Mỗi đứa trẻ có cách ăn uống khác nhau
Cả ba đứa trẻ mà chúng tôi vừa nhắc đến đều có thể ăn uống đúng cách. Có thể con bạn, cũng giống như Sebastian – ăn uống rất hợp lí – mặc dù đường tăng trưởng của bé có xu hướng “đi xuống”. Bạn sẽ đánh giá được việc ăn uống của con mình tốt hơn sau khi đọc chương đề cập về dinh dưỡng đúng cách cũng như các sai lầm bố mẹ có thể mắc phải khi cho con ăn. Khi bạn nhìn lại biểu đồ minh họa mà chúng tôi đã đưa ra, bạn sẽ thấy rằng ba đứa trẻ đều rất khác nhau, như cách “chúa đã tạo ra chúng vậy”, và cả ba đều rất ổn định. Mặc dù các chỉ số của Alexandra và Sebastian có khác so với giá trị trung bình, nhưng chúng ta cũng không cần quá phải bận tâm quá nhiều. Từ khi sinh ra, cả ba đứa trẻ đều tăng cân liên tục và đều đặn. Bố mẹ của chúng đều có thể hài lòng rằng con mình đã thực sự ăn uống đúng cách.
Khi con bạn khỏe mạnh, tỉnh táo và phát triển bình thường có nghĩa là con đã ăn uống đúng cách.
Kìm hãm hay kích thích sự tăng trưởng của trẻ?
Không phải lúc nào trẻ cũng phát triển đều đặn như trường hợp của Alexandra, Andrea và Sebastian. Biểu đồ ở các trang tiếp theo sẽ minh họa cho bạn thấy quá trình phát triển trọng lượng cơ thể trẻ theo từng độ tuổi thông qua hai ví dụ với Calvin và Teresa. Hai đường đồ thị của hai đứa trẻ diễn biến hoàn toàn khác nhau. Calvin và Terasa đều phát triển rất đồng đều và có chiều cao trung bình. Bạn sẽ biết được cân nặng của hai đứa trẻ phát triển như thế nào trong hai năm đầu đời.
“Đi xuống”
Qua đường cong tăng trưởng màu xanh của Calvin ta có thể thấy: khi sinh ra, cậu bé nặng 3,3 kg, tương đương với mức trung bình. Khi 2 tuổi, Calvin chỉ nặng có 10 kg, tương đối ít so với chiều cao 85 cm của cậu bé. Từ khi tròn 4 tháng tuổi, cậu bé dần dần có xu hướng nhẹ đi. Khi tròn 12 tháng tuổi, đường biểu đồ của Calvin đã chạm vào sát đường giới hạn phía dưới và cứ tiếp diễn như vậy. Chỉ có 3 trong số 100 đứa trẻ có cùng chiều cao giống Calvin. Liệu đó có phải là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng? Trong những tháng đầu đời, Calvin vẫn phát triển hoàn toàn “bình thường”. Vậy tại sao sau một năm cậu bé lại trở nên gầy như vậy?
Các chuyên gia gọi đường tăng trưởng của Calvin là hiện tượng “phát triển đi xuống”. Có thể nói, từ khi sinh ra đến khi 4 tháng tuổi, Calvin khá nặng. Từ tháng thứ tư trở đi, cậu bé bắt đầu tăng cân chậm dần, cuối cùng đạt đến ngưỡng tương ứng với cấu trúc di truyền của mình và dừng lại ở đó. Ngay cả đường biểu đồ của Calvin cũng được coi là bình thường.
Dĩ nhiên, bố mẹ Calvin có lí do để lo lắng khi cậu bé ăn uống ít đi và trở nên gầy hơn. Thật may mắn, Calvin vẫn rất khỏe mạnh, qua đó bé đã cho bố mẹ thấy rằng mình vẫn ổn. Chỉ khi Calvin gần tròn 3 tuổi họ mới thực sự tin rằng Calvin đang phát triển theo đúng hướng phù hợp với thể chất của mình.
Trường hợp của Calvin cũng là trường hợp thường thấy ở nhiều trẻ sơ sinh khi sinh ra thường khá nặng (từ 4 – 5 kg) rồi sau đó chững dần lại.
