Vào một đêm không trăng, tôi đứng một mình trong cung điện, nhìn ra ngoài sa mạc mênh mông và cảm thấy một nỗi buồn vô hạn. Sau bao công lao khó nhọc, bao chiến thắng oai hùng, được bao người kính nể, đạt được địa vị tối cao với quyền uy tột bậc nhưng tôi vẫn tự hỏi không lẽ cuộc đời chỉ có thế thôi sao. Còn có điều gì khác nữa không. Khi sống ngoài sa mạc, đã có những đêm tôi ngồi một mình nhìn vào không gian vô tận và tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời. Mặc dù từ nhỏ đã được các giáo sĩ dạy dỗ giáo lý trong đền thờ Thái Dương nhưng tôi không hài lòng về những điều này. Hình như có một cái gì đó thúc đẩy tôi tìm hiểu nhiều hơn nữa, nhưng lúc đó tôi còn bận tâm với nhiều việc khác. Hiện nay, mọi việc đã xong, tôi trở thành Pharaoh, quyền uy tột đỉnh, sống trong cung vàng điện ngọc, có được tất cả những gì mà con người thường ao ước nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi một cảm giác thiếu thốn và cô độc lạ kỳ. Tôi đã thao thức nhiều đêm vì cảm giác trống vắng lạ lùng ấy. Tôi cảm thấy mình vẫn cần phải làm một cái gì đó, nhưng biết làm gì bây giờ. Tất cả những gì có thể làm được, tôi đã làm xong. Bây giờ đáng lẽ phải là lúc tôi tận hưởng kết quả của việc mình làm chứ! Nhưng tôi không thể.
Tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời với muôn ngàn tinh tú lấp lánh và tự hỏi về ý nghĩa của cuộc đời. Phải chăng số phận trở thành người có quyền uy tối thượng của tôi đã được thu xếp sẵn từ trước bởi các thần linh? Tại sao hàng chục hoàng tử trong cung hàng ngày dâng cúng phẩm vật cho thần linh lại không được làm Pharaoh, trong khi một kẻ mang hai dòng máu như tôi, sống ở miền biên thùy hoang vu, không phẩm vật dâng cúng, lại được cái diễm phúc đó? Tại sao có người được sinh ra ở những nơi đất đai trù phú bên cạnh dòng sông Nile như Ai Cập, trong khi người khác lại phải sống ở những miền núi đá khô cằn như xứ Kush, hay sa mạc nóng bỏng như xứ Nubia? Tại sao có người được sinh ra trong những gia đình giàu có sung sướng, trong khi người khác lại sinh vào nơi nghèo nàn, khốn khổ? Tại sao có kẻ được làm quan, trong khi người khác phải làm nô lệ? Tại sao các thần linh lại làm như thế? Tại sao các thần linh đòi hỏi phẩm vật dâng cúng nhưng lại để cho các giáo sĩ thụ hưởng? Con người được sinh ra với mục đích gì khi mọi việc đều do thần linh thu xếp từ trước? Phải chăng con người chỉ là nô lệ của các thần linh? Tôi muốn đặt câu hỏi với các thần linh về việc này, nhưng biết hỏi ai đây? Đã từng sống với các giáo sĩ khi còn nhỏ, tôi đã thấy rõ những người này sống ra sao, hưởng thụ phẩm vật dâng cúng như thế nào, có nhu cầu gì và đòi hỏi những gì. Họ thường mang các thần linh ra dọa nạt để đòi hỏi thêm lễ vật, rồi chia nhau hưởng thụ. Họ chỉ giải thích bâng quơ chứ không thể trả lời rõ ràng những thắc mắc của tôi.
Tôi sùng kính đấng Thái Dương Amun Ra và thầm đặt câu hỏi với ngài trong các nghi lễ với các phẩm vật quý nhưng không hiểu sao ngài vẫn im lặng, không trả lời những thắc mắc của tôi. Tôi đến đền thờ nữ thần Isis[4], khuôn mặt bà được che bằng một tấm vải nên không ai có thể chiêm ngưỡng dung nhan của nữ thần. Tôi được các giáo sĩ dạy rằng Isis tượng trưng cho những điều không thể nói ra và cũng không thể hiểu được nên tốt nhất là chỉ nên dâng cúng phẩm vật, còn mọi việc hãy để cho chư thần sắp đặt. Là người có ý chí cương quyết và đầu óc ngang bướng, tôi không thể chấp nhận rằng mọi sự xảy ra đều do thần linh thu xếp.
