Khi bạn bỏ đi khâu dọn dẹp này, tất nhiên đồ đạc sẽ nằm lung tung, vương vãi trong nhà. Bất cứ ai khi nhìn vào cũng không thể để nguyên tình trạng như vậy được. Và tự nhiên, bạn sẽ giảm dần lượng đồ đạc mình đang có. Không có vệc dọn dẹp, những món đồ này cũng như những con sâu yếu ớt không có tổ, đến một lúc nào đó sẽ tự biến mất thôi.
Quy tắc 19: Giữ nguyên không gian chết trong nhà
Nói đến việc dọn dẹp, không thể không nhắc đến khái niệm “không gian chết”. Thường thì với các khoảng trống không làm gì trong nhà, ta thường tận dụng nó tối đa để chất đầy đồ đạc. Ví dụ bạn kê một chiếc máy giặt và bên trên chiếc máy giặt đó còn trống, thế là bạn treo thêm một cái giá để đựng khăn lau hay bột giặt… Nếu mới chỉ như vậy thì vẫn rất bình thường. Nhưng nếu bạn tận dụng hết các khoảng không trong nhà, căng hết dây treo hay gắn thêm giá đỡ để cất đồ thì việc dọn dẹp của bạn sẽ trải qua hết ngày này đến ngày khác. Lúc đó, bạn chẳng thể hưởng thụ cuộc sống thoải mái được vì chẳng bao giờ bạn dứt ra khỏi việc dọn dẹp đấy cả.
Giống như khi bạn lên một chiếc xe buýt chật cứng người, khi bạn nhìn thấy đống đồ bị nhét vào mọi ngóc ngách bạn cũng sẽ thấy bức bối khó chịu. Thêm vào đó, việc dọn dẹp hết đống đồ đó tốn công sức hơn bạn tưởng rất nhiều. Có một câu nói là: Tác dụng của thứ vô dụng. Câu này có nghĩa là có những thứ nhìn qua tưởng như vô dụng nhưng thực tế lại có tác dụng vô cùng to lớn. Và chính những khoảng trống nhìn qua thì có vẻ là “không gian chết” này lại giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong cuộc sống.
Quy tắc 20: Hãy vứt ý tưởng “một lúc nào đó” nhưng chẳng bao giờ đến
Khi đi mua đồ điện, tôi mang về thêm một đống phụ kiện. Khi sắm máy hút bụi, tôi cũng mua luôn những trang bị đi kèm mà chưa một lần sử dụng. Có những con vít mà tôi chẳng hiểu mình mua nó làm gì. Hay trong nhà tôi còn rất nhiều dây cáp tôi tích sẵn phòng khi cần đến, nhưng tôi cũng không biết phải lắp nó vào đâu. Giờ đây, tôi mới nhận ra là những món đồ cần thiết cho một lúc nào đó như vậy sẽ chẳng bao giờ dùng đến. Thậm chí tôi còn quên luôn mình có nó trong nhà, thế nên khi cần đến tôi cũng không dùng chúng. Cả giấy bảo hành phòng khi đồ dùng hư hỏng tôi cũng vứt luôn vì chẳng bao giờ mở ra cả.
Tôi hay tích trong nhà đầy những hộp kẹo rỗng, những chiếc túi xinh đẹp phòng khi “một lúc nào đó” sẽ dùng. Rồi còn cả quyển sách tiếng Anh mà tôi định học lúc rảnh hay bộ đồ chơi tôi đang chơi dở. Nhưng thực tế thì thời điểm “một lúc nào đó” ấy sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Thế nên bạn hãy vứt hết chúng đi, chỉ cần giữ những món đồ cần thiết cho hiện tại mà thôi.
Quy tắc 21: Hãy vứt một thời lưu luyến
Điều quan trọng khi vứt bớt đồ đạc đó là nó có quan trọng với mình “ngay lúc này” hay không. Cũng giống như việc dù bạn có chuẩn bị sẵn đồ dùng cho một lúc nào đó trong tương lai thì cuối cũng cũng sẽ thành lãng phí, nếu bạn cứ giữ mãi những đồ vật trong quá khứ, thì những món đồ này sẽ tăng lên mãi không thôi.
