Theo tài liệu của các thợ kim hoàn thì chàng triệu phú Hoa Kỳ trẻ Somerset đã mua được một viên – gọi là viên kim cương “Hope”, có nghĩa là hy vọng (nhưng hậu quả cho những ai sở hữu đều trái ngược, rất bi đát) để làm quà tặng cho người vợ chưa cưới – lúc đó viên kim cương quý tộc lung linh này được mệnh danh là “Trái tim của Đại dương”. Hai vợ chồng hưởng tuần trăng mật sóng gió trên chiếc tàu định mệnh Titanic. Chắc ông cũng biết chuyện gì đã xảy ra cho chiếc tàu Titanic rồi.
Viên thứ hai rơi vào tay Nga Hoàng Nicholas và được chế tác thành vòng ngọc đeo trên cổ hoàng hậu Alexandria. Rồi chuyện gì xảy ra cho gia đình Nga Hoàng trong cuộc Cách mạng Bolshevik 1917 chắc ông cũng biết. Hiện nay chuỗi ngọc đó lọt vào tay ai thì tôi cũng không rõ.
Viên thứ ba rơi vào tay triệu phú Hy Lạp Simon Maoncharides. Chỉ ít lâu sau khi mua viên kim cương, ông này lái xe rơi xuống vực chết thê thảm. Hiện nay không ai biết viên kim cương này thuộc về ai? Có người nói rằng nó lọt vào tay triệu phú Onassis và được tặng cho bà Jacqueline Kennedy trong hôn lễ. Nếu viên kim cương này được lưu giữ trong gia đình Kennedy thì thật là bất hạnh. Chuyện gì xảy ra cho gia đình này chắc ông cũng biết. Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn, chứ không ai biết rõ sự thật.
Viên thứ tư, lớn nhất và đẹp nhất được bán tại Thụy Sĩ, nhưng giá trị của nó quá lớn nên không ai mua nổi. Nhiều năm sau, Evalyn McLean, con gái triệu phú McLean, sau khi được hưởng gia tài của cha để lại, đã dùng trọn số tiền đó để mua viên kim cương này. Cô thường đeo trong các buổi dạ hội của giới điện ảnh, được báo chí khen là người có món nữ trang đẹp nhất. Ít lâu sau, cô này cũng chết một cách rất lạ lùng mờ ám khi còn rất trẻ.
Vì sống trụy lạc tiêu pha phung phí nên Evalyn nợ nần rất nhiều. Để trang trải, viên kim cương lọt vào tay chủ ngân hàng Thomas Hope.
Từ khi sở hữu viên kim cương, gia đình ông này gặp rất nhiều rắc rối, vợ chồng ly dị, con cái bất hòa, tranh chấp kiện tụng để giành tài sản, tạo ra rất nhiều tai tiếng trên báo chí. Từ đó, viên kim cương này được biết đến như là một tai ương cho những ai sở hữu nó. Cuối cùng, gia đình tỷ phú Hope cũng phải khánh kiệt tài sản. Người cháu của ông Hope bèn đem tặng viên kim cương này cho viện bảo tàng Smithsonian để triển lãm vì không có bất kỳ một ai dám giữ hay sở hữu nó nữa.
Tôi gật đầu:
– Tôi có nghe nói về bốn viên kim cương Hope và tai họa thê lương đã xảy đến với những người có liên quan nhưng tại sao ông lại biết lai lịch và hành trình của những viên kim cương này rõ thế?
Ông lão Do Thái hãnh diện nói:
– Công trình làm ra những món trang sức có giá trị lớn đều được ghi vào sổ sách cẩn thận. Tất cả thợ kim hoàn thiết kế những tác phẩm nghệ thuật đều ghi lại công trình của họ vào tài liệu để cho đời sau học hỏi. Đây là truyền thống của nghề kim hoàn đã có từ nhiều trăm năm nay.
