Khoa học thực nghiệm đặt căn bản trên trí thông minh qua khả năng suy luận và phân tích của bộ óc, nhưng quan niệm của Phật giáo không dựa trên sự thông minh của bộ óc, mà đặt căn bản trên một thứ trí tuệ khác gọi là trí tuệ Bát nhã (prajna), nên không thể giải thích bằng trí thông minh được.
Tuy nhiên, sự tiến bộ của khoa học có thể giúp chúng ta hiểu thêm về các định luật bất biến của vũ trụ, mở rộng tầm mắt cho mọi người. Khoa học cũng giúp ích cho sự phát triển của Phật giáo trong tương lai để đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Giáo sư Yeh hỏi thêm:
– Phi hành gia Mitchell, ông có đồng ý như thế không?
Phi hành gia Mitchell gật đầu:
– Tôi hoàn toàn đồng ý với Hòa thượng Thánh Nghiêm. Hôm nay, chúng ta đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng. Mặc dù vẫn có một số quan niệm khác biệt, nhưng điều đó không quan trọng. Khi tôi nhìn thấy vẻ đẹp của vũ trụ, tôi cảm nhận được mối tương quan giữa tôi và vạn vật, nhưng tôi không thể đưa ra một phương trình toán học để giải thích sự kiện đó. Tôi cảm nhận được một điều kỳ lạ xảy đến với tôi, nhưng tôi không biết lý giải như thế nào nữa.
Là một nhà khoa học, tôi rất quan tâm đến những hiện tượng không thể giải thích này nên vẫn muốn tìm ra một giải pháp hợp lý hơn. Tôi biết điều này là không dễ. Có thể mất vài chục năm, vài trăm năm nữa để giải thích, hay có thể không bao giờ giải thích được. Tuy nhiên, tôi muốn đưa ra những câu hỏi, và đặt vấn đề về sự tương quan giữa khoa học với trải nghiệm tâm linh để những nhà khoa học sau này tiếp tục nghiên cứu.
Tôi biết rằng sự chết, sự tái sinh, nghiệp lực là những khái niệm hết sức quan trọng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, vì tôi tin đó là những biên giới mà hiện nay khoa học chưa đạt đến, nhưng trước sau gì chúng ta cũng phải tìm hiểu thêm. Tôi tin rằng theo thời gian, nhân loại sẽ tiến bộ và biết đâu một ngày nào đó sẽ đạt được sự hiểu biết sâu sắc về các quan niệm mà hiện nay họ chỉ coi là niềm tin tôn giáo. Nếu chúng ta không học hỏi và nghiên cứu thì tôi không biết tương lai của nhân loại sẽ ra sao.
Phi hành gia Mitchell cảm thán:
– Khi tôi từ không gian trở về trái đất với một trải nghiệm lạ lùng, tôi thấy mình hoàn toàn khác hẳn. Tôi có thể nhận thức rõ ràng về tình trạng của nhân loại hiện nay. Tôi thấy rõ sự tàn bạo đang gia tăng khắp nơi. Tôi cảm nhận được nỗi đau khổ của những nạn nhân chiến tranh như thể nó xảy ra với chính mình vậy. Tôi thấy rõ những hậu quả mà con người đang gây ra cho trái đất này, chẳng hạn như việc tàn phá môi trường không thương tiếc. Càng ngày con người càng trở nên ích kỷ, tham lam, vô cảm, lãnh đạm, mà không nhìn thấy những hậu quả họ đang gây ra cho chính họ, cho gia đình họ, hay cho đất nước của họ. Do đó, tôi thấy chúng ta cần phải thay đổi những quan niệm lỗi thời từ trước, vượt ra khỏi những tranh chấp thường tình để hướng đến những gì cao thượng, tốt đẹp hơn. Tiếc thay, hiện nay, chính quốc gia của tôi cũng đang tiếp tay cho ảnh hưởng xấu xa này. Làm sao chúng ta có thể nói là nhân loại đã văn minh hơn trước, đã tiến bộ hơn trước trong khi chúng ta không ý thức gì về những việc chúng ta đang làm?
