Tôi thấy buồn khi nghe người bạn cũ giải thích vì sao anh ấy lại không coi trọng sự riêng tư. Tôi buồn vì đã từng nghe những lí do này rồi, rất nhiều lần là đằng khác. Tôi nghe từ những người cho rằng họ không có gì phải giấu diếm. Tôi nghe từ những người cho rằng chỉ tội phạm mới cần tự bảo vệ mình. Tôi nghe từ những người cho rằng chỉ khủng bố mới sử dụng mã hóa. Tôi nghe từ những người đinh ninh rằng chúng ta không cần bảo vệ các quyền của mình. Nhưng thực sự thì chúng ta cần phải bảo vệ các quyền của mình. Và quyền riêng tư không chỉ ảnh hưởng đến các quyền của chúng ta, mà bản thân nó chính nó là một quyền của con người. Trên thực tế, quyền riêng tư đã được công nhận là một quyền cơ bản của con người trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948.
Nếu như ngay từ năm 1948, quyền riêng tư của chúng ta đã cần được bảo vệ, thì ngày nay chắc chắn nhu cầu đó càng ngày càng cấp thiết hơn. Suy cho cùng, chúng ta là thế hệ đầu tiên trong lịch sử nhân loại có thể bị theo dõi với mức độ chính xác như vậy. Chúng ta có thể bị theo dõi bằng kĩ thuật số trong suốt cuộc đời. Hầu như tất cả các nội dung liên lạc của chúng ta đều có thể bị nhìn thấy bằng cách này hay cách khác. Chúng ta thậm chí còn liên tục mang những thiết bị theo dõi nhỏ trên người – chỉ có điều chúng ta không gọi chúng là thiết bị theo dõi, mà gọi là điện thoại thông minh.
Hoạt động theo dõi trực tuyến có thể cho thấy chúng ta mua sách gì và đọc bài báo nào – thậm chí là phần nào trong bài báo thu hút sự quan tâm của chúng ta nhất. Nó còn biết chúng ta đi đâu và đi với ai, chúng ta đang ốm, đang buồn, hay đang hưng phấn. Phần lớn các hoạt động theo dõi được thực hiện ngày nay đều nhằm biên soạn lại dữ liệu này để kiếm tiền. Bằng cách nào đó, các công ty cung cấp dịch vụ miễn phí đã biến sự “miễn phí” này thành hàng tỉ đô-la doanh thu – đây là một sự minh họa rõ nét, cho thấy giá trị của việc lập hồ sơ người dùng Internet ở quy mô lớn. Ngoài ra, cũng có loại giám sát xác định mục tiêu cụ thể hơn, do các cơ quan chính phủ thực hiện ở trong nước hoặc nước ngoài.
Giao tiếp kĩ thuật số đã giúp cho các chính phủ có thể thực hiện giám sát hàng loạt. Nhưng nó cũng giúp chúng ta tự bảo vệ mình tốt hơn thông qua những công cụ như mã hóa, bằng cách lưu trữ dữ liệu an toàn, và bằng cách tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về an ninh vận hành (operations security – OPSEC). Tất cả những gì chúng ta cần bây giờ là một bản hướng dẫn cách thực hiện đúng điều đó.
Vâng, cuốn cẩm nang mà bạn cần đang ở ngay trong tay bạn đấy. Tôi rất vui vì Kevin đã dành thời gian để chia sẻ những kiến thức của mình về nghệ thuật ẩn mình. Suy cho cùng, ông ấy là bậc thầy trong lĩnh vực này rồi. Cuốn sách này là một nguồn tài nguyên tuyệt vời. Hãy đọc và áp dụng những kiến thức trong đây để bảo vệ bản thân bạn và các quyền của bạn.
Kể tiếp chuyện ở quán cà phê, sau cuộc hàn huyên, tôi và người bạn cũ chia tay nhau. Tôi cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với anh ấy, nhưng đôi khi tôi vẫn nghĩ về những lời anh nói, “Tôi không quan tâm chuyện người khác theo dõi những gì tôi làm trên mạng.” Có thể bạn không có gì phải giấu diếm. Nhưng bạn có rất nhiều thứ phải bảo vệ đấy.
