Ông Kris im lặng nhìn tôi, không trả lời. Tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh nhưng mồ hôi vẫn toát ra như tắm. Tôi lẩm bẩm nói một mình:
– Sao lại như thế được? Không lẽ tôi lại có thể nhớ được tiền kiếp? Phải chăng tôi bị thôi miên hay một lực truyền dẫn nào đó tái hiện quá khứ cho tôi? Nhưng dù có thôi miên thì mọi thứ không thể nào hiện ra rõ mồn một như một cuốn phim như vậy được? Những người bị thôi miên khi tỉnh dậy thường không nhớ gì hết nhưng tôi thì nhớ rõ đến từng chi tiết.
Sau một lúc xúc động, tôi lấy lại bình tĩnh và hỏi:
– Ông có thể giúp tôi giải thích việc này được không?
Đến lúc đó, ông Kris mới trả lời:
– Ông đã hồi tưởng trở lại kiếp sống xa xưa khi ở Atlantis, nhưng ông còn sống nhiều tiền kiếp khác nữa. Nếu muốn, ông có thể hồi tưởng lại những kiếp đó vì ông đã từng làm việc này từ trước rồi. Dĩ nhiên hiện nay ông không nhớ đâu, nhưng rồi ông sẽ nhớ.
Tôi thắc mắc:
– Nhưng ông có thể giải thích cho tôi việc này được không?
Ông Kris suy nghĩ một lát, rồi lên tiếng:
– Này ông bạn, cuộc đời chúng ta trải qua hiện nay chỉ là một phần nhỏ của một đời sống kéo dài hàng trăm ngàn năm mà trong đó chúng ta học hỏi, thu thập kinh nghiệm để tiến tới sự hiểu biết thật sự. Đời sống là một trường học vĩ đại mà trong đó người ta học những gì cần phải học. Có người học rất nhanh qua những kinh nghiệm; và có những người không chịu học hay học chậm, do đó họ cứ phải học mãi. Trong trường đời này, đau khổ là bài học tốt nhất vì chỉ trong đau khổ người ta mới chịu học. Nếu quá dễ dàng sung sướng, ít ai học được gì cả.
Tôi ngạc nhiên:
– Nhưng chúng ta phải học gì?
Ông Kris mỉm cười:
– Chúng ta học để biết rõ mình thật sự là ai? Để biết mối liên hệ giữa chúng ta và những người khác. Để biết sự liên quan giữa chúng ta với vũ trụ. Để biết về những quy luật của sự sống và vũ trụ. Trong vũ trụ có những quy luật bất biến, không bao giờ thay đổi nhưng không mấy ai để ý đến. Quy luật quan trọng ông cần phải học lúc này là luật Luân hồi và Nhân quả.
Ông Kris nhìn tôi thăm dò, rồi tiếp tục giải thích:
– Con người thật ra chỉ là những năng lượng trong vũ trụ. Những năng lượng này tạm được gọi là “thực thể”, mặc dù cách gọi này không chính xác lắm. Thực thể sẽ hóa hiện trong các thân xác khác nhau, trải qua nhiều kiếp sống khác nhau, để học hỏi, lúc tái sinh thành người, lúc thành thú vật, lúc thành các sinh vật ở các cõi giới khác để học những bài học mà họ được định phải học.
Vậy những thực thể này học như thế nào? Chúng học qua một quy luật gọi là luật Nhân quả. Luật này nói rằng mọi tư tưởng, lời nói hay hành động phát xuất từ thực thể sẽ tạo ra những kết quả, xấu hoặc tốt, trong tương lai, và kết quả này sẽ bắt buộc thực thể phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Cũng giống như một học sinh trải qua các kỳ thi, có khi học sinh thuộc bài và thi đậu nhưng có khi thi rớt và phải học lại cho đến khi học được bài học. Điều này đã được ghi rõ qua câu “Gieo giống nào, gặt giống đó”, hay “Trồng cam được cam, trồng ớt được ớt”, hay “Gây nhân nào, gặt quả nấy”.
