Sau 6 tháng, cả ba đứa trẻ đều trong tình trạng sức khỏe tốt. Sự tăng trưởng, những biểu hiện bên ngoài và các hoạt động của ba đứa trẻ đều diễn ra rất tốt. Chúng đã tự kết hợp món ăn rất tốt, thậm chí việc tổ chức, kiểm soát ăn uống của ba đứa trẻ còn hoàn toàn phù hợp với các giá trị chuẩn ngày nay.
Vậy liệu người ta có thể kết luận rằng trẻ sinh ra đã có khả năng lựa chọn món ăn sao cho phù hợp về chất và lượng hay chưa? Không hoàn toàn vậy. Có thể bạn sẽ nhận thấy trong thực đơn của Earl, Donald và Abraham hoàn toàn thiếu: kem, sô cô la, bánh ngọt, khoai tây chiên, đường, v.v… Điều đó có nghĩa rằng những đứa trẻ trong cuộc thử nghiệm trên đã được cung cấp một chế độ ăn uống đầy đủ. Với khẩu phần ăn này, cả ba đứa trẻ đã chọn lựa các món ăn một cách hợp lí để phát triển theo cách tốt nhất. Không ai trong số chúng ăn quá ít, quá nhiều hay lệch về một món nào đó. Nhưng sẽ ra sao nếu những món ăn liệt kê trong cuộc thử nghiệm kể trên được mua từ siêu thị và đặt vào khay cho ba đứa trẻ? Và ngày nay thật khó có thể tưởng tượng việc tiến hành một cuộc thử nghiệm tương tự như vậy sẽ diễn ra thế nào, nhất là khi chúng ta cho thêm vào khay thức ăn những đồ ăn cực kì ngọt và béo. Tuy nhiên, người ta có thể hình dung ra được kết quả, rất nhiều các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sinh ra đã thích ăn đồ ngọt. Rất có thể khi đó, Earl, Abraham và Donald sẽ ưu tiên lựa chọn đường, sô cô la và kem hơn so với các loại thức ăn giàu dinh dưỡng nhưng không ngọt khác. Việc cân bằng cảm giác ngon miệng, trao đổi năng lượng và cân nặng của ba đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi những đồ ăn được chế biến chứa nhiều ngọt và chất béo ấy.
“Chế độ ăn kiêng bằng đồ ăn từ siêu thị” dành cho chuột
Các cuộc thí nghiệm về chủ đề ăn uống cũng được tiến hành ở động vật. Động vật không bao giờ ăn nhiều quá, ngay cả khi chúng được cung cấp các loại thức ăn phù hợp cũng như nhiều hơn so với tiêu chuẩn. Chừng nào vẫn còn khỏe mạnh, chúng sẽ không bao giờ ăn quá ít. Nhưng động vật cũng rất thích đồ ngọt. Trong một thí nghiệm, những chú chuột trong phòng thí nghiệm được cung cấp một “chế độ ăn từ siêu thị” gồm bánh ngọt, sô cô la, bơ thực vật và phô mai. Những con chuột đã không thể kìm nén được và ăn thả phanh. So với “đồng loại” được cho ăn bình thường của mình, cân nặng của chúng tăng gấp hơn hai lần. Việc cho ăn không giới hạn đường và chất béo đã khiến những chú chuột quên đi mất mình cần ăn gì và ăn bao nhiêu để tồn tại.
Tạo điều kiện tốt cho trẻ
Vậy loài người có thể rút ra kinh nghiệm gì cho việc ăn uống của con cái? Việc cho trẻ thoải mái tiếp cận những thực phẩm được chế biến công nghiệp chứa nhiều đường và chất béo sẽ gây ra tình trạng trẻ ăn quá nhiều và thừa cân. Điều này cũng không quá ngạc nhiên. Sự thú vị lại nằm ở câu hỏi: Vậy đối với nguyên tắc ăn uống đúng cách thì những kết quả trên có ý nghĩa gì? Điều này đã được dự đoán từ trước: Chúng hoàn toàn trùng hợp với nhau.
- Với một thực đơn vừa đủ và đa dạng, khi trẻ được tự mình quyết định sẽ ăn bao nhiêu thì sẽ không có chuyện trẻ ăn ít hay kén ăn.
- Việc cho phép trẻ tự do ăn đồ ngọt và đồ béo sẽ phá hỏng khả năng kiểm soát nội tại của trẻ về nhu cầu và lượng thức ăn cần dung nạp. Điều đó có thể khiến trẻ ăn quá nhiều hoặc chỉ thiên về một món.