Mikko Hypponen là nhà nghiên cứu trưởng của F-Secure[1]. Ông hiện là người duy nhất từng thuyết trình ở cả hai hội nghị DEF CON[2] và TED.
[1] F-Secure (tên cũ là Data Fellows): Một công ty của Phần Lan, chuyên về an ninh và quyền riêng tư trên mạng. Công ty này hiện đang hoạt động tại hơn 100 quốc gia.
[2] DEF CON (hay DEFCON, Defcon, và DC): Một trong những hội nghị lớn nhất thế giới về hacker, được tổ chức thường niên tại Las Vegas.
Lời giới thiệu:
Đến lúc biến mất rồi
Gần hai năm sau ngày Edward Joseph Snowden, một nhân viên hợp đồng của Booz Allen Hamilton[3], lần đầu tiên công bố các tài liệu mật lấy được từ Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), diễn viên hài John Oliver của HBO đến Quảng trường Thời đại ở Thành phố New York để thực hiện một cuộc khảo sát ngẫu nhiên nhằm lấy tư liệu cho một chương trình về quyền riêng tư và giám sát. Các câu hỏi của anh rất rõ ràng. Edward Snowden là ai? Anh ta đã làm gì?
[3] Booz Allen Hamilton: Hãng tư vấn về công nghệ thông tin và quản lí, có trụ sở tại Virginia, Mỹ. (BTV)
Trong các trích đoạn phỏng vấn mà Oliver phát sóng sau đó, có vẻ như không ai biết câu trả lời. Có người nói họ nhớ tên Snowden, song cũng không thể nói chính xác anh ta đã làm gì (hay tại sao anh ta lại làm thế). Sau khi trở thành nhân viên hợp đồng cho NSA, Edward Snowden đã sao chép hàng nghìn tài liệu mật và tuyệt mật, sau đó đem trao cho các phóng viên để họ công bố rộng khắp. Lẽ ra Oliver có thể kết thúc chương trình phóng sự đó bằng một thông điệp buồn, rằng sau gần hai năm tích cực đưa tin của giới truyền thông, vẫn chưa có ai ở Mỹ thực sự quan tâm đến hoạt động gián điệp trong nước của chính phủ. Nhưng nam diễn viên này đã chọn một cách khác. Anh bay tới Nga, nơi Snowden hiện đang sống lưu vong, để thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp.
Câu hỏi đầu tiên mà Oliver đặt cho Snowden là: Anh mong muốn đạt được điều gì? Snowden trả lời rằng anh muốn cho thế giới thấy những gì NSA đang làm: thu thập dữ liệu về hầu hết tất cả mọi người. Khi Oliver cho anh xem các cuộc phỏng vấn thực hiện ở Quảng trường Thời đại, trong đó hết người này đến người khác trả lời rằng họ không biết Snowden là ai, anh nói, “Không thể cung cấp đầy đủ thông tin cho mọi người được.”
Tại sao chúng ta không được cung cấp nhiều thông tin hơn về các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư mà Snowden và những người khác đã vạch ra? Tại sao dường như chúng ta không ai quan tâm đến việc bị cơ quan chính phủ nghe lén các cuộc điện thoại, email, thậm chí cả tin nhắn của mình? Có lẽ bởi vì nhìn chung, NSA không trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của hầu hết chúng ta – ít nhất là không theo một cách hữu hình, như một sự xâm nhập mà chúng ta có thể cảm nhận.
Nhưng như Oliver cũng đã phát hiện ra tại Quảng trường Thời đại ngày hôm đó, người Mỹ có quan tâm đến quyền riêng tư khi họ nhận thức rõ vấn đề. Ngoài các câu hỏi về Snowden, anh còn đặt các câu hỏi chung chung về quyền riêng tư. Ví dụ, khi anh hỏi họ nghĩ gì nếu chính phủ thực hiện một chương trình ghi lại các ảnh khỏa thân gửi qua Internet, quan điểm của người dân New York cũng rất tương đồng với nhau – chỉ có điều là lần này, tất cả đều phản đối chuyện đó. Một người thậm chí còn tiết lộ rằng gần đây có gửi đi một bức ảnh như vậy.
