“Tin tưởng vào bản thân” nhờ lối sống tối giản
Từ khi ý thức được nếp sống tối giản, tôi bắt đầu cảm thấy tâm trí mình được sáng rõ hơn, xóa đi “lớp mây mờ” khiến tâm trí tôi lúc nào cũng lơ đãng.
Ví dụ với công việc thuộc về lĩnh vực giáo dục tôi làm từ trước đến nay. Công việc của tôi là lựa những cuốn sách danh tiếng, đọc chúng, và đọc luôn cả những lời nhận xét về chúng. Nói cách khác, tôi phải tìm hiểu về một tác giả danh tiếng nào đó, đồng thời cũng phải tìm hiểu về những nhà phê bình nổi tiếng viết lời nhận xét cho cuốn sách. Và khi có quá nhiều thông tin về những con người vĩ đại, những tác phẩm hay, tôi cảm thấy mình bị quá tải và không biết lựa chọn thế nào.
Có những tri thức mặc dù tôi hiểu rất rõ, nhưng nó không phải là suy nghĩ của bản thân tôi, nên khi cần, tôi không thể bật ra ngay được. Những tri thức này không phải là một phần máu thịt trong cơ thể, nên ngay cả trong những cuộc nói chuyện, tôi cũng không thể vận dụng chúng được. Tôi luôn phải cố gắng để hiểu câu chuyện của đối phương và vờ như mình là một người nghe rất giỏi. Và tôi cũng chẳng mấy khi lên tiếng bởi tôi không muốn bị coi là thằng ngốc. Bây giờ, sau thời gian tĩnh tâm và ngồi thiền, tôi nhận thấy sự thay đổi đang diễn ra trong tôi.
Khi mà mọi thứ quanh tôi được tối giản đến hết mức, thì sự chú ý của tôi với các thông tin bên ngoài cũng được giảm xuống tối đa. Tôi cũng không còn quan tâm đến những tin tức vô bổ, những câu chuyện tầm phào, hay cả những câu chuyện cười mà tôi đã từng rất hứng thú. Tôi không tìm hiểu về những gì người khác tạo ra, những việc người khác đề xướng… Tôi bắt đầu tin vào tiếng nói bên trong con người mình hơn là những lời lẽ của người khác. Và tôi có cảm giác mình đã “trở về với chính mình”.
Có lẽ khi để những thứ vĩ đại của người khác ra khỏi sự quan tâm của mình, tôi thấy những thứ luôn đè nặng trong tôi cũng dần mất đi. Khi quá chú ý đến cái nhìn của mọi người xung quanh, bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin và rất nhạy cảm với những thất bại của bản thân. Bạn cũng sẽ loại bỏ ngay những ý tưởng tuyệt vời mà mình nghĩ ra bởi lý do người nghĩ ra nó là bản thân bạn.
Đã có một thời, cái tôi trong con người tôi cũng to lớn y như thân xác này vậy. Trong quá trình va chạm ngoài xã hội, cái tôi này ngày càng nhỏ đi. Và giờ đây, sau bao lần tổn thương vấp ngã, tôi lại thấy cái tôi nhỏ bé ấy đang dần hồi sinh trở lại.
Tôi nhận ra một điều quan trọng, quan trọng hơn cả việc phải tìm hiểu về những người xa lạ ngoài kia, là hãy bắt đầu mọi việc bằng chính bản thân mình, dù nó có ngớ ngẩn đến đâu đi chăng nữa.
Tiết kiệm cũng chính là thân thiện với môi trường
“Bạn càng kiếm được nhiều tiền, bạn càng muốn có nhiều tiền hơn nữa. Những kẻ như vậy quả là những kẻ ngốc nghếch.”
− Gilbert Keith Chesterton
Lưới an sinh xã hội do chính bản thân tạo ra
Có nhiều người theo lối sống tối giản vì tiết kiệm. Có lẽ sau này, người ta sẽ coi trọng lưới an sinh xã hội do chính mình tạo ra hơn là do một ai đó làm cho. Sống tối giản cũng là một cách tiết kiệm hiệu quả. Nếu trở thành một người sống tối giản, bạn có thể tiết kiệm và tích góp cho mình được kha khá tiền.
Ít đồ nên không cần nhà rộng, vì thế có thể giảm bớt tiền nhà.
