Kết hợp những món cũ và mới
Bạn không nên hỏi: “Con thích ăn gì?” Đừng có nấu theo yêu cầu của con mà hãy tự lên thực đơn cho bữa ăn gia đình. Từ những thứ được bạn dọn ra trên bàn ăn, con sẽ lựa chọn món ăn cho mình.
Sự đa dạng, phong phú trong thực đơn sẽ đảm bảo một chế độ dinh dưỡng bổ dưỡng và cân đối. Bởi vậy, bạn hãy ghi nhớ biểu đồ tháp dinh dưỡng khi lên thực đơn cho gia đình.
Trong bữa ăn luôn nên có một món gì đó mà con đã biết. Có thể các món ăn lạ bạn sẽ phải dọn ra tới mười, hai mươi, ba mươi lần thì bé mới động tới. Bạn hãy kiên nhẫn và tự thưởng thức món ăn đó một cách thích thú. Bạn cũng nên đặt sẵn bánh mì lên bàn ăn vào mỗi bữa. Khi bé không thực sự thích món mới thì con vẫn luôn có thể no bụng bằng bánh mì.
Nếu bạn chuẩn bị cả món tráng miệng, cũng hãy cho con ăn thử bất kể trước đó con đã ăn nhiều hay ít, thậm chí kể cả khi con chưa hề ăn tí gì.
Hãy cho phép con ăn nhiều như chúng muốn. Sẽ là tàn nhẫn nếu kìm chế trẻ chuyện ăn uống.
Ấm, mềm và có nước
Hãy cho bé yêu của bạn ăn những đồ ăn mềm và có nước – âm ấm một chút thì tốt hơn là nóng. Các bé dưới 4 tuổi vẫn có nguy cơ dễ bị hóc. Những mẩu thức ăn cứng và to có thể mắc kẹt trong khí quản của bé gây ra ngạt thở. Vì thế, chưa nên cho các bé ăn kẹo cứng, bỏng ngô, xúc xích chưa cắt nhỏ hay cà rốt sống. Bạn hãy nhớ luôn luôn phải thái thịt, rau và hoa quả sống thành những mẩu nhỏ. Các loại hạt, nhất là hạt lạc đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Bé Thea 2 tuổi được mẹ đưa tới phòng khám vì bị ho khi đang ăn lạc. Qua ống nghe, bác sĩ đã nhận thấy có tiếng kêu “lách cách”ở khu vực trên phổi giống như ở van hơi. Hạt lạc lúc đó đã trôi vào tới phế quản. Bé Thea ngay lập tức được đưa tới bệnh viện để lấy nó ra.
Việc ăn uống diễn ra như thế nào?
TRONG NĂM TUỔI THỨ HAI – vào khoảng tháng thứ 15, con bắt đầu bước vào một giai đoạn vô cùng thú vị con: Con phát hiện ra rằng mình cũng có những mong muốn và ước vọng riêng. Lý thú hơn nữa là con khám phá ra rằng con cũng có quyền lực và tầm ảnh hưởng tới người khác. Ví dụ: con bạn ngồi trong ghế và ăn. Vô tình thìa của con bị rơi xuống. Mẹ sẽ đứng dậy và lấy thìa giúp con. Bạn có biết con lúc đó sẽ phản ứng ra sao không? Con sẽ lại ném chiếc thìa xuống. Và cứ liên tiếp như vậy.
Tại sao bé lại thích thú với việc này đến vậy? Có lẽ vì bé đã tìm thấy một điều gì đó rất tuyệt vời trong trò này: “Này, mình có thể làm cho mẹ sẽ luôn phải đứng dậy và nhặt thìa cho mình. Mẹ luôn làm cái mà mình muốn”. Con yêu của bạn sẽ bắt đầu thử để tìm ra giới hạn tầm ảnh hưởng của con: “Tầm ảnh hưởng của mình sẽ bắt đầu và kết thúc ở đâu?” Từ yêu thích của con sẽ là: “Không”. Với một chút rạng rỡ trong ánh mắt, bé đặc biệt thích thú với việc làm điều mà bé không nên làm. Kể cả những trận hờn dỗi, những “thí nghiệm” với việc đánh đấm và cắn cũng thuộc giai đoạn phát triển này. Trong năm thứ hai và thứ ba, tất cả các bé đều ưa hành động như vậy. Bé như một chú sư tử nhỏ còn đang lăn lê bò toài quanh sàn nhà với các anh chị em, bé muốn đọ sức của mình với người lớn. Bé sẽ cảm nhận thấy một cách chính xác điểm mạnh của bé cũng như điểm yếu của bạn.
