Nghệ thuật ẩn mình – Kevin D. Mitnick, Robert Vamosi

Điều này mang lại những hệ quả trong cuộc sống thực. Giả sử bạn đăng một số chú thích ngu ngốc lên ảnh của một người hiện làm việc tại công ty mà bạn đang nộp hồ sơ xin việc. Hoặc bạn đăng chụp chung với người mà bạn không muốn vợ/chồng hiện nay của mình biết. Mặc dù nó có thể là tài khoản cá nhân của bạn, nhưng nó cũng là dữ liệu của mạng xã hội.

Có lẽ bạn chưa từng dành thời gian đọc các điều khoản sử dụng của bất kỳ website nào nơi bạn đăng các dữ liệu cá nhân, trải nghiệm hằng ngày, suy nghĩ, ý kiến, câu chuyện, thông tin, khiếu nại,… hoặc nơi bạn mua sắm, chơi, học, và tương tác – có lẽ là với tần suất hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Hầu hết các website mạng xã hội đều yêu cầu người dùng phải đồng ý với các điều khoản và điều kiện của họ trước khi sử dụng dịch vụ. Điều đáng tranh cãi là, các điều khoản này thường chứa các điều mục cho phép họ lưu trữ dữ liệu thu được từ người dùng và thậm chí chia sẻ nó với các bên thứ ba.

Nhiều năm qua, Facebook đã thu hút sự chú ý của công luận vì các chính sách lưu trữ dữ liệu của họ, bao gồm cả việc website này gây khó khăn cho việc xóa tài khoản. Và Facebook không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều website có lối nói hệt như nhau trong phần điều khoản sử dụng, có thể khiến bạn sợ hãi mà tránh xa nếu bạn chịu đọc nó trước khi đăng ký. Dưới đây là một ví dụ, từ Facebook, tại thời điểm ngày 30 tháng 1 năm 2015:

Bạn sở hữu tất cả nội dung và thông tin bạn đăng trên Facebook và bạn có thể kiểm soát cách thức nội dung và thông tin được chia sẻ thông qua cài đặt bảo mật và ứng dụng của mình. Ngoài ra:

Đối với nội dung thuộc quyền sở hữu trí tuệ, như ảnh và video (nội dung sở hữu trí tuệ), bạn đặc biệt cho chúng tôi quyền sau, tùy thuộc vào cài đặt riêng tư và ứng dụng của bạn: bạn cấp phép cho chúng tôi Giấy phép không độc quyền, có thể chuyển nhượng, có thể cấp phép phụ, miễn phí bản quyền, giấy phép toàn cầu để sử dụng bất kỳ nội dung sở hữu trí tuệ nào mà bạn đăng hoặc liên quan đến Facebook (Giấy phép sở hữu trí tuệ). Giấy phép sở hữu trí tuệ này kết thúc khi bạn xóa nội dung sở hữu trí tuệ hoặc tài khoản của mình trừ khi nội dung của bạn được chia sẻ với người khác và họ chưa xóa nó.

Nói cách khác, Facebook có quyền sử dụng bất kỳ thứ gì bạn đăng trên website này, theo bất kỳ cách nào họ muốn. Thậm chí họ còn có thể bán các hình ảnh, ý kiến, bài viết, hoặc bất cứ điều gì khác mà bạn đăng lên, kiếm tiền từ sự đóng góp của bạn mà không phải trả cho bạn một xu. Họ có thể sử dụng các bình luận, nội dung chỉ trích, phỉ báng, vu khống của bạn (nếu có), và những chi tiết mang tính cá nhân nhất mà bạn đăng về con cái, cấp trên, hay nhân tình của bạn. Và họ không phải làm điều đó lén lút: nếu bạn đã sử dụng tên thật của mình, thì họ cũng có thể sử dụng tên thật của bạn.

