Tôi thắc mắc:
– Tại sao ông lại chú trọng đến những huyền thoại như thế?
Giáo sư Baader tiếp tục chia sẻ:
– Như ông cũng biết, thiên anh hùng ca Iliad của Homer là một huyền thoại nói về trận chiến giữa lãnh chúa Agamemnon và thành Troy để cướp lại một tuyệt sắc giai nhân tên là Helen. Cuộc chiến thành Troy đề cao những vị anh hùng như Hector, Achilles, Ulysses… cũng như sự can thiệp của các thần linh Hy Lạp vào đời sống con người. Từ bao năm nay, mọi người đều coi đó là sự tưởng tượng phong phú của thi sĩ Homer. Ngày nay, người ta đã tìm được di tích thành Troy và rất nhiều tài liệu liên quan đến trận chiến này. Do đó, mọi người công nhận rằng “huyền thoại” này là một sự kiện lịch sử, với chi tiết và nhân vật có thật, mà Homer chỉ thêm thắt vài chi tiết vào bản trường ca bất hủ này thôi.
Như ông biết, từ xưa, Hy Lạp đã có một nền văn minh phát triển rất cao. Các triết gia, sử gia và học giả xứ này đã truyền dạy các môn khoa học, triết học, toán học và chiêm tinh học mà ảnh hưởng của nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Chính nền văn minh Hy Lạp đã đặt nền móng cho nền văn minh châu Âu hiện tại. Lịch sử Hy Lạp đầy những huyền thoại và các bài thơ đề cao các anh hùng lập quốc, các chiến sĩ can trường sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương của họ. Không một nền văn hóa nào lại có nhiều anh hùng đến thế. Một nhà sử học đã lập danh sách những anh hùng Hy Lạp thời cổ, dù đó là nhân vật có thật hay huyền thoại, và đưa ra con số hơn năm ngàn người. Tại sao lại nhiều đến thế?
Nếu xem xét bối cảnh lịch sử lúc đó, ông có thể thấy Ba Tư là một cường quốc đang bành trướng rất mạnh, họ xâm lăng và chiếm gần hết các quốc gia quanh vùng, rồi đồng hóa các giống dân khác như Metani, Hittite, Assyria, Ai Cập, và đe dọa cả Hy Lạp. Ba Tư đã kiểm soát các vùng biển chung quanh Hy Lạp, chiếm các đảo như Crete, Eubeas, Rhodes, Sacconi và Santorini để kiểm soát và làm chủ các hải lộ giao thương quan trọng. Người Ba Tư cho rằng Địa Trung Hải thuộc về lãnh thổ của họ và họ có ý đồ làm chủ tất cả hải lộ tại đây.
Đã có nhiều trận chiến xảy ra giữa hai quốc gia này. Ba Tư đã nhiều lần mang quân xâm lăng Hy Lạp, nhưng nhờ tinh thần anh dũng của người dân xứ này mà Hy Lạp vẫn giữ được độc lập. Sau đó, dưới sự chỉ huy của Alexander Đại đế, người Hy Lạp không những đã chinh phục Ba Tư mà còn kiểm soát hơn một nửa thế giới.
Các nhà viết sử chỉ biết ca tụng chiến thắng oai hùng của Hy Lạp mà không để ý đến một chi tiết vô cùng quan trọng. Dựa theo các tài liệu cổ thì lúc đó binh lực, vũ khí và chiến thuyền của Ba Tư tối tân hơn Hy Lạp rất nhiều. Trong các trận đánh trên bộ thì số binh lính của Ba Tư nhiều gấp ba lần Hy Lạp nhưng tại sao Ba Tư lại thua thảm hại, hết trận này đến trận khác, và cuối cùng phải quy phục Hy Lạp? Ông có biết vì lý do gì không?
Tôi suy nghĩ, rồi lắc đầu:
– Tôi không rõ, phải chăng người Hy Lạp đã có những kế hoạch táo bạo hay chiến lược hiệu quả?
