Trong những tuần tuổi đầu tiên, việc bé khóc vào ban đêm gần như luôn luôn là biểu hiện của việc bé đói. Nếu bé được ăn no trước khi bạn đi ngủ, bạn có thể chắc chắn sẽ được ngủ ngon giấc vào ban đêm. Nếu bạn gặp may, bạn sẽ chỉ phải thức dậy một lần sau đó để cho bé ăn. Điều đó không chỉ tốt cho bạn mà còn cả cho bé: một người mẹ được nghỉ ngơi đủ sẽ chăm sóc cho con mình tốt và dành cho bé nhiều tình yêu hơn là một bà mẹ hoàn toàn kiệt sức!
Tuy nhiên không phải bé nào cũng cần bữa tối cố định lúc muộn không cần ép buộc bé ăn bữa này làm gì. Đơn giản một vài bé muốn ngủ hơn là muốn ăn.
Vẫn tỉnh táo khi đi ngủ
Nếu trẻ sơ sinh được cho ăn theo nhu cầu, chắc chắn bé sẽ đôi lần ngủ thiếp đi bên ngực mẹ hoặc khi đang bú dở bình sữa. Thật tuyệt khi nhìn ngắm một đứa trẻ nhẹ nhàng thiêm thiếp vào giấc ngủ trong vòng tay mẹ.
Tuy nhiên, điều này đi kèm với một rắc rối. Nhiều bé quen với cảm giác luôn ngủ với một bình sữa hay bên ngực mẹ. Mút và uống sẽ dần trở thành thói quen khi ngủ của trẻ. Tới một lúc nào đó, bé sẽ chỉ muốn ngủ khi có hai thứ đó. Một vài bé sẽ thức dậy ngay khi núm vú hoặc núm bình được cẩn thận kéo ra khỏi miệng. Ngay lập tức, bé lại bắt đầu khóc và đòi bú tiếp. Phản ứng này của bé hoàn toàn không phải do bé đói bụng: Đối với bé, việc bú sữa đơn giản đã trở thành một phần không thể tách rời khi ngủ. Không được bú, việc ngủ sẽ trở nên “không bình thường”.
Bởi vậy, ngay ở những tuần tuổi đầu tiên, bạn hãy tập cho bé thỉnh thoảng thức giấc một mình trong nôi để bé có thể học được cách ngủ lại mà không có sự giúp đỡ của bạn. Khi bé đã được ba đến 6 tháng tuổi, bạn hãy tách hoàn toàn giữa việc ăn và ngủ. Nếu bé yêu của bạn có thể ngủ một mình vào cả ban ngày và ban đêm mà không cần bú sữa, và tốt nhất là hoàn toàn không cần sự trợ giúp thì giấc ngủ đêm của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.
Bạn đã biết rằng mỗi đứa trẻ sẽ thức giấc nhiều lần mỗi đêm? Những trẻ có thể tự ngủ một mình vào ban ngày thì cũng có thể tự ngủ một mình vào ban đêm. Bé sẽ chỉ cựa quậy khi thực sự đói hay có chuyện gì đó không ổn. Ngược lại, một đứa trẻ luôn bú sữa khi ngủ sẽ tỉnh dậy hàng đêm và khóc tới khi lại được ngủ bên cạnh ngực mẹ hoặc bình sữa. Liệu đây là biểu hiện của cơn đói hay của thói quen là phụ thuộc vào tuổi của bé: Trong những tuần tuổi đầu tiên, bé có nhu cầu ăn nhiều lần trong đêm. Khi 3 tháng tuổi, bé đã có thể nằm yên vài giờ mà không cần bú. Khi 6 tháng tuổi việc bú sữa mỗi đêm là không cần thiết nữa. Nếu ở độ tuổi này, bé vẫn thường xuyên thức dậy hàng đêm và đòi bú thì bạn có thể chắc chắn rằng bé của bạn đã có thói quen ngủ không tốt.
Lưu ý
Các vấn đề khi cho trẻ ăn và bú sữa
Trẻ bị sặc sữa: Một phần sữa từ dạ dày chảy ngược lại ống thực quản
Quan sát: Nếu trẻ có ít nhất sáu chiếc bỉm ướt mỗi ngày và vẫn tăng cân tốt thì việc trẻ trớ là vô hại. Sau mỗi bữa ăn, bạn hãy giữ trẻ ở tư thế đứng trong một vài phút.
