Tôi, một người vốn luôn e ngại cách nhìn của người khác, không dám thử sức với bất cứ điều gì, nay đã làm được những điều sau:
- Thử sức với môn lặn (thực ra từ vài năm trước tôi đã định đi học rồi).
- Tập thiền (tôi đã khá lo lắng khi tham gia buổi tọa đàm về thiền của nhà sư Koike Ryunosuke).
- Tập yoga (lúc đầu tôi rất lo vì cơ thể mình khá cứng nên khi tập có bị người khác cười hay không).
- Liên lạc với người mà tôi muốn gặp và tôi đã gặp được (dù là người nổi tiếng hay bất cứ ai).
- Tham gia các buổi họp mặt của những người sống tối giản trên toàn quốc (lần nào cũng rất vui).
- Làm quen với bạn bè trên mạng (tôi đã có thể kết bạn với mọi người ở khắp nơi).
- Lập một trang web riêng cho mình (lúc trước tôi hay chê bai mấy tay tự đăng thông tin của bản thân lên mạng thật quá ngớ ngẩn).
- Chuyển khỏi căn nhà đã sống trong 10 năm (lần này tôi tốn 30 phút để chuyển đi, lần sau tôi nghĩ sẽ không đến 20 phút).
- Tỏ tình với cô gái tôi vẫn luôn thích, và chúng tôi đã hẹn hò với nhau (nếu là tôi trước đây thì tuyệt đối không có chuyện này).
- Cuối cùng, hơn bất cứ điều gì là tôi đã viết một cuốn sách (nếu là tôi trước đây, tôi sẽ nói: Bỏ đi, không thấy xấu hổ à!).
Về cô gái mà tôi đã tỏ tình, sau đó tôi đã bị nói lời chia tay, tôi tự an ủi mình rằng có thể do cô ấy còn chưa hiểu hết về cách sống tối giản của tôi.
Sắp tới, tôi sẽ tự học tiếng Anh ở nhà. Tôi cũng đang lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời như lướt sóng hay leo núi hoặc thi lấy bằng lái xe máy. Tôi, một kẻ suốt ngày ru rú trong phòng sao lại có thể đi làm mấy việc này nhỉ? Chẳng nhẽ tôi đã bị người ngoài hành tinh gắn chip trong đầu sao?
Không! Tôi chỉ vứt bớt đồ đi mà thôi.
Nếu phải chọn “hối tiếc vì không làm” thì tôi thà chọn “hối tiếc vì lỡ làm”
Nếu nói về hối tiếc thì sự hối tiếc do không làm gì sẽ lớn hơn rất nhiều so với sự hối tiếc vì mình đã làm. Trong tâm lý học gọi hiện tượng này là “Hiệu ứng Zeigarnik”. Đó là hiện tượng mà con người ghi nhớ những việc không thành công hay những việc bỏ dở lâu hơn là những việc thành công.
Ví dụ: chắc hẳn ai cũng có một lần hối tiếc vì không thổ lộ tâm tư tình cảm của mình cho người mình yêu (tôi cũng đã hối tiếc điều đó). Và sự hối tiếc đó đi theo chúng ta mãi mãi. Những ai rụt rè, không dám thử sức sẽ luôn tiếc nuối vì mình đã không dám thử. Với những người như vậy, tôi chỉ có một lời khuyên cho họ: dù thành công hay thất bại, bạn cũng đã chiến thắng vì bạn đã làm.
So với sự tiếc nuối vì “tôi không dám làm” thì sự tiếc nuối vì “tôi làm sai mất rồi” lại nhẹ hơn rất nhiều. Chính vì vậy mà việc bạn có hành động hay không có liên hệ trực tiếp đến hạnh phúc của bạn. Vứt những cuốn sách yêu thích, có lẽ tôi sẽ hối hận vì mình đã sai, nhưng tôi sẽ còn hối hận hơn nếu tôi không vứt. Vậy nên, tôi cứ vứt đi thôi.
Người sống tối giản luôn tích cực!
“Đám cưới á? Nếu được thì hãy chuẩn bị ba triệu yên đi nhé. Sau này anh muốn có hai con á. Thế thì một đứa tốn khoảng 20 triệu yên, cứ thế mà tính lên nhé. Rồi cậu cũng nên tích sẵn khoảng 30 triệu yên cho tuổi già nữa nhé. À mà quên mất, sau này trong đám tang cũng phải có khoảng hai triệu yên nữa đấy.”
