Quy tắc 6: Một chút bất tiện cũng là thú vui
Gần đây, tôi đã vứt hết khăn tắm trong nhà, thay vào đó là khăn lau. Và tôi nhận ra khăn lau thật tuyệt vời. Nó có thể dùng ở nhiều nơi, nhanh khô hơn khăn tắm. Sau khi dùng xong chỉ cần treo lên, lần sau ra lấy là đã khô luôn rồi. Ở phòng giặt đồ, sau khi rửa tay xong tôi dùng khăn lau, sau khi giặt quần áo xong tôi dùng khăn lau, và sau khi tắm xong tôi cũng lau người bằng khăn lau. Trước đây, khăn mặt và khăn tắm phải chiếm hai phần ba trong đống đồ giặt hàng ngày của tôi. Bây giờ, khi không có mấy cái khăn tắm dầy xù đấy thì việc giặt giũ của tôi gọn nhẹ hơn nhiều.
Như ở chương hai tôi có nói, con người luôn làm quen với các kích thích khác biệt. Lúc nào tôi cũng dùng khăn tắm nên với tôi nó là thứ đương nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng đã quên đi sự trân trọng và may mắn khi dùng khăn tắm mỗi ngày. Bây giờ, khi dùng khăn lau tôi mới thấy cảm giác khi chạm vào da không thể nào bằng với khăn tắm. Tuy nhiên, phải nói rằng con người có thể thích nghi với sự bất tiện giống như họ có thể thích nghi với sự tiện lợi vậy. Và khi lại có cơ hội dùng khăn tắm, tôi lại thấy cảm động trước sự thoải mái ấy. Tự bản thân tôi lại rút ngắn được khoảng cách với hạnh phúc và tôi thấy vui vì điều đó.
Bạn có thể thử dùng khăn lau thay cho khăn tắm, đó sẽ là trải nghiệm rất tuyệt đấy.
Quy tắc 7: Vứt cả những món khiến con tim bạn rộn ràng
Nếu quyết tâm làm một người sống tối giản thì sẽ có một ngày bạn phải vứt bỏ cả những món đồ khiến bạn lưu luyến. Tôi rất thích Croatia, và tôi cũng rất thích cây thập giá, món quà lưu niệm tôi mua ở đó. Cây thập giá bằng gốm, màu đỏ tươi, được người thợ chạm khắc thủ công từng đường nét trang trí. Màu sắc hài hòa, bề mặt trơn mịn, không quá nặng… tôi thích mọi điểm của cây thập giá đó. Nghe nói nó được một người nghệ sĩ bản xứ làm ra. Và bạn không thể bắt gặp nó ở một cửa hàng lưu niệm nào cả. Vậy nên, nó đã trở thành một vật không thể thay thế với tôi.
Lúc vứt cây thập giá đấy đi, tôi cảm thấy vô cùng luyến tiếc. Nhưng sau khi vứt đi, tôi lại cảm thấy thật thoải mái. Sau này, mỗi khi đi du lịch, tôi không phải mất thời gian đắn đo xem mua cái gì làm quà nữa. Mà dù có thấy món nào mình thích đi chăng nữa, tôi cũng sẽ học theo nhân vật hoạt hình Snufkin, chỉ nhìn mà thôi. Như vậy, toàn bộ thời gian của tôi chỉ tập trung vào chính chuyến đi của mình. Bỏ đi những món đồ khiến bạn lưu luyến, đổi lại bạn có được rất nhiều.
Quy tắc 8: Dù bạn có đang khỏe mạnh, cũng hãy chuẩn bị trước mọi việc cho mình
Chỉ có chính chúng ta mới hiểu được giá trị của những món đồ mà ta sở hữu như: quà lưu niệm du lịch, cuốn tiểu thuyết tình yêu đã đọc nhiều lần hay bức thư nhận được từ một người quan trọng nào đó hay những bức ảnh kỷ niệm…
Những cố gắng, những gian nan để có được món đồ hay những kỷ niệm, những câu chuyện cất giấu trong món đồ đó còn cao hơn giá trị thị trường của nó rất nhiều. Bởi vậy, khi chúng ta, chủ nhân của những ký ức đó mất đi cũng đồng nghĩa với giá trị của món đồ bị mất đi. Dù món đồ đó đắt tiền đến đâu, tuyệt vời thế nào, nhưng nếu để người khác nhìn vào thì họ cũng chỉ thấy một thứ tầm phào mà thôi.
