Quy tắc 11: Vứt những thứ đã không dùng trong một năm
Tiêu chí của chúng ta bây giờ là vứt những thứ không dùng đến. Đây chính là quy tắc vàng để có thể cắt giảm đồ đạc. Bạn cũng hãy vứt những món đồ mà bạn không định dùng đến. Còn những món đồ như: chăn bông dùng cho mùa đông năm nay, áo khoác bạn mặc mỗi năm hay đồ bơi bạn dùng cho mùa hè tới thì không thể bỏ được.
Với những đồ mà cả năm bạn không dùng đến thì sau này bạn cũng chẳng dùng đến nó. Năm nay bạn không dùng, thì năm sau không có nó cũng chẳng có chuyện gì. Những món đồ đấy bạn không nên giữ lại làm gì, tốt nhất là vứt đi thì hơn. Tuy nhiên, những đồ dùng phòng cho trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, thiên tai… thì lại khác đấy nhé.
Bụi bặm là thứ đáng ghét, dù ta có lau chùi bao nhiêu lần thì nó vẫn sẽ bám lại. Nhưng đồng thời, nó cũng là dấu hiệu cho thấy ta nên vứt bỏ cái gì. Những món đồ bám bụi chắc chắn là những món đồ không được sử dụng. Những gì năm nay chúng ta không dùng thì đến năm sau, năm sau nữa chúng ta cũng không cần đến. Bạn hãy dừng ngay việc tiêu tiền bạc, sức lực và thời gian để bảo quản chúng.
Quy tắc 12: Vứt những món đồ vốn chỉ sắm theo cách nhìn của người khác
Như ở chương hai tôi có nói, những người có điều kiện thường hay thể hiện “giá trị của bản thân” qua đồ dùng của mình. Vì vậy chúng ta cũng nên nhìn lại một lần nữa xem : Những món đồ này có thực sự là những thứ mình thích hay không? Hay đó chỉ là những món đồ để ta có thể thể hiện bản thân với mọi người xung quanh? Có lẽ hầu hết mọi người đều sẽ để ý xem người khác nhìn mình như thế nào. Nếu bạn đang có những món đồ như vậy, tốt nhất là nên vứt chúng đi.
Bất cứ ai dù ít hay nhiều cũng đều phải gắng sức vì mục đích nào đó. Có thể là muốn sắm đồ dùng, dụng cụ nấu nướng yêu thích, hoặc muốn trở thành công tử hào hoa phong nhã có xe, đồng hồ, bút máy cao cấp. Cũng có thể vì muốn được chăm sóc bản thân bằng những sản phẩm cao cấp sang trọng hoặc hướng đến một cuộc sống trong mơ, hòa hợp với thiên nhiên…
Nếu bạn không cần phải tốn công tốn sức để bảo quản món đồ nào đó mà có thể sử dụng hết các tính năng của nó, đồng thời thấy vui vẻ mỗi khi dùng thì đó chính là món đồ mà bạn cần. Ngược lại, nếu những món đồ đó sắm về chỉ để có được sự nhìn nhận của người khác thì bạn nên vứt nó ngay thôi.
Quy tắc 13: Phân loại đồ dùng cần thiết và đồ dùng mong muốn
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể. Bạn ăn mặc gọn nhẹ, tay không lên núi. Bạn bị lạc ở một nơi nào đó mà bạn không biết. Rồi thời tiết chuyển xấu, mưa lạnh, ẩm ướt. Không đồ ăn, thức uống. May mắn bạn tìm được một lán nhỏ, tìm được một cái chăn ấm. Cái chăn đó chính là đồ vật cần thiết cho bạn.
Ngày nay, chỉ cần bước ra khỏi nhà thôi là bạn đã bị hấp dẫn bởi vô vàn hàng hóa được bày bán khắp mọi nơi. Nào là đồ điện tử mới nhất, những dụng cụ tiện lợi cho cuộc sống, những món đồ trang trí lung linh, những bộ đồ thời thượng… Chỉ cần nhìn qua thôi, ai cũng sẽ khát khao có được. Những lúc trời lạnh, bạn chỉ cần một cái chăn thôi, nhưng bạn còn muốn cái thứ hai có họa tiết thật đẹp, cái thứ ba có chất liệu mềm mại…
Khi bạn nghĩ muốn một món đồ nào đó, nếu bạn tự hỏi mình nhiều lần xem nó có thực sự cần thiết không, có lẽ bạn sẽ bỏ qua hầu hết các món đồ. Thiền sư Koike Ryunosuke đã nói: Bạn hãy thử đặt tay lên ngực. Nếu bạn cảm thấy thật khổ sở, thì đó không phải là thứ bạn cần, mà đó chỉ là thứ bạn muốn có mà thôi. Khi bạn cảm thấy “khổ sở” tức là bạn đang nghĩ mình còn thiếu thốn cái gì đó trong khi bạn đang rất đầy đủ rồi.