Giáo sư Yeh tiếp tục đặt câu hỏi:
– Bạch Hòa thượng, chúng ta chỉ có một kiếp sống rất ngắn. Như phi hành gia Mitchell vừa nói, liệu chúng ta có thể hy vọng rằng sẽ có sự thay đổi trong tương lai gần hay không? Tương lai của nhân loại sẽ ra sao?
Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:
– Tôi luôn luôn lạc quan về tương lai của con người. Hiện nay đã có hơn bảy tỷ người sống trên trái đất này, tôi tin rằng nếu vẫn có những người biết suy nghĩ như phi hành gia Mitchell đây và họ ý thức được về sự tàn bạo, thù hận, ích kỷ, tham lam… rồi tìm cách nuôi dưỡng lòng từ bi, hướng đến chân thiện mỹ, thì họ có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên những người chung quanh. Chừng nào chúng ta còn hy vọng về một tương lai tốt đẹp, thì tương lai đó sẽ diễn ra. Nếu chúng ta tuyệt vọng, và phó mặc cho mọi việc xảy ra, thì thật đáng tiếc.
Tại sao tôi không cảm thấy bi quan? Bởi vì cách đây không lâu tôi có đọc một cuốn sách khoa học đề cập đến thuyết Hỗn độn, trong đó tác giả, cũng là một nhà khoa học, đã sử dụng một thí dụ về ảnh hưởng một cánh bướm nhỏ bé rung động chập chờn tại khu rừng xứ Brazil nhưng lại có thể gây ra một trận cuồng phong lớn ở Texas. Một việc tuy nhỏ nhưng có thể tạo ra những tác động lớn đến không ngờ.
Điều này có thể giải thích cho tình trạng hiện nay. Nếu một người có ý thức và làm những điều thiện lành, dẫu chỉ là việc nhỏ, thì họ cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực, giúp thay đổi những người chung quanh. Nếu nhiều người cùng chung sức làm những việc lành, thì cả thế giới sẽ thay đổi.
Hòa thượng Thánh Nghiêm quay qua các sinh viên đang ngồi dự thính và nhấn mạnh:
– Hiện nay, đa số mọi người đều bận rộn với sinh kế nên họ không ý thức gì về hệ quả của hành động, lời nói và tư tưởng của mình. Họ tiếp tục tạo nghiệp cho mình và cho những người chung quanh. Song, vẫn có người ý thức về tình trạng khủng hoảng đang xảy ra và không ngừng kêu gọi mọi người hãy tỉnh thức, tránh làm những việc ích kỷ, tham lam, thù hận, năng làm những việc tốt lành. Dù chỉ một hay hai người khởi xướng làm việc tốt cũng có thể ảnh hưởng đến những người khác, giống như phi hành gia Mitchell đây. Tôi hy vọng các giáo sư và sinh viên tham dự buổi nói chuyện hôm nay sẽ ý thức hơn về việc làm của mình và phóng tầm mắt lên một bình diện cao hơn như, phi hành gia Mitchell đang cố gắng đề xướng để chấm dứt những tranh chấp thường tình, xu hướng ích kỷ, tham lam hiện tại, nhờ đó chúng ta sẽ có được một tương lai tốt đẹp hơn.
Phi hành gia Mitchell lên tiếng:
– Tôi hoàn toàn tâm đắc với những lời chia sẻ của Hòa thượng Thánh Nghiêm. Đôi khi tôi cũng bi quan, nhưng tôi không muốn như thế.
Giáo sư Yeh nói lời kết cho buổi gặp gỡ:
– Hôm nay chúng ta đã có một buổi nói chuyện thú vị và hữu ích, nhưng chúng ta không thể tiếp tục vì Hòa thượng Thánh Nghiêm còn phải trở về chùa chuẩn bị cho khóa lễ. Thay mặt ban tổ chức, tôi xin cảm ơn Hòa thượng Thánh Nghiêm và phi hành gia Edgar Mitchell, mong rằng trong tương lai chúng ta sẽ có thêm những buổi nói chuyện như thế này.
Trong lúc Hòa thượng Thánh Nghiêm rời giảng đường thì một số sinh viên kéo lên xin được chụp ảnh kỷ niệm với phi hành gia Mitchell. Tôi và Thomas, người bạn của Mitchell, vẫn ngồi dưới hàng ghế khán giả. Trong suốt buổi nói chuyện, ông này vẫn giữ im lặng, nhưng không hiểu sao lúc này ông Thomas quay qua hỏi tôi:
– Anh nghĩ sao về buổi nói chuyện này?