Nếu bất ngờ nhắc một lúc ngần đấy tiền thì chắc hẳn ai cũng sẽ bị trầm cảm mất. Và chúng ta rất dễ bị mắc lừa bởi con số đấy: Ôi, không đủ tiền rồi, phải tích thêm thật nhiều nữa…
Tất cả những khoản tiền này đều chỉ là tiền chuẩn bị vì cái nhìn của người khác, là số tiền phung phí cho những thứ giả tạo bề ngoài. Số tiền thực sự cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt của con người không nhiều đến mức vậy. Nếu cần ngần đấy tiền thật thì mọi người ở các nước đói nghèo làm thế nào để kết hôn, để sinh con dưỡng cái?
Nếu bạn tính toán được chi phí tối thiểu cần cho cuộc sống thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Nếu biết rằng chỉ cần có ngần này thôi là có thể sống vui vẻ tự tại được rồi thì bạn sẽ chọn cho mình những công việc thử thách hơn nhiều. Với người sống tối giản thì chẳng có thứ gì là dễ dàng mất đi cả. Thế nên bạn có thể vui vẻ tận hưởng cuộc sống.
Để duy trì được đồ đạc, bạn không thể mạo hiểm
Nếu bạn muốn duy trì tình trạng cuộc sống được cải thiện sau nhiều năm và không muốn vứt bỏ những đồ vật mình tích góp được thì cách duy nhất là duy trì tình trạng hiện tại. Điều đó cũng có nghĩa là bạn không bao giờ để bản thân mạo hiểm, thay đổi. Để điều kiện sống không đi xuống, để có thể tiếp tục sở hữu những món đồ này, bạn chỉ có thể tiếp tục làm những công việc bạn không mong muốn. Người ta hay nói rằng: Để ăn, để sống thì cần phải chịu đựng. Nhưng cái “để ăn, để sống” ở đây chẳng qua chỉ là duy trì đồ đạc và chú ý đến ánh mắt của người khác, tất cả cũng chỉ là những thứ hào nhoáng bên ngoài mà thôi.
Nếu xung quanh bạn chẳng có gì vướng bận, bạn có thể đi đến bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào.
Nếu không chú ý đến cách nhìn của người khác, bạn có thể thử sức với mọi thứ mà không sợ thất bại.
Nếu bỏ bớt đồ đạc trong tay, chi phí tối thiểu cho cuộc sống của bạn cũng được giảm xuống và bạn có thể thoải mái tận hưởng mọi thứ.
Nếu bạn cứ mãi trăn trở vì những việc giống nhau, bạn chỉ có thể so sánh cái lợi và cái hại của từng cách làm và sống trong những tháng ngày chỉ có đi tìm xem phương pháp nào là hiệu quả nhất. Tôi cũng đã từng như vậy và cuối cùng luôn là ngủ quên lúc nào không biết. Bây giờ thì tôi sẽ làm thử mà không cần đắn đo gì. Và nó có phải là cách hiệu quả nhất không cũng không còn quan trọng nữa. Tôi đã đi rất nhiều đường vòng để đến được bước viết cuốn sách này. Nếu bạn muốn đến đích nhanh chóng thì con tàu có nhiều người đi là lựa chọn tốt nhất cho bạn.
Kinh nghiệm thì không thể bị cướp hay bị lấy trộm
Điều quan trọng là kinh nghiệm mà chúng ta có được qua những hành động, trải nghiệm là thứ không thể cho ai vay mượn, cũng không thể bị ai cướp mất như các món đồ đạc thông thường.
Dù ai đó có muốn cướp kinh nghiệm của bạn thì họ cũng không thể cướp đi được. Kinh nghiệm khác với những vật ngoài thân, nó luôn đi theo bạn đến bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào. Và đến cuối cùng, thứ còn lại duy nhất chỉ có kinh nghiệm của bạn mà thôi.
Nâng cao sức tập trung. Thấu hiểu bản thân
“Tôi tự hào về những điều mình chưa làm cũng như tự hào về những điều tôi đang làm.”