Trẻ bị trớ: Một lượng lớn thức ăn trong dạ dày đột nhiên bị trào ra
Hãy tham khảo bác sĩ nhi. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh hẹp môn vị ở trẻ.
Phân lỏng
Khi bú mẹ, phân của bé thường ở thể lỏng. Nhưng nếu xuất hiện thêm các dấu hiệu khác, bạn hãy hỏi thêm ý kiến của bác sĩ nhi. Nếu đúng bị tiêu chảy thì cần thận trọng vì có thể khiến trẻ bị mất nước.
Phân cứng
Một vài bé bú sữa mẹ vài ngày mới đi đại tiện một lần. Không có gì đáng lo ngại cả. Bạn chỉ phải hỏi ý kiến của bác sĩ nếu phân của trẻ quá cứng khiến hậu môn trẻ bị đau.
Trẻ “đau quặn bụng”: Trẻ gào khóc, quằn quại, tỏ vẻ bị “đau bụng” và không thể làm bé trấn tĩnh được
Không ai biết rõ nguyên nhân chính xác. Với trẻ 3 hoặc 4 tháng tuổi thì đa số vấn đề trên sẽ tự biến mất. Trong một vài trường hợp hiếm thì vấn đề được cải thiện khi người mẹ đổi chế độ dinh dưỡng của mình, ví dụ như bỏ việc dùng sữa bò. Những cử chỉ âu yếm dịu dàng với bé thường rất có hiệu quả: bạn hãy nói chuyện với bé, vuốt ve, đu đưa bé trong vòng tay. Những cử chỉ trấn an “mạnh” sẽ không giúp gì được trẻ và còn khiến trẻ thêm quấy khóc.
Tổng kết
⇒ Duy nhất chỉ sữa mẹ
Trong 5 – 6 tháng tuổi đầu tiên, bé chỉ cần bú sữa mẹ. Bú sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả bé và mẹ.
⇒ Các lựa chọn thay cho việc bú mẹ
Nếu bạn không hoặc chỉ cho bé bú một thời gian ngắn, bé có thể nhận những dinh dưỡng bằng việc bú bình.
⇒ D – Flour
Trong tất cả các trường hợp, bé cần được bổ sung Flour – D. Đó là vitamin D có chứa thành phần flourid.
Cho bé ăn với tình yêu thương
Tình mẫu tử sẽ giúp bạn dễ dàng nhận ra những dấu hiệu của bé và cho bé ăn đúng theo nhu cầu bé cần.
6 – 12 tháng tuổi: Chuyển sang bữa ăn cùng gia đình
Thời điểm thích hợp cho trẻ ăn dặm
TRONG THẬP KỈ 60, việc bắt đầu cho trẻ ăn dặm càng sớm càng tốt vẫn còn được khuyến khích. Khi tôi tự hào khoe con trai mới 6 tuần tuổi Christoph với người hàng xóm, người phụ nữ già rất ngạc nhiên hỏi: “Cái gì cơ? Nó chỉ bú sữa thôi à? Sao cô không thử cho thằng bé ăn thêm cái gì đó nữa? Con gái tôi đã biết ăn bánh qui bơ khi mới 3 tuần tuổi thôi đấy”.
Cho trẻ ăn bánh qui bơ có lẽ đã xuất hiện từ lâu như một sự ngoại lệ chứ không phải là nguyên tắc nào cả. Nhưng các bà mẹ thường rỉ tai nhau việc cho trẻ sơ sinh mới 3 – 4 tuần tuổi của họ ăn cà rốt, rau bina hay bột được đổ bằng thìa vào miệng trẻ. “Đổ vào” thực sự là một khái niệm khá chính xác để gọi tên cách cho ăn này: Chiếc thìa phải được đưa gần như tới tận đầu cuống họng, vì trong hai hoặc ba tháng đầu tiên, trẻ vẫn còn “phản ứng nhổ ra”: lưỡi sẽ đẩy tất cả những gì không phải là chất lỏng ra khỏi miệng.