“Đi lên”
Đường biểu đồ của cô bé Teresa lại diễn biến hoàn toàn khác so với Calvin: Teresa ra đời sớm hơn 10 tuần so với dự định và chỉ nặng có 1,4 kg. Đầu tiên, cân nặng của cô bé có lên một chút ít, nhưng sau đó lại tăng rất nhanh. Sau khi tròn 1 tuổi, Teresa nặng 10,5 kg và cao 75 cm, tương đương với mức cân nặng và chiều cao trung bình ở độ tuổi của cô bé. Thậm chí khi tròn 2 tuổi, Vanesa còn nặng hơn so với mức bình quân những đứa trẻ còn lại.
Thuật ngữ chuyên môn được sử dụng để miêu tả quá trình phát triển này là “tăng trưởng bắt kịp”. Những đứa trẻ có dạng đường tăng trưởng giống như Teresa thường là trẻ sinh non. Vì thế, lúc mới sinh trẻ thường thấp và nhẹ cân. Trước hết, những đứa trẻ này phải tìm ra được con đường tăng trưởng của mình, sau đó “tăng tốc” như trường hợp của cô bé Teresa. Các bé đã tăng cân một cách ngoạn mục và tìm thấy được vị trí “chuẩn” của mình trên đường cong sinh trưởng.
Cân nặng lúc mới sinh không có nhiều ý nghĩa
Những ví dụ về Calvin và Teresa đã cho chúng ta thấy chiều cao và cân nặng của một đứa trẻ khi sinh ra không nói lên nhiều điều. Dạng sinh trưởng “đi xuống” hay “bắt kịp” như đồ thị ở trang bên được coi là bình thường.
Việc tăng cân có thể kích thích hoặc hãm lại trong năm đầu đời của trẻ.
Chỉ khi trẻ gần được 3 tuổi, những dấu hiệu về di truyền mới được nhận thấy rõ ràng hơn.
Chú ý với những lời khuyên thiếu cơ sở khoa học
Có lẽ các bạn sẽ tự hỏi: Vậy toàn bộ những đồ thị trên có nghĩa là gì, ngay cả khi quá trình phát triển về cân nặng, chiều cao theo độ tuổi bình thường, ổn định? Liệu thực sự có loại biểu đồ nào có thể chứng minh, chỉ ra được vấn đề liên quan hay không? Những biểu đồ như vậy là có, nhưng không nhiều, thậm chí rất ít! Thông thường, nếu bé nhà bạn khỏe mạnh, phát triển tốt thì bạn hoàn toàn không cần để ý tới những biểu đồ về phát triển cân nặng của bé. Mọi thứ không cần phải nhất thiết tuân theo đúng các chỉ số trong biểu đồ, ngay cả khi một số bác sĩ đưa ra những lời khuyên hoàn toàn trái ngược với sự phát triển thực tế của con bạn. Sau khi tôi mới sinh con trai, vẫn còn trong giai đoạn bú sữa, có một bậc phụ huynh tâm sự với tôi về con gái nhỏ của mình:
“Con gái tôi được 4 tháng tuổi và tôi vẫn cho bú mẹ đều đặn. Cách đây hai tuần, bác sĩ đã kiểm tra cân nặng cho bé và đưa ra kết luận là con gái tôi có cân nặng vượt quá mức cho phép so với chiều cao và tôi nên cho bé cai sữa mẹ, chuyển sang dùng Quark – loại sữa chua kết hợp với phô mai béo, như vậy con gái tôi sẽ gầy hơn. Điều đó thật khó tin!. Một đứa trẻ ăn sữa mẹ hoàn toàn thì không thể nào phát phì được! Ai cũng hiểu điều đó! Và cuối cùng tôi đã tìm đến một bác sĩ khác.”
Các bạn nên cẩn thận trước những tư vấn liên quan tới vấn đề thừa hay thiếu cân của con mình. Các bà mẹ nên chú ý: Ai muốn đưa ra kết luận chính xác cần tuân theo những bước sau:
- Quan sát thật kỹ đứa trẻ: Thể chất của bé có phát triển phù hợp với độ tuổi của bé không? Quan sát bố mẹ của bé: Có những gen di truyền nào đóng vai trò đối với sự phát triển của bé?
- Theo dõi biểu đồ phát triển cân nặng của bé.
