Ông Kris trả lời, vẻ mặt trầm ngâm:
– Quốc gia nào cũng trải qua các giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Diệt. Nếu đã thành lập ắt phải có lúc hư hoại, hủy diệt. Sau giai đoạn Trụ là thời kỳ Hoại. Lúc này cũng có rất nhiều người đến quốc gia này nhưng phần lớn đến với nhiệm vụ phá hoại những gì đã được thành lập trước đây. Tùy theo những nghiệp quả đã được sắp đặt, những người này, phần lớn là những nạn nhân bị áp bức, bóc lột khi trước, đến để trả thù, hay đòi nợ. Họ sẽ làm những việc hết sức tồi tệ, xấu xa, hay đưa ra những quyết định sai lầm, để đưa quốc gia này vào những lỗi lầm tai hại, không thể cứu vãn.
Sau giai đoạn Hoại là đến giai đoạn Diệt. Như ông đã biết, từ mấy ngàn năm trước, có nơi từng là quốc gia mà nay cả lục địa bị chìm sâu dưới biển, hoặc có nơi đang sống yên ổn bỗng bị động đất rồi cả quốc gia bị chôn vùi dưới lòng đất. Giai đoạn Hoại, Diệt diễn ra như thế. Ngay cả trái đất trước sau gì cũng đi đến giai đoạn suy hoại.
– Theo ông thì giai đoạn suy hoại diễn ra như thế nào?
– Theo sự hiểu biết của tôi thì vào những năm cuối cùng của một chu kỳ, trái đất sẽ trải qua nhiều biến cố lớn. Một số do con người gây ra như chiến tranh hay sự tàn phá thiên nhiên. Một số khác là do sự thay đổi trên bề mặt địa cầu như địa chấn, núi lửa phun trào, bão tố, lụt lội hoặc các biến động ghê gớm khác. Có thể sự thay đổi sẽ bắt nguồn từ đáy biển và tạo ra những cơn đại hồng thủy gây ngập lụt cả địa cầu, hoặc sự thay đổi bắt nguồn từ không gian khiến cho nhiệt độ trái đất biến chuyển thất thường, đất đai màu mỡ trở nên khô cằn, đồng ruộng biến thành sa mạc. Sẽ có những trận cháy rừng khủng khiếp hay những trận hạn hán thay đổi điều kiện địa dư biến những nơi trù phú thành vùng hoang vu không thể sinh sống.
Người Hy Lạp thời cổ gọi quan niệm chu kỳ là “heliakos” gồm có một đại chu kỳ và nhiều tiểu chu kỳ (nhiều tiểu chu kỳ hợp lại thành một đại chu kỳ). Tuy nhiên, các hiền triết Hy Lạp viết rằng đại chu kỳ của trái đất cũng chỉ là một tiểu chu kỳ của Thái Dương hệ. Nói rộng ra thì sự thay đổi trên địa cầu chỉ là một thay đổi nhỏ trong Thái Dương hệ, nhưng Thái Dương hệ mà chúng ta đang sống cũng chỉ là một phần của một hệ thống hành tinh trong vũ trụ mà thôi. Toàn bộ hệ thống hành tinh, hàng triệu hệ thống, xoay vần trong vũ trụ, với những chu kỳ, những giai đoạn, sinh rồi diệt, diệt rồi lại sinh, kéo dài vô tận. Phải chăng vì sở hữu một lượng kiến thức sâu xa về khoa chiêm tinh mà người xưa đã ý thức rõ rệt về sự thay đổi của mọi vật và có một nhân sinh quan rộng, thâm thúy hơn chúng ta ngày nay?
Các nhà tiên tri hay đạo trưởng trong các đền thờ cổ Hy Lạp đã viết rằng vào thời kỳ chuyển tiếp giữa hai chu kỳ, thế giới sẽ trải qua những thảm họa rất lớn. Các tai ương thiên nhiên sẽ gia tăng mỗi ngày một mạnh. Lúc đầu thiên tai sẽ xảy ra ở một vài nơi, nhưng về sau sẽ xảy ra ở khắp nơi. Chính những thiên tai này sẽ góp phần vào việc biến đổi khí hậu, thời tiết, điều kiện địa dư và ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại, chi phối đời sống con người. Dù xã hội có văn minh đến đâu, dù con người có khôn ngoan đến mấy, hay có chuẩn bị kỹ càng đến thế nào, họ cũng không thể chống lại những thiên tai này được.
