Chúng tôi tạm biệt nhau, ông Thomas chủ động trao cho tôi tấm danh thiếp và thiện ý mời tôi nếu có dịp ghé qua New York thì cho ông biết. Tôi cũng lịch sự đáp lại và hứa sẽ liên lạc với ông ấy để trao đổi thêm về đề tài thú vị này.
Tuy nhiên, vì bận rộn với nhiều công việc nên tôi dường như quên hẳn cuộc gặp gỡ và lời hứa này trong nhiều năm.
* * *
Năm năm sau, vào năm 2013, tôi có dịp tham dự một buổi hội thảo về khoa học ở New York và sau đó đi ăn tối tại một nhà hàng gần khách sạn. Vừa bước vào nhà hàng và đang chờ đợi để được đưa đến bàn ăn thì tôi bất ngờ nghe có tiếng gọi tên mình và thấy ông Thomas cùng vợ đang ngồi tại một bàn gần cửa sổ. Ánh mắt ông lộ vẻ vui mừng khi thấy tôi và lịch sự mời tôi ngồi ăn cùng với vợ chồng ông ấy.
Ông Thomas mở lời:
– Thật bất ngờ được gặp anh ở New York, sao anh đến mà không báo cho tôi biết? May là có duyên gặp anh ở đây, chúng ta đã có lời hẹn và chưa có dịp nói hết câu chuyện tại Đài Bắc năm năm về trước. Anh có muốn chúng ta tiếp tục thảo luận sâu về đề tài này không?
Thật ra lúc đó tôi chưa kịp nhớ về câu chuyện khi trước mà ông vừa nhắc, và cũng ngần ngại vì sự hiện diện của Angie, vợ ông. Có lẽ đoán được ý tôi, ông Thomas trách nhẹ:
– Này anh bạn, anh đã nhất trí rằng chúng ta cần nhiều thời giờ hơn để tiếp tục đề tài còn dở dang này. Hay là anh ghé qua nhà tôi để chúng ta tiếp tục câu chuyện nhé. Anh thấy được không? Anh còn ở đây đến bao giờ?
Đọc được sự chân thành trong ánh mắt Thomas. Dĩ nhiên tôi không thể từ chối một lời mời thật lòng như thế nên đã đồng ý ghé thăm ông ấy vào hôm sau. Ông Thomas căn dặn:
– Anh cho tôi địa chỉ khách sạn và thời gian anh có thể đi, ngày mai tôi sẽ cho người đến đón anh.
Hôm sau tôi dành buổi tối đến nhà riêng của ông. Chúng tôi tiếp tục trao đổi về đề tài Luân hồi, Nhân quả. Buổi nói chuyện đặc biệt này kéo dài trong nhiều giờ, và đến lúc đó tôi khẳng định được là ông Thomas có mối quan tâm đặc biệt đến Luân hồi.
Hôm đó, ông Thomas hỏi:
– Anh nói rằng anh tin vào sự Luân hồi, Nhân quả nhưng đó chỉ là một niềm tin tôn giáo hay còn là điều gì khác nữa? Là một nhà khoa học quan tâm nhiều đến triết học, đến nhiều tôn giáo, nhất là Phật giáo, ngoài niềm tin ra, anh phải có bằng chứng nào đó chứ?
Tôi trả lời:
– Là một nhà khoa học từng nghiên cứu nhiều về Phật giáo, tôi không chỉ đơn thuần tin vào giáo lý của Đức Phật mà đã trực tiếp trải nghiệm, quan sát, kiểm chứng một giai đoạn dài. Tôi đã suy ngẫm, phân tích một cách khoa học về những lời dạy của Ngài trong khá nhiều năm và thấy nó rất hợp lý và giải thích được vì sao nó trở thành một chân lý. Do đó, đây không chỉ là một niềm tin thuần túy, dù ngày nay đạo Phật đã có nhiều biến tướng không còn nguyên bản – ngay ở những nước Á Đông – mà không ít người đã nhận ra nhiều người không tốt đã dùng đạo Phật, chùa chiền, tín ngưỡng Phật giáo để trục lợi và phục vụ cho mục đích, lợi ích riêng của họ. Trở lại với bằng chứng Luân hồi, đã có rất nhiều bằng chứng về sự tái sinh trong các kiếp sống như trường hợp của Edgar Cayce, một nông dân tại tiểu bang Kentucky với học vấn chưa quá bậc trung học. Chỉ qua một cơn bạo bệnh mà ông ấy đã nhớ lại kiếp sống trước kia, kiếp sống mà ông là một thầy thuốc. Không những thế, từ đó ông có thể chẩn bệnh, chữa bệnh chính xác hơn những y bác sĩ đương thời. Ông đã để lại nhiều tài liệu y học giá trị mà hiện nay nhiều trường đại học y vẫn đang nghiên cứu và áp dụng.
