Các nhân tố gây bệnh khác bao gồm gia đình bất hòa và việc thiếu khả năng giải quyết mâu thuẫn. Trong một vài năm gần đây, người ta còn chứng minh được một số trường hợp mắc bệnh do những biểu hiện bất thường ở hệ thần kinh.
Cả những trải nghiệm với việc ăn uống trong những năm đầu đời cũng rất có thể là một nguyên nhân gây bệnh: trẻ nào mà khi còn bé đã bắt nạt và “lừa gạt” được bố mẹ bằng thói quen không chịu ăn của mình thì sẽ có xu hướng làm điều tương tự khi đến tuổi dậy thì. Hay trẻ nào mà khi còn bé không được phép ăn uống theo nhu cầu của cơ thể thì đến một lúc nào đó sẽ không còn khả năng cảm nhận được sự thèm ăn và do đó có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Chứng cuồng ăn (Bulimia)
Chứng ăn uống vô độ này không nguy hiểm bằng chứng biếng ăn tâm lý (Anorexia). Bệnh nhân không bị giảm cân quá trầm trọng. Phần lớn số người mắc bệnh có một trọng lượng cơ thể bình thường. Nguyên nhân nằm ở chỗ: một mặt, các cô gái trẻ mắc bệnh thường xuyên có các cơn thèm ăn không kiểm soát được và phải ăn ngấu nghiến một lượng thức ăn cực lớn. Nhưng vì không muốn bị tăng cân, họ lại chạy ngay vào phòng vệ sinh và nôn tất cả ra. Giữa hai cơn thèm ăn, họ thường cố gắng hạn chế lượng đồ ăn đưa vào cơ thể bằng việc nhịn ăn hoặc ăn kiêng – cho đến khi cơn đói dồn lại dần dần và dẫn đến cơn thèm ăn tiếp theo. Nhiều người còn dùng thêm các loại thuốc nhuận tràng hoặc thuốc giảm cân. Một vài người có thể giấu bệnh trong một thời gian dài. Thường thì bác sĩ nha khoa sẽ là người nhận ra căn bệnh: răng của bệnh nhân là bộ phận bị tổn thương đầu tiên. Tuy nhiên, việc nôn mửa liên tục như vậy về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ chế hoạt động của cơ thể.
Cũng như chứng biếng ăn tâm lý, rối loạn thực sự của những người mắc chứng cuồng ăn nằm trong trí óc của họ: bệnh nhân chú ý quá mức đến hình thể của mình. Nó gần như trở thành yếu tố duy nhất quyết định ý thức về giá trị bản thân của họ.
Ăn kiêng là nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra chứng cuồng ăn là gì? Câu trả lời là có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng có một nguyên nhân chắc chắn đó là: Thường những cơn thèm ăn dữ dội sẽ bắt đầu xuất hiện sau khi người bệnh áp dụng các chế độ ăn kiêng trong một thời gian dài. Như vậy, việc hạn chế ăn uống phản theo nhu cầu của cơ thể có thể gây ra chứng bệnh cuồng ăn. Ngoài ra, người ta đã chỉ ra rằng đối với những người này, việc ăn uống thường được hiểu một cách sai trái: ăn là để đánh lạc hướng, để làm giảm căng thẳng hoặc để thưởng cho bản thân. Ngược lại, việc ăn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể lại bị xếp vào hàng thứ yếu.
Phòng tránh các chứng rối loạn ăn uống
Không có gì đảm bảo chắc chắn là bạn sẽ ngăn chặn được các chứng rối loạn ăn uống xảy đến với con khi chúng ta tuân thủ theo quy tắc ăn uống. Tuy nhiên, bạn sẽ góp phần rèn cho con một thói quen ăn uống lành mạnh và bằng cách đó sẽ phòng tránh được các chứng rối loạn ăn uống. Một khi bạn đã rèn rũa được cho con khả năng tin tưởng vào chính mình – trong lĩnh vực ăn uống cũng như trong tất cả các lĩnh vực khác – thì có thể nói bạn đã làm hết khả năng của mình rồi.
Tổng kết
⇒ Với chứng béo phì: tuân thủ quy tắc – và không áp dụng ăn kiêng!
Béo phì là vấn đề dinh dưỡng thường gặp nhất trong xã hội ngày nay. Cách phòng tránh bệnh béo phì tốt nhất là tuân thủ theo quy tắc ăn uống. Bạn không làm được gì hơn đâu. Trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng không được phép bắt con ăn kiêng.
