Căng thẳng làm hại dạ dày
Một điều kiện môi trường khác có thể ảnh hưởng tới cảm giác ngon miệng của trẻ là sự căng thẳng. Áp lực này xuất hiện trước hết do không khí nặng nề trên bàn ăn, do mối quan hệ không hòa hợp giữa bố mẹ và con cái hoặc do áp lực bị bố mẹ ép ăn. Trẻ phản ứng lại bằng cách ăn uống chán nản, thậm chí không hề muốn ăn gì.
Kết luận
Có thể bạn đã nhận ra rằng, những tình huống mà chúng tôi đề cập trên đây hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc mà chúng tôi đã đưa ra:
- Bạn sẽ quyết định cho trẻ ăn món gì. Khi thực đơn bạn chuẩn bị luôn đa dạng và cân bằng thì sẽ không còn tình trạng con bạn ăn quá ít, quá nhiều hay sai cách. Con bạn chỉ “quá gầy” khi bạn không cho trẻ ăn đủ hay khi trẻ bị ốm nặng. Ngoài ra, điều kiện môi trường cũng có thể tác động đến việc con bạn sẽ béo hay gầy hơn mong muốn của bạn.
- Việc khi nào cho ăn và cho ăn như thế nào cũng là trách nhiệm của bạn: Việc trẻ vừa ăn vừa xem ti vi hoặc ăn uống không khoa học cũng là nguyên nhân khiến trẻ “thừa cân”. Cách thức cho trẻ ăn cũng có mối liên hệ mật thiết với không khí gia đình trên bàn ăn.
- Con bạn sẽ quyết định mình ăn bao nhiêu là đủ. Bạn không thể dựa vào lượng thức ăn mà trẻ nạp để kết luận rằng con ăn quá ít hay quá nhiều. Trẻ ăn uống tùy theo nhu cầu năng lượng và cảm giác. Bạn hãy tin tưởng rằng con mình có thể tự chủ được điều đó. Bạn có thể động viên trẻ bằng những câu nói như: “Con cứ thế này là tốt đấy.” Qua đó, bạn đã khích lệ và khiến con mình cảm thấy tự tin vào bản thân mình.
Quá béo hay quá gầy: Biểu đồ tăng trưởng nói lên điều gì?
CÓ MỘT CÁCH ĐƠN GIẢN GIÚP BẠN CÓ THỂ THEO DÕI sự phát triển và cân nặng của trẻ: đưa con đi khám đều đặn tại các phòng khám nhi. Trong mỗi lần kiểm tra, trẻ sẽ được cân và đo chiều cao. Các bác sĩ nhi khi đó sẽ thực hiện thao tác điền chỉ số cân nặng và chiều cao của trẻ vào biểu đồ tăng trưởng trong sổ khám bệnh.
Quá cao hay quá thấp?
Qua biểu đồ được phác họa ở trang 46, bạn sẽ nhận biết được con mình là cao hay thấp so với trẻ cùng độ tuổi. Trong ví dụ mà chúng tôi đưa ra, bạn sẽ quan sát được biểu đồ tăng trưởng của cô bé 4 tuổi Alexandra. Với chiều cao 96 cm, cô bé được cho là thấp, trong khi có tới 97 trong số 100 đứa trẻ cùng tuổi với Alexandra lại cao hơn cô bé. Tuy vậy, quá trình tăng trưởng của cô bé lại diễn ra bình thường và đều đặn. Bố mẹ của Alexandra cũng không cao. Điều đó đồng nghĩa với việc chiều cao của Alexandra hoàn toàn tương thích với cấu trúc di truyền của mình. Tất cả quá trình phát triển của cô bé đều diễn ra bình thường.
Chiều cao không đóng một vai trò nào trong quá trình phát triển đều đặn của con bạn, như trường hợp của cô bé Alexandra. Việc con bạn cao bao nhiêu phụ thuộc rất lớn vào yếu tố di truyền. Khi trẻ ngừng lớn, các bác sĩ nhi sẽ phải kiểm tra thật kĩ càng, vì việc gián đoạn tăng trưởng có thể là dấu hiệu của một loại bệnh lý.
Liệu rằng một đứa trẻ có thể trở nên quá cao hay không? Cũng có những đứa trẻ khác biệt hẳn so với bạn bè cùng tuổi về chiều cao, thậm chí còn cao hơn cả một cái đầu. Nhưng đây cũng sẽ là nhược điểm đối với trẻ, vì trông trẻ khi đó sẽ già dặn hơn và mọi người sẽ trông đợi nhiều thứ ở chúng hơn so với những trẻ cùng tuổi khác.