Giáo sư Baader bật cười:
– Không phải thế đâu. Cả hai nước đều có binh lực hùng mạnh và tướng lãnh đại tài. Theo tài liệu sử học thì tinh thần yêu nước của người Hy Lạp lúc đó rất cao. Tại sao thế? Vì văn hóa của họ chú trọng vào tinh thần yêu nước nâng cao sĩ khí của toàn dân. Theo tài liệu thì lúc đó không một binh sĩ Hy Lạp nào mà không thuộc lòng các bài thơ của thi sĩ Homer đề cao các vị anh hùng. Theo tôi, chính những bài thơ, bài hát ca tụng tinh thần bất khuất, can trường của các vị anh hùng như Hercules, Achilles, Agamemnon, Hector, Ulysses… đã khơi dậy tinh thần chiến đấu anh dũng của người Hy Lạp, và đó chính là nguyên nhân quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Không phải cứ có binh lính nhiều, vũ khí tốt mà có thể thắng trận, chính tinh thần anh dũng, can đảm, cương quyết, không sợ hãi mới là lý do chính đã đem lại chiến thắng cho quân lực Hy Lạp và đưa nước này lên địa vị hùng cường ít lâu sau khi Alexander Đại đế lên nắm quyền.
* * *
Tôi nhớ lại tất cả những trải nghiệm tiền kiếp của mình cùng những câu chuyện thú vị với ông Kris và giáo sư Baader, tôi đã nghiệm ra được một chân lý. Như vậy, qua nhiều nghiên cứu, thực nghiệm, trải nghiệm thực tế và lịch sử đã chứng minh điều mà trước giờ rất nhiều thế hệ con người, nhiều tôn giáo và nhiều bậc triết học thiên tài đã từng tranh cãi: “Không chỉ có kiếp người mới có luân hồi, tái sinh mà các đế chế, triều đại, các nền văn minh của nhân loại của hành tinh này cũng có những chu kỳ luân hồi – theo một quy luật không có gì là vĩnh hằng mãi mãi”.
Phần bảy
thành – trụ hoại – diệt
vòng tròn vũ trụ
Tôi đã thực hành phương pháp tĩnh tâm được hơn một tháng và cảm thấy thoải mái, dễ chịu, hơi thở dần dần nhẹ nhàng hơn trước. Tôi ngồi xuống sàn theo tư thế kiết già, lúc đầu cũng đau chân và mỏi lưng một chút nhưng tôi nhớ lời dặn của ông Kris, cứ tập trung tư tưởng để hít thở nhẹ, giữ đầu óc bình thản. Tôi biết cái đau là do thể xác chưa quen, nếu cứ xoay chuyển cho bớt đau thì tôi sẽ không làm chủ được thể xác nên tôi giữ vững tư thế, ngồi yên chịu đựng. Ít lâu sau, cảm giác đau nhức dần dần mất hẳn. Từ đó, tôi suy nghiệm được rằng cảm giác đau đớn bắt nguồn từ trong tâm, và nếu giữ tâm tĩnh lặng thì cơn đau không thể ảnh hưởng được nữa.
Thấy tôi ngồi xếp bằng, Angie ngạc nhiên hỏi:
– Anh giờ cũng tập thiền nữa sao?
Không muốn giải thích nhiều nên tôi chỉ nói qua loa:
– Thì tập cho đầu óc thoải mái một chút, chứ gần đây công việc của anh căng thẳng quá.
Nghe thế, Angie nói:
– Nếu anh cần tĩnh dưỡng thì tại sao chúng ta không đi Colorado nghỉ ngơi ít hôm?
Tôi đồng ý nên cuối tuần đó, chúng tôi đã có mặt tại căn nhà nghỉ dưỡng. Sau khi nghỉ ngơi được vài ngày, tôi đến thăm ông Kris và kể cho ông ấy nghe về việc thực hành phương pháp tĩnh tâm mà ông đã từng khuyên tôi.