Tránh đấu tranh quyền lực bên bàn ăn
Trẻ luôn thích thú đưa cha mẹ mình vào “cuộc chiến sư tử”. Và không ít những cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, tham gia một cách vô thức trò chơi này của trẻ. Khi ăn nguy cơ này càng cao bởi nhiều bà mẹ để lộ ra yếu điểm của mình. Nếu con chê không ăn bữa đó, các bà mẹ sợ rằng bé sẽ lả đi và bị đói. Hoặc họ làm như thể tình yêu của họ dành cho bé phụ thuộc vào lượng thức ăn mà bé ăn.
Các bé chỉ cần thế là đủ để nhận ra rằng: “Lúc ăn sẽ là cơ hội tuyệt vời để thử sức với mẹ. Việc kháng cự lại không ăn thật là lý thú. Bởi lúc đó mình sẽ mạnh hơn mẹ. Lúc đó, mình có thể bắt mẹ phải nghe theo những gì mình muốn. Nếu bạn để trẻ đưa vào cuộc chiến, bạn sẽ bị thua cuộc. Người ta không thể bắt ép, dùng mẹo, hay khen ngợi để khiến cho trẻ ăn – và điều này cũng tương tự như với việc đi ngủ. Bạn chỉ có thể bắt trẻ nằm lên giường hoặc ngồi xuống bàn ăn. Nhưng khi nào và liệu bé có ngủ hay ăn không thì chỉ có bé mới tự quyết định được. Ngủ và ăn là những nhu cầu cơ bản mà con có thể tự điều chỉnh. Để làm được việc này, con chỉ cần một điều duy nhất: sự tin tưởng của mẹ.
“Con không thích gì hết? Điều này cũng chẳng sao”
Bạn có thể và cũng nên đặt ra cho con những nguyên tắc ứng xử bên bàn ăn – nhưng không phải là về lượng thức ăn mà bé sẽ ăn. Liệu bé có ăn hay không, ăn bao nhiêu, chọn món nào – bạn hãy cho bé tự quyết. Bạn không cần thiết phải chứng minh với bé rằng bạn có quyền lực hơn bé. Hãy tin tưởng rằng bé yêu của bạn tự biết chính xác nhất con cần ăn bao nhiêu để sống. Nếu bé lắc đầu và nói: “Con không thích món này” hay: “Con không muốn ăn” – thì lúc này bạn cũng đừng quan tâm đến việc con không muốn ăn. Bạn đừng nên tỏ ra bực tức. May mắn là bạn không chỉ nấu cho bé mà còn nấu cho mình ăn nữa. Vào những tình huống này, bạn nên trả lời bé như sau:
“Con không cần phải ăn gì cả. Hãy ngồi xuống bàn và nói chuyện cùng bố mẹ.”
Bé cần phải có mặt bên bàn ăn vào tất cả các bữa nhưng không nhất thiết phải ăn. Bạn đặt thức ăn lên bàn chứ không phải “nhồi” thức ăn vào miệng bé. Như thế tức là bạn đã tránh được cuộc chiến bé đang cố tình nhử bạn vào tham chiến rồi đấy. Bạn không gây áp lực và không tạo ra những căng thẳng không cần thiết. Bạn giao phó cho con bạn cái mà bé có thể làm rất tốt: ăn theo nhu cầu của mình. Con bạn sẽ thấy rằng, bạn tin tưởng nó. Điều đó tốt cho bé.
Thông cảm với sở thích đặc biệt của con
Bạn nhớ rằng: con lúc này không cần phải ăn nhiều. Bé phát triển và tiếp thu chậm hơn nhiều so với những năm đầu tiên. Sự bụ bẫm của bé không còn nữa. Và còn một thứ nữa cũng thay đổi: rất nhiều bé hào hứng ăn uống năm đầu tiên nhưng trong năm thứ hai lại thường rất lưỡng lự với những món mới. Những thứ lạ lẫm đầu tiên sẽ bị trẻ từ chối, có thể là rất nhiều lần liên tiếp nhau. Tại sao lại như vậy?
