Ngược lại, nếu bạn định so sánh khóa học yoga của mình với bài tập golf của người khác, hay kinh nghiệm câu cá của bản thân với trải nghiệm leo núi cắm trại của ai đó thì bạn sẽ cần sức tưởng tượng phong phú.
Nếu so sánh bằng kinh nghiệm thì khó có thể biết được ai là người ưu tú hơn, nhưng nếu bạn dùng đồ vật để so sánh thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Và có vẻ đồ đạc sẽ giúp bạn nhanh chóng khẳng định được giá trị bản thân.
Tuy nhiên, thực tế thì chính kinh nghiệm mới mang lại cho bạn niềm hạnh phúc lâu dài. Cho nên, thay vì đi sắm đủ thứ để khẳng đinh giá trị bản thân thì việc tích lũy kinh nghiệm, nâng cao khả năng hành động sẽ giúp bạn có nhiều cảm nhận phong phú. Hơn nữa, kinh nghiệm rất khó để so sánh với người khác, nên bạn không cần ép mình phải có những điều đặc biệt nào cả.
Thỏa mãn khi không so sánh
Việc so sánh bản thân với người khác giống như lòng ham muốn đồ đạc của bản thân vậy. Nó sẽ không bao giờ kết thúc. Hiện giờ tôi đang viết cuốn sách này, nhưng khi nghĩ đến cuốn sách của những người giỏi hơn mình viết ra thì tôi lại chẳng thể viết tiếp được chữ nào. Xung quanh tôi luôn có nhiều người giỏi hơn, và khi so sánh với họ, tôi lại nghĩ: Cái loại như mình thì… và thế là tôi không làm được việc gì cả.
Những đồ vật hiện tôi đang có không phải là những món đồ “ao ước” khi ganh tị với người khác, mà là những món đồ thực sự cần thiết do chính tôi lựa chọn.
Nếu trở thành một người sống tối giản, biết bản thân cần gì, thì bạn sẽ không tập trung vào một ai đó để so sánh mà chỉ chú ý vào bản thân mình thôi.
Tôi đã có tất cả những gì tôi cần. Tôi không còn thiếu thứ gì cả. Vì vậy, tôi cũng không cần thiết phải so sánh bản thân với người khác.
Không còn sợ cái nhìn của người khác
“Người chú ý đến gương mặt của bạn chỉ có chính bạn mà thôi.”
− Kishimi Ichiro
Đến mèo hoang cũng không tự sát
Bới đồ ăn thừa, chạy lung tung vào ban đêm, đến mèo hoang, loài động vật có cách sống như vậy, cũng không chọn tự sát. Bởi chúng chẳng phải chú ý đến ánh mắt của người khác hay phải xấu hổ về bản thân mình cả. Thậm chí, nếu những người hay nhận viện trợ từ thiện mà không chú ý đến ánh mắt của mọi người thì họ có thể sống một cách thoải mái.
Sau khi giảm tối đa đồ đạc trong nhà, số quần áo để mặc ra ngoài của tôi cũng được cắt giảm hết mức. Giống như hình tượng Steve Jobs, Mark Zuckerberg, tôi mặc những bộ quần áo giống nhau và giữ ở số lượng thấp nhất. Với họ, thời gian để chọn quần áo thật lãng phí. Họ thà dành thời gian đó vào công việc sáng tạo còn hơn. Nếu để tâm đến việc tối giản quần áo, bạn sẽ có khá nhiều thời gian để tập trung vào những việc quan trọng của bản thân.
Steve Jobs không bao giờ căng thẳng
Cùng với cách ăn mặc tối giản, có rất nhiều thứ đã thay đổi. Chọn những bộ quần áo phù hợp với chính mình, tôi không cần bận tâm xem nó có bị lỗi mốt hay không. Tôi cũng không còn chạy theo những trào lưu mới lạ đang hiện hành, thế nên cũng không phải lo bộ quần áo của mình có bắt mắt không? Phối đồ như vậy đã đúng chưa? Hay phải chú ý nhận xét của người khác. Bạn cũng sẽ chẳng thấy ghen tị với những bộ đồ đắt tiền của một ai đó hay xấu hổ về bộ quần áo rẻ tiền của mình.