Ông lão kết luận:
– Những bảo vật có giá trị lớn thường đi kèm với những điều không may. Những của cải phi nghĩa do cướp bóc, chiếm đoạt đều mang lại những điều bất hạnh mà không mấy ai biết. Khi một vật có giá trị lớn, nó khiến cho người khác thèm muốn và gây ra phiền toái. Nếu không gặp trộm cắp thì cũng bị chiếm đoạt. Vì lòng tham mà biết bao nhiêu người đã phải bỏ mạng hay tán gia bại sản. Lịch sử đã ghi nhận rõ ràng là những ai lấy của từ người khác một cách phi nghĩa đều phải trả một cái giá rất đắt – không phải lúc này thì ắt cũng vào lúc khác. Càng chiếm đoạt bao nhiêu thì càng gặp những điều không may bấy nhiêu, nếu không nghèo khổ thì cũng gặp tai nạn bất ngờ, và lúc đó có hối hận thì cũng đã quá muộn. Tuy chỉ là người thiết kế trang sức, nhưng tôi nghiên cứu rất kỹ những tài liệu trang sức, kim hoàn từ xưa để lại, vì thế tôi cũng học được ít nhiều. Hôm nay có duyên vui miệng kể ông nghe, mong ông không để tâm đến chuyện đó.
Hai tháng sau, tôi nhận được chiếc nhẫn có hình con bọ hung giống y như chiếc nhẫn mà tôi thấy trong tấm hình của tiệm trang sức. Phải nói rằng đó là một tuyệt tác được thực hiện bởi người thợ kim hoàn thật điêu luyện khéo tay này. Nếu so sánh với chiếc nhẫn trong viện bảo tàng Luân Đôn thì nó giống y như thật.
Một hôm, tôi ngồi trong phòng làm việc, vô tình tập trung nhìn chiếc nhẫn mà tôi đã đeo từ mấy tuần qua. Tự nhiên có một mãnh lực kỳ lạ khiến tôi cảm thấy ngây ngất và thiếp đi lúc nào không biết.
* * *
Tôi thấy mình đang đứng trước một ngôi đền ngoài sa mạc với một nhóm giáo sĩ. Tôi cố gắng tự chủ, nhưng cũng như lần trước, tôi biết mình đang ở trong một thể xác khác với thể xác hiện nay. Vì đã có kinh nghiệm nên tôi tự hỏi: “Phải chăng mình nhớ lại tiền kiếp nào đó một lần nữa?”.
Ngay lúc đó, toàn thân tôi run lên và tai nghe rõ tiếng vị giáo sĩ nói:
– Đã đến lúc ngài phải nắm lấy cơ hội hãn hữu này – nếu không thì không còn cơ hội nào nữa. Tuy ngài không hoàn toàn là người Ai Cập nhưng ngài vẫn mang dòng máu hoàng gia. Ngài được sinh ra tại Ai Cập, nghĩa là có liên hệ đến quốc gia này và được sinh ra tại đâu là phải có trách nhiệm với nơi đó. Khi sinh ra tại Ai Cập, ngài đã hấp thụ tinh khí của mảnh đất này và mắc nợ với nó. Dù muốn hay không, số mạng của ngài và quốc gia này có mối liên hệ chặt chẽ. Ngài phải làm tròn bổn phận của một người dân xứ này, nhất là khi quốc gia rơi vào cảnh nguy biến.
Mặc dù biết mình đang ở trong một thể xác khác nhưng đầu óc tôi vẫn còn hoang mang vì không rõ chuyện gì xảy ra. Ngay lúc đó, một binh sĩ oai nghiêm bước vào:
– Thưa ngài, quân sĩ đã sẵn sàng. Chúng tôi chờ lệnh của ngài.
Tôi chưa biết phải phản ứng ra sao vì đầu óc vẫn còn choáng váng, dường như mơ mà không phải mơ, nhưng tôi biết rằng tôi không còn là Thomas nữa mà là một con người khác, sống ở một kiếp khác, thời đại khác rồi. Lúc đó, đột nhiên tiềm thức của tôi hoạt động, rồi quá khứ hiện rõ ra như một cuốn phim.
