Ngày nay, có rất nhiều người đang sống theo những cách rất khác nhau. Ví dụ như anh Murakami Satoshi. Anh ấy không có chỗ ở cố định mà di chuyển khắp nơi với ngôi nhà xốp tự chế của mình. Hay như anh Sakatsume Keigo còn không có ngôi nhà nào, chỉ mang theo bên mình một chiếc túi Tote. Nếu so với họ, những người có nhà cửa ổn định như chúng ta đây chắc hẳn không được gọi là người sống tối giản rồi.
Trong suy nghĩ của tôi, người sống tối giản là người thực sự hiểu rõ cái gì là cần thiết cho mình chứ không phải là những thứ mong muốn theo cách nhìn của mọi người xung quanh. Hiểu rõ những thứ mình cần, bỏ hết những thứ ngoài mức cần thiết, đó chính là người sống tối giản trong suy nghĩ của tôi.
Tuy nhiên, với mỗi người khác nhau lại có những thứ quan trọng, cần thiết khác nhau. Bởi vậy việc cắt giảm đồ đạc cũng khác nhau.
Lối sống tối giản không phải là “mục đích”
Việc vứt bớt đồ đạc không phải là “mục đích” của lối sống tối giản, mà đó chỉ là một phương tiện giúp ta nhận rõ đâu mới là điều quan trọng thực sự trong cuộc sống của mình. Đó chỉ là chương mở đầu cho một câu chuyện, còn phần còn lại của cuốn sách là những điều mà bản thân mình đã nhận ra được.
Ngoài ra, cuốn sách này cũng muốn gửi tới bạn phong trào tối giản không chỉ ở đồ dùng mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Trong xã hội ngày nay, mọi thứ ngày càng phức tạp quá mức, nên phong trào tối giản này ban đầu chỉ áp dụng cho đồ dùng trong nhà, nay đã lan rộng sang các vấn đề khác.
Để có thể chú tâm vào những việc quan trọng, hãy loại bỏ những việc không quan trọng.
Đây chính là vấn đề trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội hiện nay.
Vứt bớt đồ đạc, sống đơn giản, công việc tự do
Vứt bớt những thứ phiền não quanh mình sẽ giúp ta có cuộc sống tự do, thoải mái hơn. Đến năm 2010, ý tưởng này đã được hình thành trong giới trẻ và trở thành trào lưu mới hiện nay. Cuốn sách Nghệ thuật bài trí của người Nhật của Marie Kondo xuất bản năm 2010 đang là cuốn sách bán chạy hàng đầu Nhật Bản. Nhờ có những điều kiện như vậy mà hiển nhiên lối sống tối giản được phát triển ở Nhật bán chỉ sau vài năm. Theo tôi, để có thể trở thành người sống tối giản, cần có những điều kiện tiên quyết sau:
- Lượng thông tin, vật dụng tăng lên quá mức.
- Sự phát triển của vật dụng và dịch vụ, chúng ta không cần quá nhiều đồ dùng vẫn có thể hoàn thành công việc.
- Thảm họa động đất sóng thần phía Đông Nhật Bản.
Lượng thông tin ngoài tầm kiểm soát
Điều kiện đầu tiên chính là: Lượng thông tin, vật dụng tăng lên quá mức. Dạo trước, có lẽ bạn hay nghe thấy từ “Toàn cầu hóa”, nhưng những năm gần đây, nó đã trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống, nên chúng ta không mấy khi nhắc đến nữa. Chỉ cần mở điện thoại ra là bạn sẽ ngập trong các tin tức, sự kiện diễn ra trên toàn thế giới. Nhờ có Amazon mà bạn có thể chọn mua những gì bạn thích, hay bạn có thể xem các chương trình tivi, nghe các kênh radio đang phát sóng toàn cầu.
Thông qua Facebook, Twitter, bạn bè của chúng ta có thể hóa thân thành những nhà bình luận, nhà phê bình ẩm thực hay một ký giả hiện trường và cung cấp cho chúng ta những thông tin mới nhất. (Mặc dù có lẽ bạn không yêu cầu). Thậm chí, chúng ta có thể nắm bắt thông tin của ai đó trên toàn thế giới qua mạng xã hội.