⇒ Với chứng biếng ăn và chứng cuồng ăn
Biếng ăn và cuồng ăn là hai chứng bệnh nan giải, thói quen ăn uống của người bệnh bị rối loạn hoàn toàn. Phần lớn người mắc bệnh là các bé gái trong độ tuổi thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ. Đối với hai chứng bệnh này, bạn cũng có thể phòng tránh bệnh cho con bằng việc tuân thủ theo quy tắc ăn uống đã đưa ra.
Khi ăn uống làm con bị ốm
Chứng không dung nạp được thực phẩm
KHÔNG ĂN thì chúng ta không thể sống. Nhưng đôi khi ăn cũng làm cho chúng ta bị ốm. Không phải trẻ nào cũng có thể dung nạp được tất cả các loại thực phẩm. Các phản ứng không mong muốn của cơ thể lên đồ ăn có thể là đau đầu, có cảm giác khó chịu hoặc cũng có thể là các phản ứng sốc gây nguy hiểm đến tính mạng kèm theo ngất xỉu hoặc bất tỉnh. Việc cơ thể không thích ứng được với thực phẩm cũng thường được cho là có mối liên hệ với bệnh tật, mặc dù đến nay điều này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Một ví dụ ở đây là chứng suy giảm khả năng tập trung (AD – ADHD).
Dị ứng
Dị ứng là gì? Hệ thống phòng thủ của cơ thể người – hệ miễn dịch – phản ứng một cách vô cùng dữ dội với bất kỳ một vật thể lạ nào xâm nhập vào cơ thể. Với chứng dị ứng thực phẩm, các vật thể này chính là các protein lạ trong thức ăn. Khi ăn phải lần đầu tiên, hệ miễn dịch sẽ phát triển các tế bào tự vệ để chống lại các protein lạ này. Nếu sau đó ta ăn phải thức ăn có chứa loại protein này một lần nữa thì hệ miễn dịch sẽ chống trả lại một cách dữ dội. Các phản ứng này có thể xảy ra ngay lập tức hoặc cũng có thể bị trì hoãn trong khoảng thời gian từ 2 đến 48 tiếng sau khi ăn. Các biểu hiện có thể xảy ra là:
- Phản ứng dữ dội kèm theo sốc và bất tỉnh.
- Nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng (về lâu dài có thể gây ra các triệu chứng thiếu chất do chất dinh dưỡng không được hấp thụ đầy đủ).
- Các chứng bệnh của đường hô hấp: sổ mũi, ho, hen suyễn.
- Các triệu chứng viêm da như mẩn ngứa, mẩn đỏ, phát ban, mần da, phồng rộp, v.v…
Dị ứng thực phẩm thực sự hiếm gặp. Chỉ hai đến ba phần trăm trẻ dưới 3 tuổi mắc phải chứng bệnh này.
Có rất ít các loại thức ăn có thể gây ra dị ứng cho con người. Tuy nhiên các loại thức ăn này lại được chúng ta sử dụng thường xuyên và có mặt trong rất nhiều các loại thực phẩm, ví dụ như sữa, trứng, các loại hạt nhân và bột mì.
“Truy lùng thủ phạm”
Việc chẩn đoán một cách chính xác nguyên ngân gây bệnh là yếu tố quyết định trong việc điều trị chứng dị ứng thực phẩm. Đầu tiên cần kiểm tra xem có đúng loại thực phẩm mà bạn đang nghi ngờ thực sự đã gây ra các phản ứng dị ứng cho con nhiều lần liên tiếp hay không. Thêm vào đó, cần phải cho con đi xét nghiệm da. Nếu kết quả là âm tính thì khả năng dị ứng sẽ hoàn toàn bị loại trừ. Nếu xét nghiệm mà cho kết quả dương tính thì đó có thể là biểu hiện của chứng dị ứng đã có từ trước với một loại thực phẩm nhất định nào đó. Trong trường hợp này, bác sĩ nhi sẽ là người quyết định cho con thực hiện các khám, xét nghiệm tiếp theo.
Nhiều loại dị ứng thực phẩm sẽ tự mất đi mà không cần ta phải can thiệp. Nhất là đối với những trẻ bị dị ứng thực phẩm trong vòng ba năm đầu đời, các chứng dị ứng này thường sẽ tự biến mất.