Vì vậy các bậc cha mẹ phải quyết định xem sẽ cho trẻ ăn những gì. Liệu rằng bữa ăn bạn đã chuẩn bị có đa dạng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng hay không? Hoặc liệu rằng bạn đã giới hạn đồng thời việc ăn uống những đồ chứa nhiều ngọt và chất béo của con mình hay chưa? Chỉ như vậy, con bạn mới có thể lựa chọn đúng đắn cũng như tự mình quyết định xem có muốn ăn hay không và ăn bao nhiêu. Những điều này sẽ khơi dậy khả năng bẩm sinh sẵn có trong trẻ về việc định hướng ăn uống theo nhu cầu của bản thân. Khi đó, trẻ sẽ ăn vừa đủ chứ không ăn quá nhiều.
Trẻ nhỏ có khả năng định hướng ăn uống theo nhu cầu
Trẻ nhỏ có khả năng hấp thụ dinh dưỡng tối ưu hơn so với những trẻ lớn và người trưởng thành. Tại sao lại như vậy? Sữa mẹ luôn là thực đơn lí tưởng đối với trẻ nhỏ. Khi đó, trẻ có thể tự quyết định được lượng sữa mình muốn uống. Đói – uống sữa – no. Quy luật chỉ đơn giản như vậy. Khi đó, người mẹ hoàn toàn không cần biết mức sữa mà con mình cần uống.
Thậm chí, trẻ nhỏ còn khá kén chọn. Chúng chỉ ưu tiên những thứ mà chúng biết, không bị ảnh hưởng bởi quảng cáo hay các chỉ số thân hình lí tưởng. Lượng thức ăn cần nạp ở trẻ luôn được điều chỉnh một cách hoàn hảo theo trạng thái đói và no.
Thí nghiệm “Tăng gấp đôi khẩu phần ăn”
Một nghiên cứu rất thú vị đã được thực hiện vào năm 1991 với đối tượng là trẻ nhỏ từ 2 – 5 tuổi. Những đứa trẻ sẽ ở nhà và được cho ăn năm bữa một ngày, trong đó có ba bữa chính và hai bữa phụ. Khẩu phần ăn được cung cấp rất đa dạng và cân bằng. Thỉnh thoảng có thể cho bé ăn các món ngọt. Điều đặc biệt trong thí nghiệm này nằm ở chỗ: Mỗi bữa, khẩu phần ăn của trẻ sẽ được cho thêm gấp đôi lượng thức ăn bình thường và trẻ được quyền quyết định sẽ ăn bao nhiêu trong số đó. Một lần nữa, kết quả lại chỉ ra rằng trẻ chỉ ăn đủ lượng mình cần chứ không ăn hơn. Nhưng cũng xuất hiện sự chênh lệch lớn về lượng từ bữa này sang bữa khác: Có lúc trẻ hầu như không ăn gì, có khi lại ăn rất nhiều. Mặc dù vậy, lượng thức ăn trẻ nạp vào mỗi ngày đều giống nhau. Khi trong ngày có một bữa trẻ ăn rất nhiều thì bữa kế tiếp trẻ ăn rất ít hoặc không ăn gì và ngược lại. Thật thú vị khi trẻ có khả năng kiểm soát tuyệt vời đến vậy. Những ảnh hưởng từ bên ngoài sẽ trở nên mạnh hơn khi trẻ ngày càng lớn.
Cách ăn uống của người lớn chưa hẳn đã khoa học
Người lớn ăn uống rất phức tạp, việc lựa chọn thức ăn phải phụ thuộc vào nhiều thứ như khẩu vị, văn hóa, truyền thống, thói quen, túi tiền, trí tò mò, quan niệm về sắc đẹp, hình thể, sức khỏe và thời gian nấu nướng. Và hệ thống bên trong cơ thể có thể nhận biết và biết rõ hơn ai hết nhu cầu của bản thân sẽ bị đè nén bởi những yếu tố kể trên.
Vậy lượng thức ăn thế nào là đủ? Có phải người lớn sẽ ăn khi đói và dừng lại khi no hay không? Trong trường hợp này, “tiếng nói từ bên trong cơ thể” lại một lần nữa bị lấn át. Chúng ta ăn vì phép lịch sự, xã giao, do buồn chán, lo lắng hoặc do thói quen. Chúng ta dừng khi đĩa đã hết thức ăn, vì thấy mình quá béo hay chỉ vì chúng ta không có thời gian để ăn nữa. Việc chúng ta ăn gì hay ăn bao nhiều thường không dựa trên nhu cầu. Các yếu tố ngoại cảnh đã ảnh hưởng không ít đến thói quen ăn uống của người lớn.
Nhưng không phải lúc nào người lớn cũng có thể đánh lừa hệ thống kiểm soát bên trong cơ thể của mình. Nó sẽ cản trở, khi chúng ta cố gắng gạt phăng đi nhu cầu về ăn uống của cơ thể. Nếu bạn đã từng thực hiện chế độ ăn kiêng 1000 calo, bạn sẽ hiểu tôi đang nghĩ gì. Đối với những hình thức ăn kiêng, việc điều chỉnh nhu cầu cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng không còn hiệu lực. Cơ thể của bạn sẽ phản ứng với những sự thay đổi và gióng lên hồi chuông báo động: “Cứu với! Đói quá!” Nhưng ý chí của bạn lại mạnh mẽ hơn. Trên thực tế, bạn sẽ giảm được một vài cân.