Bạn hãy thử tưởng tượng xem một đứa trẻ trong thời kì đồ đá đã bò ra khỏi hang và khám phá thế giới như thế nào: sẽ là tốt nếu bé chỉ ăn những hoa quả và dâu mà chúng đã quen dùng và đảm bảo không gây hại gì. Ví dụ này cho thấy: sự sợ hãi trước những gì mới lạ thực ra là một vũ khí tự vệ cần thiết cho trẻ nhỏ khi mỗi ngày chúng lại di chuyển nhiều hơn. Bạn đừng trách mắng con khi đột nhiên bé biếng ăn mà hãy cho bé thấy bạn thấu hiểu với cảm giác của bé.
Ngoài ra, người ta cũng có thể giải thích về sở thích thích đồ ngọt ở trẻ em từ góc độ sinh học như sau: những hoa quả ngọt thường không độc và có thể ăn mà không phải băn khoăn gì.
Trao tặng sự tin tưởng và khuyến khích tính độc lập
Bạn nên để trẻ tự ăn bằng bất kì hình thức nào chúng muốn. Ăn bằng tay ở nào năm thứ hai vẫn có thể chấp nhận được nhưng hãy khuyến khích trẻ tự ăn thìa hoặc với một chiếc dĩa đã cùn. Bạn đừng bực mình vì một chiếc cốc bị vỡ. Sẽ còn rất nhiều, rất nhiều chiếc cốc khác bị làm vỡ tới khi trẻ trưởng thành.
Bạn hãy chỉ bón cho trẻ nếu trẻ cần sự giúp đỡ của bạn – và không bao giờ ép nếu trẻ thực sự không muốn ăn nữa. Nếu bạn cứ nhất thiết bón thức ăn khi trẻ đã no bụng và không muốn thêm nữa là bạn đang gây áp lực cho trẻ đấy.
Một bà mẹ trong một buổi thuyết trình đã hỏi: “Con gái 4 tuổi của tôi chỉ tự ăn mì sợi và khoai tây. Tôi phải bón cho rau nếu không nó sẽ không hề động đến món này”. Làm như thế tức là người mẹ đã vi phạm nguyên tắc! Sẽ tốt hơn nếu mỗi bữa đặt một ít rau bên cạnh mì sợi hoặc khoai tây. Một ngày nào đó, đứa bé sẽ tự thử món này hoặc món kia. Nếu không có nghĩa là bé cũng không cần món rau đó.
Hãy luôn giữ bình tĩnh
Bạn nên để yên nếu trẻ lần đầu từ chối món ăn mới. Việc một món ăn mới phải sau tới hai mươi hoặc ba mươi lần đưa ra mới được trẻ chấp nhận là chuyện hết sức bình thường . Bạn có thể khuyến khích con thử một chút gì đó mới nhưng xin đừng ép buộc con.
Hãy khuyến khích con thử đồ ăn mới bằng cách: Bạn cho phép bé nhè thức ăn ra khỏi miệng nếu thấy không ngon.
Hãy đưa cho bé những suất ăn nhỏ. Cho thêm thức ăn khi con yêu cầu sẽ tạo hứng thú với việc ăn uống hơn là một đĩa đầy thức ăn lúc nào cũng bị thừa lại một ít. Một vài bé chỉ có thể ăn được một chút xíu, đặc biệt khi bé đã uống nhiều nước hoa quả và sữa. Lượng thức ăn ở mỗi bé là khác nhau và cũng dao động rất lớn từ ngày này qua ngày khác.
Đừng quan tâm đến việc con bạn ăn nhiều hay ít. Hãy quan tâm nhiều hơn đến việc liệu bé có khỏe mạnh và nhanh nhẹn không.
Bầu không khí vui vẻ khi ăn
Hãy tạo một bầu không khí thoải mái khi ăn uống. Hãy trò chuyện một chút với bé chứ đừng tự nói chuyện một mình. Bản thân bạn hãy ăn một cách ngon miệng. Như thế, bạn sẽ trở thành một tấm gương tốt cho bé noi theo.
Thiết lập ranh giới
Thiết lập ranh giới về cách cư xử bên bàn ăn cũng vô cùng quan trọng như trao cho trẻ sự tin tưởng khi ăn. Qua Chương 2 bạn cũng đã biết mình nên tránh những lỗi nào. Những nguyên tắc sau sẽ giúp bạn có những hành vi đúng.