Thường thì khi bước vào các cửa hàng sang trọng, ta hay cảm thấy căng thẳng. Liệu Steve Jobs, người luôn mặc một kiểu quần áo khi bước vào Comme des Garcons sẽ nghĩ gì về cách phối đồ của mình, hay ông có căng thẳng không?
Tôi đang tiến hành tối giản tủ quần áo của mình và giờ thì tôi cũng chẳng còn quan tâm xem người khác nghĩ gì về tôi. Còn nếu là tôi trước đây, thì dù có đi dạo trên phố tôi cũng băn khoăn: Liệu mình có bị cho là một kẻ đáng xấu hổ không nhỉ? Mình sẽ bị người ta đánh giá thế nào nhỉ?…
Vì sao ăn thịt nướng một mình lại khó khăn đến vậy?
Cái khó khăn nhất khi đi ăn đồ nướng một mình là khi bạn đang nướng thịt, bạn sẽ có cảm giác các nhân viên hay những vị khách khác đang chỉ chỏ vào mình và nói: Hay đi một mình nhỉ, đi một mình trông buồn thật đấy… Và có lẽ họ đang thực sự nghĩ như vậy trong đầu. Tuy nhiên, tình trạng đấy chỉ kéo dài 10 đến 30 giây là cùng. Khi đi ăn đồ nướng một mình, bạn chỉ tập trung vào chính bản thân mình mà thôi. Nếu bữa ăn đó hết hai tiếng thì tức là bạn đã dành hai tiếng chỉ cho bản thân mình. Nếu lúc này bạn là những vị khách kia, bạn sẽ thấy là họ chẳng để ý, soi mói bất cứ ai cả. Nếu chuyển câu trích dẫn của Kishmi Ichiro vào trường hợp này có lẽ sẽ là: Người quan tâm đến việc bạn đi ăn thịt nướng một mình chỉ có chính bạn mà thôi.
Chúng ta khó có thể kiểm chứng được cách nhìn nhận của người khác. Đi ăn thịt nướng một mình dù có bị cho là đáng thương thì cũng chẳng thể kiểm chứng việc này được. Thậm chí nếu có hỏi trực tiếp người ta là: Anh có thấy người đi một mình lúc nãy đáng thương không? Thì bạn cũng chỉ nhận được câu trả lời là: Không, tôi không nghĩ vậy. Thậm chí dù bạn có chứng cứ như: Lúc nãy tôi thấy anh nhìn anh ta và cười mãi thôi đấy. Thì ngay lập tức, họ sẽ viện một cớ khác cho mình. Có lẽ, người đó cho rằng đi ăn thịt nướng một mình thật đáng thương, cũng có lẽ họ không cho là như vậy. Những suy nghĩ trong đầu của người khác, chúng ta không thể nào kiểm chứng được.
Dù bạn có để ý đến những việc đấy đi chăng nữa thì cũng không giải quyết được gì. Nó chỉ khiến bạn thấy sợ hãi trước ánh mắt của mọi người và không dám thử sức với những việc mình muốn làm. Nếu bạn thích đi ăn đồ nướng một mình, hãy đi đi. Khi bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, đừng để ý đến ánh mắt của mọi người, vì họ chỉ đang tập trung vào chính họ mà thôi.
Hãy vứt những đồ mà bạn đã sắm chỉ vì ánh mắt của người khác
Trước đây tôi rất ghét sách điện tử và chỉ cảm thấy sách giấy mới là tốt nhất. Đọc theo từng trang sách bao giờ cũng nhanh hơn, cảm nhận hơi ấm qua từng con chữ, thưởng thức cách bố cục, bày trí công phu và hơn hết là tốt cho mắt.
Tuy nhiên, lý do thực sự khiến tôi ghét đọc sách điện tử không phải chỉ là nó không có sức hấp dẫn như sách giấy, mà là dù có đọc xong, tôi cũng không tích trữ được những thứ đã đọc. Bởi vì tôi thích sách nên tôi muốn tích trữ thật nhiều sách trong nhà. Nhưng thực ra tôi giữ những cuốn sách đấy là để được mọi người khen tôi là người ham học hỏi và là người sâu sắc.
