Rồi Chỉ rất ngạc nhiên, vì thấy toàn sách Quốc văn. Có bộ đến ba cuốn, đo dày hơn gang tay. Anh càng lấy làm lạ. Có thể nào sách ta lại có những bộ vĩ đại thế được không? Anh hỏi bạn:
— Những sách này anh đã đọc chưa?
— Tôi mới đọc được ít quyển dễ. Còn nhiều quyển khó lắm, phải đủ trí thức mới hiểu nổi.
— Thật à.
Rồi anh trố mắt nhìn Thân, lại hỏi:
— Nhà anh có độ bao nhiêu sách Quốc văn?
— Có chừng một vạn quyển, nhưng vẫn chưa là đủ, vì cậu tôi không đủ tiền mua. Người ta tặng cuốn nào, cậu tôi có cuốn ấy mà thôi.
— Ồ, tôi tưởng sách ta độ vài chục cuốn là cùng.
Thân cười:
— Khi nào mình không biết rõ cái gì thì chớ nên đoán bậy. Anh vào đây tôi cho xem nữa.
Thân bèn dắt Chỉ sang buồng cạnh, có bàn giấy của cha. Chỉ thấy một chồng báo cao đến trần. Thân trỏ cái tủ ở cạnh:
— Đây để giữ các tạp chí đã đóng bìa.
Chỉ nhìn từng tập dày đóng nửa năm một. Anh thấy có đến bốn năm chục tên.
Một lát, anh nói:
— Tôi không ngờ, anh ạ. Mình cũng có nhiều báo, nhiều sách lắm đấy nhỉ.
— Nhưng thấm vào đâu với nước ngoài. Người ta có hàng triệu sách.
Chỉ mở tủ, lấy ra một quyển báo. Anh mở từng tờ để đọc qua các đầu bài. Rồi anh thở dài, cất trả vào tủ. Bỗng anh hỏi:
— Tại sao anh giỏi annamite thế?
Thân mỉm cười:
— Là bởi không bao giờ tôi dùng tiếng annamite để gọi hai tiếng Quốc văn.
— Tôi hỏi thực, anh đừng đùa nữa.
— Bởi vì tôi thích Quốc văn như anh đã thích Pháp văn.
— Anh làm thế nào để thích Quốc văn được.
— Lạ gì! Làm như cách anh đã làm để thích Pháp văn ấy!
— Nhưng Pháp văn khác, Quốc văn khác. Anh so sánh sao được. Pháp văn hay lắm chứ?
— Vậy tôi thấy Quốc văn là hay, nó hợp với tôi hơn.
— Anh cho tôi mượn vài quyển nhé !
— Được, hễ có thì giờ, anh cứ đọc. Rồi anh sẽ phục Quốc văn cũng như phục Pháp văn.
Chỉ tần ngần một lát, rồi nói:
— Thôi, tôi chẳng mượn nữa, vì mợ tôi gàn lắm, cứ bắt mua. Vậy anh bảo nên mua quyển gì nhỉ?
Thân ra tủ sách nhà ngoài nhìn một lượt, rồi lắc đầu:
— Sách hay không biết có còn hay hết rồi. Song, tôi cũng cứ biên cho anh ít tên. Nếu hết, anh đành mua những cuốn không được hay lắm vậy.
Rồi Thân lấy bút chì, ghi độ mười tên, chia làm hai hạng.
Quả nhiên khi Chi đi hỏi sách, hàng nào cũng đáp là hết. Thành thử anh không mua được cuốn nào của Thân mách, đành quay lại nhà bạn, mượn một cuốn hay nhất.
* * *
Chỉ về hớn hở xuống bếp tìm mợ. Mợ nhìn nhan sách, gật đầu nói:
— Ừ quyển này mợ chưa đọc.
Anh lấy làm sung sướng vì đã hà tiện tiền cho mợ. Anh lại mách mợ rằng nhà Thân có rất nhiều sách, tha hồ mượn. Như vậy, mợ cứ việc đọc, không phải tốn đồng nào. Rồi anh phải lấy công, xin mợ chỗ tiền ấy để mua sách tây mới được.
Nhưng anh lạ quá. Mãi mợ không bắt đầu xem cuốn truyện anh mượn. Mợ không bận gì cả. Nhiều lúc rỗi, không có việc, mợ thơ thẩn ở ngoài sân. Trái với mọi ngày, bận lắm mợ ham đọc đến nỗi bỏ chậm cả công việc. Cho nên anh hỏi:
— Mợ chưa đọc cuốn truyện mới à?
