Các bác sĩ nhi khoa của Đức lại có những tư vấn hơi khác với các đồng nghiệp của mình ở Mỹ. Chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn lần lượt cả hai:
Tư vấn của viện nghiên cứu dinh dưỡng trẻ em
Các bác sĩ Đức khuyên rằng đối với trẻ từ 5 tới 6 tháng tuổi, khi bắt đầu ăn dặm chỉ nên cho ăn mỗi ngày một lần ít rau củ đã được chế biến sẵn dành cho trẻ nhỏ. Đặc biệt phù hợp là cà rốt bởi chúng có vị ngọt ngọt. Phần lớn các bé rất thích vị này. Nhưng vì bé chỉ ăn một lượng nhỏ nên việc tự nấu mang lại ít hiệu quả. Nếu bé chấp nhận dùng thìa, bạn có thể thêm vào thực đơn khoai tây nghiền cùng với chút dầu thực vật.
Một vài ngày sau, bạn có thể bổ sung thêm chút thịt xay để trẻ được ăn đầy đủ món cháo nấu với thịt, khoai tây và rau xanh. Bột nên nấu theo tỷ lệ 2 rau, 1 khoai tây, 20 gram thịt nạc luộc xay nhuyễn và thêm vào đó là 30 gram nước ép hoa quả và 10 gram dầu thực vật.
Lý do cho việc đưa ra lời khuyên này của viện nghiên cứu là: đồ ăn dặm cần phải chứa chất sắt. Sắt chính là chất mà trẻ từ 6 tháng tuổi rất cần được bổ sung kèm với sữa mẹ. Chất sắt trong bột nghiền rau – khoai tây – thịt rất thích hợp cho trẻ. Những hộp đồ ăn đóng sẵn có kí hiệu “thực đơn cho bé” đáp ứng được những yêu cầu trên và ngoài ra cũng chứa các chất bổ sung sắt.
Một tháng sau đó, bạn nên cho bé ăn thêm một bữa bột đã được bổ sung chất sắt nấu với sữa tươi nguyên chất và ngũ cốc. Tiếp tục một tháng sau đó, bạn lại bổ sung bữa ăn bột thứ ba gồm bột nấu với hoa quả và ngũ cốc thô không sữa.
Khi bé được 10 – 12 tháng, bạn hãy thử bắt đầu cho bé ăn bánh mì song song với việc tập cho bé tự ăn và uống bên bàn ăn cùng gia đình. Bạn sẽ không sai lầm nếu làm theo phương pháp này. Nhưng biết đâu bạn sẽ làm theo lời tư vấn của các bác sĩ Mỹ. Điều đó cũng không sao.
Tư vấn của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ
Bạn không nên cho bé ăn thức ăn cứng ngay mà đầu tiên hãy bắt đầu bằng đồ ăn bán lỏng: bạn hãy lấy một ít sữa mẹ hoặc sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và thêm vào đó một chút bột chế biến sẵn đóng hộp dành cho trẻ. Hãy chú ý: phần lớn các loại bột đóng hộp sẵn đều chứa bột sữa và được quấy với nước. Chúng hoàn toàn không thích hợp. Bạn hãy sử dụng loại bột mà người ta có thể chế biến cùng với sữa – trong trường hợp này là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nhưng bạn nhớ phải lưu ý rằng bột đóng hộp đã được bổ sung thêm chất sắt rồi. Một thìa cà phê bột đủ để kết hợp với bốn đến năm thìa cà phê sữa mẹ hoặc “sữa non”. Sau đó, bạn có thể pha cho bột lỏng quánh. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ thay thế hoàn toàn được sữa mẹ hoặc sữa công thức. Đầu tiên, hãy cho trẻ làm quen dần bằng thìa với khẩu vị mới và món ăn mới. Dần dần tăng số lượng lên ba hoặc bốn thìa.
Bột gạo đóng hộp với hàm lượng sắt bổ sung sẽ là bột ăn đầu tiên tốt nhất dành cho trẻ: nó không chứa chất gluten và thích hợp với phần lớn các bé. Ngoài bột gạo thỉnh thoảng bạn có thể sử dụng các loại bột ngũ cốc đóng hộp khác nhau.
