Một hôm, tôi đang làm việc thì Angie bước vào với một tờ quảng cáo về một buổi diễn thuyết. Angie nói:
– Hôm trước em và Connie đi xem triển lãm về Ai Cập ở viện bảo tàng có thấy tờ quảng cáo này nên cầm về. Anh có muốn đi nghe với em không?
Tôi đọc lướt qua tờ quảng cáo, đó là buổi diễn thuyết của một giáo sư đại học nghiên cứu về các nền văn minh cổ xưa. Như có một cái gì đó thôi thúc, tôi gật đầu:
– Ừ, chúng ta cứ thử đi nghe xem người này nói gì.
Buổi diễn thuyết được tổ chức tại Đại học New York, diễn giả là một giáo sư tuy chưa nổi danh nhưng đã có nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc. Khán giả không đông lắm, phần lớn chỉ là sinh viên phải đi nghe để viết tường trình cho lớp học của họ. Tôi đi cùng với Angie và vợ chồng Andrew.
Diễn giả bắt đầu với công trình nghiên cứu về các nền văn minh của ông tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông nói:
– Trong các tài liệu cổ còn được lưu truyền ngày nay thì tài liệu của người Do Thái vẫn được coi là tương đối đầy đủ nhất. Các kinh sách Do Thái thường đề cập đến sự giao ước giữa con người và Thượng Đế thông qua các giới luật căn bản được ghi rõ trong bộ giáo luật Torah và trong kinh Cựu Ước. Tuy nhiên, bên cạnh những giới luật này lại có một quan niệm trừu tượng về sự lưu đày và việc trở về miền đất hứa. Đa số người Do Thái đều tin rằng đây là một sự kiện lịch sử. Khi xưa dân Do Thái bị bắt làm nô lệ tại Ai Cập nhưng sau đó được giải phóng. Tuy nhiên, khi rời khỏi Ai Cập, họ lại vi phạm sự giao ước giữa họ và Thượng Đế nên bị trừng phạt, phải lang thang khắp nơi, không quê hương, và không thể trở về miền đất hứa.
Gần đây, các nhà khảo cổ đã tìm được một tài liệu ở vùng Biển Chết giải thích rằng sự lưu đày chỉ là một ẩn dụ, ám chỉ việc mất ý thức về nguồn gốc thiêng liêng, một sự sa đọa về tâm linh của con người nói chung. Sự trở về miền đất hứa tượng trưng cho sự quay về để biết mình là ai, để biết đến nguồn gốc thiêng liêng, cao quý vốn sẵn có nơi mình. Sự giao ước với Thượng Đế chẳng qua chỉ là sự phát triển tiềm năng hiểu biết để sống thuận với những quy luật tự nhiên mà thôi. Điều này đã làm đảo lộn quan niệm vẫn có từ mấy ngàn năm nay và tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới học giả Do Thái.
Một số học giả không công nhận tài liệu này vì như thế là phủ nhận “miền đất hứa”, vốn là vùng đất của Thượng Đế đã ban cho dân Do Thái [9]. Chính vì quan niệm cho rằng họ là giống dân đã được Thượng Đế chọn lựa, đã được ban cho một vùng đất làm quê hương, mà người Do Thái, dù lang thang khắp nơi trên thế giới suốt mấy ngàn năm nay, vẫn luôn luôn hướng về “miền đất hứa” của họ. Việc đưa ra tài liệu khảo cổ với quan niệm mới mẻ này, dù được viết bởi giáo sĩ Do Thái thời cổ, là điều không thể chấp nhận được.
Một số học giả khác cho rằng tài liệu của giáo sĩ Do Thái, viết từ nhiều ngàn năm trước, giải thích ẩn nghĩa của huyền môn Kabbalah, là một khám phá quan trọng và người Do Thái không thể phủ nhận một văn kiện giá trị như thế được.