Thì mợ chỉ đáp mỗi một tiếng:
— Chưa.
Rồi đến khi anh ngốn hết cả những truyện của anh, anh vẫn không thấy mợ bắt đầu đụng đến sách của mợ, dù mợ vẫn có nhiều thì giờ nhàn rỗi.
Một buổi sáng, cậu đi làm, anh mon men để tán tỉnh xin mợ thêm tiền mua sách. Anh nói:
— Mới có quyển roman, à quên tiểu thuyết hay lắm, mợ cho con vay hai đồng để mua.
— Con xin thì mợ cho, chứ vay thì bao giờ trả được.
— Có chứ, cuối tháng cậu cho tiền, con trả mợ.
— Cho tiền để con mua sách thì lúc nào cậu mợ cũng vui lòng.
Anh vui sướng quá, pha trò:
— Vả mợ cho con cũng chẳng thiệt nào, vì con đã tìm thấy một kho sách, muốn mượn cuốn nào cũng được.
Mợ vuốt đầu anh, mỉm cười:
— Mợ không thích đọc sách mượn, mợ chỉ thích đọc sách mua. Vì ngoài các thú được đọc, mợ muốn có ích cho cả tác giả.
Chỉ yên lặng, ngẫm nghĩ. Anh liếc nhìn cuốn tiểu thuyết của Thân vẫn nằm nguyên trên mặt tủ chè. Bây giờ anh mới hiểu ý mợ vì sao không đụng đến cuốn sách mà mợ chưa đọc lần nào. Anh nói:
— Thế thì lần này con mua đền mợ vậy. Nhưng con không biết chọn sách đâu.
Mợ mỉm cười:
— Đành rằng đọc sách thì phải chọn, bởi vì có sách có ích, có sách có hại, có sách hay, có sách dở. Nhưng đó là đối với hạng ít tuổi như con. Còn như đến tuổi cậu mợ bây giờ, thì đọc sách nào cũng không có hại, chỉ chẳng may gặp phải sách viết dở quá, thì cũng hơi bực mình mà thôi. Song, mình cũng nên lấy làm bằng lòng vì đã giúp ích cho một tác giả để khuyến khích viết cuốn sau…
Mợ móc túi lấy tiền đưa cho anh.
Lần này anh chiều ý mợ, mua hai cuốn sách quốc văn. Anh bảo của mợ một, của anh một. Kỳ thực anh đương mải xem hai cuốn truyện tây mượn của bạn. Anh đọc sách quốc ngữ chỉ sợ tiếc thì giờ, vì anh chắc chắn là nó không bổ ích gì cả.
Mấy hôm nay mợ sốt.
Cả ngày mợ nằm trong buồng, không ra đến ngoài.
Thày thuốc muốn mợ được yên tĩnh, bảo không cho em Nhật được chơi đùa gần chỗ mợ nằm, nên mợ càng buồn.
Chỉ vốn có hiếu, không mấy lúc anh rời mợ. Anh nói chuyện học và kể cho mợ nghe em Nhật ban nẫy vừa nói năng hóm hỉnh ra sao.
Anh sờ đầu mợ luôn. Thỉnh thoảng mợ nắm chặt tay anh, để lên môi, âu yếm nói:
— Dù mợ ốm đến đâu, nhưng thấy con ngoan ngoãn, săn sóc đến mợ, mợ cũng cố phải khỏi, cho con được vui sướng.
Rồi quả nhiên mợ cất cơn. Nhưng thày thuốc vẫn bắt mợ kiêng gió, không cho ra khỏi buồng. Thấy lúc nào Chỉ cũng băn khoăn, lo lắng, mợ nói:
— Hôm nay mợ khỏi rồi, từ mai, mợ không nằm nữa, mợ sẽ đi lại như thường. Thôi, con cứ ra ngoài chơi với em.
Chỉ nhìn mợ, đặt tay vào má mợ:
— Không, con chả chơi với em. Con ở đây cho mợ vui.
— Mọi khi con không rời quyển sách, mấy hôm nay hẳn chẳng được chữ nào.
— Nghỉ hè, đọc được gì thì đọc, chẳng có thì chơi, ai bắt, con chỉ cần ở cạnh mợ luôn.
Mợ mỉm cười đáp:
— Con tôi ngoan quá.
Rồi chợt nghĩ ra, mợ tiếp:
— À, cuốn sách hôm nọ, mợ xem chưa hết , vậy con đọc cho mợ nghe đỡ buồn nhé.
Tuy là sự miễn cưỡng, nhưng không bao giờ Chỉ nỡ từ chối mợ, nên đáp:
— Vâng.
Anh uể oải đứng dậy, đi lấy cuốn sách. Anh chán nản mở từng tờ. Anh nhìn sách như nhìn kẻ thù giết hại thì giờ của anh. Song, anh chắc mợ chỉ nghe độ hai ba trang thì mệt, anh sẽ được nghỉ. Anh hỏi mợ:
— Mợ đọc đến đâu rồi:
Mợ tìm trang, nhưng nói:
— Thôi, con cứ đọc từ đầu, mợ nghe lại cũng không sao. Mợ muốn con cũng hiểu đầu đuôi câu chuyện.
Chỉ mở trang cuối, xem chữ số đề rồi thở dài:
— Ngót ba trăm trang!
Mợ hiểu ý, nói:
— Con đọc nhanh, cũng chóng xong. Nhưng đến đâu thấy mỏi, hoặc thấy chán thì nghỉ. Mai mợ khỏi thực, mợ không phải nhờ con nữa.
Chỉ bắt đầu đọc. Trang đầu, anh không chú ý, nên mắt nhìn miệng đọc, mà trí để đâu ấy. Anh chẳng nhớ gì truyện, chỉ cốt đọc cho nhanh.
Đến trang hai cũng vậy. Nhưng đến hết trang ba, mợ ngắt lại, nói:
— À, truyện này chắc hay. Người ta tả khéo nhỉ.
Lúc ấy Chỉ mới hơi để ý. Anh nhìn chậm rãi, nghiền ngẫm từng câu. Bấy giờ anh đọc mới thành mạch lạc, rõ ràng, và thấy có hứng thú.
Vừa lúc đó, vú già vào hỏi mợ muốn ăn gì. Nhân lúc mợ dặn dò vú, anh mở lại các trang trước để xem, cho hiểu câu truyện. Thì ra anh nhận thấy tác giả viết khéo lắm. Câu văn vừa sáng sủa, dễ hiểu, không có đoạn nào cầu kỳ, khiến anh chán nản được. Vả lại truyện kể lại có duyên, nó như có sức lôi cuốn anh, nên anh càng chăm chú. Thế là anh bắt đầu lấy làm khoan khoái.
Khi vú ra, anh đọc nối cho mợ nghe. Và từ lần này, anh để ý đến những trang anh đọc.
Đó là một người lính thợ An nam, hồi Đại Chiến trước tòng chinh sang Pháp, nay về làng thì vừa gặp lúc mẹ già ốm nặng.
Đoạn tả tâm sự người lính khi trở về làng, làm anh thấy hăm hở. Đoạn tả cái buồng tối tăm của bà già nằm rên rỉ, làm anh cảm động, lạnh cả gáy.
Đọc đến trang thứ chín, thứ mười, anh thấy khô cổ. Anh dừng lại, uống chén nước. Mợ ái ngại, cầm lấy sách:
— Thôi, hình như con mệt rồi thì phải.
Nhưng vì anh đã ham câu chuyện, nên đáp:
— Không ạ.
Và anh vẫn đọc nối.
Đến trang hai mươi, đoạn tả hai vợ chồng bàn tính việc làm ma mẹ, nó hoạt- động quá. Anh như được trông thấy cảnh ấy ở trước mắt. Cổ anh lại khô, nhưng anh cố đọc, anh đọc mãi đến trang hai mươi bảy mới nhấp giọng.
Nhưng mợ giật hẳn lấy sách:
— Con mệt rồi, chớ cố mà có hại. Để lúc khác mợ xem một mình cũng được. Vả bây giờ mợ muốn nằm nghỉ.
Anh thất vọng, nhìn cuốn tiểu thuyết gấp trên tay mợ.
Mợ nói:
— Cho con ra ngoài chơi. Bảo em đùa khẽ nhé.
— Vâng.
Rồi anh đắn đo mãi mới dám nói:
— Mợ cho con mượn sách.
Mợ nhìn anh. Hẳn mợ ngạc nhiên lắm. Được cuốn tiểu thuyết, anh vui sướng, rón rén ra ngoài, vào bàn giấy cặm cụi xem nối.
Anh đọc mê man. Vì câu chuyện hay lạ.
Đến bữa, anh phải bất đắc dĩ đi ăn, nhưng cố gượng xem thêm được nửa trang. Rồi vừa buông bát đũa, anh đã vớ ngay lấy sách để đọc nối, giấu cậu. Anh sợ cậu biết, sẽ bị mắng,vì cậu vẫn khuyên làm việc có giờ giấc, nhất là khi ăn xong, phải nên nghỉ ngơi.
Càng đọc anh càng ham. Đến tối anh bật đèn cạnh giường để đọc. Chín giờ là giờ ngủ, anh đã đến quá nửa quyển, nhưng phải tắt đèn đi. Anh trằn trọc, nghĩ mãi về những nhân vật, và đoán kết cấu câu chuyện. Anh mong chóng đến sáng, để xem nốt. Anh thương vợ người lính tốt bụng mà bị long đong. Anh phục ông bác người lính là kẻ cả, biết cần kiệm cho cháu, và nhất định bỏ những hủ tục nó làm cho người ta điêu đứng.
Rồi hôm sau, anh dậy thực sớm. Rửa mặt xong, anh đọc sách liền.
Khi thấy tiếng mợ, anh mới vào buồng hỏi thăm. Mợ bảo mợ sẽ dậy, để ra nhà ngoài. Anh khoe với mợ cuốn truyện thì mợ cho anh xem trước, và không bắt đọc nữa.
Cho nên anh lại miệt mài vào những trang giấy. Anh xem rất nhanh. Chỉ vài phút xong một trang.
Trước giờ ăn, anh đã xong cả quyển.
Anh gập sách lại, bâng khuâng.
Rồi đến bữa cơm, anh thấy mợ ngồi ở bàn, nên càng vui vẻ:
— Mợ ạ, sách hay lắm.
— Con đã đọc hết rồi à?
— Vâng.
— Chóng nhỉ.
— Vì chuyện hay, nên đọc ham, chóng hết.
Cậu hỏi:
— Câu chuyện thế nào?
Anh kể từ đầu đến đuôi cho cậu mợ nghe, không có sót chỗ nào. Khi đến đoạn kết, cậu bĩu môi, nói:
— Thế thì có gì là hay.
Anh tức, cãi:
— Hay lắm, thế là hay lắm. Truyện tây cũng đến thế là cùng.
Cậu tủm tỉm, vờ ngạc nhiên:
— Truyện ta viết hay sao bằng truyện tây. Đọc phí thì giờ, mua phí tiền, con ạ.
Chỉ biết cậu nhạo, cười lạt. Mợ vỗ vào má anh nói:
— Thế từ nay con còn khinh tiếng ta nữa hay thôi.
Anh bẽn lẽn:
— Tại con chưa đọc cuốn nào. Trước kia con dại dột, và nhắm mắt nói liều. Từ nay con nguyền rủa những người nói thế.
Cậu gật gù:
— Cho nên chưa biết thì đừng nói một cách hàm hồ. Từ nay hẳn con đã khôn ngoan, biết tin và yêu tiếng ta.
— Và con còn lấy làm kiêu ngạo rằng Quốc văn còn tiến bộ đến chỗ hoàn toàn.
Mợ đùa:
— Nếu thế thì nhà ta có phúc lắm nhỉ.
Anh ngậm ngùi:
— Rồi con sẽ đọc, đọc rất nhiều sách Quốc văn.
Cậu vỗ tay.
Rồi cậu mợ cùng cười rầm, Chỉ vui sướng, cười to hơn. Em Nhật nhấp nhổm trên ghế, cũng cười. Và vú già, vừa đánh cháy vừa mủm mỉm.
• 1942
• Chú Thích •
[1] Rédaction: bài luận.
[2] Manger: Ăn.
[3] néliger về français: chểnh mảng về Pháp văn.
[4] petit frèree de Tùng: em trai của Tùng.
[5] deuxième question: câu hỏi thứ hai.
[6] déclarer vaincus: Tuyên bố thua cuộc. Pardonner: tha thứ.
[7] tranquille: yên tâm.
[8] bonne santé: sức khỏe.
[9] ma mere: mẹ.
[10] malade: đau.
[11] refroidissement: bị lạnh.
[12] Rétablie: Khỏe.
[13] A bientôt: tạm biệt.