông minh.” Nàng ngừng lại. “Điều đó có nghĩa là, nếu họ thấy rằng chúng ta đã lấy được cái điện thoại của Edmond thì họ sẽ nhận ra phát hiện của anh ấy vẫn có thể được phát đi. Và tôi thật sự không biết Julián sẽ tiếp tục can thiệp đến mức nào.”

Langdon ngắm nhìn người phụ nữ xinh đẹp một lúc lâu. “Cô không hề tin hôn phu của mình phải không?”

Ambra hít một hơi thật sâu. “Sự thật là tôi không biết rõ anh ấy như anh tưởng đâu.”

“Vậy thì tại sao cô lại đồng ý cưới ông ấy?”

“Đơn giản thôi, Julián đặt tôi vào vị thế mà tôi không còn lựa chọn nào cả.”

Tác giả: