Lịch sử Do Thái ghi nhận rằng Moses đã thụ huấn huyền môn tại Heliopolis, một thành phố cách thủ đô Cairo ngày nay khoảng vài chục dặm về phía Bắc. Đó là một đô thị xây quanh đền thờ Thái Dương rất lớn, chính giữa thành phố này có một thạch trụ rất cao ghi khắc ám tự mà ngày nay người ta vẫn chưa hiểu được ý nghĩa. Trong kinh sách của Do Thái giáo, Moses thường đề cập đến thạch trụ này như là một nơi quan trọng mà ông thường đi vòng quanh để suy ngẫm về ý nghĩa của nó. Các bậc hiền triết Hy Lạp sau này như Plato, Thales và Herodotus cũng nhắc đến thạch trụ này trong tài liệu của họ. Phải chăng thạch trụ có một ý nghĩa đặc biệt nào đó mà các bậc hiền triết đều nhắc đến? Người xưa dựng thạch trụ giữa phố để làm gì? Đây là một bí mật chưa ai có thể giải thích. Ngoài cây thạch trụ khổng lồ này, còn có bảy thạch trụ nhỏ hơn dựng quanh đó.
Lịch sử ghi nhận rằng sau khi chinh phục Ai Cập, đích thân Hoàng đế Napoleon đã đến tận nơi để xem thạch trụ này. Ông thường đứng trước những cây thạch trụ rất lâu như để suy nghĩ về một điều gì đó. Sau cùng, ông hạ lệnh tháo gỡ một thạch trụ nhỏ mang về dựng giữa thủ đô Paris. Nhiều người cho rằng Napoleon coi đó như một chiến lợi phẩm của cuộc chinh phục Ai Cập. Song, tôi không nghĩ như thế mà đoán rằng có lẽ Hoàng đế Napoleon đã biết được một phần nào bí mật của những cây thạch trụ nên mới mang nó về đặt tại Paris. Mặc dù nó đứng giữa thủ đô Paris từ bấy lâu nay nhưng các nhà khảo cổ, các nhà ngôn ngữ học cũng chưa biết những chữ trên cây thạch trụ này có ý nghĩa gì.
Khi chiếm Ai Cập, người Anh cũng tháo gỡ một cây thạch trụ mang về thủ đô Luân Đôn dựng cạnh bờ sông Thames. Cả hai thạch trụ này đều có khắc những ám tự nhưng cho đến nay không ai hiểu nó ám chỉ điều gì. Hiện nay, các nhà khảo cổ vẫn còn bàn cãi về nguồn gốc và mục đích tồn tại của những thạch trụ này, nhưng chưa thể đi đến một kết luận nào cả. Cũng như cho đến nay chưa ai biết các kim tự tháp được xây với mục đích gì.
Tôi hỏi thêm:
– Vậy theo ông thì những dòng chữ này có ý nghĩa gì?
Giáo sư Baader mỉm cười, đáp:
– Theo ý kiến của tôi, những ám tự này là chìa khóa huyền môn mà chỉ những bậc đạo đồ tu tập cao siêu, đã mở được đạo nhãn, mới có thể hiểu được. Nếu cứ dịch sát nghĩa từng câu, từng chữ rồi phỏng đoán sai lạc, trở thành những câu nói ngây ngô thì thật vô ích. Những ý nghĩa tượng trưng, bóng bẩy, những lời tiên tri không phải là điều giản đơn mà một người bình thường có thể hiểu được. Do đó, cần phải có thêm những công trình nghiên cứu đi xa và đi sâu hơn nữa.
Tôi gật đầu đồng ý vì trong thâm tâm tôi cũng biết rằng còn có những nền văn minh cổ xưa hơn nữa, nhưng đây là những điều không thể nói ra. Tôi hỏi tiếp:
– Vậy ông định tiếp tục nghiên cứu như thế nào?
Giáo sư Baader chia sẻ:
– Mặc dù một số kiến thức về khoa học ngày nay đều ít nhiều phát xuất từ người Do Thái thời xưa, nhưng mấy ai đặt câu hỏi rằng người Do Thái đã học được những điều ấy từ đâu? Nếu người Do Thái học từ Ai Cập thì người Ai Cập đã học những điều này ở đâu? Cho đến nay hầu hết các tài liệu nghiên cứu về các nền văn minh cổ đều dừng lại tại Ai Cập hay Lưỡng Hà vì đó là những nền văn minh được xem là cổ xưa nhất. Tuy nhiên, nếu loại bỏ các thành kiến hẹp hòi thì gần đây chúng tôi đã tìm được nhiều tài liệu cổ xưa hơn tại Ấn Độ, Tây Tạng và Trung Hoa. Do đó, tôi nghĩ rằng đã đến lúc những nhà nghiên cứu, những nhà khảo cổ phải tìm đến những nền văn minh này để học hỏi thêm.
– Thế ông cho rằng nền văn minh Ấn Độ, Trung Hoa còn xưa hơn cả Ai Cập sao?
– Nếu chỉ căn cứ vào những di tích đào bới được tại nơi đó thì nền văn minh phương Đông như Ấn Độ và Trung Hoa chỉ bắt đầu khoảng bốn ngàn năm trước Công nguyên với những giai thoại mơ hồ mà ngày nay chúng ta gọi là huyền thoại. Do đó, các nhà khảo cổ xếp nền văn minh Trung Hoa thật sự bắt đầu vào khoảng ba ngàn năm trước Công nguyên, nghĩa là sau nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà. Tuy nhiên, vì thiếu các công trình nghiên cứu nghiêm túc, biết đâu vùng đất chung quanh Ấn Độ, Trung Hoa hay Tây Tạng còn ẩn giấu những di tích văn minh nào đó mà chưa mấy ai biết đến.
Vào năm 1924, các nhà khảo cổ đã tìm được một thành phố cổ ở phía Đông Bắc xứ Ấn Độ (Mohenjo Daro) với hàng trăm ngôi nhà được xây bằng đất rất chắc chắn. Một số nhà còn được xây hai tầng. Mỗi nhà đều có phòng ngủ, phòng bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh riêng với hệ thống dẫn nước từ sông vào nhà và các ống cống thoát nước đi nơi khác. Những căn nhà này đều được thiết trí theo đồ án hẳn hoi, cứ vài chục nhà lại có một quảng trường, mà các nhà khảo cổ cho rằng đó là nơi họp chợ hoặc là nơi hội họp công cộng. Các phương pháp định niên đại xác nhận rằng nền văn minh này đã xuất hiện khoảng từ mười ngàn cho đến mười lăm ngàn năm trước Công nguyên, nghĩa là tồn tại trước cả nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà nữa. Không ai biết gì về nền văn minh này cũng như những người sống tại đó, và nghiên cứu này vẫn đang tiếp diễn. Nếu ta nhìn vào con số thời gian thì lúc này hầu như tất cả mọi người tại châu Âu vẫn còn sống trong thời kỳ đồ đá, chưa biết xây cất nhà cửa, chỉ biết hái lượm hay săn bắn mà thôi. Chúng ta phải kết luận thế nào đây? Phải chăng từ ngàn xưa đã có những nền văn minh tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới mà vì lý do nào đó đã biến mất một cách bí ẩn?
Giáo sư Baader khôi hài nói:
– Nếu vì lý do gì đó mà hầu hết con người ở thời đại văn minh này biến mất trên bề mặt địa cầu, vài trăm năm nữa người ta đào bới được các khí cụ thô sơ của các bộ lạc bán khai tại châu Phi thì họ sẽ nghĩ thế nào? Phải chăng sẽ có người kết luận rằng con người thuộc thế kỷ hai mươi này chỉ biết sống man rợ, ăn lông ở lỗ mà thôi?
Trước những bằng chứng mới mẻ vừa được khám phá, chúng ta cần đặt câu hỏi rằng phải chăng từ ngàn xưa, nhiều nơi trên bề mặt địa cầu, nhất là ở phương Đông, đã có những nền văn minh phát triển rất cao so với phương Tây. Phải chăng khi người phương Tây còn sống man rợ trong núi non, rừng thẳm thì người phương Đông đã biết sống hợp quần, xây cất được những đô thị, phát triển về nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ và đặc biệt có một đời sống tinh thần rất cao? Phải chăng khi người phương Tây còn bận rộn với việc tìm kế sinh nhai thì người phương Đông đã biết suy nghĩ về những điều thâm sâu, rộng lớn hơn và đã có những lời giải đáp cho thắc mắc của họ?
