Nghệ thuật ẩn mình – Kevin D. Mitnick, Robert Vamosi

Sự ra đời của nhiếp ảnh cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của mọi người về sự riêng tư. Đột nhiên, hành vi xấu của ai đó có thể bị ghi lại bằng hình ảnh. Thực ra, ngày nay các nhân viên thực thi pháp luật có máy quay và máy quay cơ thể, vì vậy sẽ có hồ sơ về hành vi của chúng ta khi chúng ta có chuyện dính líu tới luật pháp. Và hiện nay, với công nghệ nhận diện khuôn mặt, bạn có thể chụp ảnh một người để đối chiếu với hồ sơ Facebook của họ. Ngày nay, chúng ta có các bức ảnh tự sướng.

Nhưng vào năm 1888, khả năng lúc nào cũng có thể bị ghi lại như thế vẫn còn là một điều mới vẻ và đáng lo ngại. Tờ Hartford Courant cảnh báo: “Các công dân nghiêm túc không thể thoải mái cười đùa mà không có nguy cơ bị bắt tại trận và bức ảnh của anh ta sẽ bị đem cho đám trẻ con truyền tay nhau xem. Và chàng trai trẻ muốn tán tỉnh cô gái trong mộng lúc chèo thuyền xuôi dòng sông lúc nào cũng phải khư khư giương ô lên che chắn.”

Một số người không thích sự thay đổi này. Vào những năm 1880, một nhóm phụ nữ ở Mỹ đã đập vỡ một chiếc máy ảnh trên tàu vì họ không muốn chủ nhân chiếc máy chụp ảnh họ. Ở Anh, một nhóm thanh niên lập hội để đi tuần tra trên bãi biển, dọa nạt những người định chụp ảnh những phụ nữ bước lên bờ sau khi bơi.

Vào những năm 1890, Samuel Warren và Louis Brandeis (về sau Louis Brandeis làm việc trong Tòa án tối cao) đã viết trong một bài báo rằng: “Các bức ảnh tức thời và báo chí đã xâm chiếm các khu vực thiêng liêng trong cuộc sống riêng tư và gia đình.” Họ đề nghị luật pháp Mỹ nên chính thức thừa nhận quyền riêng tư và, để chống lại nạn chụp ảnh lén, áp đặt trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ xâm phạm nào. Các luật như vậy đã được thông qua ở một số tiểu bang.

Ngày nay, nhiều thế hệ đã trưởng thành trong sự đe dọa của những bức ảnh tức thời. Ảnh chụp lấy ngay, có ai chụp không nhỉ? Nhưng ngày nay chúng ta cũng hài lòng với sự phổ biến của nhiếp ảnh. Dù đi đâu, bạn cũng có thể xuất hiện trong một video hay bức ảnh nào đó – bất kể bạn có cho phép hay không. Và bất kỳ ai ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể xem được những hình ảnh đó.

Đối với sự riêng tư, chúng ta sống trong sự mâu thuẫn. Một mặt, chúng ta đề cao nó, coi nó như một quyền, và coi nó có liên hệ với sự tự do và độc lập của mình: Chẳng phải bất cứ điều gì chúng ta làm trên mảnh đất của mình, đằng sau cánh cửa đóng kín, vẫn là riêng tư hay sao? Mặt khác, con người là những sinh vật tò mò. Và bây giờ chúng ta có phương tiện để thỏa mãn tối đa sự tò mò đó theo những cách trước đây là không tưởng.

Bạn có bao giờ tự hỏi cái gì đằng sau hàng rào kia trên phố, trong sân sau nhà hàng xóm không? Công nghệ có thể trả lời câu hỏi đó cho hầu hết mọi người. Ngày nay, các công ty sản xuất máy bay không người lái như 3D Robotics và CyPhy giúp cho một người bình thường cũng có thể sở hữu máy bay dễ dàng (ví dụ, tôi có máy bay không người lái DJI Phantom 4). Đó là loại máy bay điều khiển từ xa và tinh vi hơn nhiều so với trước đây. Hầu như tất cả đều được trang bị camera mini, giúp bạn nhìn thế giới theo một cách mới. Một số máy bay không người lái có thể được điều khiển từ điện thoại di động.