Bán những đồ đạc trong nhà đi, bạn sẽ có một khoản tiền.
Khi mua đồ, bạn sẽ lựa chọn thật kỹ nên sẽ không bị sử dụng lãng phí.
Bạn thỏa mãn với đồ đạc mình đang có nên có thể giảm bớt những ham muốn, lòng tham của bản thân.
Bạn ít căng thẳng hơn nên cũng tốn ít tiền ăn uống, chi phí để giải tỏa căng thẳng.
Bạn không còn để ý đến cách nhìn của người khác nên những chi phí như kết hôn, sinh con, nuôi dạy con cái, ma chay… chỉ cần khoản tiền tối thiểu là đủ.
Nếu đưa trào lưu tối giản vào công việc, bạn sẽ giải quyết công việc hiệu quả hơn, tiền lương cũng nhiều hơn.
Sau khi bỏ bớt đồ đạc, tôi cũng giảm bớt luôn diện tích ngôi nhà của mình. Từ ngôi nhà 25m2 ban đầu, tôi dọn đến căn nhà 20m2, tiền nhà cũng giảm được 20 nghìn yên. Nếu mỗi tháng tiết kiệm được 20 nghìn yên thì tiền tiết kiệm sau này của tôi cũng tăng lên đáng kể.
Lần chuyển nhà tới, tôi muốn chuyển đến ngôi nhà nhỏ hơn nữa. Tôi sẽ chỉ giữ lại những quần áo cần thiết và tất cả đều giống nhau. Về đồ đạc khác, nếu chưa hỏng cũng không cần phải mua mới làm gì cả. Tôi cũng không uống rượu chỉ để giải tỏa căng thẳng nữa. Phần sau tôi sẽ nói kỹ hơn, nhưng hiện tại tôi luôn cảm thấy thật biết ơn cuộc sống nên dù không có cao lương mỹ vị nhưng tôi vẫn hài lòng với những món ăn dân dã thông thường hàng ngày.
Nếu số lượng người sống tối giản tăng lên, liệu kinh tế Nhật Bản có đi xuống?
Nếu lượng người không mấy hứng thú với vật chất tăng lên thì kinh tế Nhật Bản sẽ thế nào? Có lẽ sẽ có nhiều người lo ngại điều này. Tuy nhiên, lối sống tối giản lại không đơn giản như vậy. Trong số những người sống tối giản, có những người không hứng thú với đồ đạc và cũng có những người rất thích chúng. Ví dụ, cùng là một chiếc đĩa, có người chỉ cần mua một chiếc 100 yên ở cửa hàng COSPA là được. Nhưng cũng có những người lại muốn mua một chiếc do chính tay nghệ nhân làm ra. Có những người chỉ chú trọng chức năng của sản phẩm, nhưng cũng có người còn muốn sản phẩm chất lượng tốt nữa.
Cũng có những người sống tối giản rất thích đồ đạc
Việc có ít đồ với việc thích đồ đạc giống như hai mặt của một phiến đá. Việc có ít đồ với việc tiêu tiền cho đồ đạc cũng đối lập nhau như vậy. Tuy nhiên, người sống tối giản lại không phải chỉ là một mặt của phiến đá. Bản thân tôi cũng là người thích sắm đồ đạc. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thích xem tạp chí và ngắm những món đồ mơ ước trong đấy. Chỉ có điều khác là, hiện tại nếu chỉ thích thôi thì tôi không còn muốn mua chúng nữa.
Nếu một người sống tối giản toàn diện như Steve Jobs được sinh ra trong trào lưu sống tối giản của Nhật thì mọi chuyện sẽ thay đổi thế nào? Liệu Nhật Bản sẽ có một tập đoàn như Apple?
Bản thân tôi cho rằng mình nên tiêu tiền vào các trải nghiệm và con người hơn là vào vật chất. Tôi sẽ tiêu tiền cho những chuyến đi, cho những cơ hội để trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên, hay trả tiền đi lại để gặp những người tôi muốn gặp. Hoặc có thể dành tặng tiền cho các quỹ từ thiện.
Sống tối giản là một cách sống tiết kiệm hiệu quả. Tuy nhiên, nó không chỉ có vậy, mà nó còn giúp bạn thay đổi cách tiêu tiền từ tiêu tiền cho đồ đạc sang tiêu tiền cho những trải nghiệm, con người hay đầu tư vào một lĩnh vực nào đó.