Ông Kris vui vẻ nói:
– Nếu có thể ngồi vững vàng và giữ được tâm tĩnh lặng thì ông đã vượt qua được giai đoạn khó khăn lúc đầu rồi. Bây giờ, ông cần tập trung loại bỏ những tư tưởng không cần thiết, không cho nó chạy loạn xạ nữa. Giai đoạn này sẽ cần nhiều thời gian hơn vì những thói quen suy nghĩ trong quá khứ sẽ khuấy động tâm của ông. Tuy ngồi yên nhưng đầu óc của ông sẽ nảy sinh không biết bao nhiêu tư tưởng, hết cái này đến cái khác. Do đó, ông phải biết quan sát nhưng không để cho chúng ảnh hưởng đến ông. Cứ để mặc cho chúng đến và đi một cách tự nhiên, ông sẽ thấy các tư tưởng nổi lên như thế nào, hoạt động ra sao, rồi mất đi hay chìm xuống. Ông phải thản nhiên, không can thiệp, giữ vững hơi thở thì theo thời gian sẽ có định (samadhi). Định lực phát xuất từ lòng kiên nhẫn. Dù thể xác có đau, vẫn giữ vững tư thế. Dù đầu óc có sinh ra những tư tưởng này nọ, vẫn duy trì nhịp thở, không để chúng ảnh hưởng. Sau khi thực hành được một thời gian thì ông sẽ tiến bộ. Điều quan trọng vào lúc này là phải tiếp tục tuân thủ theo đúng thời khắc, không thay đổi. Đây là thói quen cần thiết phải giữ vì nếu chăm chỉ ngồi vài ngày rồi nghỉ vài ngày thì khó có thể tiến xa được.
Tôi cảm ơn ông Kris về lời chỉ dẫn đơn giản, dễ hiểu này. Đoạn, ông Kris giải thích thêm:
– Trong thời buổi hiện nay, có rất nhiều thứ làm xao lãng đầu óc con người nên rất khó thực hành theo những phương pháp như người xưa đã làm. Trong thế giới của công nghệ, tâm lý con người đã bị quá nhiều thứ ảnh hưởng và chi phối. Do đó, ta phải bắt đầu từ những bước căn bản, tập thành thói quen, để phát triển định lực thì mới có thể đối trị được tình trạng của thời đại hiện nay. Khi đã có định thì lúc đó mới có thể đi sâu được. Do đó, việc thực hành không được vội vàng, hấp tấp.
Tôi kể cho ông Kris nghe về nghiên cứu của giáo sư Baader. Ông Kris nói, vẻ hứng thú:
– Hiển nhiên các nghiên cứu khảo cổ có thể phát hiện thêm nhiều dữ kiện về các nền văn minh cổ xưa và nguồn gốc của con người.
Thấy ông Kris có vẻ cũng am hiểu những chuyện này, tôi bèn hỏi thêm:
– Liệu chúng ta có thể biết được nguồn gốc của con người hay tương lai của nhân loại hay không?
Ông Kris bật cười:
– Câu hỏi “Con người từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” là một câu hỏi đã có từ ngàn xưa. Đã có biết bao nhiêu lý thuyết được đặt ra để trả lời câu hỏi này nhưng không một lý thuyết nào giải đáp được nó một cách thỏa đáng. Mỗi thời đại đều cố gắng giải đáp nó theo quan niệm và nền tảng giá trị thịnh hành vào lúc đó. Hiển nhiên khi xã hội thay đổi, khoa học tiến bộ, nền tảng giá trị thay đổi, thì các quan niệm, lập luận cũng thay đổi theo. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một lý thuyết nào có giá trị lâu dài, chịu được sự thử thách của thời gian.
Ông Kris giải thích thêm:
– Cách đây nhiều thế kỷ, mọi người tin rằng có một Đấng Hóa Công sinh ra vạn vật, bao gồm con người. Tuy nhiên, theo lý luận của thời đại khoa học thì loài người bắt nguồn từ những sinh vật đơn bào, dần dần biến đổi thành các sinh vật phức tạp hơn như loài cá, loài bò sát, loài có vú, rồi tiến hóa thành loài linh trưởng, cuối cùng trở thành loài người. Thuyết Tiến hóa của nhà sinh vật học Charles Darwin trở thành nền tảng của khoa học thực nghiệm, đánh đổ thuyết Hóa công trước đó. Nói cách khác, khoa học đã đưa ra một lý luận để dẹp bỏ đức tin về Đấng Hóa Công. Trong tương lai, biết đâu lại có một quan niệm khác đánh đổ thuyết Tiến hóa của Darwin. Tóm lại, tùy theo sự hiểu biết của con người trong từng thời đại mà quan niệm về nguồn gốc con người cũng theo đó mà đổi thay.
– Nếu thế thì người xưa quan niệm về nguồn gốc con người như thế nào?