Mỗi lần định vứt bớt món đồ nào đó, bạn cũng cần phải tự hỏi bản thân: “Tại sao mình lại không thể vứt đi được nhỉ?” Hơn nữa, đây cũng là cách hiệu quả để bạn luyện cho mình có được cảm giác nhạy bén hơn với đồ đạc.
Quy tắc 27: Tận dụng các cuộc bán đấu giá để giảm bớt đồ
Bản thân tôi đã vứt được rất nhiều thứ nhờ các địa điểm bán đấu giá. Những bộ quần áo không mặc đến, những đồ điện gia dụng không dùng, bộ sưu tập máy ảnh… Trong đó, thứ khiến tôi không thể quên được chính là máy tráng phim. Lúc trước, tôi đã phải vay bạn đến 150 nghìn yên để mua nó, cuối cùng lại chẳng dùng đến một lần. Cứ mỗi lần nghĩ đến việc đem chiếc máy ra chỗ bán đấu giá cũng chỉ có 100 nghìn yên thôi, nên tôi lại giữ mãi trong nhà. Cuối cùng, tôi lại vứt nó vào khu rác tái chế.
Quy tắc 28: Tận dụng các cuộc bán đấu giá để nhìn lại các món đồ
Tôi đã giảm được rất nhiều món đồ nhờ các cuộc bán đấu giá mà tôi đề cập ở trên. Tại các sàn đấu giá như Yahoo Auction, bạn phải chụp ảnh từng món đồ, ghi thông tin của từng thứ, nên sẽ tốn khá nhiều thời gian. Theo anh Itou Kota, người tôi đã giới thiệu ở đầu cuốn sách, dù mất nhiều thời gian nhưng các sàn bán đấu giá này lại là cách tốt nhất để cắt giảm đồ đạc. Anh Itou vốn có rất nhiều dụng cụ, thiết bị âm nhạc và nghe nói anh đã sử dụng các dịch vụ bán đấu giá này để giảm bớt chúng.
Lý do tôi khuyên bạn nên dùng các cuộc đấu giá là quy trình của nó mất khá nhiều thời gian. Bạn sẽ phải chụp bức ảnh thật tốt, và tóm lược lại đặc điểm, tính năng của món đồ đó. Nhờ vậy, bạn sẽ nhớ lại phần nào cảm giác lúc mới mua nó. Và bạn cũng có thời gian xem xét lại món đồ một lần nữa, suy nghĩ về lý do mà bạn không cần đến nó. Vì phải mất khá nhiều thời gian và công sức nên bạn sẽ chắc chắn hơn với suy nghĩ: Nếu mua một lần nữa, sẽ không mua thứ giống thế này. Đây chính là lợi ích khi dùng dịch vụ bán đấu giá.
Quy tắc 29: Dịch vụ bán đồ tại nhà
Khi bán hàng qua sàn đấu giá, bạn sẽ mất khá nhiều công sức cho việc chuyển đồ. Bạn sẽ phải dùng hộp giấy, hộp xốp để gói ghém kỹ càng trước khi cho chuyển đi. Qua sàn bán đấu giá, giá của món đồ cũng bị rẻ hơn ít nhiều. Thế nên bạn có thể dùng dịch vụ bán đồ tại nhà. Bạn sẽ chẳng phải mất công gói ghém, vận chuyển, người mua sẽ đến tận nhà bạn để lấy đồ. Dịch vụ tôi hay sử dụng là Takaku Ureru Dot Com. Dịch vụ này cho phép tôi bán được nhiều đồ khác nhau.
Lúc bán chiếc tivi 42 inch, tôi đã sử dụng dịch vụ này. Lúc đó tôi chỉ làm mỗi việc bọc nó lại thôi. Sau đó tôi cũng bán luôn PS3 và thiết bị chiếu phim trong nhà. Rồi lúc bán cả giá sách, người của cửa hàng sách cũ ở Jinbocho đã đến tận nơi để mua. Anh ấy đã tính giá từng quyển sách cho tôi, nhưng tổng cộng lại cũng chỉ có 20 nghìn yên. Quan trọng là nếu bạn chỉ phải bỏ ra ít công sức để vứt đi thì việc bỏ bớt đồ sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Quy tắc 30: Đừng nghĩ mãi về “giá lúc mua”
Khi tôi mua một chiếc tivi Plasma 42 inch, giá mua lúc đấy là 80 nghìn yên. Đến lúc bán tivi, tôi chỉ bán được với giá 18 nghìn yên. Rạp chiếu phim trong nhà lúc mua là 40 nghìn yên, lúc bán chỉ còn 5 nghìn yên.