Không phải chỉ người Ai Cập hay Hy Lạp biết về quy luật Chu kỳ, mà từ ngàn xưa, người Ấn Độ và Trung Hoa cũng đã sở hữu những kiến thức hết sức uyên thâm về sự thay đổi trong vũ trụ. Theo sách vở về khoa chiêm tinh Vrishaspati của Ấn Độ thì các đại chu kỳ (mahakalpa) kéo dài khoảng 4.320.000 năm. Mỗi đại chu kỳ chia làm bốn tiểu chu kỳ (yuga): chu kỳ Satya Yuga dài 1.728.000 năm, chu kỳ Tretya Yuga dài khoảng 1.296.000 năm, chu kỳ Dwapara Yuga dài khoảng 864.000 năm và chu kỳ Kali Yuga kéo dài 432.000 năm.
Cách tính toán của người Ấn Độ hết sức phức tạp và chi tiết, dựa trên những niên lịch chiêm tinh cổ. Nếu so sánh với niên lịch hiện tại thì con số có thể khác biệt một chút, nhưng theo sách này thì hiện nay chúng ta đang ở trong chu kỳ Kali Yuga, nghĩa là giai đoạn đi xuống hay Hoại, Diệt của đại chu kỳ hiện tại, trước khi chuyển qua một đại chu kỳ khác.
Theo các hiền triết Ấn Độ thì sự biến chuyển trên địa hạt vật chất và tinh thần luôn luôn tương ứng với nhau. Sự tiến hóa về tâm linh của nhân loại tương ứng với sự thay đổi trên địa hạt vật chất. Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy có những thời đại mà các bậc vĩ nhân thay phiên nhau xuất hiện, hướng dẫn nhân loại làm điều tốt đẹp, ta thường gọi đó là thời đại hoàng kim. Cũng có những thời đại mà những kẻ tiểu nhân xuất hiện làm những chuyện xằng bậy, xúi giục con người đè nén, áp bức, giết hại lẫn nhau, ta thường gọi đó là thời đại hôn ám. Có thời đại con người sống thoải mái với thiên nhiên, thuận thảo với nhau, nhưng cũng có thời đại con người phá hoại thiên nhiên, chém giết lẫn nhau. Đã có những quốc gia hùng mạnh, đạt đến đỉnh vinh quang nhưng sau đó lại suy thoái. Đã có những nền văn minh rực rỡ, huy hoàng một thời gian, rồi suy tàn nhường chỗ cho nền văn minh khác xuất hiện. Sự kiện này tái diễn không biết bao nhiêu lần trong lịch sử, lên rồi lại xuống, thắng rồi lại thua, vinh rồi lại nhục.
Theo tài liệu cổ với những phương trình toán học thì cứ mỗi một chu kỳ, vòng quay lại nhích lên trên một chút so với lần trước vì chu kỳ là một vòng xoáy trôn ốc chứ không phải là vòng tròn. Điều này có nghĩa là nhờ sự học hỏi những bài học cần thiết để rút kinh nghiệm mà nhân loại tiến bộ hơn xưa. Do đó, họ sẽ đi từ những chu kỳ thấp lên chu kỳ cao hơn để tiếp tục học hỏi chứ không phải quay trở lại khởi điểm. Mỗi chu kỳ đều có những bài học, những kiến thức mà mọi người đều phải học để có thể bước vào một chu kỳ sau với những bài học và kiến thức khác.
Tuy nhiên, trên bình diện thấp, người ta vẫn thấy có những sự kiện xảy ra trong quá khứ được lặp lại vì nhân loại chưa học được bài học đó. Bài học “lịch sử tái diễn” là một bi kịch lớn của con người. Vì không chịu học những bài học từ trước nên họ phạm đúng những lỗi lầm của tiền nhân. Tuy nhiên, không một bài học nào có thể dạy con người hiệu quả hơn là sự đau khổ. Khi sung sướng thì không mấy ai biết nghĩ, nhưng khi gặp hoàn cảnh khổ đau, họ mới nghĩ đến nguyên nhân tại sao. Khi mạnh khỏe, mấy ai quan tâm giữ gìn sức khỏe, chỉ khi mắc bệnh thì họ mới hiểu ra. Tất cả mọi sự, mọi việc, mọi hậu quả, đều do chính họ gây ra chứ không phải do ai khác. Họ có thể trách trời, trách đất, và trách tất cả mọi người nhưng trách móc không thể làm cho họ vơi đi nỗi khổ. Chỉ có hiểu biết nguyên nhân thì họ mới học được rằng không có việc gì mà không để lại hậu quả. Do đó, trước khi hành động, con người phải biết nghĩ đến hậu quả của việc mình làm.