Những quyển sách giáo khoa thời học sinh, những cuốn sách giúp ta trưởng thành hơn khi còn tấm bé, những bộ đồ tủ trước đây, những sở thích một thời hay những món quà kỉ niệm của người yêu… Nếu cứ mãi chìm trong quá khứ, thì bạn chẳng bao giờ nhận ra được “hiện tại” của bản thân. Chỉ quan tâm đến quá khứ, bạn cũng đã tạo ra cho mình thái độ khinh thường chính bản thân ở hiện tại.
Nếu bạn thực sự muốn thay đổi, chỉ nên giữ những thứ cần thiết cho “hiện tại” mà thôi.
Quy tắc 22: Vứt những món đồ lãng quên
Một người sống tối giản lý tưởng là có thể cho đi hết những đồ vật của mình. Nếu chỉ giữ những món đồ hay sử dụng, những món thật cần thiết cho mình thì chắc chắn bạn có thể nhớ hết những đồ vật mình đang có. Hay nói ngược lại, những món đồ mà bạn đã quên thì thực sự không phải là thứ quan trọng với bạn.
Khi dọn phòng và vứt bớt đồ, bạn sẽ gặp phải những thứ mà chính bạn cũng phải thốt lên: “Mình cũng có cái này á!” Nếu biết nói, chắc hẳn chúng sẽ trả lời là: ‘Vâng, vâng, anh có đấy, chính anh đấy.”
Ví dụ những bộ quần áo nằm yên trong góc tủ. Bạn có thể phối hợp với những phụ kiện khác, nhưng đến tận bây giờ, bạn vẫn không đụng đến nó, thế nên nó không cần thiết với bạn. Bởi nếu cần thiết thì nó đã không nằm yên một chỗ như vậy. Rồi cả những đồ vật nho nhỏ bị rơi vào khe giữa tivi và bức tường cũng không còn cần thiết nữa. Nếu cần nó, bạn đã lật tung cả ngôi nhà lên để tìm rồi. Hay nếu bạn có những thùng giấy được chuyển đi chuyển lại mỗi khi chuyển nhà mà chẳng mở ra lần nào, thì nói thật là sau này bạn cũng không cần đến nó đâu. Hoặc nếu có những thùng giấy mà bạn cũng không nhớ mình nhét gì vào trong đấy thì bạn vứt luôn đi cũng được.
Quy tắc 23: Đừng trở thành nhà sáng tạo khi vứt đồ
Mỗi khi vứt đồ, chúng ta có thể nảy ra những ý tưởng sáng tạo đáng kinh ngạc mà bình thường không bao giờ nghĩ đến.
“Từ từ đã nào. Cái hộp kẹo rỗng này trông có vẻ còn dùng được vào việc gì đó. Nếu dùng nó làm hộp đựng thuốc thì sao nhỉ.”
“Quả nhiên, cái túi Tote này không dùng được nữa rồi, ngày mai vứt nó đi thôi. Ơ không, dùng nó để đựng mấy cái túi giấy cũng được ấy nhỉ.”
“Cái lọ nước hoa này đẹp thật đấy, nhưng mà mình chẳng dùng nữa, hay là vứt đi thôi. À không! (khi nào có thời gian) mình sẽ mua dây điện ở Tokyu Hands và biến nó thành một cái đèn tuyệt đẹp.”
Có lẽ, bạn sẽ chẳng bao giờ làm xong cái đèn đấy đâu. Thực ra, bạn chỉ nghĩ ra mấy ý tưởng kỳ quái này để trốn việc phải vứt đồ đi mà thôi. Dù những ý tưởng này có vẻ khả thi đến đâu đi chăng nữa thì cũng không đang tin được. Mỗi khi chúng ta vứt đồ là chúng ta lại có thể biến thân thành một nhà sáng tạo hàng đầu thế giới.
Quy tắc 24: Hãy bỏ ý tưởng “lấy lại vốn”
Một trong những lý do chính khiến chúng ta cảm thấy “Tiếc quá!” mỗi khi vứt đồ đó chính là những món đồ đó rất đắt. Và trong đầu chúng ta luôn có suy nghĩ: “Nó đắt đến thế mà mình lại chưa lấy lại được hết vốn nữa”. Tuy nhiên, trong tương lai bạn cũng không có khả năng lấy lại tiền vốn đâu.