Bạn hãy cho bé làm quen dần dần từng món mới một. Mỗi món cách nhau hai đến ba ngày.
Nếu việc cho bé ăn bằng thìa thành công, bạn đưa vào thức đơn cho bé món rau luộc, ban đầu trộn với loại bột quen dùng. Bạn có thể dùng bột đã chế biến sẵn đóng trong những hộp nhỏ bán ngoài thị trường hoặc tự xay rau đã luộc cho trẻ. Bạn hãy bắt đầu bằng một thìa ăn và sau đó dần tăng số lượng lên.
Bước tiếp theo, bạn hãy cho bé ăn các loại hoa quả xay. Bạn có thể trộn cùng và ăn kèm với bột đóng hộp.
Khi trẻ từ 7 – 10 tháng tuổi, thỉnh thoảng bạn có thể cho bé ngồi cùng bàn với gia đình ăn bốc hoặc tự xúc một chút đồ xay hoặc nghiền. Bạn cũng có thể cho trẻ thử ăn bánh mì, mì sợi, gạo, lòng đỏ trứng, thịt, cá và thịt gia cầm.
Ngoài những món ăn mới, bé vẫn luôn cần bú sữa. Ở Mỹ, người ta khuyến cáo các bà mẹ nên duy trì cho con bú trong suốt năm đầu tiên. Ngay cả bột – như trên trình bày – cũng có thể kết hợp với sữa mẹ. Những bà mẹ không muốn cho con bú lâu như vậy không nên dùng sữa tươi mà hãy dùng sữa công thức khi bé chưa tròn 1 tuổi. Từ khoảng một năm trở đi, bé của bạn có thể ăn được hết tất cả đồ ăn trên bàn, miễn đó là các món ăn được nêm nếm vừa phải và đủ mềm (được nghiền hoặc xay).
Ngoài ra, các bác sĩ nhi khoa của Mỹ cũng đưa thêm các lời khuyên:
- Lúa mì, lòng trắng trứng, các loại quả và nước ép hoa quả họ cam chanh cũng như sữa bò là những thực phẩm khó hấp thụ và trong nhiều trường hợp còn gây ra dị ứng cho trẻ. Bởi vậy, nên cho các bé thử chúng cuối cùng. Đối với các bé nhạy cảm hoặc mắc các bệnh di truyền chỉ nên dùng những thứ này khi được 2 tuổi.
- Nếu trẻ không ăn được một món ăn mới nào đó, bạn hãy gạch bỏ nó ra khỏi thực đơn ăn uống của bé trong vòng một đến ba tháng và sau đó lại cho bé ăn thử một lần nữa. Nếu sau đó bé vẫn không ăn được thì hãy đợi thêm ít nhất 6 tháng trước khi thử cho bé ăn lần thứ ba.
- Nếu con bạn hợp với uống sữa bò, hãy cho bé uống ít loại sữa nguyên chất đã được kiểm định và không nên dùng sữa ít chất béo đến khi bé hết 2 tuổi. Bởi trong thời gian đó, bé rất cần chất béo từ sữa.
- Không nên cho bé dùng mật ong khi bé chưa đầy 1 tuổi. Trong mật ong có chứa một loại chất có thể nguy hiểm tới tính mạng ở trẻ (bệnh ngộ độc ở trẻ sơ sinh).
Đồ uống
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm cũng là lúc cần cho bé uống thêm một chút gì đó.
- Nước (tất nhiên không có chứa cabonat và không để lạnh) là nước uống tốt nhất thỏa mãn cơn khát của bé.
- Bạn hãy thận trọng với các loại nước ép hoa quả. Hãy pha loãng chúng với nước theo tỷ lệ 1:1 và cho bé uống không nhiều hơn nửa cốc mỗi ngày. Uống quá nhiều nước trái cây sẽ dẫn tới tình trạng bé không còn muốn ăn những đồ ăn khác và gây đầy bụng. Các loại nước ép dành cho trẻ thường rất đắt đỏ và hoàn toàn không cần thiết.
