Hôm nay, tuy là chủ nhật và trời rét hơn mọi ngày, nhưng Chỉ cũng dậy ngay từ năm giờ.
Anh lấy quyển giấy ráp, cầm ngọn bút chì. Anh đọc đi đọc lại hai dòng đầu bài, gạch những tiếng quan trọng, rồi nhắm mắt, gục mặt vào bàn tay để nghĩ.
Xung quanh anh không có một tiếng động.
Bọn người nhà, người quét dọn, ở tận dưới bếp và buồng khách. Cậu mợ và em Nhật vẫn còn ngủ.
Sự tĩnh mịch giúp anh tìm được rất nhiều ý hay.
Ấy là anh theo phương pháp làm luận của thày giáo vẫn chỉ bảo. Thày thường khuyên học trò khi gặp bài khó, phải làm lúc buổi sớm, là lúc trí não còn trong trẻo. Và dậy sớm, trong mình được khoan khoái và tinh thần sảng khoái, nghĩ gì cũng dễ ra. Thày bảo trước khi làm nên đọc kỹ đầu bài để nhận những ý chính, nếu cần lấy bút gạch để ghi nhớ, rồi hãy tìm tòi ý tứ. Rồi lần lượt biên ngay vào giấy. Khi ý đã nhiều thì nên chọn lọc cho đầy đủ và xếp đặt cho thứ tự. Lúc ấy hãy dàn bài và ráp câu.
Bỗng có hơi thở ấm áp đằng sau cổ. Chỉ ngoảnh lại, thì ra mợ.
Mợ thấy anh chăm chú về công việc, nên đi rón rén đến và yên lặng đứng âu yếm nhìn.
— Con làm gì thế?
— Con làm rédaction[1] đấy mợ ạ.
Mợ mỉm cười:
— Con cứ quen miệng, nói với mợ cũng chen tiếng tây, mợ hiểu sao được.
Chỉ bẽn lẽn:
— Con vẫn biết thế, nhưng sao tránh được. Nó thành thói quen rồi.
Lúc ấy cậu cũng đã dậy, cậu run rẩy vì lạnh, hai tay thọc vào hai túi, hỏi.
— Thói quen gì?
Mợ đáp:
— Thói quen là nói chuyện với tôi cứ chen tiếng tây vào.
Cậu gật:
— Thói quen đó rất thông thường của những người biết tiếng Pháp.
Thấy cậu bênh, Chỉ bèn gỡ:
— Nói như thế, nó nhanh hơn bằng câu toàn tiếng ta, cậu nhỉ.
Mợ vuốt tóc anh, dịu dàng giảng:
— Nhưng đó là một thói xấu. Không ai nên mắc phải cả. Hôm nọ mợ thấy con mắng em Nhật chỉ tại em không hiểu con định nói gì, vì con cũng chen tiếng tây. Chính mợ cũng không hiểu. Những tiếng tây con vừa nói với mợ đều có thể thay bằng tiếng ta. Vậy sao con không tập nói chuyện bằng toàn tiếng ta. Mợ chẳng hạn, và bao nhiêu người không biết tiếng tây, sao vẫn nói chuyện được với nhau, mà nhanh chóng như thường.
Cậu vò đầu Chỉ, chế nhạo:
— Thế cu cậu đuối lý rồi.
Rồi cậu bảo mợ:
— Thôi đi rửa mặt cho con làm việc, kẻo nó lại bắt đền.
Khi trong buồng yên lặng, Chỉ lại cặm cụi làm việc. Anh mở các sách in, đọc hết bài này đến bài khác, để tìm ý.
Rồi xếp đặt ý xong, anh mới ráp bài.
Bỗng mợ gọi:
— Chỉ ơi, hãy nghỉ tay «măng giê»[2] đã.
Anh bật cười, vâng một tiếng toan đứng dậy. Nhưng chợt nghĩ ra được một câu hay, anh vội vàng lại ngồi xuống để viết. Rồi hết câu nọ đến câu kia, anh đã ráp trọn được đoạn mở bài và đoạn kết cục. Cách làm ấy, anh cũng theo phương pháp của thày giáo chỉ bảo. Còn đoạn giữa là đoạn chính, anh định ăn sáng xong mới làm.
Anh đứng dậy, vừa đi vừa bần thần nghĩ ngợi.
Cậu mợ vẫn chờ anh, đương đùa vui vẻ với em Nhật.
Thấy anh đến, mợ nhìn anh và bảo:
— Nào «măng giê», tôi còn phải đi «chợ-trờ-rờ» nữa đây.
Cả nhà lại cười.
Ăn vội vàng vài miếng nữa, Chỉ đứng dậy, lại hấp tấp ngồi vào bàn giấy làm việc.
Anh thực là một người học trò chăm chỉ
Vì sự siêng năng, nên anh thi gì cũng đỗ ngay. Kỳ Sơ học Yếu lược, Sơ học Pháp việt, anh đỗ một cách dung dị đã đành, đến cả những kỳ thi khó khăn vào học lớp nhì năm thứ nhất bậc sơ học và năm thứ nhất bậc Cao đẳng tiểu học, nhiều thí sinh mà số người lấy vào rất ít, anh cũng đỗ cao.
Anh chỉ phải một tội vô tâm, lúc nói với mợ, hoặc bất cứ ai, dù người không hiểu tiếng Pháp, cũng cứ chen một vài tiếng tây vào. Cái đó mợ bảo luôn, nhưng anh cũng không giữ được. Anh quen miệng đi mất rồi. Anh nhận thấy chẳng những một mình anh, các bạn anh, và bất cứ một ai đã học tiếng Pháp, đều có tật ấy.
Anh thấy nói như thế dễ dàng hơn là nói toàn tiếng Nam. Vì anh đỡ phải tìm tiếng cho đúng để diễn đạt tư tưởng. Chữ Pháp anh sẵn có, thì câu nói có xen một vài tiếng Pháp, anh cũng hiểu như nói toàn tiếng Nam. Vả anh thấy tiếng ta thiếu rất nhiều để diễn tả cho đủ ý.
Ở trong lớp, anh vốn nổi tiếng giỏi Pháp văn. Kỳ luận Pháp văn nào anh cũng được thày khen, và bình bài lên cho cả lớp nghe. Anh ước rồi cậu mợ cho anh sang Pháp, học tập ở các trường cao đẳng mà anh thường được biết tên.
Cho nên anh luyện Pháp văn một cách rất chăm chú.
Không môn học nào anh mất nhiều công phu bằng môn học ấy.
Anh ngồi làm luận Pháp văn thì không thấy mỏi, thấy nóng ruột một tí nào. Dù hai giờ, dù ba giờ, dù cả buổi sáng, dù lan sang cả buổi chiều, anh cũng vẫn chăm chú. Khi một bài được hoàn toàn anh mới vui vẻ và yên tâm.
Nhưng lần này mới mười rưỡi, anh đã ráp xong bài. Anh chưa đọc lại và chép ra giấy. Anh muốn thí nghiệm một lối làm việc mới. Là để độ hai ba giờ sau hãy đọc lại. Và trong thì giờ ấy, anh làm những việc khác cho quên đi. Như vậy tức là anh làm hai bài trong lúc tinh thần minh mẫn.
Đặt bút xuống bàn, anh mỉm cười nhìn ra ngoài trời trắng đục. Thời tiết hẹn một tuần mưa dầm lâu dài.
Bỗng vú già đi qua, anh hỏi:
— Gần được cơm chưa, hở vú?
— Độ nửa giờ nữa, chú ạ.
Anh khoan khoái. Anh đương nghĩ không biết dùng thì giờ rỗi để làm gì, thì sực nghĩ đến bài luận Quốc văn chưa được một chữ.
Anh bèn lấy giấy, mở sách chép đầu bài, rồi chẳng cần ráp, viết lia lịa trong mười phút, được mười lăm dòng. Anh đánh dấu chấm hết.
«Miễn là có bài nộp khỏi phải phạt.»
Nghĩ vậy, anh nhìn đồng hồ. Chợt nhớ đến bức thư của Hà, người em họ, nhận đã lâu mà chưa trả lời, anh đọc lại thư, rồi lấy giấy.
Hanoi 13 Février 1942
Cher Hà
Hẳn Hà lấy làm ngạc nhiên vì lần này anh viết cho Hà bằng chữ quốc ngữ. Không phải anh négliger về français[3] đâu, nhưng vì sáng nay, anh mới phải làm bài réduction lâu thì giờ quá.
Anh đã gặp Kính petit frère de Tùng[4] rồi. Anh thấy nó giống Tùng như hai giọt nước.
Anh đã đem câu thứ nhất Hà dặn hỏi, thì nó câm như cá chép. Cho nên anh không hỏi nó câu deuxième question[5] nữa. Thôi, thế là anh em nó déclarer vaincus[6] rồi, vậy Hà cũng nên pardonner cho họ.
Vậy thế là tranquille[7] nhé. Không có lửa thì sao có khói nhỉ.
Thôi, anh chúc Hà bonne santé.[8]
Ở đây bình yên. Duy hôm nọ ma mère[9] hơi bị malade[10] bởi refroidissement[11] nhưng hôm nay đã rétablie[12] rồi.
A bientôt[13]
CHỈ
Chỉ vừa ký tên xong, thì mợ đã đứng cạnh:
— Con tôi chăm quá. Phải nghỉ để giải trí rồi ăn cơm chứ?
— Vâng. Nhưng đây là con viết lettre, à quên viết thư cho Hà.
Mợ gật:
— Ừ mợ cũng toan nhắc con, sợ con quên.
Rồi mợ liếc nhìn vào giấy mỉm cười:
— À, lần này con viết bằng quốc ngữ. Thử đọc mợ xem có thông không nào.