Lịch sử Do Thái ghi rõ Kabbalah là bộ sách huyền môn đã được nhà tiên tri Moses ghi chép bằng chữ tượng hình với rất nhiều ẩn nghĩa. Từ xưa, các nhà tiên tri, các đạo gia thường sử dụng một thứ ngôn ngữ bí mật, các ẩn dụ, các câu nói bóng bẩy để diễn tả một số việc sẽ xảy ra trong tương lai mà họ không thể nói trước. Kinh Talmud đã nói rõ: “Chân lý không phải là điều để mang ra nói mà là điều người ta chỉ hiểu được qua công phu tu tập mà thôi”. Do đó, các đạo gia thời cổ chỉ truyền dạy cho học trò qua phương pháp khẩu truyền chứ không mấy ai viết ra. Nếu phải viết ra thì họ dùng ám tự, ẩn nghĩa và lựa chọn học trò rất kỹ sau nhiều cuộc khảo nghiệm để chắc rằng học trò có thể hiểu những huyền nghĩa này.
Moses Ben Maimon ( Maimonides ), nhà thần học nổi tiếng và uy tín nhất về giáo luật Torah của Do Thái giáo, đã viết: “Sự ý thức được chính mình là quy luật căn bản của mọi truyền thống tâm linh vì biết mình tức là biết được nguồn gốc thiêng liêng của mình”. Mục tiêu của mọi truyền thống tâm linh cổ xưa đều nhằm vào việc con người tự biết mình. Trong khi ngày nay, nó bị thay đổi để nhắm vào một đối tượng xa vời, một cái gì đó vượt khỏi tầm hiểu biết của con người. Tệ hơn nữa, càng ngày nó càng chú trọng vào các hiện tượng ngoại giới. Chính vì thế mà mọi giải pháp, mọi quan niệm, mọi lý luận của các truyền thống tâm linh ngày nay không thể đem lại hạnh phúc cho con người vì đã sai lầm ngay từ căn bản.
Các nghiên cứu khảo cổ học gần đây đã tìm được nhiều tài liệu cho thấy từ xa xưa, cổ nhân đã sở hữu những kiến thức uyên bác về rất nhiều lĩnh vực, từ thiên văn đến địa lý, từ toán học đến siêu hình học, từ hóa học đến y học và gọi nó là huyền học chứ không phân chia nó ra thành nhiều môn riêng biệt như ngày nay. Trong những căn phòng nằm sâu trong các thánh điện nguy nga, hay các động đá tự nhiên trong rừng núi hoang vu, các đạo gia thời cổ đã nghiên cứu, học hỏi và vận dụng các năng lực huyền bí vào những việc mà ngày nay, trong thời buổi cực thịnh của khoa học thực nghiệm, nó vẫn được coi là những điều bất khả thi hay phép lạ.
Thật là một sự sỉ nhục cho người xưa, khi những nhà khoa học non nớt của thế kỷ này dám chỉ trích các bậc tiền bối của họ là những thầy phù thủy ngu dốt. Nói như thế chẳng khác nào hàng ngàn năm nay, nhân loại chỉ toàn là những kẻ ngu dốt, dại khờ và mê tín dị đoan, cho đến đầu thế kỷ hai mươi này người ta mới trở nên khôn ngoan. Nếu nhìn vào lịch sử, có quốc gia nào trong quá khứ mà không có những vị anh hùng, những vĩ nhân có công xây dựng nền văn minh cho đất nước họ hay không? Có những giai đoạn nào trong quá khứ mà các đạo gia, học giả của họ lại không đưa văn hóa của họ lên đỉnh vàng son, oanh liệt? Tại sao ngày nay người ta lại cố tình quên đi lịch sử, quên đi công trình của tiền nhân, vùi dập những điều tốt đẹp của quá khứ dưới danh nghĩa tiến bộ khoa học? Điều đáng tiếc là ngày nay các nhà khoa học lại chia cắt kiến thức của cổ nhân ra thành những mảnh vụn rời rạc, do đó họ không thể có một cái nhìn bao quát mà chỉ biết về những mẩu rất nhỏ, song lại tự hào là mình thông minh.