Nếu có món đồ nào có thể thay đổi con người thành một người “giàu có” hơn, tôi cũng sẵn sàng chi tiền cho món đồ đó. Nhưng nếu chỉ đơn giản là để khoe khoang với bạn bè hay thể hiện bản thân trước mặt mọi người thì tôi sẽ không ngần ngừ mà vứt nó đi ngay. Cho đến sau này, tôi sẽ chỉ tiêu tiền vào những trường hợp cần thiết. Và nếu có điều gì thay đổi thì chỉ có những trường hợp đó thay đổi mà thôi.
Giảm thiểu cả những món đồ đạc vứt đi
Có lẽ vì tôi đã vứt quá nhiều đồ nên gần đây tôi bắt đầu muốn giảm cả số đồ mình vứt đi. Suy nghĩ đó không hẳn là vì tôi muốn tiết kiệm hay muốn thân thiện với môi trường. Mà bất chợt, tôi lại thấy “không quen” nếu cứ tiếp tục vứt đồ đi như thế này. Trước đây tôi luôn mua chai nước loại hai lít, nhưng rồi tôi lại không muốn phải vứt nhiều chai nước đến thế nên cuối cùng tôi đã dùng chai đựng nước của BRITA.
Trước đây tôi chẳng bao giờ tin vào mấy hoạt động tiết kiệm, bảo vệ môi trường hay sống lành mạnh… nhưng giờ thì khác rồi. Hiện giờ tôi đang dùng thử đèn năng lượng mặt trời vào buổi tối. Không có nhiều đồ đạc nên đồ điện của tôi cũng có ít, tiền điện hàng tháng cũng giảm xuống. Chỉ có một mình nên tôi cũng luôn dùng điện, nước ít nhất có thể. Khi bạn sống với ít đồ đạc hơn, tự nhiên rác thải hay năng lượng, chỉ cần là thứ không cần thiết đều sẽ được giảm xuống và cuộc sống của bạn sẽ thư thái hơn rất nhiều.
Tài nguyên trên Trái Đất đang dần cạn kiệt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng con người chỉ còn khai thác được tài nguyên khoảng 100 năm nữa. Có ý kiến cho rằng đến lúc đó chúng ta không còn sống trên đời nữa nên không cần suy nghĩ về vấn đề đấy. Nhưng đây lại là những suy nghĩ hết sức tự nhiên của con người.
Khi trở thành người sống tối giản, ngay cả năng lượng sử dụng bạn cũng muốn giảm xuống mức tối thiểu. Dù bạn không có chủ ý “hãy tiết kiệm thôi”, thì tự nhiên bạn cũng sẽ sống thật tiết kiệm. Và khi đó, cuộc sống của bạn sẽ thực sự trở nên thoải mái.
Khỏe mạnh hơn, an toàn hơn
“Bàn và ghế, hoa quả và vĩ cầm. Ngoài những thứ này ra, liệu còn có thứ gì cần thiết cho hạnh phúc của con người nữa hay không?”
− Albert Einstein
Người sống tối giản đều là người gầy
Tôi đã gặp nhiều người sống tối giản và không có ai trong số họ là người béo cả. Tại sao vậy? Những quyển sách hướng dẫn về cách dọn dẹp nhà cửa hay cách vứt đồ cũng có đề cập đến một lợi ích của những việc này đó là “giảm cân”. So với lúc trước, tôi đã giảm được 10 cân. Có người nói: “Khi bạn tống hết những thứ trì trệ ra ngoài, sự lưu thông khí sẽ tốt hơn, bạn sẽ gầy xuống”. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây không phải là “sự lưu thông khí” trong cơ thể, tôi sẽ giải thích kỹ hơn một chút.
Giảm bớt đồ, bạn sẽ giảm cân. Theo tôi nó có vài lý do sau đây. Việc tăng cân đơn giản là vì bạn ăn nhiều hơn mức cơ thể cần. Bạn ăn nhiều hơn mức cần thiết là vì bạn cần ăn để giải tỏa căng thẳng. Người ta cho rằng trong lúc ăn con người có thể quên đi căng thẳng.