Việc con bạn tăng trưởng và cao lên rất nhanh cũng có thể là dấu hiệu của một loại bệnh lí. Con bạn lớn lên đơn giản là do bản năng. Khi đồ thị tăng trưởng không diễn biến một cách đều đặn và bất chợt “bùng lên” ở giai đoạn sau, bạn hãy đưa con bạn đến bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu mọi thứ có nằm trong “mức báo động xanh” hay không. Trong một số rất ít các trường hợp ngoại lệ, cần phải can thiệp bằng một loại hoóc môn có tác dụng thúc đẩy quá trình dậy thì diễn ra sớm hơn và chấm dứt quá trình tăng trưởng.
Quá nhẹ cân hay nặng cân?
Đặc biệt thú vị chính là đường biểu đồ thứ hai mà bạn có thể thấy ở bảng bên. Qua biểu đồ này, bạn có thể thấy được liệu chiều cao và cân nặng của con mình có tương xứng với nhau hay không và cân nặng của trẻ diễn biến như thế nào. Bạn hãy quan sát xem các giá trị ấy của trẻ có nằm ở giữa biểu đồ, hay nằm sát với trục tung hoặc trục hoành hay không? Liệu đường biểu đồ của trẻ có xu hướng tiến lên trên hay đi xuống dưới? Biểu đồ cong đều hay có đoạn bị gấp khúc? Đâu là bình thường, đâu là tín hiệu đáng báo động và đâu là lúc bạn phải chăm sóc, để ý trẻ đúng cách hơn?
Biểu đồ sau sẽ cho bạn thấy quá trình phát triển về chiều cao và cân nặng trong bốn năm đầu của trẻ diễn ra như thế nào. Chúng tôi đưa vào biểu đồ các chỉ số của ba đứa trẻ gồm Andrea, Alexandra và Sebastian. Tất cả đều 4 tuổi, trong đó Andrea cân nặng “bình thường”, Alexandra “nhẹ cân” và Sebastian – cậu bé “nặng cân”. Chiều cao và cân nặng của ba đứa trẻ phát triển hoàn toàn khác nhau. Alexandra cao 96 cm và chỉ nặng có 12 kg, trong khi Sebastian nặng gần gấp đôi với 20 kg nhưng cũng chỉ cao hơn có 10 cm. Andrea đứng ở giữa với 100 cm chiều cao và 16 kg cân nặng. Vậy ba đường biểu đồ khác biệt của ba đứa trẻ nói lên điều gì?
Andrea: cô bé “bình thường”
Cũng giống như trong sổ theo dõi khám bệnh của trẻ, đường biểu đồ có giới hạn phía trên và phía dưới. Chỉ số của phần lớn trẻ nhỏ sẽ nằm ở vùng giữa như trường hợp của Andrea. Từ khi sinh ra tới lúc lớn lên, Andrea luôn đạt mức cân nặng trung bình so với chiều cao của cô bé. Trong suốt bốn năm đầu đời, cân nặng của Andrea luôn phát triển liên tục và đều đặn. Không nghi ngờ gì nữa: Đường tăng trưởng của cô bé là hoàn toàn hợp lí. Điều đó đồng nghĩa với việc Andrea đã ăn uống đúng cách.
Mặc dù vậy, mẹ Andrea lại luôn nghĩ rằng con gái mình ăn quá ít. Cứ mỗi lần đưa con đi khám, chị luôn kể về lượng thức ăn ít ỏi mà Andrea ăn hàng ngày và không quên than phiền: “Chừng nấy làm sao đủ mà sống được!”. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại đưa cho mẹ Andrea xem biểu đồ tăng trưởng của con mình để chứng minh rằng Andrea đang phát triển tốt. Nhưng cô ấy luôn tỏ ra ngờ vực cho tới khi chúng tôi cùng nhau thảo luận xem kí ức thơ ấu nào đã khiến cô luôn nghi ngờ một cách cứng nhắc đến như vậy.
Alexandra: cô bé “nhẹ cân”
Sẽ như thế nào nếu các chỉ số của trẻ luôn nằm dọc theo đường giới hạn phía trên của biểu đồ, như đường tăng trưởng màu xanh lá cây của Alexandra? Ở trang 49, chúng ta đã nhìn thấy đường cong tăng trưởng của cô bé. Ở lứa tuổi của mình, Alexandra được coi là thấp, không những vậy, cô bé còn rất nhẹ cân. Điều đó cho chúng ta thấy cân nặng và chiều cao của Alexandra phát triển không hề tương xứng nhau. Chỉ có 3 trong 100 trẻ nhẹ cân như Alexandra, thậm chí có trẻ còn nhẹ hơn nữa.