Tất cả những người được hỏi trong chương trình phỏng vấn ở Quảng trường Thời đại đều nhất trí rằng những người sinh sống ở nước Mỹ cần được tự do chia sẻ bất kì điều gì trên Internet một cách riêng tư – kể cả một bức ảnh chụp hình dương vật. Đó là lập luận cơ bản của Snowden.
Hóa ra chương trình giả tưởng nêu trên cũng không khác là mấy so với thực tế. Như Snowden đã giải thích cho Oliver trong cuộc phỏng vấn giữa hai người, do các công ty như Google đặt máy chủ ở khắp nơi trên thế giới, nên ngay cả một tin nhắn đơn giản (có thể bao gồm ảnh khoả thân) giữa hai vợ chồng sinh sống trong cùng một thành phố của Mỹ cũng có thể bị đẩy ra một máy chủ ở nước ngoài trước tiên. Vì dữ liệu đó đã rời khỏi lãnh thổ nước Mỹ, dù chỉ trong một nano giây, nên dựa vào Đạo luật Patriot[4], NSA có thể thu thập và lưu trữ tin nhắn hoặc email đó (bao gồm cả hình ảnh khiếm nhã), bởi vì về mặt kĩ thuật, tại thời điểm dữ liệu đó được giữ lại, nó đã đi vào nước Mỹ từ một nguồn nước ngoài. Quan điểm của Snowden là: Những người dân Mỹ bình thường đang bị cuốn vào một mẻ lưới hậu11/9, vốn ban đầu được thiết kế để ngăn chặn khủng bố nước ngoài nhưng giờ đây đã trở thành công cụ để theo dõi tất cả mọi người.
[4] Đạo luật Patriot (viết tắt của “Uniting and Strengthening America by Providing Appropriate Tools Required to Intercept and Obstruct Terrorism” – Đoàn kết và Tăng cường sức mạnh của nước Mỹ bằng cách Cung cấp Công cụ Phù hợp Cần thiết để Ngăn chặn Khủng bố): Đạo luật của Mỹ có hiệu lực từ ngày 26/10/2001, sau khi diễn ra cuộc khủng bố ngày 11/9/2001.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, trước những tin tức liên tục về các vụ xâm phạm dữ liệu cùng các chiến dịch giám sát của chính phủ, chúng ta sẽ trở nên giận dữ hơn nhiều. Rằng trước tốc độ diễn ra của hiện tượng này – chỉ trong một vài năm – chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn sốc và chuyển sang diễu hành biểu tình trên các đường phố. Nhưng trên thực tế, điều ngược lại mới đúng. Nhiều người trong số chúng ta, thậm chí nhiều độc giả của cuốn sách này, giờ đây đã đi đến chỗ chấp nhận rằng ít nhất là ở một mức độ nào đó, mọi việc chúng ta làm – gọi điện, nhắn tin, gửi email, tham gia mạng xã hội – đều có thể bị người khác trông thấy.
Và điều đó thật đáng thất vọng.
Có thể bạn không vi phạm pháp luật. Bạn sống một cuộc sống mà bạn tưởng là bình thường và lặng lẽ, và bạn cảm thấy giữa đám đông trên mạng ngày nay, không có ai chú ý đến mình. Nhưng hãy tin tôi đi: Ngay cả bạn cũng không vô hình đâu. Ít nhất là chưa.
Tôi thích ảo thuật, và một số người có thể nói rằng để xâm nhập được vào máy tính cần phải có sự khéo léo. Một trò ảo thuật phổ biến là khiến cho một vật trở thành vô hình. Tuy nhiên, bí mật ở đây là vật đó không thực sự biến mất hay trở thành vô hình mà vẫn luôn hiện hữu ở hậu cảnh – phía sau một bức màn, bên trên một ống tay áo, ở trong túi – bất kể chúng ta có nhìn thấy nó hay không.