Nếu bạn nhận được một món quà không cần thiết từ ai đó, nếu bạn vẫn còn đang nhìn nó và thở dài, tốt nhất bạn nên vứt nó đi. Đó cũng chính là cách bạn tôn trọng người tặng. Giả sử có ai đó giận bạn vì đã vứt món quà anh ta tặng trước đây, tôi nghĩ là bạn nên giữ khoảng cách với người đó, những người không bao giờ coi trọng “hiện tại” của bạn. Bản thân tôi cũng không muốn trở thành người chỉ biết thể hiện tình cảm của mình qua vật chất.
Quy tắc 36: Hãy thử đặt mình vào vị trí của người đã mất và cảm nhận
Nếu có thứ khó vứt hơn cả những món quà thì có lẽ đó chính là di vật của người đã khuất. Chúng ta luôn muốn trân trọng những kỉ niệm cuối cùng của họ nên dù chẳng bao giờ dùng đến, chúng ta vẫn cất giữ kỷ vật của họ trong nhà. Đó là những tình cảm đẹp, là sự trân trọng của chúng ta với họ. Tuy nhiên, hãy thử đặt mình vào vị trí của người đã khuất. Bạn sẽ vui vẻ nếu những món đồ bạn để lại gây phiền phức cho những người thân của bạn hay sao? Liệu bạn có muốn những người thân của mình được sống vui vẻ, hạnh phúc mà không phải lúc nào cũng lo lắng vì những món đồ này?
Thật tuyệt với nếu bạn biết trân trọng những di vật của người thân. Tuy nhiên, nếu bạn phải dành quá nhiều thời gian, công sức cho chúng và sau đó chính bản thân bạn lại cảm thấy mệt mỏi, thì đó không phải là điều mà người thân của bạn mong muốn.
Theo tôi, thay vì dành thời gian, công sức để bảo quản những món đồ mà người thân để lại, bạn nên dành thời gian để hồi tưởng lại những lời họ nói, những việc họ làm thì hơn.
Quy tắc 37: Vứt đồ đi, những thứ còn lại mới là quan trọng
Nakazaki Tatsuya, họa sỹ truyện tranh, tác giả của tác phẩm Jimi Hendrix là một người tối giản đến tận cùng. Sau đây tôi xin trích dẫn câu nói trong tác phẩm Người đàn ông vô sản của ông: Những bức ảnh, những cuộn phim hay quyển nhật ký, thậm chí là cả quá khứ của tôi cũng không liên quan gì đến tôi cả. Dù tôi có vứt đi những bức ảnh chứa đầy kỉ niệm thì những kỉ niệm đó vẫn in sâu trong tâm trí tôi. Vứt đi đồ đạc, thậm chí là vứt đi quá khứ của mình không phải là điều gì to tát. Nếu tôi có lỡ quên kỷ niệm nào đó, thì với tôi, đó là những điều nên quên đi. Bởi những ký ức quan trọng trong cuộc đời sẽ tự nhiên in sâu vào tâm trí tôi.
Sau khi đọc được những dòng này, tôi lại cảm thấy mình có thể vứt nhiều hơn nữa. Sau khi đi qua bộ lọc của kí ức, những việc quan trọng tự nhiên sẽ lưu lại trong trí óc của mình. Và dù không có những món đồ gợi nhớ đến những kỉ niệm đó, tôi cũng có thể nhớ được chúng. Hơn nữa, nhờ vứt bớt đồ đạc, tôi cũng không bị chúng làm phiền nữa, thậm chí còn có thể nhớ rõ hơn những điều quan trọng đấy.
Quy tắc 38: Cắt đứt gốc phát sinh trong chuỗi gia tăng dụng cụ
Khi bạn chuyển từ một chiếc điện thoại sang dùng hai cái, số lượng đồ đạc tăng lên không chỉ có một chiếc điện thoại đâu. Đi kèm với nó còn là khoảng không gian mà chiệc điện thoại này chiếm chỗ, là màng bọc chống vân tay. Ngoài ra còn có cả tai nghe, móc treo nữa. Vậy là cùng một lúc bạn phải sắm thêm đến năm món nữa rồi.