Bạn hãy so sánh xem đường cong tăng trưởng của con mình có giống so với của Alexandra hay không? Có nằm dọc theo, hay thậm chí vượt qua đường giới hạn phía trên của biểu đồ hay không? Nếu đúng như vậy thì con bạn chắc chắn cũng là một đứa trẻ gầy như Alexandra, nhưng liệu như thế có bị coi là quá gầy hay không? Không hẳn như vậy, dựa vào đường đồ thị tăng trưởng, bạn sẽ nhận biết được con mình có tăng cân đều đặn, có năng động tỉnh táo, khỏe mạnh hay không? Nếu bạn – giống như bố mẹ của Alexandra, đều đưa ra câu trả lời “có” cho mỗi câu hỏi trên thì con bạn hoàn toàn không quá gầy. Trẻ có được thân hình như vậy đơn giản là do được thừa hưởng từ bố hoặc mẹ, như trường hợp của Alexandra và sẽ nằm trong số 3% trẻ em gầy ở Đức. Tỉ lệ này luôn tương đương với khoảng nửa triệu trẻ. Trong số đó có một số trẻ thường bị ốm và cần phải điều trị (trường hợp này hầu như không xảy ra đối với trẻ có cân nặng trung bình), số còn lại đều khỏe mạnh và ăn uống hợp lí.
Bố mẹ của Andrea không hiểu rõ nguyên nhân và khó lòng chấp nhận rằng con gái họ đang phát triển theo cấu trúc di truyền rất tốt, ngay cả khi Alexandra thấp, gầy, nhẹ cân và ăn ít. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều ăn ủi họ: “Ông bà hãy nhìn con của mình xem. Trông nó thật năng động, hoạt bát và xinh xắn. Ở cô bé luôn toát lên cảm giác yêu đời. Alexandra đã cho ông bà thấy mình khỏe mạnh tới mức nào. Mọi thứ với cô bé đều ổn, kể cả việc ăn uống.”
Sebastian: cậu bé “nặng cân”
Sebastian lại hoàn toàn khác: Đường biểu đồ màu xanh của cậu bé có chiều hướng đi xuống và chạy dọc theo đường giới hạn phía dưới. Vậy đường chỉ số của con bạn có giống của Sebastian không? Hay thậm chí còn chúc xuống dưới hơn nữa? Nếu vậy, con bạn cũng giống như Sebastian – có vẻ hơi nặng so với chiều cao của mình. Đứa trẻ khi đó trông sẽ thật “mũm mĩm”. Chỉ có 3% trẻ em gặp phải trường hợp như của Sebastian. Chúng có thể nặng bằng hoặc thậm chí nặng hơn cả Sebastian. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu con bạn khi đó có bị coi là “quá béo”? Không phải như vậy! Qua biểu đồ, bạn sẽ nhận biết được con mình có tăng cân đều đặn hoặc đột nhiên tăng vọt lên hay không? Có năng động và khỏe mạnh hay không? Bố mẹ của Sebastian đã không mắc bất cứ sai lầm nào trong việc cho Sebastian ăn cũng như thiết lập các nguyên tắc trong việc ăn uống của con mình: ăn cái gì và như thế nào, tất cả mọi thứ đều ổn. Nhưng tại sao cậu bé lại thừa cân? Trẻ nặng cân không có nghĩa là trẻ “béo”. Sebastian là một ví dụ. Cậu bé rất khỏe mạnh và “lực lưỡng”, trong khi tỉ lệ mỡ trong cơ thể Sebastian lại không quá cao. Sự tăng trưởng của Sebastian hoàn toàn phù hợp với cấu trúc di truyền mà mình nhận được từ bố mẹ. Đường biểu đồ của Sebastian còn cho ta thấy cậu bé đã ăn uống đúng cách. Bố mẹ Sebastian không khó để đón nhận cậu con trai với vóc dáng của một “vận động viên cử tạ”. Cả hai đều không được thon thả cho lắm: Trông họ như những người “mập mạp vui tính”. Cha của Sebastian hiện đang là một huấn luyện của một câu lạc bộ bóng đá. Mọi thành viên trong gia đình cậu bé đều có “sức mạnh”.