Tình yêu không đi qua dạ dày
Không ít phụ huynh đặt ra phép tắc ăn uống giống nhau trong ngày. Ví dụ như mẹ của bé Olga 2 tuổi. Trong một cuộc trò chuyện, bà hiểu chuyện gì đã xảy ra giữa bà và con gái mình:
Mẹ Olga đã nấu thêm cho cô bé một chút đồ ăn. Bà đặt lên bàn ăn cho Olga và chăm chú nhìn con với vẻ mặt đầy mong chờ. Nếu Olga từ chối món ăn, người mẹ sẽ cảm thấy bị tổn thương. Cuối cùng, bà mẹ cũng nói một câu: “Mẹ đã nấu cho con với tất cả tình yêu thương. Con không nhận tình yêu thương của mẹ, con không yêu mẹ ư? Điều đó thật khủng khiếp!”
Olga đã cảm nhận được hai điều: Sự mong chờ có phần hơi quá của mẹ và sự thất vọng khi cô bé không ăn gì hoặc ăn rất ít.
Chắc hẳn bạn cũng sẽ hiểu được cảm giác của Olga thế nào, cũng giống như khi bạn ở với mẹ chồng vậy. Nhưng Olga gặp khó khăn hơn một chút ở việc: Khi bản thân bé không muốn ăn thì bé sẽ bị mẹ ép cho ăn. Việc này chưa chắc mẹ chồng sẽ làm cho bạn. Còn Olga hàng ngày luôn phải chịu áp lực này từ mẹ mình, trong khi bạn chỉ thi thoảng mới phải ăn cùng mẹ chồng mà thôi.
Cũng có những lúc Olga tỏ ra khá ngoan ngoãn và ăn hết đồ ăn một cách ngon lành. Khi đó, mẹ cô bé rất vui và hết sức khen ngợi cô bé. Nhưng chủ yếu Olga vẫn “không ngoan”. Cô bé thường không thích ăn và có những biểu hiện rất rõ rệt như: nghịch đồ ăn, mè nheo, hò hét, đòi trèo ra khỏi ghế ăn và chạy loanh quanh. Khi mẹ đút cho ăn thì cô bé lắc đầu nguầy nguậy, rồi hất tung cả thìa. Những lúc như thế, mẹ cô bé rất thất vọng, không còn giữ được bình tĩnh và bắt đầu chửi bới, không thì mẹ cũng mặc kệ cho Olga chạy quanh nhà trong khi ăn.
Mẹ Olga đã không nhận ra rằng bà đã tạo áp lực cho con gái trong suốt một thời gian dài. Nếu cô bé ăn ngoan thì có nghĩa là “Con rất đáng yêu”, “Con yêu mẹ”; ngược lại nếu cô bé không chịu ăn thì có nghĩa là “Con hư lắm”, “Con không yêu mẹ”. Olga dần cảm nhận được điều này. Nó khiến cô bé trở nên hoang mang. Khi đói thì sẽ ra sao, còn khi no thì sẽ thế nào? Không có gì bất ngờ khi Olga không hề tỏ ra hứng thú với các bữa ăn. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi cô bé đảo ngược tình thế, bé “phạt” lại mẹ bằng cách chối không chịu ăn gì cả. Mặc dù vậy, Olga vẫn tăng cân. Hệ tiêu hóa bẩm sinh của cô bé vẫn hoạt động tốt như thể cô bé vẫn ăn uống đầy đủ. Chính vì áp lực không cần thiết này mà mối quan hệ giữa mẹ và bé bị ảnh hưởng, hầu như bữa ăn nào cả hai cũng đều cảm thấy rất căng thẳng. Và vì người mẹ không thể tập trung làm được gì khác ngoài việc nghĩ đến các bữa ăn nên cô ấy suốt ngày cảm thấy áp lực.
Mẹ Olga cần phải hiểu rằng tình yêu dành cho con gái không đi qua dạ dày. Bà cũng phải nhận thức được rằng việc Olga thường xuyên ăn rất ít và thỉnh thoảng còn không ăn gì không khiến bà trở thành một người mẹ tồi. Mẹ Olga cần biết rằng Olga hoàn toàn có thể tự điều tiết lượng thức ăn mà cô bé hấp thụ.
Dù có bị mẹ thúc ép, Olga cũng không ăn thêm miếng nào. Cũng có khả năng là Olga thực sự không muốn ăn thêm nữa, kể cả khi không bị ép. Cô bé cũng không cần thiết phải ăn thêm, vì thể trạng cô bé hoàn toàn bình thường. Chắc chắn rằng mẹ và bé có thể tạo ra nhiều niềm vui hơn khi ăn, thay vì những áp lực và căng thẳng.