Nếu bạn mua máy tính, bạn còn phải có thêm giá đỡ, máy in, máy scan, USB, ổ cứng ngoài, phần mềm xử lí văn bản, dụng cụ vệ sinh… Cứ như vậy, khi bạn sắm thêm một món đồ nào đó sẽ có cả cơ số các món phụ kiện đi theo. Vậy nói ngược lại, nếu bạn vứt được món đồ bắt đầu cho chuỗi đồ dùng đấy, bạn có thể vứt thêm rất nhiều thứ khác. Khi tôi bỏ chiếc
tivi, tôi có thể bỏ thêm những đồ kết nối cùng nó như: thiết bị chiếu phim trong nhà, PS3 và cả ổ cứng ngoài để quay phim. Thậm chí tôi còn vứt được cả đống dây cáp nối thiết bị, các đầu chuyển đổi hay cục sạc… Khi bỏ chơi điện tử, tôi cũng chẳng cần phải giữ lại sơ đồ đánh quái, thẻ gỗ hay cúp danh hiệu nữa.
Tóm lại, nếu mục đích của bạn là nhằm vào các món đồ lớn thì kết quả bạn nhận được sau khi dọn dẹp cũng không nhỏ chút nào.
Quy tắc 39: Nếu bạn không định xây viện bảo tàng, hãy vứt những bộ sưu tập đi
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến cái tên Shigeru Kashima, nhà văn nổi tiếng thích các tác phẩm văn học cổ điển, luôn sưu tầm các tác phẩm văn học Pháp có giá trị. Hay bạn cũng có thể biết nhà thiết kế Shin Sobue, người luôn sưu tầm tác phẩm Cậu ấm của Natsume Soseki qua từng thời kỳ. Họ đều là những nhà sưu tầm vĩ đại hơn hẳn chúng ta, và những gì họ đang sở hữu cũng thực đáng quý. Với những bộ sưu tập quý giá, có thể mở thành bảo tàng như vậy chắc chắn sẽ được bảo quản rất cẩn thận. Và trên thực tế, nhà kinh tế học Takuro Morinaga đã mở một bảo tàng nhỏ về xe mini.
Tất nhiên không phải bộ sưu tập nào cũng vậy. Có những bộ sưu tập mà bạn chỉ cần kiên trì tìm kiếm một chút là sẽ có được ngay. Theo tôi, những bộ sưu tập như vậy chỉ là gánh nặng cho chính chủ nhân của chúng mà thôi. Những bộ sưu tập thực sự quý giá vốn đều được bảo quản cẩn mật ở một nơi nào đó rồi. Vậy nên, nếu bạn chỉ sưu tầm để chơi đùa thì tốt nhất là nên ném chúng đi. Ngôi nhà của bạn không phải là một viện bảo tàng. Còn nếu bạn muốn chiêm ngưỡng những món đồ quý giá, hãy đến viện bảo tàng mà xem.
Quy tắc 40: Mượn những món đồ mà bất cứ ai cũng có
Trong bộ phim Trong nhà tôi chẳng có gì cả của tác giả Yururimai, tôi ấn tượng nhất là đoạn cô ấy vứt đi cuốn album ảnh tốt nghiệp của mình. Lúc đó tôi đã nghĩ đến cả món đồ quan trọng bậc nhất trong các kỷ niệm mà cô ấy cũng vứt đi, quả là một người cuồng vứt đồ. Tuy nhiên, giờ nhìn lại mới thấy phần lớn mọi người sẽ giữ lại cuốn album tốt nghiệp của mình. Và một thứ được cả trăm người cất giữ như thế thì hẳn cũng không phải đồ quý giá gì.
Đi cùng với cảm giác “muốn giữ một cái gì đó cho riêng mình” thường là cảm giác không muốn làm phiền hay gây khó khăn cho người khác. Nhưng nếu thực sự muốn nhìn lại ảnh tốt nghiệp của mình đến mức không ngủ được, bạn có thể gọi điện cho bạn bè và mượn xem lại. Có thể làm như thế sẽ hơi phiền phức, nhưng nếu chỉ vì một lời nhờ vả như thế mà lại lạnh nhạt với bạn thì người đó không xứng đáng là bạn của bạn. Nếu chúng ta không quên tình cảm bạn bè, không quên sự trân trọng dành cho nhau, thì những phiền phức này sẽ không bao giờ trở thành phiền phức thực sự.