Theo số liệu thống kê năm 2014 về lượng thông tin trên Internet thì: cứ một phút lại có 306 giờ video được đăng tải trên YouTube, 430 nghìn lần chia sẻ trên Twitter, và 50 nghìn ứng dụng được tải về trên App Store. Hiển nhiên là sau mỗi ngày, lượng thông tin chúng ta tiếp nhận lại tăng đến mức không tưởng tượng nổi. Cũng có người nhận định rằng, lượng thông tin một người Nhật hiện đại tiếp nhận trong một ngày bằng lượng thông tin của toàn thể người Nhật thời Edo tiếp nhận trong một năm, mà cũng có lẽ là một đời người.
Con người là phần cứng được lập trình từ 50 nghìn năm trước
Con người chúng ta chính là một phần cứng được lập trình từ 50 nghìn năm trước và không thay đổi cho đến bây giờ. Bộ não của chúng ta (ổ cứng, bộ nhớ, bộ vi xử lý…) từ thời Edo cách đây 400 năm, hoặc cũng có thể từ 50 nghìn năm trước đã không tiến hóa thêm nữa.
Con người không thể cải tiến bản thân như các sản phẩm của Apple được: Chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra thiết kế mới. So với các phiên bản trước, sản phẩm lần này có tốc độ nhanh hơn 30%, dung lượng bộ nhớ gấp hai lần, độ dày là 3 cm, nặng 2 kg. Vâng, tôi xin được giới thiệu iHuman2.
Thực tế là phần cứng được lập trình từ 50 nghìn năm trước này hiện đang bị chất đầy các thông tin. Trong ổ cứng với dung lượng có hạn lại bị ghi toàn những thông tin không cần thiết, thậm chí bộ nhớ quý giá của chúng ta còn phải ghi nhớ cái nhìn của người khác. Và hiển nhiên là chúng khiến ta không thể nhận ra được đâu mới là điều quan trọng với bản thân mình. Sau một thời gian, ta dễ dàng bị cám dỗ bởi trò chơi điện tử, tin đồn hoặc rượu chè… Tôi của trước đây chính là một người như vậy đấy.
Tôi đã từng là một chiếc máy tính bị treo
Tôi đã từng là một chiếc máy tính chậm và nặng, lúc nào cũng hiện biểu tượng: “đang xử lý”. Dù có muốn làm những điều mới mẻ đi chăng nữa, thì bản thân tôi cũng đã chất đầy những dữ liệu đến mức gần treo máy, nên chỉ có thể hoàn thành các thao tác nhẹ nhàng nhất mà thôi. Có số liệu chỉ ra rằng một ngày con người suy nghĩ đến 60 nghìn việc. Trong đó có đến 95% là những công việc giống ngày hôm trước và 80% trong đấy là những suy nghĩ tiêu cực.
Hãy cũng nhìn lại tôi của ngày trước. Mỗi ngày tôi đều chìm đắm trong nỗi lo lắng cho tương lai, những phiền muộn trong công việc hoặc những nỗi sợ hãi về cách nhìn của người khác với mình. Dường như không phải là 80% mà toàn bộ tâm trí tôi đều chìm trong những suy nghĩ tiêu cực như vậy. Thực hiện quá nhiều việc một lúc nên chẳng bao giờ tôi đưa ra một câu trả lời mới mẻ, chỉ đơn thuần là lặp lại thao tác của ngày hôm qua mà thôi.
Làm thế nào để chiếc máy tính ì ạch này có thể chạy nhanh hơn? Con người cũng giống như chiếc máy tính, và cho đến mãi về sau chắc cũng chẳng có loại máy tính nào mới ra đâu. Nếu con người là phần cứng được lập trình từ năm nghìn năm trước và không thay đổi cho đến ngày nay, thì ta chỉ còn cách cắt giảm những thứ không cần thiết để máy nhẹ hơn thôi. Xóa dữ liệu trên ổ cứng, xóa các ứng dụng đang chạy, chiếc máy tính này sẽ nhẹ hơn và đưa ra những câu trả lời mới mẻ nhất.