Dùng đồ hộp hay tự nấu?
Có lẽ, bạn vẫn phân vân liệu không biết nên cho trẻ ăn bột tự nấu hay bột chế biến sẵn đóng lọ. Câu trả lời của chúng tôi là: bột với tính chất là thức ăn dặm đầu tiên cần phải chứa chất sắt. Bột đóng hộp cho trẻ thường được bổ sung chất sắt. Bởi vậy, nó sẽ thích hợp hơn là bột bạn tự nấu.
Bạn có thể dùng hoa quả, rau xanh hoặc thậm chí toàn bộ bữa ăn cho bé từ đồ chế biến sẵn mà không phải lo lắng gì nếu bạn cảm thấy thuận tiện. Bạn cũng không nhất thiết phải theo cách này. Nếu bạn đằng nào cũng nấu ăn hàng ngày, bạn nên đổi món trong thực đơn thông thường cho gia đình và hãy để con bạn tham gia chọn cùng. Muối và gia vị bạn chỉ nên cho vào phần thức ăn dành cho bạn sau khi đã bớt riêng khẩu phần dành cho bé. Đồ ăn sẵn đông đá, được đóng túi hoặc hộp đều không tốt cho trẻ nhỏ bởi chúng được nêm nếm quá mặn.
Các công thức để nấu những món ăn dành cho trẻ luôn rất phong phú trong các cuốn sách dạy nấu ăn. Tuy nhiên, chúng thực ra không cần thiết. Bởi vậy, bạn sẽ không tìm thấy trong cuốn sách này một công thức nấu ăn nào cả. Con bạn có thể ăn được tất cả nếu bạn tập cho trẻ làm quen dần dần. Chỉ cần đồ ăn phải đủ mềm hoặc đã được thái nhỏ phù hợp.
Không có bình bú cũng không sao
Khi con bạn học cách uống nước từ tách, bé sẽ bú sữa mẹ hoặc bú bình ít hơn. Để hỗ trợ quá trình chuyển giao này, bạn nên cho con dùng một loại cốc có nắp đậy và vòi giúp cho việc học uống của bé dễ dàng hơn. Những bé được bú sữa mẹ có thể học uống cốc ngay mà hoàn toàn không cần thông qua uống bình.
Con gái út Andrea của tôi đã học uống cốc ngay mà không cần tới bình. Trong khi tôi vẫn cho con bú nhiều lần trong ngày, con đã được phép thử dùng cốc. Đầu tiên, chỉ là phụ thêm, nhưng khi 9 tháng tuổi con đã có thể uống nước bằng cốc. Việc cai sữa nhờ thế mà đơn giản hơn rất nhiều. Khi đó, tôi cho con bú bữa duy nhất trong ngày vào buổi sáng. Chúng tôi vẫn duy trì bữa này bởi cả hai mẹ con đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên các bà mẹ cho con bú nên bỏ qua việc dùng bình. Trong thời gian sắp cai sữa, mỗi ngày cho con bú một lần vào buổi sáng bởi vì việc cai sữa sẽ dễ dàng thành công sau đó. Khi cai sữa, bé có thói quen vừa ngậm ti vừa ngủ hàng tối sẽ khó khăn hơn nhiều.