Quy tắc 41: Cho thuê những thứ cho thuê được
Ngày nay, thông qua mạng Internet, bạn có thể dễ dàng cho thuê mọi thứ. Với những món đồ một năm bạn chỉ dùng một lần thì tôi khuyên bạn nên cho thuê chúng. Trong các đại hội thể thao, người ta cũng hay cho thuê ống nhòm hay những người ít đi du lịch cũng có thể cho thuê vali để giải phóng không gian trong nhà. Bạn cũng có thể cho những ai muốn scan sách vở thuê máy scan, và một năm một lần chúng ta có thể tổ chức một cuộc thi scan sách. Đó cũng không phải là một ý tưởng tồi. Nếu trong nhà có những bộ quần áo mà có lẽ cả đời chỉ mặc một lần trong ngày lễ của trẻ em hay máy hút bụi công suất lớn chỉ dùng cho lần dọn nhà cuối năm thì bạn nên cho thuê chúng. Thậm chí cũng có người cho thuê dụng cụ leo núi và đồ lặn nữa. Rồi còn có cả dịch vụ cho thuê âu phục đã được các nhà cố vấn phối đồ cẩn thận.
Còn nếu là người đi thuê, trước hết bạn có thể thuê đồ về dùng. Nếu thực sự thích hay cần nó, lúc đấy bạn mua hẳn về cũng chưa muộn. Trên thế giới còn có những chuyện như cho thuê giường ngủ, cho thuê người yêu, nhưng đó lại là những câu chuyện khác. Nếu bạn còn đắn đo về thời gian, tiền bạc và công sức để bảo quản đồ dùng trong nhà thì cho thuê là một ý tưởng tuyệt vời.
Quy tắc 42: Đăng những món đồ bạn đã vứt và ngôi nhà của bạn lên mạng xã hội
Trong ăn kiêng có một phương pháp khá hiệu quả là nói cho mọi người biết mình đang ăn kiêng. Cách này cũng có thể áp dụng được trong việc vứt đồ. Nếu ăn kiêng một mình, kiểu gì bạn cũng nghĩ ra đủ lý do để không thực hiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, như tôi đã nói, con người rất hay để ý đến ánh mắt của người khác, thế nên ta có thể lợi dụng đặc điểm này. Ví dụ bạn viết mục tiêu của mình lên mạng xã hội là: cắt giảm một nửa số quần áo. Sau đó bạn đăng ảnh những bộ đồ bạn đã vứt cùng với tủ quần áo của bạn mỗi khi vứt thứ gì đó đi. Việc này hoàn toàn khác khi bạn thực hiện một mình. Những phản ứng, nhận xét của mọi người có thể trở thành động lực cho bạn.
Bản thân tôi cũng đăng ảnh nhà của mình trên blog. Sau khi đăng ảnh, tôi thấy tiến độ cắt giảm đồ đạc được đẩy nhanh hơn nhiều. Gần đây đang có trào lưu giữa những người sống tối giản. Đó là đăng những món đồ mình không cần lên mạng xã hội kèm thêm lời nhắn: Có ai cần thứ này không? Nếu tìm thấy người cần nó, bạn sẽ không phải vứt món đồ đó đi và giảm được cảm giác tiếc nuối khi vứt đồ. Thậm chí bạn còn cảm thấy vui hơn khi những món đồ đó được dùng đúng chức năng của nó. Quả là một mũi tên trúng hai đích đúng không nào.
Quy tắc 43: Nếu bạn bắt đầu từ con số không? Nếu bạn bị mất trộm?
Nếu bạn chuyển nhà?
Có một bộ phim tài liệu khá thú vị là 360 ngày cho cuộc sống giản đơn. Có một ngày, nhân vật chính cất hết đồ dùng dụng cụ của mình vào trong kho và tự đặt ra quy tắc: mỗi ngày chỉ được lấy ra một thứ. Ngày đầu tiên, trên người cậu ta hoàn toàn không có gì cả, thế nên cậu ta chỉ lấy giấy báo để che bộ phận quan trọng và lao nhanh trên đường hướng đến chỗ nhà kho. Và ngày đầu tiên đó cậu ta chỉ lấy ra một chiếc áo khoác rồi nằm ngủ trên nền nhà cứng.