Một trong những kết luận rút ra được ở đây là những hình ảnh mà bạn đăng lên Facebook cũng có thể xuất hiện ở các website khác. Để tìm xem trên mạng có lưu giữ hình ảnh nhạy cảm nào của mình không, bạn có thể thực hiện tìm kiếm hình ảnh ngược trong Google. Hãy nhấp vào biểu tượng máy ảnh nhỏ trong cửa sổ tìm kiếm của Google và tải lên ảnh từ ổ cứng của bạn. Sau vài phút, bạn sẽ thấy mọi bản sao có thể tìm thấy của hình ảnh đó trên mạng. Về lý thuyết, nếu đó là ảnh của bạn, bạn sẽ biết tất cả các website xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, nếu bạn thấy có người đăng ảnh của mình lên một website mà bạn không thích, thì bạn không có nhiều sự lựa chọn đâu.

Công nghệ tìm kiếm hình ảnh ngược chỉ giới hạn ở những gì đã được đăng tải. Nói cách khác, nếu trên mạng có hình ảnh tương tự nhưng không giống hệt, Google sẽ không tìm. Nó chỉ tìm đúng hình ảnh bạn yêu cầu, kể cả các phiên bản ảnh đã cắt, nhưng trong trường hợp này, dữ liệu trung tâm – hoặc phần dữ liệu trung tâm vừa đủ – vẫn giữ nguyên.

Một lần, vào dịp sinh nhật tôi, một người bạn muốn tạo một con tem có hình tôi trên đó. Công ty cung cấp dịch vụ này, Stamps.com, có chính sách nghiêm ngặt chống lại việc sử dụng hình ảnh của những người từng bị kết án. Và hình ảnh của tôi đã bị từ chối. Có lẽ họ đã tìm kiếm hình ảnh trên mạng.

Thông tin về tôi, Kevin Mitnick, từng bị kết án tù đã có mặt trong một cơ sở dữ liệu ở đâu đó.

Năm sau đó, bạn tôi thử một bức ảnh chụp tôi thời trẻ, khi tôi còn chưa được nhiều người biết đến, với tên gọi khác. Cô cho rằng có lẽ bức ảnh này chưa được đăng tải trên mạng. Và bạn biết chuyện gì không? Mẹo này đã thành công: bức ảnh đã được chấp nhận! Điều này cho thấy những hạn chế của công nghệ tìm kiếm hình ảnh.

Tuy nhiên, nếu tìm thấy một bức ảnh nào của mình mà bạn không muốn xuất hiện trên mạng, bạn vẫn có một số phương án xử lý.

Trước tiên, hãy liên hệ với website đã đăng ảnh bạn. Hầu hết các website đều có địa chỉ email tiếp nhận các thông báo lạm dụng dạng “[email protected].” Bạn cũng có thể liên hệ với quản trị viên của website tại địa chỉ “[email protected].” Hãy giải thích với họ rằng bạn là chủ sở hữu của hình ảnh đó và bạn không cho phép đăng tải nó. Trong phần lớn các trường hợp, quản trị viên sẽ gỡ bỏ hình ảnh mà không gây phiền hà gì. Tuy nhiên, nếu cần thiết, bạn có thể gửi yêu cầu thực thi Đạo luật Bản quyền Kỹ thuật số Thiên niên kỷ (Digital Millennium Copyright Act –DMCA)[78] tới email “[email protected].”

[78] DMCA: Đạo luật bản quyền của Mỹ, ra đời năm 1998, thực thi hai hiệp định của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) năm 1996. Đạo luật này nhằm bảo vệ bản quyền của các sản phẩm công nghệ trên mạng và ghép tội những hành vi xâm phạm bản quyền như xâm nhập trái pháp, cung cấp hoặc kinh doanh sản phẩm công nghệ trái phép.

Nhưng hãy cẩn thận. Bạn có thể gặp rắc rối nếu xuyên tạc nội dung yêu cầu DMCA, vì vậy, nếu sự việc nghiêm trọng đến cấp độ này, hãy xin tư vấn pháp lý. Nếu hình ảnh vẫn chưa được gỡ bỏ, hãy quay ngược lại liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ Internet của website (Comcast, GoDaddy, hay một công ty khác). Hầu hết họ sẽ nghiêm túc xử lý một yêu cầu DMCA hợp lệ.