Về bản chất, máy bay không người lái cá nhân là những kẻ tọc mạch. Giờ đây, không nơi nào là quá xa xôi hẻo lánh, vì bạn có thể cho máy bay lượn vòng cách mặt đất vài trăm mét.

Ngày nay, ngành bảo hiểm sử dụng máy bay không người lái vì lý do kinh doanh. Hãy thử nghĩ mà xem. Nếu bạn là chuyên viên tính toán tổn thất và cần phải đánh giá về một khu đất sắp sửa ký hợp đồng bảo hiểm, bạn có thể đưa máy bay không người lái bay một vòng quanh đó, vừa để kiểm tra trực quan những nơi vốn trước đây bạn không thể tiếp cận, vừa để tạo bản ghi vĩnh viễn về những gì bạn tìm thấy. Bạn có thể đưa máy bay lên cao để có được góc nhìn từ trên xuống mà trước đây chỉ máy bay trực thăng mới làm được.

Bây giờ, chúng ta có thể dùng máy bay không người lái giờ để do thám hàng xóm – chỉ cần đưa máy bay bay trên mái nhà rồi nhìn xuống để thấy rằng nhà hàng xóm có bể bơi, hay họ thích khỏa thân tắm nắng. Mọi chuyện trở nên phức tạp: chúng ta mong giữ được sự riêng tư trong nhà riêng và trên bất động sản của mình, nhưng điều đó đang bị thách thức. Ví dụ, trên Google Street View và Google Earth, Google che giấu khuôn mặt, biển số xe, và thông tin cá nhân khác. Nhưng một người hàng xóm có máy bay không người lái sẽ không bảo đảm được chuyện đó – dù rằng bạn có thể lịch sự yêu cầu anh ta đừng cho máy bay bay qua sân nhà mình. Máy bay không người lái trang bị video sẽ mang đến những dữ liệu của cả Google Earth và Google Street View cộng lại.

Có một số quy định. Chẳng hạn, Cục Hàng không Liên bang quy định rằng máy bay không người lái không được rời khỏi tầm nhìn của người điều khiển, rằng nó không được bay trong một khoảng cách nhất định của sân bay, và rằng nó không được bay quá độ cao cho phép. Có một ứng dụng gọi là B4UFLY giúp bạn xác định nơi để thả máy bay không người lái. Và trước trào lưu sử dụng máy bay không người lái thương mại, một số tiểu bang đã thông qua các luật hạn chế việc sử dụng chúng. Ở Texas, công dân bình thường không được phép sử dụng máy bay không người lái, nhưng vẫn có một số ngoại lệ, bao gồm ngoại lệ cho các nhân viên bất động sản. Colorado có lẽ là bang có quan điểm tự do nhất về máy bay không người lái; ở đây, công dân bình thường cũng có thể vận hành thiết bị này.

Ở mức tối thiểu, chính phủ Mỹ nên yêu cầu những người đam mê máy bay không người lái đăng ký cho thiết bị của mình. Ở Los Angeles, nơi tôi sống, có người đã đâm máy bay không người lái vào các đường dây điện ở West Hollywood, gần ngã tư đường Larrabee và Đại lộ Sunset. Nếu chiếc máy đó có đăng ký, các nhà chức trách có thể xác định được ai đã làm gián đoạn công việc của 700 người trong nhiều giờ đồng hồ trong khi hàng chục nhân viên của công ty điện lực phải làm việc tới tận đêm để khôi phục điện cho khu vực.