Sau khi đã giảm bớt được khá nhiều đồ, tôi cũng vơi bớt cảm giác: một khi tôi có xảy ra chuyện gì thì cũng ít phiền hà đến người khác. Có thể tôi suy nghĩ quá xa xôi, nhưng thực sự là tôi đã cảm thấy bản thân mình được “tự do”. Và tôi có thể dành nhiều công sức hơn cho những hoạt động khác.
Quy tắc 9: Giảm bớt đồ đạc không có nghĩa là giảm bớt con người bạn
Dù có giảm hết đồ đạc cũng không có nghĩa là bạn trở nên bí ẩn hơn, hay trong một đêm bạn có thể bạc đầu, hay lưng sẽ còng xuống. Việc bạn không có đồ đạc cũng không dẫn đến việc bị mọi người xa lánh, khiển trách hay bị trẻ con ném đá. Cùng lắm bạn chỉ bị cho là người quá đơn giản mà thôi.
Có một điều hiển nhiên là dù bạn có đồ đạc hay không thì cơ thể bạn cũng chẳng thay đổi được. Khi cuộc sống của bạn còn bị vây quanh bởi những món đồ, có thể bạn sẽ thấy vứt đồ đi cũng như vứt đi chính con người mình. Nhưng thực tế thì đồ đạc không phải là một phần thân thể của bạn, chúng chỉ là những vật ngoài thân. Đồ vật và bản thân con người bạn không liên quan gì với nhau nên dù bạn có giảm bớt đồ thì con người bạn cũng không ngót lại được. Không những thế bạn còn thấy bản thân mình hoạt bát, thoải mái hơn trước rất nhiều. Cho dù là giảm bớt đồ nhưng con người bạn lại “tăng” thêm nhiều đấy chứ.
Quy tắc 10: Thay đổi suy nghĩ về cách sử dụng thông thường của đồ đạc
Chắc bạn còn nhớ anh Hiji tôi đã giới thiệu ở đầu cuốn sách. Anh ấy đã cải tiến chiếc sô pha của mình bằng cách để thêm cái đệm gấp và kê sát vào tường. Vì thế bạn có nằm trên đấy, lấy thêm gối, đắp thêm chăn đều được. Với ý tưởng này, đây không phải là một chiếc “sô pha giường nằm” mà là một chiếc “giường sô pha”. Có lẽ đúng hơn phải gọi nó là “sô pha đệm”. Mặc dù trong nhà anh Hiji không có tivi nhưng chỉ cần một chiếc Head-mounted display là anh ấy có thể xem các chương trình khác nhau. Thậm chí anh ấy còn dùng xà phòng tắm hay dầu rửa bát thay cho bột giặt nữa.
Trong tác phẩm của Marie Kondo, cô ấy có nói là “phơi” thớt và giẻ rửa bát. Gần đây, tôi cũng bắt đầu học theo cô ấy, phơi giẻ rửa bát của mình và vứt mấy cái móc treo tường vốn dùng để treo giẻ rửa bát. Marie Kondo đã không đi theo những suy nghĩ thông thường như không để thớt hay giẻ rửa bát dưới hiên nhà. Thông thường thì món đồ này chỉ dùng cho việc này, mỗi khi cần làm một việc gì đấy ta lại cần một món đồ thích hợp riêng cho nó. Nếu chỉ tận dụng mỗi điểm lợi ích duy nhất đấy thì đồ đạc trong nhà bạn cũng khá nhiều đấy. Thay vào đó, nếu bạn không phụ thuộc vào cách sử dụng thông thường của từng món đồ thì đồ đạc trong nhà bạn sẽ được giảm đi khá nhiều.
Quy tắc 11: Đừng nghĩ nữa, hãy vứt thôi
Trong bộ phim Long tranh hổ đấu, Lý Tiểu Long đã nói: Đừng nghĩ nữa, hãy cảm nhận. Câu này nếu đổi sang cho người sống tối giản có thể biến thành: Đừng nghĩ nữa, hãy vứt đi.