Chế độ ăn kiêng càng khắc nghiệt bao nhiêu thì càng dễ xảy ra tình trạng sau: Bạn dừng ăn kiêng. Khi đó cơ thể bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm: “Cơn đói đã qua rồi! Chế độ ăn lại đầy đủ trở lại rồi! Tranh thủ nạp lại và dự trữ cho các lần sắp tới thôi!” Hệ thống kiểm soát nội bộ của bạn không thể biết được rằng, ở Đức từ đầu thế kỉ XXI không còn nạn đói nữa. Bạn sẽ tăng cân trở lại trong thời gian rất ngắn và trở nên nặng hơn so với trước khi ăn kiêng. Người ta gọi đây là hiệu ứng “Jo – Jo”. Hiệu ứng này chỉ cho chúng ta thấy các yếu tố ngoại cảnh có thể có tác động tiêu cực như thế nào. Chúng ta cần biết rõ điều đó để tạo ra các nguyên tắc cho con mình để quy định xem trẻ phải ăn bao nhiêu?
Trẻ con có một hệ thống kiểm soát nội bộ không thể làm giả được. Chúng ta nên học từ trẻ.
Bé Laura thông minh
Câu chuyện kể về bé Laura dưới đây sẽ cho chúng ta thấy được hệ thống kiểm soát nội bộ và cơ thể của trẻ sơ sinh hoạt động hoàn hảo tới mức nào.
Laura mới được 6 tháng tuổi. Cô bé không được nuôi bằng sữa mẹ. Mẹ Laura cho con mình ăn sữa bột, loại sữa gần giống với sữa mẹ. Chính vì vậy mẹ cô bé luôn chú ý đến định lượng sữa cần phải pha cho con mình. Tuy vậy có một điều khiến mẹ cô hoàn toàn sửng sốt: Cô bé không uống hết lượng sữa mẹ mình đã pha theo hướng dẫn, mà chỉ uống được một phần nhỏ trong số đó. So với những đứa trẻ cùng tuổi, Laura tăng cân chậm hơn.
Mặc dù Laura vẫn khỏe mạnh và hoạt động bình thường nhưng mẹ cô bé rất lo lắng. Mẹ Laura đã nghĩ ra một ý tưởng: pha thêm bột ngũ cốc vào sữa cho bé. Khi Laura uống quá ít sữa, thì ít ra nó cũng có đủ chất, bà mẹ nghĩ. Vậy Laura phản ứng như thế nào? Cô bé thậm chí còn uống ít hơn lượng sữa “bình thường” trước kia, nhưng hàm lượng calo mà cô bé thu nạp được lại hoàn toàn giống nhau. Khi hệ thống kiểm soát nội bộ của Laura nói: “Đủ rồi.” là lúc cô bé dừng uống. Hệ thống của đứa trẻ này hoạt động thật tuyệt vời. Laura có thể tin tưởng vào “tiếng nói cơ thể” của mình, mẹ của Laura cũng vậy.
Trẻ béo hay gầy: Do nuôi dưỡng hay di truyền?
TẠI SAO LAURA QUÁ GẦY trong khi cậu bé hàng xóm cùng tuổi lại nặng gấp đôi? Tại sao Laura lại uống quá ít sữa so với cậu bé kia? Vậy câu hỏi chúng ta cần phải đặt ra là: Quá trình phát triển của hai đứa trẻ phụ thuộc chủ yếu vào đâu? Vào cách nuôi dưỡng hay do di truyền?
Di truyền có vai trò gì?
Tại viện nghiên cứu về dinh dưỡng trẻ em Dortmund, từ năm 1985 đã diễn ra một cuộc nghiên cứu về hành vi ăn uống của trẻ có tên là DONALD. Trong nhiều năm, trẻ có độ tuổi từ 3 – 6 tháng được theo dõi để nghiên cứu lượng ăn trong một ngày. Kết quả cho thấy có tồn tại sự khác biệt lớn giữa các đối tượng được nghiên cứu: Một vài trẻ sơ sinh “bình thường” uống không quá 600 ml sữa một ngày, trong khi những đứa trẻ khác uống nhiều hơn 900 ml sữa. Đối với những đứa trẻ 3 tuổi, sự khác biệt này còn lớn hơn: Có trẻ uống được 500 ml, có trẻ lại uống được 1000 ml. Điểm khác biệt giữa các trẻ nằm ở lượng dinh dưỡng mà trẻ cần để lớn lên và tăng trưởng một cách khỏe mạnh. Dựa vào lượng dinh dưỡng này ta không thể kết luận được liệu khối lượng đó là vừa đủ hay quá nhiều.