Lưu ý
Chế độ dinh dưỡng tốt là chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển
Trẻ có thể làm gì? | Bạn nên cho trẻ ăn thêm những món gì? | |
---|---|---|
0 – 6 tháng | Trẻ tìm vú mẹ hoặc núm vú nhựa để bú | Không gì cả (chỉ dùng “sữa non” thay cho sữa mẹ nếu cần) |
5 – 7 tháng | Trẻ bắt đầu ngồi. Trẻ có thể di chuyển mắt theo thìa. Trẻ mở miệng để mẹ bón bằng thìa. Môi của trẻ có thể ngậm thìa. Trẻ bắt đầu biết nuốt đồ ăn. | Kết hợp sữa mẹ hoặc “sữa non” vẫn dùng hàng ngày với bột chế biến sẵn dành cho trẻ em có bổ sung chất sắt – đầu tiên là bột gạo, dần dần là bột từ những loại ngũ cốc khác. |
6 – 8 tháng | Trẻ có thể chuyển động lưỡi trong miệng về hai phía. Trẻ bắt đầu nhai. Trẻ có thể đưa tay lên miệng theo ý muốn. | Rau xanh và hoa quả: nghiền hoặc xay, đầu tiên hãy thử trộn chúng cùng với loại bột trẻ ăn hàng ngày. |
7 – 10 tháng | Trẻ có thể cắn và nhai tốt. Trẻ có thể di chuyển thức ăn trong miệng. Trẻ có thể đặt môi đúng khi ngậm cốc. Trẻ thành thục kỹ năng “cầm cành cọ”: nắm các ngón tay chặt vào quả bóng nhỏ. | Có thể cho bé ăn bằng tay bánh mì và các loại sản phẩm ngũ cốc. Cho bé ăn các hoa quả cắt miếng và rau xanh, nước hoa quả hay sữa trong cốc. |
8 – 12 tháng | Trẻ quan tâm tới các thực phẩm rắn trên bàn ăn gia đình. Trẻ có tiến bộ khi uống bằng cốc. Trẻ thành thạo kỹ năng “cầm nhíp”: ngón cái và ngón trỏ có thể phối hợp với nhau nhịp nhàng. | Các món ăn mềm và đã nấu chín trên bàn ăn, thịt đã được thái, băm hoặc xay nhỏ. |
Ăn cùng bàn với gia đình
Chuyển giai đoạn thành công cho trẻ
Cho con ăn đồng nghĩa với việc bạn cung cấp cho con những dưỡng chất quan trọng – ví dụ cacbonat, chất béo, khoáng và vitamin. Nếu chỉ thế không thôi thì chưa đủ, mà cách bạn cho con ăn như thế nào vô cùng quan trọng. Qua cách bón cho con ăn, bạn có thể gửi tới con những thông điệp như:
- “Mẹ yêu con lắm”
- “Mẹ biết cần phải giúp con như thế nào”
- “Mẹ tin tưởng ở con”
- “Mẹ tôn trọng con”
Khi con bạn nhận được những thông điệp này thì chắc chắn bạn sẽ không thất bại. Đối với việc chuyển từ bú mẹ hoặc bú bình sang ăn cùng mâm với gia đình, điều này có nghĩa là: bạn để cho con mình dẫn dắt, con của bạn là “ông chủ”. Việc của bạn là hỗ trợ, giúp đỡ và tạo ra một không khí thoải mái.
Sẵn sàng hỗ trợ
Bạn hãy đợi đến khi con đủ lớn để sẵn sàng ăn bằng thìa. Ở một vài bé, việc này không có gì khó khăn. Chúng có thể nhanh chóng ăn được bằng thìa và há miệng như chú chim non háu đói. Một vài bé khác lúc đầu lại từ chối dùng thìa. Việc từ chối đơn giản là do bé còn quá lạ lẫm với việc dùng thìa; bé cảm thấy bất ngờ ở đầu lưỡi có một cái gì đó khác với dòng sữa mẹ hay “sữa non” quen thuộc. Bé cần thời gian để nhận ra rằng mọi người cũng có thể ăn bằng thứ này. Tóm lại, bạn hãy kiên nhẫn thử đi thử lại nhiều lần. Nếu con phản ứng lại một cách quá nhạy cảm và dù 6 tháng tuổi vẫn còn ọe và nghẹn khi cảm thấy có “vật lạ” trong miệng thì việc thích nghi cần đặc biệt cẩn thận: bạn hãy bôi lên tay bé hoặc một thứ đồ chơi yêu thích của bé hay một chiếc thìa mềm một ít bột để bé có thể tự tìm hiểu và làm quen với hương vị mới.