Thí dụ như Ấn Độ là một quốc gia đặc biệt với những truyền thống tôn giáo lạ lùng, phức tạp, khó diễn tả. Gần đây, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều tài liệu cổ viết từ bảy ngàn năm trước Công nguyên mà những nhà cổ ngữ học thông thái nhất vẫn chưa truy cứu ra lai lịch của nó. Chưa ai hiểu những chữ loằng ngoằng kỳ lạ này muốn nói lên điều gì. Nó còn cổ xưa hơn chữ Phạn nữa, do đó nó phải xuất phát từ một nền văn minh xa xưa nào đó mà chưa ai biết. Nếu các đạo sĩ Ai Cập hay Do Thái đã cẩn thận gìn giữ các giáo lý bí truyền của họ thì người Ấn còn gìn giữ cẩn mật hơn nữa. Thay vì truyền bá cho một thiểu số đạo đồ chọn lọc như tại Ai Cập hay Do Thái, thì khoa huyền môn Ấn Độ chỉ được truyền bá trong trường hợp đặc biệt, vì ích lợi chung.
Từ ngàn xưa, người Ấn Độ đã sở hữu một kho tàng kiến thức khoa học bao quát rất nhiều lĩnh vực, từ thiên văn đến địa lý, từ toán học đến siêu hình học. Yoga mà người ta biết đến hiện nay chỉ là một chương nhỏ nằm trong bộ sách rất dày ghi chép những kiến thức của người xưa mà nay đã thất truyền.
Các tài liệu cổ ghi nhận rằng Ấn Độ đã từng có một thời đại hoàng kim, một thời đại mà con người biết sống thuận theo các quy luật tự nhiên. Sau đó, xứ này đi vào giai đoạn suy vong do không biết kiềm chế các dục vọng, nhất là tình dục nam nữ và đi đến sự loạn luân. Để giải quyết tình trạng rối loạn xã hội này, các bậc đạo trưởng đã họp và quyết định cho giảng dạy một phần nhỏ trong quyển sách ghi nhận kiến thức thời cổ. Đó là chương Yuj mà ngày nay gọi là Yoga. Đây chỉ là phần chỉ dạy phương pháp tu luyện thể xác và tinh thần để phối hợp thân với tâm, phát triển khả năng trí tuệ của con người. Nếu điều này là thật thì bộ sách kia, cái kho tàng văn hóa thiêng liêng của Ấn Độ thời xưa, phải là sản phẩm của một nền văn hóa cao siêu vô cùng. Dĩ nhiên hiện nay không còn ai thấu suốt điều gì về nền văn minh đó nữa.
Giáo sư Baader giải thích:
– Ông cũng biết dân tộc nào cũng đều có những huyền thoại về nguồn gốc của họ, mô tả địa thế, núi non, sông ngòi và tổ tiên của họ đã xây dựng nền văn hóa của họ ra sao. Nhiều người cho rằng đó chỉ là truyền thuyết được người sau phóng đại lên nên không có giá trị về mặt sử liệu, nhưng biết đâu nó cũng ẩn giấu điều gì đó mà chúng ta chưa biết đến. Theo tôi thì các huyền thoại không chỉ là sự tưởng tượng đâu, mặc dù chi tiết không chính xác, nhưng nó luôn luôn chứa đựng những ẩn nghĩa mà người đời sau phải xem xét để hiểu rõ công trình của tiền nhân. Một quốc gia không thể đứng vững lâu dài trong lịch sử nếu không có những vị anh hùng chiến đấu để bảo vệ đất nước của họ. Một quốc gia không thể tồn tại nếu không có một nền văn hóa xuất sắc riêng biệt, khác với văn hóa của các quốc gia quanh đó. Nếu không, họ sẽ bị đồng hóa. Nếu chỉ dựa trên lý luận khoa học rồi bác bỏ những huyền thoại thì thật đáng tiếc.