Các cửa hàng bán lẻ ngày càng muốn tìm hiểu kỹ hơn về khách hàng của mình. Một phương pháp hiệu quả là sử dụng bộ bắt sóng IMSI di động. Khi bạn bước vào một cửa hàng, máy bắt sóng IMSI lấy thông tin từ điện thoại di động và bằng cách nào đó tìm ra số điện thoại của bạn. Từ đó, hệ thống này có thể truy vấn hàng tấn cơ sở dữ liệu và xây dựng một hồ sơ về bạn. Các nhà bán lẻ truyền thống cũng bắt đầu sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Hãy nghĩ về nó như một người đứng chào ở cửa một đại siêu thị của Walmart.

Trong tương lai không xa, khi bước vào một cửa hàng chưa từng đặt chân đến, có thể tôi vẫn nhận được câu chào: “Xin chào Kevin.” Việc cá nhân hóa trải nghiệm bán lẻ là một hình thức giám sát khác, tuy rằng tinh tế hơn. Chúng ta không còn có thể mua sắm ẩn danh nữa.

Tháng Sáu năm 2015, chỉ hai tuần sau khi gây sức ép buộc Quốc hội thông qua Đạo luật Tự do Hoa Kỳ – một phiên bản sửa đổi của Đạo luật Patriot, có bổ sung một số điều khoản bảo vệ quyền riêng tư – chín nhóm hoạt động vì quyền riêng tư của người tiêu dùng, trong số đó một vài nhóm đã mạnh tay vận động hành lang rất nhiều để ủng hộ Đạo luật Tự do, trở nên bất mãn với một số nhà bán lẻ lớn và rút khỏi các vòng đàm phán nhằm hạn chế việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Vấn đề gây tranh cãi là liệu nhà bán lẻ có cần xin phép người tiêu dùng trước khi quét dữ liệu của họ hay không. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng các tổ chức bán lẻ lớn tham gia vào cuộc đàm phán trên không nhân nhượng điểm này. Theo họ, khi bước chân vào cửa hàng của họ, tất nhiên là thông tin nhận dạng của bạn sẽ bị quét.

Một số người có thể muốn được đón tiếp theo lối riêng tư như vậy khi bước vào cửa hàng, nhưng nhiều người trong chúng ta sẽ thấy điều này thực sự đáng lo ngại. Các cửa hàng lại có cách nhìn khác. Họ muốn bắt những kẻ trộm đã được biết mặt, nên không muốn trao cho người tiêu dùng quyền được rút lui. Nếu cửa hàng sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, ngay khi những kẻ trộm đã được biết mặt bước vào, chúng sẽ bị nhận diện tức thì.

Khách hàng nói gì? Ít nhất tại Anh, bảy trong số mười người được khảo sát cảm thấy việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong cửa hàng là “quá đáng sợ.” Và một số tiểu bang của Mỹ, bao gồm Illinois, đã tự ra quy định về hoạt động thu thập và lưu trữ các dữ liệu sinh trắc học. Những quy định này đã dẫn đến nhiều vụ kiện tụng. Ví dụ, một người đàn ông ở Chicago hiện đang kiện Facebook vì anh ta chưa đồng ý cho phép hãng này sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định anh ta trong ảnh của người khác.

Có thể sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định một người hoàn toàn dựa trên hình ảnh của họ. Nhưng nếu bạn đã biết người đó là ai và bạn chỉ muốn chắc chắn rằng anh ta đang ở chỗ mà anh ta nên ở thì sao? Đây là một cách sử dụng tiềm năng khác của công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Moshe Greenshpan là Giám đốc Điều hành của công ty cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt Face-Six có trụ sở tại Israel và Las Vegas. Một trong những ứng dụng của phần mềm Churchix của họ là kiểm tra những người tham dự các buổi lễ ở nhà thờ. Ý tưởng ở đây là để giúp các nhà thờ xác định được đâu là những giáo dân tham dự không thường xuyên, từ đó khích lệ họ năng đến nhà thờ hơn; đồng thời xác định những người tham dự thường xuyên để khích lệ họ đóng góp nhiều hơn.