Tôi trả lời rằng tôi rất quan tâm khi nghe Hòa thượng Thánh Nghiêm giải thích về mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo, cũng như nêu lên sự khác biệt giữa hai lĩnh vực này.
Ông Thomas gật đầu:
– Nhưng anh nghĩ thế nào về vòng Luân hồi và luật Nhân quả?
Tôi trả lời:
– Tôi hoàn toàn tin tưởng luật Nhân quả và Luân hồi, gây nhân gì thì gặp quả đó. Dĩ nhiên đối với những người chưa quen thuộc với quan niệm này thì có thể đây là một điều khó tin, nhất là những người thiên về khoa học hay những người luôn đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng.
Ông Thomas tiếp tục hỏi:
– Nếu thế, anh có tin rằng con người có linh hồn không? Sau khi chết, linh hồn này sẽ đầu thai vào một thể xác khác, kiếp sống chứ?
Lần đầu tiên tôi thấy vị doanh nhân vốn luôn giữ thái độ im lặng trầm tĩnh này lại chịu nói nhiều như thế. Hẳn đây phải là một đề tài mà ông quan tâm.
Tôi giải thích:
– Linh hồn chỉ là một danh từ thông thường được sử dụng để gọi tên một cái gì đó tồn tại sau khi thể xác này chết đi. Lúc nãy, Hòa thượng Thánh Nghiêm giải thích rằng theo quan niệm của Phật giáo thì cái duy nhất tồn tại sau khi chết là tàng thức (A lại da thức), một cái kho chứa mọi loại hạt giống (chủng tử), tốt cũng như xấu, mà chính người đó đã gieo.
Một lần nữa, tôi cảm thấy ngạc nhiên khi ông Thomas hỏi tiếp:
– Nếu thế thì theo anh, linh hồn và tàng thức khác nhau như thế nào?
Đây là một câu hỏi khó giải thích rõ ràng nên tôi trả lời vắn tắt:
– Theo sự hiểu biết của tôi thì linh hồn ám chỉ một cái gì đó không thay đổi, di chuyển từ kiếp này qua kiếp khác, giống như một người đi du lịch qua thời gian, qua nhiều kiếp sống. Trong khi tàng thức là một cái gì đó sống động, luôn luôn thay đổi, nó là tập hợp của nhiều chủng tử, được góp lại qua những trải nghiệm trong nhiều kiếp.
Ông Thomas gật đầu như thể tâm đắc với một điều gì đó thú vị:
– Theo như anh giải thích về linh hồn thì sau khi chết, người đó sẽ tái sinh thành một người khác ở kiếp sau. Dù người đó làm gì chăng nữa thì vẫn tái sinh trở lại thành người, vì linh hồn là một cái gì đó bất tử, không thay đổi. Trong khi quan niệm của Phật giáo về tàng thức lại cho rằng tùy hoàn cảnh hay nhân duyên, sau khi chết, một người có thể tái sinh làm người hay súc vật. Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi giải thích, dù tin rằng ông Thomas có thể đã biết:
– Đúng thế, tùy nhân duyên tốt hay xấu mà sau khi chết, một người có thể tái sinh thành người hay thành súc vật. Hơn nữa, họ cũng có thể trở thành ma, quỷ hay xuống địa ngục. Do đó, vòng Luân hồi không chỉ giới hạn trong thế giới của loài người mà còn có cõi giới khác nữa.
Ông Thomas mỉm cười, đồng cảm với tôi:
– Hay lắm! Điều anh nói rất thú vị và làm tôi bất ngờ vì có người am hiểu, đồng cảm. Có lẽ chúng ta cần gặp nhau thêm nhiều lần nữa để thảo luận, chia sẻ về đề tài thú vị này. Tôi có những trải nghiệm riêng và muốn tìm hiểu thêm về các kiến thức của Phật giáo về Luân hồi, Nhân quả, duyên nghiệp v.v… Tiếc rằng giờ đây giáo sư Yeh và ông Mitchell đã xong việc. Tôi và ông Mitchell phải trở về khách sạn thu xếp ra phi trường để kịp chuyến bay về New York chiều nay.