Quy tắc 14: Chụp ảnh những món đồ mà bạn khó có thể vứt đi được
Cách này đã giúp tôi rất nhiều khi muốn vứt những món đồ mà tôi không nỡ vứt đi. Tôi cũng có nhiều món không nỡ vứt, nên cho đến bây giờ, tôi vẫn hay chụp ảnh những món mà mình định vứt. Thậm chí có lần tôi đã chụp ảnh một cái bấm móng tay trước khi ném nó đi. Thực ra, điều khiến chúng ta không nỡ vứt cái gì đó đi không phải là giá trị của món đồ đó, mà là những kỷ niệm xung quanh món đồ ấy.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc vứt đồ hoàn toàn khác với việc vứt những kỷ niệm ấy. Có những người dù biết vậy nhưng vẫn không nỡ vứt đi, có lẽ đó chính là sự tốt bụng của con người. Những bức ảnh chính là để gợi nhớ cho bạn về những kỉ niệm đáng nhớ ấy. Nào là bài văn con làm ở trường, quà kỷ niệm từ chuyến du lịch, hay món quà được tặng từ ai đó… Nếu bạn chụp ảnh chúng lại, bạn sẽ dễ dàng vứt chúng đi hơn.
Theo kinh nghiệm của tôi thì bạn cũng chẳng mấy khi xem lại những bức ảnh đó đâu. Tôi đã chụp cả nghìn bức ảnh nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy xóa nó đi cũng được rồi. bạn càng vứt đi nhiều thì bạn lại càng chỉ chú ý đến “hiện tại” của mình thôi. Nhưng cho đến lúc bạn có thể thoải mái vứt đồ mà không cần chụp ảnh thì trước hết bạn cứ chụp chúng lại đi nhé.
Quy tắc 15: Chuyển những kỷ niệm thành dữ liệu sẽ giúp bạn dễ ôn lại kỷ niệm hơn
Tôi đã từng rất thích máy ảnh phim. Đến bây giờ tôi cũng không tính được hết tiền mua phim và tiền rửa ảnh của mình là bao nhiêu nữa. Lúc nào tôi cũng mang theo chiếc máy ảnh bỏ túi yêu thích mỗi khi ra ngoài. Tôi thích chụp ảnh, nhưng lại chẳng bao giờ biết sắp xếp lại những bức ảnh mình đã chụp. Những bức ảnh đã in ra, phim âm bản… tất cả đều được nhét nguyên trong túi sau khi tôi đã rửa ảnh ở cửa hàng. Thế nên nhiều lúc tôi cũng chẳng nhớ mình chụp mấy tấm này ở đâu, lúc nào. Vả lại, tôi chụp được bức nào là cất vào tủ bức đấy nên phải rất lâu tôi mới lấy ra xem lại. Tóm lại, tôi là kẻ chỉ thích chụp ảnh thôi chứ chẳng xem lại bao giờ.
Tôi đã scan hết mấy tấm ảnh chụp và cả những bức thư nhận được bằng Scan Snap rồi chuyển chúng thành file dữ liệu. Và bây giờ thì tôi có thể dễ dàng xem lại chúng bất cứ lúc nào. Bạn chỉ cần đặt tên file là ngày và nơi chụp, là có thể gợi nhớ lại những kỷ niệm gắn liền với những bức ảnh đó. Thậm chí bạn có thể lưu trữ ở hai nơi cũng được. Nếu lưu chúng vào Cloud Storage, bạn có thể xem lại album của mình ở bất cứ nơi đâu.