Ngoài hình ảnh, hồ sơ mạng xã hội của bạn còn có những gì? Không ai muốn chia sẻ tất cả thông tin về bản thân mình với một hành khách lạ tình cờ ngồi chung một chuyến tàu. Cũng tương tự như thế, bạn không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các website vắng hình bóng con người. Bạn không thể biết ai đang xem hồ sơ của mình. Và một khi nó đã xuất hiện trên mạng, thì bạn không thể lấy lại. Hãy cân nhắc cẩn thận về những gì bạn đưa vào hồ sơ của mình – bạn không phải điền vào tất cả các trường trống, chẳng hạn như trường đã học (hay thời gian học). Thực ra, hãy cung cấp càng ít thông tin càng tốt.

Bạn có thể tạo một hồ sơ chuyên biệt trên mạng xã hội. Đừng nói dối, chỉ cần cung cấp sự thật mập mờ là được. Ví dụ, nếu bạn lớn lên ở Atlanta, hãy nói rằng bạn lớn lên ở “miền Đông Nam nước Mỹ,” hoặc đơn giản là “Tôi đến từ miền Nam.”

Bạn cũng có thể tạo một ngày sinh “an toàn” – tức không phải ngày sinh thực sự của bạn – để che giấu thông tin cá nhân hơn nữa. Nhưng hãy ghi nhớ những ngày sinh giả mạo này, vì đôi khi bạn sẽ cần đến chúng để xác minh danh tính khi cần hỗ trợ kỹ thuật hay cần đăng nhập lại một website.

Sau khi tạo hoặc chỉnh sửa hồ sơ trực tuyến, hãy dành vài phút để đọc các tùy chọn quyền riêng tư ở từng nơi. Ví dụ: với Facebook, bạn nên bật chế độ kiểm soát quyền riêng tư, bao gồm cả mục duyệt gắn thẻ. Hãy tắt tính năng “Suggest photos of me to friends” (Đề xuất ảnh của tôi cho bạn bè) và “Friends can check me into places” (Bạn bè có thể ký check-in tôi tại các địa điểm).

Nhưng có lẽ điều đáng lo ngại nhất là việc trẻ em sử dụng Facebook. Chúng thường điền thông tin vào mọi trường trống, kể cả mục tình trạng mối quan hệ. Hoặc chúng có thể ngây thơ tiết lộ tên trường, tên giáo viên, hay số tuyến xe bus đi học mỗi sáng. Tuy chúng không chỉ đích danh nơi ở, nhưng chừng đó thông tin cũng đủ để tiết lộ chúng sống ở đâu rồi. Các bậc phụ huynh cần kết bạn với con cái trên mạng xã hội, theo dõi những gì chúng đăng, và lý tưởng nhất là thống nhất trước với chúng về những nội dung có thể và và không thể đăng.

Ẩn danh không có nghĩa là bạn không thể chia sẻ những thông tin cập nhật về cuộc sống cá nhân của mình một cách an toàn, nhưng nó đòi hỏi sự tỉnh táo, và bạn phải thường xuyên kiểm tra phần cài đặt bảo mật của các website mạng xã hội mà bạn sử dụng – vì chính sách bảo mật sẽ có sự thay đổi, và những thay đổi này không phải lúc nào cũng theo chiều hướng tốt hơn. Đừng hiển thị ngày sinh – kể cả ngày sinh giả – hay ít nhất là ẩn thông tin này đối với các “bạn bè” trên Facebook mà bạn không thực sự quen biết.

Ta hãy cùng xem xét một trường hợp sau đây. Một bài đăng trên mạng xã hội nói rằng cô Sanchez là một giáo viên tuyệt vời. Một bài đăng khác có thể viết về về hội chợ hàng thủ công tại Trường Tiểu học Alamo. Qua Google, chúng tôi có thể thấy rằng cô Sanchez dạy lớp 5 tại Trường Tiểu học Alamo – và qua đây, chúng tôi có thể đoán rằng chủ tài khoản đó khoảng mười tuổi.

Bất chấp những cảnh báo từ Consumer Reports[79] và các tổ chức khác, người ta vẫn tiếp tục chia sẻ mọi chuyện trên mạng. Hãy nhớ rằng một khi các thông tin trên được đăng tải công khai, các bên thứ ba hoàn toàn có thể thu thập chúng.

[79] Consumer Reports: Một tạp chí phục vụ người tiêu dùng của Mỹ.