Tôi hỏi:
– Nếu tôi gây ra đau khổ cho người khác thì tôi sẽ phải trả giá bằng sự đau khổ mà người khác tạo ra ngược lại cho tôi đúng không?
Ông Kris mỉm cười:
– Dĩ nhiên rồi! Như ông đã biết, vật lý cũng đã nói rõ “Bất cứ một lực tác động nào cũng đều có phản lực tương ứng”. Tuy nhiên, có khi phản lực xảy ra ngay, có khi nó tiềm ẩn và xảy ra vào lúc khác, có thể trong kiếp này, có thể trong kiếp sau.
Lúc đó tôi nghĩ đến cô thánh nữ Kor và hối hận về việc mình đã gây ra với cô ấy. Tôi hỏi:
– Nếu thế, một ngày nào đó Kor cũng sẽ trả thù tôi bằng hành động tương tự sao?
Ông Kris gật đầu:
– Giữa ông và Kor đã có một mối liên hệ trải qua rất nhiều kiếp sống, khi hồi tưởng lại những kiếp sống quá khứ, ông sẽ hiểu rõ hơn. Lúc ở Atlantis, ông chỉ là một thực thể non dại, nên tư tưởng và hành động có tính ích kỷ, độc ác mang tính bản năng, vì ông của khi đó đã quen sống trong một môi trường mà sự ích kỷ, độc ác, tham lam, chiếm đoạt là điều bình thường. Ở kiếp sống đó ông chưa thức tỉnh về tình thương, lòng trắc ẩn, hay sự hối hận. Nếu ông không học về những đức tính này qua những kiếp sống sau đó để thay đổi thì ông chắc chắn không thể được như ngày nay. Tuy nhiên, có rất nhiều người mặc dù trải qua nhiều kiếp sống nhưng vẫn chưa học được gì để tốt hơn, vì thế cuộc đời của họ ngày nay vẫn triền miên đau khổ. Họ là những người cần phải học thêm bởi vì trong đau khổ họ mới thức tỉnh để học.
Tương tự như thế, có những người tưởng mình đã học được điều gì đó, nhưng khi gặp đúng hoàn cảnh thích hợp thì thói quen, tính xấu khi trước lại nổi lên và hành động của họ không khác gì người xấu. Điều này có nghĩa là họ chưa nắm vững bài học trước đây và sẽ phải học lại, tư tưởng, lời nói và hành động của họ là nguyên nhân đưa đến sự đau khổ để buộc họ phải học. Người có lương tâm, trách nhiệm, biết lắng nghe và cảm thông với người khác thường là những thực thể đã học được bài học mà họ cần học. Họ đã trải qua nhiều kiếp, có kinh nghiệm học hỏi, nhờ vậy tính tình, tư tưởng và hành động của họ mới tốt đẹp như thế.
Một thực thể phải trải qua nhiều kiếp sống, lúc làm người, lúc làm thú vật, lúc làm sinh vật ở cõi giới khác để trải qua những tình huống khác nhau mà học tập. Tùy theo những tư tưởng và hành động mà họ làm, họ sẽ tái sinh vào những hình hài khác nhau chứ không phải lúc nào cũng đầu thai thành người. Kẻ hung dữ thường tái sinh thành con vật bị đánh đập tàn nhẫn để học bài học về sự đau khổ mà họ đã gây ra cho người khác. Dĩ nhiên khi phải trải qua nhiều kiếp sống bị đày đọa, đánh đập tàn nhẫn, họ mới ý thức được hậu quả việc làm của mình và chịu học.
Khi người này bắt đầu học được, mỗi khi họ có hành động độc ác, tự nhiên có một cái gì đó thúc giục họ ngừng tay, ta gọi là tiếng nói của lương tâm. Tiếng nói thầm lặng này phát xuất từ những trải nghiệm thu được qua những kiếp sống trước. Nó nằm bên trong một “bộ óc” đặc biệt để nhắc nhở người đó về bài học mà họ cần phải học. Lúc đầu, tiếng nói này không hiệu lực cho lắm vì họ không chịu nghe, nhưng sau nhiều kiếp sống, trải qua nhiều kinh nghiệm đớn đau, nó trở nên mạnh mẽ, đến khi nào thực thể thay đổi và không hành động như thế nữa thì xem như họ đã học được những điều cần phải học.