Châm ngôn cho phòng bếp
Về mặt lý thuyết, mẹ Olga hiểu rất rõ điều này. Nhưng bà vẫn chưa thành công trong việc thực hiện đúng cách. Sự hiểu lầm này cũng đã ăn sâu vào tiềm thức, như những “bóng ma” từ thời thơ ấu cứ lởn vởn trong đầu cô ấy. Chính vì thế, chúng tôi đã nghĩ ra một vài câu châm ngôn, để cô có thể treo chúng trong nhà bếp và có thể chúng sẽ giúp cô xua đuổi bớt những con ma lởn vởn trong đầu:
- “Khi con khỏe mạnh và vui vẻ, dù con ăn nhiều hay ít thì cũng không sao cả.”
- “Dù con gầy hay béo, mẹ cũng vẫn yêu con.”
- “Mẹ tin là con sẽ tự ăn những gì con cần.”
- “Mẹ luôn yêu con dù con ăn nhiều hay ít.”
- “Con không thích gì thì đừng ăn!”
Ngoài ra còn có thêm một cách cũng rất hữu ích cho mẹ Olga. Bà thường nấu thừa đồ ăn của con gái mà lại không ăn cùng cô bé với lý do là: “Chỉ cần nhìn đồ ăn thôi là tôi cũng tăng cân rồi”. Khi đến bữa ăn, cô chỉ ngồi theo dõi con gái mình ăn từng miếng một. Bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của Olga, bạn sẽ thấy chỉ riêng việc mẹ cứ nhìn chăm chăm mình thôi cũng đủ khiến bạn cảm thấy áp lực rồi. Sau một vài buổi nói chuyện với chúng tôi, mẹ Olga đã đồng ý ăn một chút cùng con gái mình trong bữa ăn. Cô tập trung vào bữa ăn của mình hơn và bớt chú ý vào bữa ăn của con gái. Đối với những độc giả cũng gặp phải khó khăn như mẹ Olga – cảm thấy khó chịu với từng phần ăn nhỏ của con mình, chúng tôi đã chuẩn bị cho các bạn một số câu châm ngôn trong phòng bếp, các bạn có thể cắt chúng ra và dán lên tường bếp nhà mình. Những câu châm ngôn này đặc biệt hữu ích khi con bạn có thể tự đọc và học thuộc lòng những câu châm ngôn này để thỉnh thoảng con cũng có thể nhắc nhở bạn.
“Không ăn rau thì cũng không được ăn món tráng miệng!”
“Con phải ăn hết rau đã, nếu không sẽ không được ăn món tráng miệng đâu!”. Câu nói này rất được các bậc cha mẹ ưa dùng. Khi bé ăn “nhiều” hay ăn một cách “ngon lành”, bé sẽ được thưởng đồ ngọt tráng miệng. Nhưng khi bé ăn không “ngon lành” thì sẽ không có bữa tráng miệng nào hết (hay sau khi khóc lóc mè nheo một lúc lâu cũng vậy). Nhiều phụ huynh đã làm như vậy và tôi cũng phải thừa nhận rằng trước đây tôi cũng thỉnh thoảng dùng cách này với hai đứa con đầu lòng của mình. Trong khi đó, tôi biết rõ rằng việc này không hề tốt chút nào. Vì sao lại như vậy?
Một cuộc nghiên cứu về vấn đề này đã được thực hiện bằng cách chia một số trẻ mầm non ra thành hai nhóm. Một nhóm được thưởng khi chúng thử ăn một món mới nào đó, nhóm còn lại thì không. Vậy những đứa trẻ “được thưởng” ấy rốt cuộc có tự muốn ăn món ăn đó thường xuyên hơn không? Câu trả lời là không. Chúng cũng không muốn biết thêm gì về món ăn này nữa. Phần thưởng này sẽ không còn tác dụng như một động lực, mà nó chỉ được coi như một món ăn mới. Bữa ăn với phần thưởng là món tráng miệng chính là áp lực và có tác dụng ngược lại so với những gì ta mong đợi. Nhiều bậc cha mẹ không tin chúng tôi về điều này.