Tôi có thể đưa ra một ví dụ cho bạn: “Bạn có một chiếc áo từ kiểu dáng đến màu sắc thật tuyệt, mỗi tội kích cỡ không vừa nên chẳng thể mặc được. Và vì bạn đã tốn rất nhiều tiền để mua nó, nên bạn không nỡ vứt nó đi.
Nhưng, bạn hãy nghĩ thêm một chút. Nếu bạn không vứt nó đi thì chiếc áo này sẽ chiếm mất không gian nhà bạn, và mỗi lần nhìn thấy nó, tâm trạng của bạn lại càng đi xuống: “Ôi, mình chẳng dùng đến nó. Mua lỗ rồi…” Nếu quy đổi những tổn thất này ra tiền thì, cái áo này đang âm thầm lấy đi của bạn từ vài chục đến vài trăm yên mỗi ngày. Những món đồ khác cũng vậy. Với những cổ phiếu giá giảm liên tục thì tốt nhất hãy tống khứ nó đi. Bạn cũng hãy vứt luôn ý tưởng “lấy lại vốn đi”. Để bảo đảm được túi tiền và tâm trạng sau này của mình, thì bạn nên bỏ qua lần lỗ vốn này càng nhanh càng tốt.
Quy tắc 25: Vứt “hàng dự trữ”
Nếu không có sẵn hàng nhu yếu phẩm hàng ngày như giấy vệ sinh, khăn giấy… thì những lúc cần dùng đến sẽ rất bất tiện. Vì thế nên mình sẽ mua thật nhiều và tích sẵn trong nhà. Bây giờ đang giảm giá, mua nhiều thôi… Bạn hãy tạm biệt luôn những ý tưởng này trong ngày hôm nay nếu thực sự muốn giảm bớt đồ đạc trong nhà.
Những món đồ mua nhiều hơn mức cần thiết cũng sẽ chiếm những khoảng không gian hơn mức cần thiết. Bạn cũng sẽ phải sắp xếp, dọn dẹp cho những món tích sẵn này. Thế nên, nếu có quá nhiều món dự trữ trong nhà, bạn sẽ không thể biết hết số lượng tích trữ là bao nhiêu.
“Mình còn bông ngoáy tai không nhỉ? Rẻ thế này thì mua luôn thôi nhỉ.” Và thế là trên đường về nhà bạn mua thêm một ít mang về.
Nếu bạn hay tích sẵn đồ trong nhà, thì bước đầu chỉ mua nhiều thêm một cái. Sau khi dùng hết đồ trữ sẵn lại mua thêm một cái nữa. Sau đó mới dần dần giảm xuống còn không. Nếu trong nhà hết đồ, bạn có thể ra ngoài mua tiếp. Trong những trường hợp khẩn cấp, nếu chỉ biết mua tích đồ cho bản thân mà không nghĩ đến người khác thì thật đáng xấu hổ. Hãy dừng việc mua hàng tích trữ trong nhà!
Quy tắc 26: Cảm nhận sự rung động của con tim
Có một câu nói nổi tiếng trong cuốn sách Nghệ thuật bài trí của người Nhật, bán rất chạy của Marie Kondo là: “Trái tim đập rộn ràng”. Đây chính là bí quyết khi phân loại đồ đạc, bạn nên chạm vào từng món đồ và chỉ giữ lại những món nào khiến bạn thực sự cảm thấy xúc động. Và thực sự thì phương pháp chọn đồ đơn giản này cũng vô cùng tiện lợi. Những món đắt tiền nhưng không hợp thời nên chẳng sử dụng bao giờ, những món đồ không dùng đến mà lại khiến mình phải mất công bảo quản… những món này chắc chắn sẽ không khiến bạn cảm thấy lưu luyến. Bạn hãy tin vào cảm giác “rộn ràng” từ con tim mình.
Cảm giác rộn ràng này là ở ngay hiện tại, không phải ở quá khứ, cũng không phải ở tương lai. Thế nên, bạn có thể tập trung vào những món đồ cần thiết ngay tại thời điểm này. Và vì bạn chỉ quyết định dựa vào cảm giác của con tim nên có thể giảm tối đa thời gian quyết định cho mình. Làm theo cách này bạn mới thấy, để con tim rung động thực sự khó hơn tưởng tượng rất nhiều. Thế nên, những món mà bạn vốn không nỡ vứt đi cũng có thể cho vào danh sách vứt bớt.