Quá trình phát triển của bé có ổn định hay có gì bất thường không?
Sau những biểu đồ mô tả sự phát triển bình thường, ổn định của trẻ giới thiệu trước đó, bây giờ chúng tôi muốn các bạn tìm hiểu thêm hai biểu đồ theo dõi tiến trình phát triển hơi bất bình thường vẫn gặp trong các phòng khám nhi khoa.
Bé Sven: Rất ít khi cảm thấy đói bụng
Lúc mới sinh, Sven nặng 4,1 kg và như vậy cân nặng của bé vượt ngưỡng mức trung bình. Mẹ của Sven rất vui mừng khi thấy mình mát tay như vậy. Sven gần như không bao giờ la khóc. Trong sáu tuần đầu, Sven ngủ rất tốt, có thể kéo dài năm hoặc sáu tiếng một lần! Ban ngày Sven cũng ngủ rất nhiều. Khi bú sữa mẹ, bé không tỏ ra hào hứng và chỉ bú được vài phút thì ngừng. Tuy nhiên dường như Sven cảm thấy như vậy là đủ, vì bé có thể “chịu đựng” một vài giờ cho đến tận bữa ăn chính tiếp mà không cần ăn thêm bất cứ thứ gì. Ở trang sau, các bạn có thể quan sát được biểu đồ phát triển cân nặng của Sven trong 12 tháng đầu. Thông thường, các em bé mới sinh phát triển đặc biệt nhanh trong những tháng đầu. Trong vòng bốn tháng, rất nhiều bé có cân nặng gấp đôi so lúc mới sinh. Cân nặng của Sven trong những tuần đầu tăng ít hơn so với mức độ phát triển thông thường của bé. Tuy vậy, đó vẫn chưa phải là dấu hiệu khiến chúng ta phải lo ngại. Suy cho cùng, lúc mới sinh ra cân nặng của Sven đã nặng hơn so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kết luận rằng: Ở nhóm trẻ 4 tháng tuổi, trong khi Sven 3,5 tháng tuổi thì cậu bé nói chung vẫn không tăng cân thêm so với lúc được 6 tuần tuổi. Một câu hỏi đặt ra là điều đó đã xảy ra như thế nào? Sven đã hoàn toàn cai sữa! Tại sao cậu bé lại không bú nữa? Có lẽ các bé biết chúng cần ăn bao nhiêu là đủ.
Sven không phải là đứa trẻ quá hiếu động và có nhiều đòi hỏi. Cậu bé cũng không bao giờ thể hiện rõ những dấu hiệu khi nào cậu cảm thấy đói. Năm hoặc sáu tiếng không bú sữa mẹ là quá lâu đối với một đứa trẻ sơ sinh! Ngoài ra, khi cậu bú hết một bên sữa, mẹ cậu sẽ ngừng và ra hiệu cho cậu như vậy là “no” rồi và không để cậu bú nữa, Sven đã hoàn toàn không khó chịu điều đó, cậu không hề gào khóc. Một lần nữa, bà mẹ rất vui mừng vì cậu quá “dễ nuôi”.
Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Sven ít khi bú sữa mẹ và mỗi lần cậu đều bú rất ít. Bé chỉ bú sữa mẹ khi bé muốn, khi cơ thể bé hấp thụ tốt nguồn dinh dưỡng tuyệt vời này. Tuy nhiên, đối với trường hợp của Sven, cậu ngày càng bú ít đi, mà đáng lẽ trên thực tế cậu ngày càng phải cần sữa mẹ nhiều hơn. Như vậy, sữa mẹ bây giờ không còn thích hợp với Sven nữa.
Sven bắt đầu có dấu hiệu “tuyệt thực” với sữa mẹ. Đến lúc này, mẹ cậu bé mới đưa cậu tới gặp bác sĩ khi cân nặng của Sven trở nên rất đáng lo ngại. Chính vì vậy, chúng tôi đã không còn cách nào khác khi đưa ra giải pháp cho trường hợp ngoại lệ đối với Sven: Bón cho Sven ăn. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Sven đã bắt đầu tăng cân và khi được 6 tháng thì cậu bé đã lại tìm thấy vị trí của mình trên biểu đồ về sự phát triển cân nặng.