Tôi chợt thắc mắc:
– Nhưng… nếu vậy, thì tôi đã học được gì?
Ông Kris đăm chiêu nhìn tôi:
– Ông đã học được rất nhiều vì ông là một thực thể thông minh. Nhưng ông phải tự nhận ra những điều ông đã học. Tôi chỉ có thể giúp ông một phần nào thôi vì tự ông phải tìm ra những gì ông muốn biết. Nếu tôi nói ra thì đó chỉ là ý kiến của tôi và ông sẽ dễ dàng bỏ qua hay có thể không tin vào những điều tôi nói. Nhưng khi chính ông trải nghiệm những điều này thì ông sẽ có sự thấu hiểu một cách tự nhiên và rõ ràng hơn.
Ông Kris mỉm cười nhìn tôi rồi nói tiếp:
– Thật ra những điều này không có gì mới lạ vì đã được các tôn giáo đề cập từ lâu rồi, nhưng đa số mọi người lúc tin lúc ngờ vực, vì đó chỉ là những điều đã được dạy bảo chứ không phải là kinh nghiệm thật sự của riêng mình. Người có đức tin thì dễ tuân theo những bài học răn dạy lý thuyết, nhưng đa số chỉ nghe rồi bỏ qua, do đó họ phải học đi học lại cho đến khi nào họ thật sự thẩm thấu bài học này.
Khi xưa, phần lớn con người đều có đức tin nên tôn giáo giúp cho họ học rất nhanh những gì cần học. Ngày nay, người ta đa số có tính nghi ngờ, chỉ nghe những gì họ muốn được nghe và bỏ qua những gì họ không thích. Do đó, họ thường hành động theo ý thích của mình, bất chấp hậu quả, nên họ sẽ còn phải học rất nhiều.
Tôi hồi tưởng lại ký ức xảy ra, rồi hỏi:
– Theo như trải nghiệm vừa qua, tôi có thể kết luận rằng nền văn minh Atlantis thật sự hiện hữu. Cũng như triết gia Plato đã khẳng định rằng Atlantis đã có một nền văn minh phát triển rực rỡ nhưng sau cùng đã chìm xuống biển qua trận đại hồng thủy, vậy thì những người từng sống ở đó hiện nay ra sao?
Ông Kris chăm chú nhìn tôi:
– Ông có thật sự muốn biết điều đó không?
Tuy ngạc nhiên vì câu hỏi bất ngờ, nhưng tôi cũng gật đầu.
Ông Kris thong thả nói:
– Đa số mọi người không tin rằng từ ngàn xưa từng có những nền văn minh cao hơn ngày nay nhưng đã biến mất trên bề mặt địa cầu, không còn để lại dấu vết gì. Tuy nhiên, điều này cũng không lạ vì hai trăm năm trước nếu ai đó nói rằng con người có thể bay lên không gian hay tạo ra những thứ vũ khí có thể xóa sổ cả một lục địa thì chẳng ai tin. Nếu quan sát những biến cố xảy ra trong thời gian gần đây, chúng ta thấy rằng chỉ qua hai trận thế chiến mà bao nhiêu quốc gia đã bị xóa sổ và bao nhiêu quốc gia được hình thành. Nếu nhìn xa hơn nữa, chúng ta có thể thấy những đế quốc như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, hay Mông Cổ với các triều đại kéo dài hàng trăm năm, nhưng hiện nay cũng không còn tồn tại, thì việc một nền văn minh đã tồn tại hàng ngàn năm rồi biến mất qua trận đại hồng thủy cũng không phải là điều không thể xảy ra. Biết đâu vài trăm năm nữa, người ta không còn biết gì đến nền văn minh cơ giới với những phát minh khoa học kỹ thuật ngày nay nữa. Chỉ vài biến cố như chiến tranh, đại dịch, thiên tai thì tất cả đều thay đổi và biết đâu lịch sử lại tái diễn vì chẳng ai học được gì.