Có một ngày, tôi cảm thấy khó chịu với mấy quyển sổ tiết kiệm ở nhà và đã cho tất cả vào máy cắt giấy. Thậm chí tôi còn cắt mấy quyển sổ đấy trước khi lên hỏi Yahoo! Hỏi & Đáp xem liệu vứt sổ tiết kiệm đi thì có sao không. Tôi chỉ thấy cảm giác của mình quan trọng hơn việc suy nghĩ đắn đo nhiều.
Sau đó, tôi có đến ngân hàng để đóng tài khoản và cũng chẳng gặp khó khăn gì. Nhân viên giao dịch chỉ ngạc nhiên nhìn tôi một chút mà thôi: “Sổ tiết kiệm của quý khách… đã vứt rồi sao?” Thậm chí còn có người bị mất hết mọi thứ trong hỏa họa, thiên tai… tôi chỉ vứt mấy thứ đi thôi thì cũng chẳng có gì to tát cả. Nếu trước khi vứt, bạn cứ suy nghĩ đắn đo thì bạn sẽ tự vẽ ra cho mình vô vàn lý do hay sự bất tiện nếu không có chúng. Tốt hơn hết, bạn hãy nghe theo cảm nhận của mình.
Quy tắc 12: Đừng quan trọng việc “nhất định phải có ít đồ”. Đừng chỉ trích người có nhiều đồ
Một sai lầm mà người sống tối giản dễ mắc phải đó là dễ tự mãn vì mình có ít đồ, hay lúc nào cũng quan trọng việc phải có ít đồ. Giống như ở chương một tôi đã nói, người sống tối giản là người biết được thứ gì cần thiết với bản thân. Là người biết cắt giảm đồ đạc vì những thứ quan trọng. Và những thứ quan trọng với mỗi người một khác. Vì thế những gì mọi người vứt đi cũng khác nhau. Bởi vậy, việc ganh đua xem làm thế nào mới ít đồ nhất thật chẳng có ý nghĩa gì.
Và bạn cũng nên biết rằng dù bạn có bị vây quanh một đống đồ đi chăng nữa, nhưng nếu chúng đều là những thứ quan trọng với bạn, khiến bạn vui vẻ hạnh phúc trong cuộc sống thì bạn chẳng cần phải vứt chúng đi làm gì. Vì lẽ đó, chúng ta chẳng có lý do gì để chỉ trích những người có nhiều đồ cả. Chúng ta không thể bắt họ vứt đồ một cách vô lý khi họ vốn chỉ có những đồ quan trọng. Lối sống tối giản không phải là cực hình mà chúng ta phải chịu. Thế nhưng lại có những người tự mình nhận lấy cực hình đó, thậm chí còn viết trong hồ sơ của mình là “đang tu hành” để thành người sống tối giản. Với tôi, việc nhất định phải có ít đồ như thế chẳng có ý nghĩa gì cả.
Quy tắc 13: Muốn vứt đồ, muốn giữ đồ đều là những bệnh giống nhau
Vứt bớt đồ đạc có thể làm bạn thấy phấn khích. Việc này giúp bạn cảm thấy thoải mái. Khi bạn bị nghiện cảm giác này, vứt đồ trở thành công việc “đam mê” của bạn. Khi đó, bạn đã mắc phải căn bệnh tên là muốn vứt đồ. Thậm chí bạn còn cảm thấy khó chịu với những người sở hữu nhiều đồ đạc.
Tuy nhiên, bạn có biết là cảm giác: “Ôi, vẫn còn giữ ở đây à!” của một người thích vứt đồ cũng giống với cảm giác: “Ôi, mình còn chưa có được nó!” của một người muốn sắm đồ.
Cả hai việc “cắt giảm đồ đạc” và “sắm thêm đồ” đều có tính kích thích và khiến con người thấy thoải mái. Cũng giống như lời khuyên với người nghiện mua sắm, bạn không nên lệ thuộc vào những kích thích mà căn bệnh vứt đồ này mang lại. Với một người thích sắm đồ, trước khi vứt một món đồ nào đó họ nên tự hỏi mình: Nó có thực sự quan trọng với mình? Tương tự như vậy, với một người thích vứt đồ, trước khi vứt, bạn nên tự hỏi: Mình có nên vứt món này đi không? Hay mình chỉ vứt đi để trong nhà có ít đồ hơn thôi.