Tôi thắc mắc:
– Trong vòng Luân hồi, có người học nhanh, có người học chậm, nhưng cũng có người không học được gì. Dù trải qua bao nhiêu kiếp, bao nhiêu khổ đau, họ vẫn không thể học được thì sao?
Ông Kris nghiêm giọng:
– Theo luật Luân hồi thì con người trải qua rất nhiều kiếp. Mỗi kiếp sống đều có những bài học mà họ phải tiếp thu. Có người học được ngay, có người phải trải qua nhiều kiếp mới học được. Tuy nhiên, cũng có người mặc dù trải qua biết bao nhiêu kiếp, bao nhiêu đau khổ, vẫn u mê, không học được gì. Nếu nhìn vào vũ trụ, ông sẽ thấy có hàng triệu, hàng tỷ hành tinh. Có những hành tinh đang được hình thành và có những hành tinh đang bị hoại diệt. Tất cả đều tuân theo luật Chu kỳ. Trái đất của chúng ta cũng thế, khi chu kỳ của trái đất tiến đến giai đoạn hoại diệt, nó sẽ tan vỡ. Nhưng không phải trái đất này hoại diệt rồi thì mọi người cũng bị hủy diệt đâu. Những người đã học những bài học của chu kỳ đó sẽ tái sinh vào chu kỳ của thế giới khác để học những bài học mới. Những người không học được gì, trình độ hiểu biết thấp kém, không thể tái sinh vào nơi khác có trình độ cao hơn, sẽ bị bỏ lại. Vì trái đất đã tan, những người này phải ở trong tình trạng đau khổ liên miên bất tận, phải chờ đợi khi trái đất được thiết lập lại, để học lại bài học mà họ chưa học được. Sự thiết lập một hành tinh như trái đất đòi hỏi một thời gian rất lâu, có lẽ hàng triệu hay hàng tỷ năm. Hãy thử tưởng tượng những người bị bỏ lại bơ vơ, lạc lõng, vất vưởng thì trạng thái khổ sở đó kinh khủng như thế nào.
Ông Kris ngừng lại nhìn tôi như chờ đợi. Cả hai chúng tôi đều im lặng một lúc khá lâu. Ông Kris không nói gì, nhưng cặp mắt của ông ngời sáng như soi rọi vào tôi. Tôi ngồi yên nhưng đầu óc tự nhiên bối rối vì những điều vừa nghe là một cú sốc lớn. Đây là những điều mà tôi chưa hề nghĩ đến. Phải chăng đây chỉ là một sự tưởng tượng của ông Kris hay là một quan niệm đã có từ xưa? Càng suy nghĩ, tôi càng thấy luật Chu kỳ mà ông Kris vừa trình bày rất vững chắc và có lý.
Sau một lúc, tôi định thần, rồi lên tiếng:
– Có lẽ lúc này chúng ta cần hỏi nhân loại đã học được gì và sự tiến bộ, văn minh hiện nay sẽ đưa con người đi đến đâu?
Ông Kris chăm chú nhìn tôi, rồi thong thả nói:
– Hiện nay, khoa học và công nghệ đang chiếm ưu thế trên mọi lĩnh vực, ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới. Đã đến lúc chúng ta cần xem xét những ảnh hưởng này một cách nghiêm túc để giữ thái độ sống quân bình trong thế giới thay đổi này.