Quy tắc 16: Anh đồ đạc, người bạn ở chung phòng, đến cả tiền nhà cũng không trả
Người ta nói rằng khi mình ngồi, chỉ chiếm một nửa chiếc chiếu tatami, còn khi nằm thì chiếm hiết một chiếu. Và không gian cần thiết cho cuộc sống của chúng ta chỉ có như vậy mà thôi. Kể cả có người nào chuyển vào sống cùng ta đi chăng nữa thì họ cũng chỉ lấy thêm một phần không gian tương tự như vậy. Thế nên, dù có thêm một người nữa sống cùng thì tiền thuê nhà cũng không đáng kể mới phải.
Tuy nhiên, hiện nay, bất cứ ai dù là người sống một mình đi chăng nữa thì cũng có một người bạn chung phòng. Đó là anh đồ đạc. Và không gian để anh đồ đạc này nằm, ngủ… lại không chỉ là một nửa, hay là một chiếu tatami như mọi người.
Có lẽ ai trong số chúng ta cũng mong muốn rằng: “Ước gì mình được sống trong trong một ngôi nhà to đẹp nhỉ”. Nhưng thực ra đó không phải là ước muốn cho bản thân chúng ta, mà là ước muốn của anh đồ đạc này khi muốn ở một nơi rộng rãi mà thôi. Anh chàng này chẳng bao giờ làm một việc nhà nào để có thể sống gọn gàng ngăn nắp hơn, thậm chí còn gây thêm cho chúng ta nhiều việc nhà phiền phức khác. Những trường hợp như vậy chúng ta không thể nào cứ thoải mái trả tiền nhà cho anh ta được, hãy cho anh ta ra khỏi nhà, hoặc để mấy anh quá to béo phải giảm cân thôi.
Quy tắc 17: Hãy bỏ ngay ý tưởng “dọn dẹp”, “sửa sang” đi
Trong lần tổng vệ sinh cuối năm, chắc ai cũng sẽ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Và bạn cũng sẽ vứt bớt một vài thứ trong nhà và sắp xếp lại mấy món đồ linh tinh nằm rải rác khắp nhà. Nhưng, bạn hãy nghĩ xem, sang năm bạn cũng sẽ lặp lại như vây. Bạn chỉ cố để mấy món đồ này không ra khỏi vị trí cố định ban đầu của nó. Bạn cũng chỉ thu dọn lại mấy món vương vãi khắp nhà, hay cố nhét chúng vào đâu đấy. Việc này chỉ làm bạn tốn thời gian, bận rộn thêm và khiến mọi thứ quay về tình trạng ban đầu thôi. Chỉ với việc dọn dẹp, sửa sang nhà cửa thì bạn sẽ phải lặp đi lặp lại nó mãi mà thôi.
Điều quan trọng hơn việc dọn dẹp, sửa sang đó chính là giảm số lượng đồ đạc trong nhà. Nếu bạn giảm được số lượng đồ đạc thì tự nhiên sẽ giảm được tình trạng đồ đạc vương vãi khắp phòng. Bây giờ thì trong phòng tôi chẳng có mấy đồ đạc nên cũng không có chuyện đồ đạc bừa bãi lung tung. Và tôi cũng chẳng còn khái niệm về vấn đề này nữa.
Quy tắc 18: Hãy vứt cái tổ mang tên “dọn dẹp”
Đây chính là một điểm quan trọng trong quá trình vứt bớt đồ đạc của bạn. Thường thì mọi người sẽ cho rằng trong quá trình dọn dẹp lại nhà cửa, mình cũng sẽ vứt bớt được một số thứ và dần dần sẽ vứt được hết những đồ thừa thãi đi.
Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng xem một ví dụ tương tự trong trường hợp diệt sâu như sau.
Sau khi bạn giết hết con này đến con khác thì liệu tổ của nó có sạch hết sâu hay không? Dù bạn có giết từng con một thì đến một lúc nào đó, sâu trong các tổ lại tăng lên. Tương tự như vậy, nếu bạn có một cái tổ mang tên dọn dẹp, dù bạn có giảm được đồ đạc trong nhà thì đến một lúc nào đó, những món đồ cũng sẽ “sinh sôi” thêm, càng ngày càng nhiều hơn nữa. Bởi vậy, ngay từ đầu, bạn cần phải dẹp luôn cái ổ này đi, dẹp luôn nơi trú ngụ của những món đồ này.