Ông Thomas mỉm cười và gật đầu đồng ý:
– Tôi có đọc qua một số tư liệu về trường hợp Edgar Cayce. Đây thực sự là một trường hợp đặc biệt về Luân hồi, nhưng chắc còn những trường hợp khác nữa chứ?
Tôi nói tiếp:
– Nếu không hoàn toàn tin tưởng vào vòng Luân hồi thì có thể giải thích sao về trường hợp của những đứa trẻ với năng khiếu đặc biệt mà chúng ta thường gọi là thần đồng? Chắc ông cũng biết Mozart soạn nhạc từ năm lên bốn và chủ trì các buổi hòa tấu từ năm lên tám. Tuy còn rất nhỏ nhưng Mozart đã có thể soạn nhạc cho hàng chục loại nhạc khí khác nhau chỉ trong vài ngày mà không hề qua một lớp dạy nhạc nào. Beethoven cũng thế, ông ấy bắt đầu soạn nhạc từ lúc mới lên ba và có thể sử dụng hàng chục loại nhạc khí khác nhau. Ai đã dạy những đứa trẻ này như thế nếu không phải họ đã trải qua rất nhiều kiếp sống từng học và am hiểu sâu về âm nhạc?
Hẳn ông cũng biết Galileo vừa là một nhà toán học, vừa là một nhà thiên văn học đã đưa ra bằng chứng về quỹ đạo của các hành tinh từ khi còn bé. Ông ấy đã vẽ bản đồ vũ trụ với những hành tinh mà khi đó kính viễn vọng còn chưa được phát minh ra. Ngay cả những nhà khoa học thông thái thời bấy giờ chưa mấy ai biết về những hành tinh này. Ai đã dạy cho một đứa bé chưa đầy mười tuổi, chưa học qua bậc tiểu học những kiến thức tuyệt vời như thế, nếu không phải ông ấy đã từng được sinh ra vào những kiếp sống ở những nền văn minh mà nay đã biến mất trên bề mặt địa cầu?
Ông nghĩ sao về một đứa bé mới lên năm như Blaise Pascal có thể giải những bài toán cực kỳ phức tạp, kể cả những phương trình toán làm nhức đầu những bậc thầy về toán khi đó? Khoa học giải thích trường hợp này như thế nào nếu chúng ta không tin rằng con người đã trải qua nhiều kiếp sống và đã từng được dạy bảo, học hỏi trong quá khứ?
Ông Thomas hỏi:
– Anh nghĩ rằng những người này có thể hồi tưởng lại kiến thức mà họ đã trải qua, đã học được ở kiếp trước hay sao? Tại sao những người khác lại không nhớ được gì?
Tôi trả lời:
– Nếu một người được rèn luyện kỹ lưỡng một chuyên môn nào đó và tiếp tục theo đuổi chuyên môn ấy trong nhiều kiếp sống tiếp theo, do những nhân duyên đặc biệt, họ sẽ có thể nhớ lại được những kiến thức tiềm thức này.
Thí dụ như văn hào John Stuart Mill có thể nói, viết thông thạo tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh khi mới lên bốn tuổi mặc dù ông sinh ra ở nước Anh và cha mẹ ông chỉ biết nói tiếng Anh. Không những thế, khi vừa lên tám, ông đã viết hẳn một cuốn sách gần tám trăm trang về lịch sử triều đại các vua chúa La Mã với những niên đại, năm tháng rõ ràng đến từng chi tiết, đến nỗi các nhà sử học phải ngạc nhiên về độ chính xác của nó.