Chỉ luống cuống, nhìn mợ có ý ngượng nghịu. Anh vội vàng lấy giấy thấm đặt lên bức thư, rồi đứng dậy trước mặt mợ, để mợ khỏi nhìn thấy chữ và đọc:
— Hà nội ngày 13 Février 1942. Em Hà, hẳn lấy làm ngạc nhiên vì lần này anh viết cho Hà bằng chữ quốc ngữ. Không phải nhãng bỏ Pháp văn đâu, nhưng vì sáng nay, anh mới phải làm bài luận lâu thì giờ quá. Anh đã gặp Kính, em Tùng rồi. Anh thấy nó giống Tùng như hai giọt nước.
Bỗng mợ rũ ra cười:
— Thế nào, giống Tùng như gì?
Chỉ nhắc lại:
— Như hai giọt nước.
Mợ vẫn cười:
— Con nói giọng gì thế?
Rồi mợ nói:
— Ừ, hai giọt nước thì giống nhau thực, nhưng hình như người ta không nói thế mà?
— Vâng, người ta chẳng nói ressembler comme deux gouttes d’eau là gì?
— À, thế thì người ta của con khác, người ta của mợ khác. Người ta của mợ chỉ nói giống nhau như đúc mà thôi. Nhưng thôi cũng được, đọc nốt đi.
Chỉ đọc:
— Anh đã đem câu thứ nhất Hà dặn hỏi, thì nó câm như cá chép.
Bỗng mợ lại rũ ra cười:
— Câm như cá chép. Sao con khéo bịa ra văn chương thế.
— Thưa mợ con đâu dám bịa, người ta nói muet comme une carpe nghĩa là câm như cá chép.
— À, thế con dịch đúng tiếng tây. Nhưng con có biết ta nói câm như gì không?
Chỉ đưa mắt nhìn lên trần, chớp mắt để nghĩ ngợi. Một lát, anh lắc đầu:
— Con không biết.
— Người ta bảo câm như thóc, câm như hến. Con viết tiếng ta thì nên dùng toàn giọng ta. Nếu con viết câm như cá chép, giống nhau như hai giọt nước, thì ra con viết tiếng ta bằng chữ Pháp. Con dịch chữ Pháp ra tiếng ta. Như thế không được. Giống nhau như hai giọt nước với giống nhau như đúc, câm như cá chép với câm như hến hoặc như thóc. Hai lối nói cũng hay ngang nhau. Vậy ta có lối nói văn vẻ, sao con không dùng.
— Thưa mợ, tại con không biết.
— Con không thể không biết. Con phải biết câu câm như thóc hoặc như hến trước, rồi con hãy nên biết đến câu câm như cá chép mới phải. Tức là con phải hiểu câm như con cá chép nghĩa là câm như hến hoặc như thóc, để khi nói tiếng pháp thì dùng câu trên, mà khi nói tiếng ta thì dùng câu dưới. Trong thư còn gì nữa, đọc nốt rồi đi ăn cơm.
Chỉ đọc:
— Cho nên anh không hỏi câu thứ hai nữa. Thôi, thế là hai anh em nó…
Chỉ ngắt lại không đọc nữa. Muốn chừng anh đương tìm tiếng ta để dịch cho lọn hai tiếng déclarer vaincus. May quá, lúc ấy mợ không để ý nghe lắm, nên anh đọc ngay xuống câu dưới:
— Vậy Hà cũng nên tha thứ cho họ. Vậy thế là yên tâm nhé. Không có lửa thì sao có khói nhỉ.
Mợ lại gắt:
— Thế nào?
— Không có lửa thì sao có khói nhỉ.
Mợ nghĩ, rồi gật đầu:
— Câu ấy đúng ý đấy, nhưng sao nó ngô nghê thế.
Hẳn lại là một câu tiếng Pháp mà con dịch ra.
— Vâng, đó là một câu phương- ngôn Pháp.
— Vậy thế con có biết ta cũng có câu phương ngôn về ý ấy hay không?
— Thưa có. Thế gian chẳng ít thì nhiều, không dưng ai dễ đặt điều cho ai.
— Sao con không dùng câu này có hơn không?
Chỉ bối rối:
— Con quên.
— Thôi được, đọc nữa đi.
Chỉ nối:
— Thôi, anh chúc Hà mạnh khỏe. Ở đây bình yên. Duy hôm nọ mẹ tôi bị ốm bởi lạnh, nhưng hôm nay đã khoẻ rồi.
— Thế nào, mẹ tôi bị ốm bởi lạnh à? Mợ không hiểu nói ý ấy thì phải đặt tiếng tây thế nào, nhưng mợ chắc con lại dịch theo tiếng tây đây. Sao con không gọi mẹ tôi là mợ anh, hoặc bác, có thân hơn không. Mà bị ốm bởi lạnh à? Sao con không nói là bác khó ở vì cảm hàn?
Lúc ấy cậu vừa đến. Cậu hỏi:
— Thế nào, ai cảm hàn?
— À , con nó viết cho cháu Hà, nhưng dùng tiếng ta không thông. Tôi không hiểu nó đặt câu tiếng ta không thông, thì viết tiếng tây thông thế nào được nhỉ.
Cậu hỏi:
— Đâu, đưa thư cậu đọc xem thế nào mà mợ kêu nào.