Chứng dị ứng thực phẩm hay có liên quan đến bệnh viêm da. Nhưng chỉ ở một phần trẻ em, viêm nhiễm da mới là dấu hiệu của chứng dị ứng thực phẩm. Do da của trẻ chỉ phản ứng với loại thức ăn gây dị ứng sau 24 đến 36 tiếng đồng hồ ăn phải loại thức ăn này, nên sẽ rất khó để tìm ra chính xác loại thức ăn nào là nguyên nhân gây dị ứng.
Các phản ứng không mong đợi khác của cơ thể lên thực phẩm
Các loại phản ứng không mong đợi khác của cơ thể lên thực phẩm mà không phải do dị ứng gây ra xuất hiện thường xuyên hơn nhiều. Hệ miễn dịch không đóng vai trò gì trong các trường hợp này.
- Ví dụ như các loại thực phẩm có chứa chất sản sinh ra độc tố cũng gây ra các phản ứng dữ dội, như ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella gây ra.
- Một số trẻ không tiêu hóa được các loại màu thực phẩm, hương liệu hay các chất phụ gia nhân tạo khác được sử dụng trong một số loại thực phẩm. Trong trường hợp này, cơ thể trẻ sẽ phản ứng lại bằng chứng mần da.
- Một ví dụ khác là chứng mẫn cảm với ngũ cốc đã được nhắc đến trong các chương trước. Đây là một chứng bệnh sẽ theo người bệnh đến hết đời.
Cách điều trị và phòng tránh
Một khi bạn đã tìm ra được loại thực phẩm gây dị ứng cho con thì việc điều trị sẽ rất dễ dàng: gạch tên loại thực phẩm này ra khỏi thực đơn hàng ngày. Sau hai đến bốn tuần, các triệu chứng bệnh sẽ tự mất đi.
Loại dị ứng thực phẩm thường gặp nhất là dị ứng sữa bò. Gần ba phần trăm trẻ em mắc phải loại dị ứng này. Ở phần lớn các trẻ mắc bệnh (cụ thể là 80%), dị ứng sữa bò sẽ tự mất đi khi trẻ được 4 tuổi. Ở phòng khám của chúng tôi, chúng tôi vẫn thường kiểm tra xem sau một năm ngừng uống sữa, chứng mẫn cảm có còn hay không. Trước đó, con sẽ được cho uống sữa đậu nành hoặc sữa bò “thủy phân”, có nghĩa là sữa bò đã được tách thật nhỏ các thành phần cấu tạo.
Nếu chứng mẫn cảm mà kéo dài tới hơn ba năm thì có khả năng là nó sẽ theo con đến hết cuộc đời. Điều này cũng đúng với các loại dị ứng thực phẩm khác.
Phòng tránh khi cần thiết
Nếu gia đình bạn mà có tiền sử mắc bệnh hen suyễn, viêm da hoặc viêm mũi dị ứng, thì nguy cơ con bị mắc bệnh này rất cao. Các biện pháp phòng tránh sau đây là rất cần thiết:
- Nếu có thể, cho con ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng nửa năm. Bạn cũng nên gạch tên các loại thực phẩm “nguy hiểm” (các loại hạt, trứng, sữa) ra khỏi khẩu phần ăn của mình.
- Nếu bạn cho con ăn dặm, hãy thực hiện theo lời khuyên của chúng tôi trong Chương ba: Mỗi lần đổi món, bạn chỉ nên cho con ăn một loại thức ăn duy nhất và hãy đợi vài ngày sau hãy cho con ăn một loại thức ăn khác. Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng tìm ra loại thức ăn nào thích ứng với con bạn và loại nào không.
- Bạn chỉ nên cho con ăn các loại thức ăn được chế biến từ sữa bò, trứng và lúa mì khi con đã được 2 tuổi.
Quy tắc ăn uống vẫn được áp dụng trong trường hợp này!
Quy tắc ăn uống cũng áp dụng đối với các trẻ mắc chứng dị ứng thực phẩm. Bạn – các bậc cha mẹ – là người quyết định sẽ bày món gì lên bàn ăn. Các bạn nên điều chỉnh các bữa ăn tùy theo nhu cầu đặc biệt của con. Và con sẽ tự quyết định có ăn hay không và ăn bao nhiêu.