Chúng ta có thể làm mọi thứ nhờ smartphone
Điều kiện thứ hai để có thể hình thành lối sống tối giản là: “Sự phát triển của vật dụng và dịch vụ, chúng ta không cần quá nhiều đồ dùng vẫn có thể hoàn thành công việc.”
Nhờ có smartphone mà chúng ta đã không còn cần đến những vật dụng như: điện thoại, máy ảnh, tivi, bộ âm li, máy điện tử, đồng hồ, lịch, đèn pin, bản đồ, sổ tay…
Thậm chí smartphone còn thay thế được cho cả bản đồ, từ điển, catalog sản phẩm, sổ tiết kiệm, đặt vé máy bay… iPhone được đưa ra thị trường lần đầu năm 2007, đến năm 2010, Apple đã cho ra dòng iPhone 4.
Có thể nói, trong quá trình hình thành nên trào lưu sống tối giản hiện nay, iPhone đóng một vai trò không thể thiếu.
Dù có vứt hết đồ đạc thì iPhone vẫn là thứ bạn nên giữ lại đến cuối cùng. Bởi chỉ cần có một chiếc iPhone là bạn đã giải quyết được kha khá công việc rồi.
Trong quá trình bỏ bớt đồ đạc trong nhà, bạn không thể không kể đến vai trò của kỹ thuật số. Nếu không có kỹ thuật số và tôi không chuyển được các bức ảnh thành dữ liệu trên máy tính thì có lẽ giờ này tôi vẫn còn đang ôm một đống đồ đạc trong nhà.
Vật dụng dùng để giảm bớt đồ đạc
Theo tôi, máy scan tài liệu, tiêu biểu là Scan Snap, chính là một vật dụng không thể thiếu với chúng ta. Nhờ có máy scan, tôi có thể scan được các bức thư, ảnh chụp và đã vứt được rất nhiều thứ.
Trước hết, hãy cùng nhìn lại mấy bức ảnh chụp từ thời máy ảnh film của tôi. Trong nhiều năm liền, tôi bao giờ cũng mang một chiếc máy ảnh film trong cặp, những bức ảnh mà tôi chụp được cùng film của chúng chất đầy trong tủ.
Vậy mà giờ đây, tôi đã vứt hết chúng đi rồi. Nhờ có Scan Snap, tôi đã chuyển hết chúng thành file dữ liệu trên máy tính chỉ trong tích tắc, và nếu muốn, tôi vẫn có thể xem lại những bức ảnh kỷ niệm ngày xưa.
Nhờ có Scan Snap, tôi có thể thoải mái vứt bỏ những bức thư hồi mẫu giáo, những tấm thiệp chúc mừng năm mới, hay cả những cuốn tạp chí yêu thích. Các cuốn sách thì tôi có thể tự mình scan chuyển thành file PDF và đọc bằng chương trình Amazon Kindle 2010 bản tiếng Nhật.
Về máy nghe nhạc thì có lẽ nhiều người chỉ dùng smartphone hoặc iPod thôi. Riêng tôi lại dùng MacBook Air, bởi tôi không chỉ nghe nhạc mà còn có thể xem phim, đọc sách, đọc truyện nữa. Còn các chương trình tivi, mặc dù tôi đã bán tivi đi rồi, nhưng tôi chỉ cần lên trang web của đài truyền hình và xem các chương trình được lưu tại đây. Lập một tài khoản Gmail là tôi có thể kiểm tra tin nhắn ở bất cứ đâu, hay lưu tài liệu vào các phần mềm lưu trữ Cloud Storage như Dropbox là tôi có thể làm việc ở bất kỳ chỗ nào. Ngoài ra, nhờ có thiết bị phát wi-fi và bluetooth đã giúp tôi dẹp hết đống dây cáp loằng ngoằng. Rồi đi họp thì tôi có thể họp qua Skype… Có thể nói là tôi đã cắt giảm luôn cả văn phòng của mình.
Quả thực, nhờ có sự phát triển của vật chất và khoa học kỹ thuật mà chúng ta có thể lược bỏ rất nhiều đồ dùng dụng cụ trong cuộc sống.