Quy tắc 3: Vứt đồ không phải là mình đang “mất đi”, mà là mình đang “được lợi”
Lúc vứt bớt đồ đạc, thường thì trong lòng bạn chỉ cảm thấy thật mất mát khi phải bỏ đi một thứ gì đó. