CHƯƠNG 30
Lực lượng an ninh tinh nhuệ và lâu đời nhất Tây Ban Nha – Cận vệ Hoàng gia – có một truyền thống oanh liệt từ thời trung đại. Các đặc vụ Cận vệ coi nhiệm vụ được thề trước Chúa của họ là bảo đảm an toàn cho hoàng gia, bảo vệ tài sản hoàng gia và danh dự của hoàng gia.
Tư lệnh Diego Garza – người cai quản gần hai nghìn quân Cận vệ – là một ông già đã ngoài sáu mươi tuổi hom hem và còi cọc với đôi mắt nhỏ, nước da ngăm đen, cùng mái tóc đen mỏng tèo bóng mượt vuốt ngược ra sau trên lớp da chỏm đầu lốm đốm. Những đường nét trông như thú gặm nhấm và vóc dáng nhỏ thó của ông ấy khiến Garza gần như vô hình trong một đám đông, rất hữu ích để ngụy trang sức ảnh hưởng cực lớn của ông ấy bên trong những bức tường cung điện.
Từ rất lâu, Garza đã học được rằng quyền lực thực sự bắt nguồn không phải từ sức mạnh thể chất mà từ ảnh hưởng chính trị. Quyền chỉ huy binh sĩ Cận vệ Hoàng gia chắc chắn mang lại cho ông quyền lực, nhưng chính sự hiểu biết chính trị mang tính tiên liệu của ông mới xác lập vị thế cho Garza như là một nhân vật được hoàng gia kỳ vọng có thể giải quyết nhiều vấn đề, cả cá nhân lẫn công việc.
Là một người đáng tin cậy để nắm giữ những bí mật, Garza chưa một lần làm lộ bí mật nào. Tiếng tăm của ông về sự cẩn trọng trước sau như một, cùng với khả năng phi thường trong giải quyết những vấn đề tinh tế, khiến ông trở thành người không thể thiếu với đức vua. Tuy nhiên, lúc này, Garza và những người khác trong cung đang đối mặt với một tương lai bất định khi mà vị vua già cả của Tây Ban Nha sống lay lắt những ngày cuối đời của ngài tại Cung điện Zarzuela.
Suốt hơn bốn thập kỷ, đức vua cai trị một đất nước hỗn loạn khi thiết lập chế độ quân chủ đại nghị sau ba mươi sáu năm độc tài đẫm máu dưới quyền vị tướng cực kỳ bảo thủ Francisco Franco. Kể từ khi Franco qua đời năm 1975, đức vua đã nỗ lực phối hợp cùng chính phủ củng cố tiến trình dân chủ của Tây Ban Nha, đưa đất nước chậm chạp nhích dần trở lại với cánh tả.
Với người trẻ, những thay đổi này quá ư chậm chạp.
Với những người theo chủ nghĩa truyền thống đang già đi, những thay đổi ấy lại quá hồ đồ.
Nhiều thành viên của giới quyền uy Tây Ban Nha vẫn quyết liệt bảo vệ chủ thuyết bảo thủ của Franco, đặc biệt là quan điểm của ông ta về Công giáo như một “tôn giáo nhà nước” và là xương sống đạo đức của quốc gia. Tuy nhiên, có một số lượng gia tăng nhanh chóng những người trẻ của Tây Ban Nha hoàn toàn đối lập với quan điểm này – thẳng thừng lên án thói đạo đức giả của tôn giáo có tổ chức và vận động cho việc tách bạch hơn nữa giữa nhà thờ và nhà nước.
Giờ đây, với một vị hoàng tử trung niên sắp bước lên ngai vàng, chẳng có ai dám chắc tân quốc vương sẽ ngả theo hướng nào. Trong nhiều thập kỷ, Hoàng tử Julián đã làm được công việc đáng nể là thực hiện những nghĩa vụ mang tính nghi thức của mình, phục tùng vua cha về những vấn đề chính trị và chưa từng một lần vô tình để ‘lộ bài’ những tín điều riêng của bản thân. Trong khi phần lớn các học giả nghi ngờ chàng sẽ còn tự do hơn cả cha mình nhưng thật sự chẳng có cách nào để đoán chắc cả.
Tuy nhiên, tối nay, bức màn đó sẽ được vén lên.
Trước những sự kiện chấn động ở Bilbao, và việc đức vua không có khả năng nói chuyện trước công chúng do sức khỏe của ngài, hoàng tử sẽ không còn lựa chọn nào khác là xem xét cẩn thận những sự kiện phiền phức lúc tối.
Một vài quan chức chính phủ cao cấp, trong đó có Thủ tướng, đã lên án kẻ sát nhân, và khôn khéo không vội bình luận gì thêm cho tới khi Hoàng cung đưa ra một tuyên bố – nhờ đó ‘ký thác’ toàn bộ mớ bòng bong ấy sang cho Hoàng tử Julián. Garza không lấy làm ngạc nhiên, sự liên quan của hoàng hậu tương lai, Ambra Vidal, đã làm cho vụ việc này trở thành một trái bom chính trị mà chẳng ai muốn mó tới.
Hoàng tử Julián sẽ được thử thách tối nay, Garza nghĩ, vội vã bước lên cầu thang lớn đi về phía khu căn hộ hoàng gia của cung điện. Ông ấy cần được hướng dẫn, và khi phụ hoàng của ông ấy không còn khả năng thì sự hướng dẫn đó phải từ ta mà ra thôi.
Garza sải bước hết chiều dài tiền sảnh khu nhà ở và cuối cùng đến trước cửa phòng hoàng tử. Ông hít một hơi thật sâu và gõ cửa.
Quái lạ, ông nghĩ thầm, không nhận được tiếng trả lời. Ta biết ông ấy ở bên trong. Theo Đặc vụ Fonseca ở Bilbao, Hoàng tử Julián vừa gọi từ khu nhà và đang cố gắng liên lạc được với Ambra Vidal để biết chắc nàng an toàn, điều mà, ơn Chúa, đúng là vậy.
Garza lại gõ cửa, cảm thấy thêm lo lắng khi vẫn không nhận được hồi đáp.
Ông hấp tấp mở khóa cửa. “Don Julián?” ông gọi khi bước vào bên trong.
Căn phòng tối om ngoại trừ ánh sáng chập chờn của chiếc máy thu hình trong phòng khách. “Xin chào?”
Garza vội vàng đi vào trong và thấy Hoàng tử Julián đang đứng một mình trong bóng tối, một cái bóng bất động đối diện ô cửa sổ nhô ra ngoài. Chàng vẫn phục sức tươm tất trong bộ âu phục may đo mà chàng mặc để dự các cuộc họp mặt tối nay, thậm chí còn chưa nới bớt cà vạt.
Im lặng quan sát, Garza cảm thấy bất an trước trạng thái xuất thần của hoàng tử. Cuộc khủng hoảng này có vẻ khiến ông ấy choáng váng.
Garza hắng giọng, báo hiệu sự hiện diện của mình.
Cuối cùng hoàng tử cũng lên tiếng, chàng nói mà không hề rời mắt khỏi cửa sổ. “Khi ta gọi cho Ambra,” chàng nói, “cô ấy không chịu nói chuyện với ta.” Ngữ điệu của Julián nghe bối rối nhiều hơn là tổn thương.
Garza không dám chắc phải trả lời sao. Căn cứ theo những sự kiện lúc tối, dường như khó hiểu là những suy nghĩ của Julián lại dành cho mối quan hệ của chàng với Ambra – một sự ước hẹn không dễ dàng ngay từ những bước mở đầu không lấy gì làm suôn sẻ.
“Thần thiết nghĩ cô Vidal vẫn còn sốc,” Garza khẽ nêu ý kiến. “Đặc vụ Fonseca sẽ đưa cô ấy tới chỗ ngài trong tối nay. Khi đó ngài có thể nói chuyện. Và cho phép thần nói thêm rằng thần đã nhẹ lòng khi biết rằng cô ấy an toàn.”
Hoàng tử Julián lơ đãng gật đầu.
“Kẻ nổ súng đang bị truy lùng,” Garza nói, cố thay đổi chủ đề. “Fonseca quả quyết với thần họ sẽ sớm tóm được kẻ khủng bố thôi.” Ông cố ý dùng cụm từ “kẻ khủng bố” với hy vọng kéo vị hoàng tử ra khỏi trạng thái mụ mẫm.
Nhưng hoàng tử chỉ gật đầu lơ đãng lần nữa.
“Ngài thủ tướng đã lên án vụ ám sát,” Garza nói tiếp, “nhưng chính phủ rất hy vọng rằng ngài sẽ đưa ra bình luận thêm… khi mà cô Ambra có liên quan đến vụ việc.” Garza ngừng lời. “Thần nhận thấy tình hình rất rắc rối, nếu xét đến chuyện đính ước của ngài, nhưng thần gợi ý ngài chỉ cần nói rằng một trong những điều ngài ngưỡng mộ nhất ở vị hôn thê của mình chính là tính độc lập của cô ấy, và dù ngài biết rằng cô ấy không hề chung quan điểm chính trị với Edmond Kirsch, nhưng ngài vẫn tán thưởng lập trường của cô ấy vì những cam kết của cô ấy trong vai trò giám đốc bảo tàng. Thần rất vinh hạnh được viết vài điều ra cho ngài, nếu ngài muốn? Chúng ta cần có một tuyên bố đúng lúc cho chương trình thời sự buổi sáng.”
Ánh mắt Julián vẫn không hề rời cửa sổ. “Ta muốn có cả ý kiến của Giám mục Valdespino về bất kỳ tuyên bố nào chúng ta đưa ra.”
Garza nghiến chặt hàm răng và cố nuốt sự bất bình của mình xuống. Tây Ban Nha thời hậu Franco là một nhà nước phi giáo phái, nghĩa là nó không còn có một tôn giáo nhà nước nữa và Nhà thờ không có nhiệm vụ có bất kỳ can dự gì vào các vấn đề chính trị. Thế nhưng, tình bạn gần gũi giữa Valdespino với đức vua luôn giúp cho giám mục có tầm ảnh hưởng khác thường trong các vấn đề thường nhật của hoàng gia. Rủi thay, quan điểm chính trị cứng rắn và nhiệt huyết tôn giáo của Valdespino không còn nhiều chỗ cho chuyện ngoại giao và tài ứng biến cần thiết để xử lý cuộc khủng hoảng tối nay.
Chúng ta cần tỏ thái độ tình cảm và sự khôn khéo chứ không phải giáo điều và pháo hoa!
Từ lâu Garza đã biết được rằng vẻ bề ngoài đoan chính của Valdespino che giấu một sự thật rất đơn giản: Giám mục Valdespino luôn phục vụ những nhu cầu của bản thân trước những nhu cầu của Chúa. Mãi cho tới gần đây, đó là chuyện Garza có thể bỏ qua, nhưng giờ đây, với cán cân quyền lực đang thay đổi trong hoàng cung, cảnh tượng lão giám mục lén tới bên Julián là nguyên nhân của một mối lo ngại đáng kể.
Valdespino quá gần gũi hoàng tử.
Garza biết rằng Julián vẫn luôn coi lão giám mục là “người trong nhà” – như một ông chú đáng tin cậy hơn là một chức sắc tôn giáo. Là bạn tâm tình gần gũi nhất của đức vua, Valdespino được giao nhiệm vụ trông nom việc phát triển đạo đức của chàng trai Julián, và ông ta đã làm việc đó bằng sự tận tụy và nhiệt thành – xem xét kỹ càng tất cả các thầy giáo của Julián, dẫn dắt hoàng tử đến với những học thuyết đức tin, và thậm chí còn khuyên giải ông ấy về những vấn đề tình cảm. Giờ đây nhiều năm sau, ngay cả khi Julián và Valdespino không gặp gỡ trực diện, mối quan hệ của họ vẫn rất khăng khít.
“Don Julián” Garza nói bằng giọng bình thản, “thần cảm thấy rất rõ rằng tình hình tối nay là chuyện mà ngài và thần nên xử lý riêng.”
“Vậy à?” giọng một người đàn ông vang lên trong bóng tối phía sau ông.
Garza xoay người lại, sững sờ nhìn một bóng ma mặc áo choàng ngồi trong bóng tối.
Valdespino.
“Ta phải nói rằng, thưa ngài Tư lệnh,” Valdespino rít lên, “ta cứ ngỡ rằng tất cả các người sẽ nhận ra các người cần đến ta tối nay như thế nào cơ đấy.”
“Đây là một tình thế chính trị,” Garza tuyên bố chắc nịch, “không phải chuyện tôn giáo.”
Valdespino giễu cợt. “Việc ông có thể đưa ra tuyên bố như vậy cho ta thấy rằng ta đã đánh giá quá cao sự nhạy bén chính trị của ông. Nếu ông muốn nghe ý kiến của ta, thì chỉ có một phản ứng thích hợp duy nhất cho cuộc khủng hoảng này. Chúng ta phải lập tức xác quyết với cả đất nước rằng Hoàng tử Julián là một người rất trọng tôn giáo, và rằng đức vua tương lai của Tây Ban Nha là một tín đồ Công giáo mộ đạo.”