Tôi tên là Akhon, con của một thứ phi trong vương triều Ai Cập. Khi xưa Pharaoh đi kinh lý vùng hạ lưu sông Nile có bắt được một số nô lệ người Kush, trong đó có nhiều phụ nữ xinh đẹp. Vua đưa những người này về cung làm phi tần. Vì là đứa con mang hai dòng máu, Ai Cập và Kush, trong khi hai quốc gia này lại hay gây chiến với nhau, nên tôi không được coi là hoàng tử chính thức. Cuộc sống trong cung điện bề ngoài xa hoa sung sướng nhưng thật ra bên trong là cả một bãi chiến trường với những âm mưu tranh chấp giữa các phe nhóm cung phi. Là đứa trẻ mang hai dòng máu, con của một thứ phi không được sủng ái, tôi trở thành nạn nhân của những cuộc tranh chấp này.
Khi mẹ tôi mất, tôi bị đối xử kỳ thị đến mức tàn bạo bởi những hoàng tử khác trong cung. Tuy nhiên, là một đứa trẻ kiên cường với dòng máu người Kush chảy trong huyết quản, càng bị đối xử tệ bạc, tôi càng nung nấu ý chí phục thù. Một hôm, tôi bị đám hoàng tử đuổi đánh dữ dội nên phải trốn vào đền thờ thần Thái Dương. Tại đây, tôi được các giáo sĩ che chở nên sau đó tôi thường tìm chỗ trú ẩn tại đây. Nhờ các giáo sĩ thương tình dạy dỗ nên tôi học hỏi được rất nhiều về tôn giáo Ai Cập.
Các đền thờ Ai Cập lúc đó thật ra không hoàn toàn thuộc về tôn giáo mà là một hệ thống giáo dục bao gồm nhiều lĩnh vực như thiên văn, địa lý, kiến trúc, y học, âm nhạc v.v… Người theo học được quyền lựa chọn các lĩnh vực chuyên môn này. Chỉ một số ít được huấn luyện trở thành giáo sĩ sống trong đền thờ chuyên thực hiện những nghi thức hành lễ, dâng cúng thần linh, làm bùa chú, hay tẩm liệm người chết.
Tôn giáo Ai Cập bắt nguồn từ thời xa xưa, không ai biết nó xuất hiện từ lúc nào hay từ đâu đến, nhưng giáo lý tôn giáo này dạy rằng vào thuở sơ khai, trời đất chỉ là một khối hỗn độn chìm sâu trong màn đêm âm u. Sau đó, thần Thái Dương Ra xuất hiện quét sạch màn đêm u tối bằng ánh sáng mặt trời, đem lại trật tự cho thế giới qua việc phân biệt giữa ngày và đêm, hay thời tiết bốn mùa v.v… Giáo lý thờ Thái Dương Ra dạy rằng đời người cũng giống như ngày và đêm, nghĩa là con người sống và chết, rồi được hồi sinh và sống ở một cõi giới khác. Do đó, đời sống ở cõi giới sau khi chết quan trọng hơn đời sống hiện tại và việc chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu này là việc được hoạch định cẩn thận từng chi tiết. Theo người Ai Cập, sau khi chết, con người sẽ đi vào một thế giới tối tăm, âm u với rất nhiều ma quỷ và các động lực bất hảo cõi âm. Nếu không được chỉ dẫn cẩn thận, họ sẽ bị đọa lạc vào thế giới này và trở thành nô lệ cho những loài ma quỷ hay sinh vật cõi âm, rồi trở thành một loài ma quỷ sống mãi ở đó. Nhưng nếu được giúp đỡ bởi các thần linh qua các nghi thức cúng lễ với bùa phép và thần chú đặc biệt thì họ sẽ được đưa lên cảnh giới của các vị thần và trở thành một vị thần sống sung sướng ở cõi đó.
Dựa trên quan niệm này, tôn giáo Ai Cập chủ trương thờ cúng rất nhiều thần linh vì các vị thần này có thể giúp họ ở thế giới bên kia. Do đó, các nghi thức dâng cúng phẩm vật cho chư thần là một điều quan trọng để làm vui lòng thần thánh vì các vị thần có thể ban phước hay giáng họa, tùy theo giá trị của các phẩm vật dâng cúng. Người đứng đầu Ai Cập, hay Pharaoh, được coi là trung gian giữa dân chúng và các thần linh nên có bổn phận phải xây cất đền thờ, dâng cúng phẩm vật cho các vị thần để đảm bảo trật tự, thịnh vượng trong xã hội.