Nói thực là tôi đã nghĩ nó sẽ được giá hơn một chút. Vì đây đều là hàng đã dùng ba năm nên khi đưa đi bán đấu giá, giá thành có thể bị chênh lệch một chút. Tuy nhiên, lúc đó chúng ta chỉ nghĩ đến giá tiền lúc mua chúng mà thôi. Vì thế chúng ta càng khó có thể bán chúng đi được.
Dù là xe mới hay nhà mới thì chỉ cần qua ngày thứ hai cũng sẽ trở thành đồ cũ. Ngày qua ngày, giá trị của món đồ đấy cũng sẽ giảm dần so với giá tiền lúc mua về. Nhưng vì là đồ của mình nên bao giờ ta cũng nghĩ đến nó với giá trị cao nhất. Khi nhượng lại đồ cho người khác, bạn hãy thử đứng từ vị trí của họ để nhìn nhận giá trị của món đồ này, có thể bạn sẽ dễ dàng cho nó đi cũng nên.
Quy tắc 31: Cửa hàng chính là “kho chứa đồ” trong nhà bạn
Tác giả Yosumi Daisuke có giới thiệu trong một tác phẩm của mình về ý tưởng: “Coi cửa hàng như kho chứa đồ trong nhà bạn”. Ý tưởng này có vai trò quan trọng trong việc cắt giảm đồ dự trữ trong nhà. Theo ý tưởng này, các cửa hàng chính là kho chứa đồ có thể đảm bảo được về chỗ chứa các đồ dùng cũng như luôn bảo quản cẩn thận các món đồ đấy phòng khi chúng ta cần đến chúng. Và các cửa hàng tiện lợi chính là những kho đồ luôn mở cửa 24 giờ cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta đến cửa hàng, không phải là chúng ta đến mua đồ mà là đến để lấy đồ.
Nhờ có các kho chứa đồ này mà chúng ta không cần bớt không gian để làm phòng chứa đồ trong nhà nữa, hàng tháng cũng không phải mất tiền để bảo quản đồ trong đấy. Hay ta cũng không phải vất cả khi nhét đồ vào trong phòng.
Ở Nhật có rất nhiều cửa hàng. Đó cũng là các kho chứa đồ luôn đầy ắp hàng và luôn chào đón chúng ta niềm nở. Nếu đến đó, bạn sẽ được chào đón bằng những nụ cười thân thiện. Còn nếu nói về các cửa hàng trên mạng thì Amazon cũng là một kho chứa khổng lồ. Bạn đã có nhiều kho chứa đồ thế này rồi nên không cần phải làm thêm kho chứa đồ trong nhà nữa đâu.
Quy tắc 32: Phố phường chính là phòng khách nhà bạn
Tôi rất hiểu những bạn nào muốn kê một chiếc sô pha thật lớn trong nhà để khách khứa có thể ngồi thoải mái khi đến chơi. Tuy nhiên, tôi thấy bạn không cần thiết phải có phòng khách trong nhà mình. Bạn có thể để nó trong khu phố của bạn. Với tôi, phòng khách của tôi chính là một nhà hàng gia đình trên phố, nơi tôi có thể ngồi bao lâu tùy thích và có ghế sô pha vô cùng êm ái. Đó cũng là một quán cà phê cổ điển, nơi bạn chỉ cần gọi một ly cà phê và có thể ngồi nói chuyện bao lâu tùy thích.
Tôi cũng rất hiểu mọi người đều muốn mời bạn bè về nhà, ăn một bữa lẩu, cùng nhau làm món tráng miệng hay tổ chức những bữa tiệc gia đình. Tuy nhiên, bạn cần biết số dụng cụ để phục vụ cho những dịp hiếm hoi đó tốn khá nhiều diện tích trong nhà. Bây giờ, nếu bạn bè muốn đến nhà tôi ăn lẩu, tôi sẽ nói: Lẩu à, ý kiến hay đấy. Nhưng trong nhà tôi chẳng có gì để nấu lẩu được cả. Xin lỗi nhé. Bù lại tớ biết một quán rất ngon, lại rẻ nữa. Mình đến đấy đi. Sau đó có thể về nhà tôi uống tiếp tăng hai nhé.