− Steve Jobs
“Thông điệp thầm lặng” đến từ đồ đạc
Sau khi vứt bớt đồ đạc, bạn có thể nâng cao sức tập trung của bản thân. Tại sao lại như vậy?
Dù là đồ đạc, nhưng không hẳn chúng sẽ ở yên ở một chỗ, mà chúng luôn có những thông điệp nhất định. Đặc biệt, càng là những món đồ không được sử dụng, thông điệp ấy lại càng mạnh mẽ.
Nếu bạn có một cuốn sách dạy giao tiếp tiếng Anh đang đọc dở, nó sẽ nói: Anh rảnh thật đấy nhỉ. Hãy thử sức với tôi một lần nữa nào. Một cái bóng đèn bị vỡ sẽ nói với bạn: Anh lại quên mua đồ thay rồi à. Việc đơn giản thế mà anh cũng không làm được à. Và đống chén đĩa chưa rửa sẽ bảo: Lại nữa rồi. Tôi biết ngay là không thể trông mong gì vào anh mà.
Thậm chí, cả những đồ vật hay được sử dụng cũng có những điều muốn nói với bạn. Tivi sẽ nói rằng: Mấy chương trình anh thu lại đang chất đống lên rồi đây này. Với cả đã đến lúc lau bụi cho tôi rồi đấy. Nếu bạn sử dụng máy tính, nó sẽ nói với bạn: Em muốn kết bạn với anh máy in. Nhưng có vẻ không được nhỉ. Kem dưỡng da sẽ nói cho bạn hay: Này, sắp hết rồi đấy. Bộ vest tủ của bạn sẽ lên tiếng: Tôi biết là anh rất bận nhưng anh có thể giặt tôi cùng những bộ khác được không?
Bất cứ món đồ nào cũng hi vọng được bạn đối xử tử tế. Và chúng đang xếp thành hàng dài để chờ bạn biết được những thông điệp mà chúng muốn nhắn nhủ.
“Danh sách những việc phải làm trong thầm lặng” và “danh sách những việc phải làm thực sự”
Bạn càng chất nhiều đồ trong nhà thì hàng chờ đợi kia lại càng dài ra. Và tôi gọi hàng dài đó là “Danh sách những việc phải làm trong thầm lặng”. Đồ đạc không thể nói như con người là hãy làm cái kia đi, hãy xử lý cái này đi… Chúng cũng không thể giống như sếp của chúng ta, đưa ra một “Danh sách những việc phải làm thực sự”. Nhưng nếu chúng nói được thì danh sách phải làm thực sự này sẽ còn kéo dài hơn nữa.
Nếu có quá nhiều việc phải làm, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ thật rắc rối và mất hết động lực làm việc. “Rắc rối” tức là tôi đang nghĩ trong danh sách những việc phải làm có quá nhiều việc, hoặc là mặc dù tôi có việc quan trọng phải làm nhưng tôi lại bị những việc phiền toái khác xen vào và không thể nào làm xong nó.
Hãy luôn coi trọng những thứ quan trọng
Người ta nói những ai để bàn làm việc bừa bộn thường không thể hoàn thành tốt công việc. Câu nói này cũng có nguyên nhân của nó. Danh thiếp, tài liệu, sổ sách, giấy tờ cần loại bỏ, công việc cần hoàn thành… tất cả mọi thứ đều không được sắp xếp mà vứt lộn xộn trên bàn. Lúc nào trên bàn cũng chất đống danh sách cần làm trong thầm lặng khiến sức tập trung của bạn bị giảm sút đáng kể. Khi cần thứ gì đó, bạn sẽ tốn thời gian để tìm, bởi thế bạn khó có thể hoàn thành công việc một cách nhanh chóng. Dù có một “danh sách những việc phải làm thực sự” thì nó cũng bị chôn vùi trong một đống đồ đạc trên bàn và bạn chẳng thể nhận ra đâu là việc cần làm trước cả. Và đến lúc này, mọi việc đều trở nên “phiền toái”, bạn sẽ dần cảm thấy căng thẳng với công việc. Sau đó bạn sẽ không muốn làm và mở điện thoại, kiểm tra mạng xã hội… Cuối cùng tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn nhốt bạn trong đó.