Nếu xét kỹ quá trình lịch sử, người ta có thể thấy nhiều điểm tương đồng giữa các nền văn minh cổ xưa từ Đông qua Tây. Thí dụ như hai tài liệu rất cổ vẫn còn được lưu truyền ngày nay là bộ luật Manu và pho kinh Veda của người Ấn, trong đó người xưa ghi chép rất công phu các nghi thức tế lễ và cầu nguyện. Nếu xét kỹ, người ta sẽ thấy những nghi thức này không khác gì những nghi thức được tìm thấy trong thánh kinh Talmud của Do Thái giáo hay nghi thức của nền tôn giáo cổ được ghi lại trên các thạch trụ ở Babylon. Nếu nghiên cứu kỹ hơn nữa, người ta lại thấy nó cũng không khác các nghi thức tôn giáo của Ai Cập, Tây Tạng, hay Trung Hoa bao nhiêu. Tại sao lại có sự trùng hợp như thế? Tại sao những nền văn minh ở cách nhau rất xa trên phương diện địa lý và thời gian lại có những nghi thức tế lễ, cầu nguyện tương tự như thế? Phải chăng từ ngàn xưa đã có sự liên lạc, giao thiệp giữa những người của các quốc gia đó? Hoặc tất cả đều chịu ảnh hưởng bởi một nguồn gốc chung, bởi một nền văn minh mang tính toàn cầu vượt ra khỏi sự hiểu biết của con người ngày nay? Phải chăng các đạo gia ngày xưa đã sở hữu những kiến thức siêu việt qua công phu tu tập mà ngày nay không mấy ai còn biết đến? Nhờ sở đắc những kiến thức này, họ nghiệm ra rằng trên một bình diện tâm thức cao hơn bình diện của người thường, vốn không hề có sự khác biệt, vốn không hề có sự phân biệt, chân lý hay các quy luật tự nhiên của vũ trụ là bất biến, dù ở đâu hay trong thời gian nào.
Ngày nay, nhiều người cho rằng huyền học là truyền thống của người phương Đông. Nói như thế tức là không nắm vững các yếu tố lịch sử vì ngay tại phương Tây, huyền học cũng có một quá khứ khá huy hoàng. Những đạo gia Druid tại Anh Quốc đã thực hành huyền thuật trong những động đá thâm u của xứ họ. Họ đã để lại nhiều di tích như những cột trụ bằng đá tại Stonehenge mà ngày nay không mấy ai biết được mục đích của nó. Họ cũng chạm trổ các hình kỷ hà trên vách đá dọc theo bờ biển Ái Nhĩ Lan để nhắc nhở điều gì đó cho nhân loại mà ngày nay không ai hiểu được. Lịch sử Anh Quốc đã ghi nhận sự điều hành quốc gia sáng suốt của các nhà lãnh đạo thuộc chủng tộc Celtic qua các huyền thoại huy hoàng vẫn được dân chúng nhắc đến nhưng không mấy ai hiểu hết ẩn nghĩa của chúng. Những thuật sĩ Semathe của xứ Gaul (nước Pháp ngày nay) đã để lại rất nhiều tài liệu về toán học, vật lý học, vũ trụ học mà ngày nay các nhà nghiên cứu đã kinh ngạc trước những kiến thức về sự vận hành của các tinh tú và sự hình thành của trái đất. Trong những cánh rừng ở Trung Âu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tài liệu được chôn giấu ghi rõ các buổi hội họp, bàn thảo, và trao đổi kiến thức của những đạo gia này. Nhiều tài liệu nói về nguồn gốc, quá trình tiến hóa của nhân loại rất chính xác, mặc dù nó được viết từ hàng ngàn năm trước.
Tóm lại, từ ngàn xưa, đã có những nền văn minh cổ với sự hiểu biết thâm sâu nhưng vì lý do nào đó đã biến mất trên bề mặt địa cầu, chỉ còn sót lại một vài mảnh vụn mà ngày nay nhiều nhà khoa học đã cố tình bỏ qua, không để ý đến. Không ai biết con người có mặt trên quả đất này từ lúc nào và đã học hỏi, nghiên cứu những gì. Các tài liệu hiện đại vẫn cho rằng con người chỉ mới xuất hiện từ vài chục ngàn năm trước, nhưng lúc đó sống như con vật, chỉ biết hái lượm, rồi sau chuyển qua săn bắn và trồng trọt; mãi đến thời gian gần đây, con người mới biết đến khoa học và trở nên văn minh tiến bộ. Lý luận này có hợp lý không? Điều này cần phải xét lại.