Có lần tôi đã hỏi:
– Làm sao tôi biết chư thần muốn gì? Nếu Pharaoh là trung gian giữa thần linh và dân chúng thì tôi phải biết rõ ý muốn của chư thần chứ?
Các giáo sĩ không trả lời được câu hỏi này nên giải thích rằng Pharaoh cũng là một vị thần và Pharaoh muốn gì thì chư thần cũng muốn như thế. Lần đó, tôi đã hỏi ngược lại rằng nếu thế thì tại sao chỉ các giáo sĩ được hưởng thụ những phẩm vật dâng cúng chứ không phải Pharaoh hay ai khác? Các giáo sĩ không ai dám trả lời những câu hỏi hóc búa này nên thường tìm cách tránh né những buổi gặp gỡ như thế. Nhưng ai có thể giúp tôi trả lời hàng trăm câu hỏi thắc mắc về ý nghĩa cuộc sống của tôi ở đây?
Đang suy nghĩ miên man, bỗng tôi giật mình vì tiếng cười đùa đàn hát vang lừng trong cung vọng đến. Mấy tháng nay, tôi đã chán ngấy những trò giải trí vô vị đó, cũng như chai sạn cảm xúc trước các cung nữ xinh đẹp được tuyển vào cung. Ngay như hoàng hậu Nedjem cũng không làm tôi hứng thú gì. Cuộc hôn nhân này thực ra chỉ là một sự dàn xếp quyền lực mà tôi chỉ thi hành theo kế hoạch của giới giáo sĩ thôi. Tôi nghe rõ tràng cười của đám cung nữ xen cùng tiếng ca hát của những nhạc công ở phía sau vọng đến khiến tôi nổi giận quát lớn:
– Các ngươi cút ngay. Nếu ta còn nghe một tiếng động nữa, ta sẽ chém đầu hết.
Tiếng huyên náo dần dần lặng đi và chỉ trong thoáng giây, tôi thấy mình thật đơn độc trong cung điện giữa đêm khuya thanh vắng. Tôi muốn tiếp tục suy nghĩ thêm về ý nghĩa của cuộc sống và những thắc mắc lạ lùng khác, nhưng lúc đó không còn hứng thú nữa. Tự nhiên, tôi nảy ra một ý tưởng là muốn đi thăm thú tình hình dân chúng bên ngoài. Tôi gọi người hầu lấy một chiếc áo choàng cũ khoác lên người, rồi một mình lẳng lặng tiến ra ngoài thành. Tôi không muốn binh sĩ hộ vệ đi theo nên ra lệnh cho họ phải ở lại trong cung. Là người đã từng vào sinh ra tử, tôi không sợ bất cứ chuyện gì. Với sức mạnh được rèn luyện hồi còn sống ở sa mạc, tôi có thể ra tay hạ gục những kẻ vô lại hay đám say rượu một cách dễ dàng.
Tôi lầm lũi bước đi qua những khu chợ khuya tấp nập, nơi một số dân chúng vẫn còn tụ họp buôn bán dưới những bó đuốc thắp sáng chập chờn. Tôi tiếp tục đi qua những nơi mà các nhóm lái buôn từ phương xa đến để trao đổi hàng hóa. Lướt qua những quán ăn với điệu nhạc dập dìu và các vũ nữ xinh đẹp dân dã đang múa hát, tôi tiếp tục bước đi không định hướng cho đến khi nhìn thấy ánh đèn leo lét trong một khu xóm vắng vẻ tồi tàn với những ngôi nhà đổ nát xiêu vẹo. Bất chợt, tôi nhìn thấy một thiếu nữ duyên dáng, đang dịu dàng bế một đứa bé, đi qua đi lại trước một căn nhà. Lúc đó, không hiểu vì sao có một mãnh lực kỳ lạ thu hút tâm trí khiến tôi dừng chân lại – mà sau này tôi mới biết đó là do vẻ đẹp chân chất cùng những gì toát ra từ người thiếu nữ. Nhưng không hiểu sao tôi lại không tiến đến gần cô gái, mà hướng vào nhà. Nhìn vào dấu hiệu trước cửa, tôi biết đó là nhà của một y sĩ nên bước vào. Tôi thấy một ông lão đang bào chế thuốc với những chậu thuốc chứa đầy thảo dược. Tôi nhận ra ngay những vị thuốc quen thuộc dùng để chữa bệnh thời khí[5].