Qua những cuốn sách đấy, tôi muốn thể hiện giá trị bản thân cho mọi người thấy. Chính vì vậy tôi cần những cuốn sách sau khi đọc xong có thể tích trữ lại được. Với sách giấy, bất cứ ai cũng dễ dàng nhìn thấy là tôi đã đọc bao nhiêu cuốn. Còn với sách điện tử, dù tôi có đọc vài nghìn cuốn thì người ta cũng chỉ nhìn thấy một cuốn hiện hữu ở đây thôi. Vì thế mà trong nhà tôi tích trữ một đống sách để “lúc nào đấy” tôi sẽ đọc.
Còn giờ đây, khi đã vứt hết giá sách đi rồi, tôi lại có thể tập trung vào một quyển duy nhất mà tôi muốn đọc. Kết quả là số sách tôi đọc còn nhiều hơn cả trước đây. Thậm chí khi vứt đống sách cũ đi, tôi lại thấy có hứng thú với những loại sách mới. Có thể nói là sau khi vứt đi, tôi đã có được nhiều thứ hơn cho mình.
Ý nghĩa của bộ sưu tập “những chiếc máy ảnh rỗng”
Tôi rất thích chụp ảnh. Tôi cũng rất tự tin với những kiến thức về chụp ảnh của mình. Thậm chí đôi lúc tôi còn dùng phòng bếp của mình để làm phòng tối rửa ảnh. Tôi đã sưu tầm rất nhiều máy ảnh đẹp qua các buổi đấu giá.
Nhưng tôi lại chưa một lần sử dụng đến chúng, thậm chí tôi còn chẳng lắp film vào mà cứ để như vậy trong nhà. Nó chỉ đơn giản để nói cho mọi người biết là tôi có nhiều máy ảnh, và như vậy mọi người sẽ thấy là tôi thích chụp ảnh. Đồng thời qua đó tôi có thể thể hiện được giá trị bản thân mình.
Hiện tại, tôi đã bán hết những chiếc máy ảnh trong nhà. Tôi liên hệ với đại lý bán đấu giá và bán hết chúng đi. Từ sau khi bỏ hết những món đồ chỉ mua về theo cách nghĩ của người khác, tôi thấy mình đã không còn quan tâm xem mọi người nghĩ gì về mình nữa. Tôi không thấy tự ti về bản thân hay thấy tự hào, khoe khoang khi được người khác công nhận. Vứt bớt đồ đạc trong nhà, tôi cũng vứt luôn những suy nghĩ, thái độ vô nghĩa đó ra khỏi đầu.
Sau khi chuyển đến nhà mới, tôi muốn biến nó thành ngôi nhà kiểu mẫu cho người sống tối giản. Tôi sẽ biến nó thành ngôi nhà triển lãm cho bất cứ ai có hứng thú với lối sống tối giản hay những người sống tối giản khác như tôi đến tham quan. Hiện tại tôi đang sống ở Fudomae. Nếu bạn có dịp đến đây thì hãy ghé qua nhà tôi nhé. Tôi cũng rất vui nếu nhận được những góp ý của bạn cho ngôi nhà này. Ngôi nhà này của tôi, dù có ai đến thăm vào bất cứ lúc nào, tôi cũng không có gì phải xấu hổ cả. Thậm chí cả ba lô, ví tiền của tôi cũng có thể cho bạn xem.
Thói quen hành động
“Khi tự hành động, có thể bạn không đủ sức để hoàn thành tất cả mọi việc, nhưng bạn đã hành động và đó mới là điều quan trọng.”
− Mahatma Ganhdi
Tôi, một người luôn hướng nội, đã thay đổi
Sau một thời gian dài, giờ đây, tôi không còn sợ cách nhìn của người khác về mình nữa. Tôi cũng có thể làm tốt các công việc nhà mỗi ngày và cảm thấy yêu chính bản thân mình hơn. Dần dần, tôi cũng bắt đầu trở thành người theo phái “hành động”. Chẳng có gì cản trở mọi hoạt động của tôi. Và tôi đã bắt đầu một vòng tuần hoàn cho lối sống tối giản. Ban đầu nó chỉ là một chấm nhỏ thôi, nhưng sau này, tôi chắc chắn sẽ vẽ nên được vòng tròn lớn.