Hãy lấy thí dụ về chiếc điện thoại. Hiện nay mọi người đều có thể liên lạc với nhau từ khắp nơi trên thế giới chỉ nhờ vào một vật có thể bỏ gọn trong túi áo. Tuy nhiên, điện thoại di động cũng có thể là mối đe dọa cho tương lai nhân loại. Ông có thể thấy học trò thay vì tập trung học, lắng nghe giáo viên giảng bài, hầu hết lại bị xao lãng, sử dụng điện thoại để chat, để xem YouTube, để lướt Facebook. Hầu hết mọi người ngày nay đều vô tình để cho những vật vô tri này ảnh hưởng đến đầu óc của họ. Dù đi, đứng, nằm hay ngồi, mắt họ đều dán chặt vào cái màn hình nho nhỏ này. Đầu óc của họ không còn hoạt động tự do nữa mà chỉ tuân theo mệnh lệnh của chiếc máy và những phần mềm được thiết kế trong đó. Nhân loại đã vô tình để cho những vật vô tri giác này rút hết sinh lực của mình, họ sẽ không học hỏi được gì nữa. Đầu óc của họ đã thoái hóa, căng thẳng đến mức thụ động thì làm sao còn biết suy xét các bài học lịch sử, các lỗi lầm quá khứ, biết đến sự hy sinh của tiền nhân.
Công nghệ cũng sản xuất ra những trò chơi điện tử. Ông hãy tự hỏi chúng đã dạy gì cho những người trẻ tuổi hiện nay? Phải chăng họ đang học những hành vi kỳ lạ, khác thường mà không ai có thể tưởng tượng được. Hiện nay từ trẻ con cho đến người lớn đều say mê những trò chơi điện tử này. Phần lớn đều coi đó là những trò giải trí vô hại nên họ học cách chơi rất nhanh và bắt chước những điều nguy hại trong cái thế giới ảo ấy. Ít lâu nữa, thế hệ tương lai sẽ học lấy tất cả những điều xấu xa, ác độc như chém giết, tàn phá, bạo lực và dâm đãng vì không còn ai có thể phân biệt được giữa thế giới ảo và thế giới thật. Hiện nay, các sản phẩm công nghệ tinh vi này đang hút hết sinh lực con người. Mọi người khắp nơi đều dán tâm, dán mắt vào những thứ này và hoàn toàn quên hết tất cả mọi việc đang diễn ra chung quanh. Khi không quan tâm, con người trở nên vô cảm, không còn biết rung động hay trắc ẩn với mọi sự nữa.
Ông Kris nói thêm, giọng nghiêm túc:
– Trong thời đại công nghệ này, bao nhiêu người đang mất đi sự thông minh thật sự vì họ đã vô tình để cho trí thông minh nhân tạo điều khiển? Bộ óc con người đã bị các sản phẩm vật chất chi phối nên ít lâu nữa, không ai còn muốn suy nghĩ hay phát triển sự hiểu biết thật sự. Thay vì sử dụng bộ óc thông minh để suy nghĩ, tìm hiểu, phát triển sự hiểu biết về đời sống thì họ lại để cho các sản phẩm vô tri này chi phối. Tại sao phải đọc sách khi chỉ cần bấm nút là có máy đọc giùm cho? Tại sao lại phải mất công suy nghĩ khi máy móc suy nghĩ và trình bày mọi thứ mình muốn? Việc gì phải mất công tìm kiếm khi chỉ cần hỏi Google là xong hết? Tại sao phải học xây dựng, kiến trúc khi máy móc thông minh có thể đảm đương công việc này? Ông sẽ thấy trong vài năm nữa, tất cả đều tập trung vào việc chế tạo ra sản phẩm hay hàng hóa để tiêu thụ. Con người không còn biết phục vụ cho lý tưởng mà trở thành những cỗ máy chỉ biết kiếm tiền, sản xuất, tiêu thụ và sống trong cái vòng hư ảo của sự thiếu hiểu biết này. Trong tương lai, họ sẽ trở nên vô dụng khi người máy sẽ thay thế và kiểm soát họ.
Tôi lên tiếng biện hộ:
– Có lẽ ông đang bi quan quá đấy thôi. Hiện nay chúng ta đang bước vào thế kỷ hai mươi mốt, thời đại của vi mạch điện tử tiên tiến và công nghệ cao.
Ông Kris ôn tồn nói:
– Ông hỏi tôi rằng chúng ta đang ở giai đoạn Trụ hay Hoại trong chu kỳ của nhân loại ư? Điều này có lẽ tự ông phải tìm ra câu trả lời, nhưng tôi chỉ có thể cho ông biết trước một vài điều rồi ông có thể tự đi đến kết luận.