Tôi lên tiếng hỏi về người thiếu nữ đang bồng đứa bé trước cửa mà tôi rất ấn tượng, thì ông lão trả lời:
– Đó là Cihone, cứ mỗi lần tôi gặp phải một trường hợp khó khăn với những đứa trẻ mà mọi phương cách chữa trị đều vô vọng thì tôi giao đứa bé lại cho Cihone, và con bé luôn thành công.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Cô ấy đang làm gì với đứa bé thế?
Ông lão đáp:
– Cihone ôm đứa trẻ vào lòng, dùng tình yêu thương để chữa lành cho đứa bé.
– Tại sao lại như thế? Nếu không chữa được bằng thuốc men thì phải mang đến cho các giáo sĩ làm lễ cầu nguyện chứ?
Ông lão lắc đầu:
– Phải có phẩm vật dâng cúng thần linh thì mới được các giáo sĩ cầu nguyện cho. Dân nghèo chúng tôi thì làm gì có tiền cho các nghi thức đó.
Ông lão giải thích thêm:
– Phần lớn bệnh của trẻ con đều do thiếu sự săn sóc hay thiếu tình thương mà ra. Đa số cha mẹ của những đứa trẻ này đều bận rộn với sinh kế, mấy ai có thời giờ săn sóc cho chúng đâu, nhất là những đứa bé mới sinh. Tuy chỉ là bệnh thời khí thông thường nhưng nhiều đứa bé vẫn chết, mà nguyên nhân chỉ là thiếu sự chăm sóc.
Tôi ngạc nhiên và có phần tức giận:
– Ông là y sĩ mà nói năng thật vô lý. Tình yêu thương là cái quái gì mà có thể chữa được bệnh tật ?
Ông lão nhìn tôi, rồi nói một cách chậm rãi:
– Tôi là y sĩ được huấn luyện về y học trong nhiều năm nhưng trường y đâu có dạy về tình yêu thương. Các giáo sĩ cũng đâu biết gì về tình thương. Khi tìm hiểu về các căn bệnh của trẻ con và nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh ở người lớn, tôi bắt đầu ý thức về nhu cầu của con người đối với thứ tình cảm này. Thật ra không có gì cần thiết cho con người hơn là tình yêu thương.
Tôi cảm thấy thật khó chịu với cách giải thích của ông ấy:
– Sao lại như thế được? Trẻ con mạnh khỏe là nhờ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Hiện nay xã hội Ai Cập đang yên ổn, mọi người đều được an hưởng thái bình cơ mà.
Ông lão vẫn điềm tĩnh đáp lời:
– Cậu nói đúng, cuộc sống hiện nay đã tốt hơn trước. Dĩ nhiên đối với trẻ nhỏ, chúng cần thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể, nhưng thỏa mãn nhu cầu ăn uống vẫn không đủ vì còn có một nhu cầu quan trọng hơn, giúp chúng có sức mạnh và đề kháng chống lại bệnh tật, đó là tình thương. Đối với chúng, được thương yêu săn sóc là điều kiện tất yếu cho sự sống còn, trưởng thành. Thiếu tình thương, chúng rất dễ mắc bệnh và không thể chống chọi trước những căn bệnh hiểm nghèo. Nếu không được săn sóc chu đáo dù được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, chúng vẫn dễ mắc phải những căn bệnh khó trị. Khi lớn lên, nếu không được yêu thương, chúng dễ trở thành những kẻ hung ác, vô cảm và ích kỷ. Hiện nay, Pharaoh cho xây cất đền đài, lăng tẩm khắp nơi, nên phần lớn dân chúng đều bị xung công đi xây cất những công trình này, không mấy ai có thể săn sóc con cái cẩn thận vì người nào cũng bận lo công việc sinh kế. Do đó, hiện nay số trẻ con ốm đau bệnh tật đang gia tăng nhiều hơn những năm trước.