Đi xa hơn vào lĩnh vực văn chương, ta sẽ thấy từ năm lên ba, văn hào Voltaire thuộc lòng những bài luận xuất sắc của các bậc thầy văn chương sống ở thế kỷ trước. Theo quan niệm của Phật giáo thì tất cả những gì mình làm hay suy nghĩ đều được lưu giữ lại trong tàng thức (A lại da thức) dưới hình thức là những chủng tử. Khi nào những chủng tử này phát động đều do những nhân duyên đặc biệt, vượt ngoài sự hiểu biết của chúng ta.
Có lẽ ông cũng thấy, trong cùng một gia đình, cùng cha mẹ, được nuôi dưỡng trong cùng hoàn cảnh như nhau, được giáo dục như nhau nhưng tại sao anh chị em, mỗi người một tính nết, không ai giống ai. Có người thích âm nhạc, có người thích khoa học, có người thích thể thao. Có người mới nghe giảng bài đã hiểu ngay, trong khi người khác học mãi cũng không hiểu gì cả. Tại sao lại có sự khác biệt như thế? Nếu không vận dụng quan niệm về nhân quả thì người ta phải giải thích như thế nào đây? Phải chăng tính tình, nhân cách con người đều chịu ảnh hưởng của cái nhân, hay những chủng tử, đã được gieo trồng trong quá khứ? Một người thợ giỏi vì đã từng hành nghề đó trong quá khứ. Một học sinh thông minh vì đã học qua môn đó từ trước rồi. Điều này có thể giải thích tại sao có người giỏi toán trong khi người khác có tài về âm nhạc.
Chúng tôi tiếp tục bàn luận về đề tài này đến khuya và cảm thấy rất tâm đắc vì có nhiều ý tưởng trùng hợp. Đến lúc đó tôi thực sự ngạc nhiên khi biết vị doanh nhân này có một kiến thức rất rộng và rất quan tâm đặc biệt về luật Luân hồi. Ông cũng tỏ ra rất cởi mở, khác hẳn lần gặp đầu tiên.
Ông Thomas khẩn khoản mời tôi ghé lại thăm ông mỗi khi có dịp ghé qua New York. Lần này tôi bắt tay ông hứa sẽ ghé thăm ông để tiếp tục đàm đạo về đề tài này. Kể từ lúc đó, chúng tôi đã trở thành bạn thân với nhau.
Nhiều năm sau tôi mới biết lý do tại sao ông Thomas lại quan tâm đến đề tài này, vì ông đã có những trải nghiệm sâu sắc về Luân hồi qua một trường hợp đặc biệt mà ông đã kể lại cho tôi.
* * *
Vào một ngày cuối thu năm 2016, tôi đến thăm ông Thomas tại căn nhà nghỉ dưỡng của ông ở Colorado. Hôm đó chỉ có hai người, cuộc chuyện trò được bắt đầu với những phát minh khoa học công nghệ hiện đại, ông hỏi tôi:
– Là một khoa học gia chuyên nghiên cứu về công nghệ, anh nghĩ sao về những phát minh công nghệ ngày nay?
Tôi trả lời:
– Ngày nay, khoa học đã phát triển vượt bậc. Công nghệ phát triển nhanh với tốc độ chóng mặt. Một sản phẩm vừa được phát minh ra đã có thể trở nên lỗi thời vì ngay sau đó đã có sản phẩm khác mới hơn xuất hiện. Một lý thuyết mới vừa được đề xướng đã có những lý thuyết khác được đưa ra, thay đổi lý thuyết đó.
Ông Thomas lắc đầu tỏ vẻ không tán đồng:
– Nếu công nghệ phát triển nhanh như anh nói thì chúng ta cần xem xét cẩn thận ảnh hưởng của nó trong thời đại này, rồi tự hỏi xem liệu chúng ta có đi quá trớn hay không. Tuy khoa học đã đạt được những bước tiến lớn và đây được coi là điều tốt, nhưng chúng ta cũng cần thận trọng đối với tác động của nó trong tương lai. Tiến trình lịch sử đôi khi lặp lại những sai lầm quá khứ mà chúng ta vô tình không nhận thức rõ hay chưa học được bài học chúng ta cần học.