Lô-gíc kì lạ
Với câu chuyện của Daniel, có thể chúng ta sẽ thấy vấn đề rõ ràng hơn. Mẹ cậu bé đã nghĩ ra một chiêu đặc biệt như thế này:
Theo mẹ cậu bé, Daniel – gần 3 tuổi – là một đứa trẻ lười ăn. Mặc dù cậu bé có thể tự ăn tốt, nhưng vẫn luôn được mẹ bón cho ăn. Cậu bé này không thích ăn rau nhưng lại rất thích đồ ngọt, nhất là sô cô la. Khi mẹ cho ăn rau, cậu bé thường ngậm chặt miệng và nhất định không ăn. Mẹ của Daniel tự biết phải xử lý thế nào. Cô lấy một thanh sô cô la từ trong tủ và nói với Daniel: “Nhìn này, con yêu, con sẽ có thanh sô cô la này nếu con ăn hết sạch đĩa, nếu không mẹ sẽ đem sang nhà hàng xóm và cho bạn Mirjam.” Đương nhiên Daniel không muốn điều này. Và thế là cậu bé chịu mở miệng nuốt một vài thìa rau.
Thứ lô-gíc kì cục gì đây! Mirjam – cô bé 2 tuổi con nhà hàng xóm – thực sự chẳng có chút liên quan nào đến khẩu phần rau của Daniel. Đây đơn thuần chỉ là một chiêu ép buộc của mẹ. Ban đầu việc này có tác dụng vì Daniel cũng ăn được một chút rau. Nhưng cậu bé sẽ cảm thấy ra sao? Với vẻ khinh thường, cậu bé sẽ chỉ nuốt tạm món rau để dành được thanh sô cô la không thì Mirjam sẽ “lấy mất”. Cậu bé nghĩ rằng: “Giờ mình phải ăn cái món rau chết tiệt này để giành được thanh sô cô la. Mẹ thật là đáng ghét! Mình ghét ăn rau!” Cậu bé sẽ trở nên cáu kỉnh với mẹ. Vậy mẹ bé có nên để cậu tập ăn rau theo cách này? Không nên. Cách “khen thưởng” như vậy thực sự khiến trẻ chán ghét và khó chịu khi phải ăn thứ không thích, để được phép ăn thứ mà mình thích.
Mẹ của Daniel đã bị thuyết phục và cũng phải thừa nhận sự thật này. Cô ấy đưa ra hai lý do sau:
- “Nếu không có phần thưởng tráng miệng thì Daniel không chịu ăn chút rau nào.”
- “Giả sử như bằng mọi cách Daniel có được phần tráng miệng đó, thì sau đấy cậu bé sẽ chỉ đòi tráng miệng chứ không thích ăn gì nữa cả.”
Chúng ta đều biết rằng nhiều bậc cha mẹ cũng có cùng suy nghĩ này và cũng thấy rất khó khăn trong việc bỏ đi “phương pháp tráng miệng” kiểu ép buộc này. Nhưng thực sự chiêu này không hề có tác dụng. Trong suốt một thời gian dài, mẹ của Daniel đã cố gắng làm cho con trai mình thấy món rau thật ngon mà không gây một chút áp lực nào. Cô không tin rằng con trai mình có thể tự tìm ra thứ bé cần trong thực đơn đa dạng mà mình chuẩn bị. Thực ra, cậu bé có thể làm được! Hệ tiêu hóa của bé hoạt động một cách hoàn hảo. Có thể cậu bé cần ít rau hơn là mẹ nghĩ. Suy cho cùng thì cậu bé vẫn thích ăn táo, chuối và thường xuyên uống nước cam ép. Cũng có thể khẩu vị dành cho rau của cậu bé phát triển chậm hơn. Trẻ nhỏ thường rất rụt rè với những món ăn mà chúng chưa quen. Để giúp bé làm quen bạn cần kiên nhẫn và luôn cho con ăn lại món ăn đó. Áp lực bằng cách ép buộc sẽ chỉ mang lại các phản ứng tiêu cực mà thôi!
Mối lo của mẹ Daniel rằng con trai sẽ chỉ muốn ăn phần tráng miệng cũng không thể lý giải được. Các đồ ăn ngọt và béo (thuộc phần màu đỏ trên tháp dinh dưỡng, xem trang 87) chỉ nên xuất hiện trên bàn ăn trong một giới hạn nhất định. Khi Daniel từ chối ăn rau, ta cũng không nên cho cậu bé cả một thanh sô cô la để thay cho phần rau đó, mà chỉ nên cho đúng một phần mà mẹ cậu đã định sẵn từ trước cho món tráng miệng. Phần tráng miệng đó cũng được coi là một phần trong bữa ăn tương đương với phần rau. Daniel có thể tự tìm ra thứ mà cậu cần trong thực đơn mà mẹ cung cấp cho cậu. Cậu chỉ nhận được một phần sô cô la rất nhỏ. Cậu có thể ăn bất cứ lúc nào nhưng nhiều hơn thì không được.