Nếu bạn nghĩ toàn bộ khu phố này đều là phòng khách nhà bạn, bạn sẽ làm được rất nhiều thứ.
Quy tắc 33: Hãy vứt bỏ những thứ bạn không hiểu rõ về nó
Đây cũng là một câu nói nổi tiếng trong các tác phẩm của Yosumi Daisuke. Bạn càng yêu thích món đồ đó bao nhiêu, bạn càng biết rõ lịch sử hình thành hay bối cảnh thương hiệu của món đồ đấy. Trong mỗi món đồ thực sự tốt, hay trong những món đồ được gửi gắm cả tình cảm, sự yêu thương chân thành luôn có một câu chuyện đi cùng với nó.
Và trong vô vàn các món đồ tại sao bạn lại chọn món đồ này? Hiểu rõ về nó có nghĩa là bạn có lý do để chọn lựa trong thế giới đồ đạc phong phú hiện nay. Không phải là món đồ nào khác mà phải là chính món đồ này, không có nó thì không được.
Những món đồ có lý do rõ ràng như vậy luôn là những món đồ hoàn hảo với chúng ta. Còn những món mà bạn không biết vì sao lại chọn nó thì hãy vứt đi hoặc đổi sang thứ khác. Những món đồ không có lý do rõ ràng thì cũng không mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn. Nếu bạn sở hữu những món đồ mà bạn hiểu rõ, thì bạn sẽ không còn ước ao đến những thứ mà mình không có nữa.
Quy tắc 34: Hãy vứt bỏ những món đồ mà bạn không nghĩ là sẽ mua một lần nữa
Một cách khác khá hiệu quả để quyết định xem món đồ này có thực sự cần thiết với mình hay không chính là bạn hãy tự hỏi: “Nếu mình đánh mất món này, liệu mình có mua lại một cái giống hệt với giá tiền như thế không nhỉ?” Bạn hãy tưởng tượng là mình làm mất nó, hay bị ai đó lấy mất hoặc dùng quá lâu nên nó đã bị hỏng… trong trường hợp đấy, nếu bạn vẫn muốn mua lại một cái giống hệt với giá tiền tương đương thì có thể khẳng định, đó là món đồ mà bạn thực sự yêu thích và thấy thực sự cần thiết.
Hay nói ngược lại, nếu bạn nghĩ: Không, nhất quyết tôi sẽ không mua thêm một lần nào nữa… thì đó chính là những món đồ mà bạn chẳng bao giờ dùng đúng chức năng của nó, hoặc nó không xứng đáng với số tiền mà bạn đã bỏ ra. Vì vậy, hãy vứt chúng đi. Nếu bạn nghĩ: Lần sau mình sẽ mua cái khác vậy. Điều đó có nghĩa là bạn không ưng món đồ ở điểm nào đó, và bạn cũng nên vứt nó đi thì hơn. Nếu thực sự yêu thích, thực sự cần món đồ nào đó thì bằng cách này hay cách kia, bạn sẽ có nó trong tay. Dù có đánh mất hay làm hỏng nó, bạn vẫn sẽ mua cái giống như vậy thôi. Và chính những món đồ như vậy mới có thể mang lại cảm giác thỏa mãn cho bạn.
Quy tắc 35: Bạn có nhớ hết những món quà mà bạn đem tặng không?
Có một thứ khiến bạn rất khó để bỏ nó đi. Đó là những món quà bạn nhận được. Bởi mọi người thường cảm thấy nếu vứt những món quà đó đi thì không khác gì vứt luôn tình cảm của người tặng và bản thân mình sẽ trở thành một kẻ lạnh lùng. Tuy nhiên, bạn hãy suy nghĩ thêm một chút. Dù có nhớ hết những món quà bạn được tặng, vậy bạn có thể nhớ được người tặng những món quà đó là ai không? Khi tặng quà, tôi chưa bao giờ hỏi các câu như: Sau này anh sẽ dùng đến nó chứ? Những món quà mà tôi đã tặng, thậm chí tôi còn cảm thấy nó sẽ làm phiền đối phương, mặc dù họ không cần nhưng cũng không dám vứt nó đi, nên chắc mọi người ghét nó lắm. Thế nên tôi cũng muốn mọi người nhanh vứt mấy món quà đó đi.