Ngày nay, các bác sĩ nhi khoa đều thống nhất quan điểm: việc cho trẻ ăn dặm tuyệt đối không nên khi trẻ chưa đủ 5 tháng tuổi. Một vài trẻ nhỏ phải đến 7 tháng mới “sẵn sàng cho chiếc thìa”. Trong trường hợp phân vân thì tốt hơn hãy đợi thêm thay vì ép buộc quá sức của trẻ.
Con bạn đã đủ lớn để cho ăn bằng thìa chưa?
Liệu trẻ đã sẵn sàng ăn bằng thìa hay chưa phụ thuộc không chỉ vào độ tuổi của bé. Khi bạn quan sát kĩ hành vi của bé, bạn sẽ không khó nhận ra thời điểm thích hợp. Trước khi bạn bắt đầu bón cho bé bằng thìa, bạn cần phải cảm nhận được những dấu hiệu sau ở bé:
- Bé có thể tự ngồi thẳng khi có sự hỗ trợ.
- Ánh mắt của bé chủ ý đưa theo hướng của chiếc thìa.
- Bé có thể quan sát và với tay để lấy đồ vật một cách có mục đích – và đưa những đồ vật đó lên miệng.
- Bé quan tâm tới đồ ăn của các thành viên khác trong gia đình.
“Hãy giúp con để con có thể tự ăn!”
Như đã trình bày ở những trang viết trước, bạn có thể đã nhận ra một điều: Thời điểm thích hợp bắt đầu cho bé ăn dặm không chỉ liên quan đến việc dạ dày hay ruột của bé có thể tiêu hóa được các đồ ăn khác ngoài sữa mẹ và các thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh hay chưa. Và nó cũng không chỉ liên quan tới việc tống cho trẻ những đồ ăn đúng với nghĩa “thực phẩm”. Điều quan trọng hơn cả là sự phát triển của bé phải đủ “chín” để bé có thể cùng tham gia vào hoạt động này một cách tích cực. Sự phát triển của bé cũng phải đạt được mức để bé thấy thích thú với ăn uống. Hằng ngày, bé sẽ bộc lộ cho bạn tính hiếu kì bẩm sinh và sự hào hứng khám phá tìm tòi những điều mới lạ. Bé muốn mở rộng không gian sống. Bé muốn khám phá đồ vật bằng tay và miệng, muốn tự di chuyển, muốn học hỏi. Bé sẽ muốn tự làm tất những gì mà bé có thể. Bé sẽ tự hào với những tiến bộ và sự tự lập đang dần lớn lên trong mình. Và trên tất cả, bé cần có bạn ở bên: tình yêu, sự ủng hộ và tin tưởng của bạn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với bé trong những bữa ăn.
Bé sẽ không chỉ học từ bạn cách ăn bằng thìa, mà còn tạo ra những đột phá vô cùng quan trọng trong sự phát triển nhân cách. Việc ăn cùng bàn với gia đình là một sự kiện xã hội quan trọng. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn đơn giản chỉ mở rộng lỗ hút ở bình sữa để cho được cháo vào thì sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn. Bạn hãy chấm dứt hoàn toàn việc cho bé ăn bằng cách này. Chỉ qua việc ăn bằng tay hoặc bằng thìa, bé mới có thể học được những kĩ năng ăn cũng như những kĩ năng xã hội mới.
“Hãy giúp con để con có thể tự ăn” – theo tôi, đây là một câu nói chứa đựng phương pháp nuôi dạy trẻ rất hữu dụng. Nó miêu tả rất rõ nhiệm vụ của bạn khi bé chuyển từ việc bú mẹ hoặc bú bình sang việc ăn cùng bàn với mọi người. Bạn sẽ nhận ra rằng con đã có thể làm được những gì và khích lệ bé lần lượt học hỏi từng thứ một. Con sẽ tự quyết định quá trình học hỏi của mình. Bạn hãy theo sát để hỗ trợ bé và hãy chia sẻ niềm vui cùng bé mỗi khi bé đạt được một bước tiến mới.
Cho bé ăn những gì và theo thứ tự nào?
Thức ăn dặm đầu tiên tốt nhất bổ sung cho sữa mẹ hoặc sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh là gì? Không có câu trả lời rõ ràng cho việc này. Mỗi nơi trên thế giới người ta lại cho trẻ ăn dặm bằng những loại thực phẩm khác nhau.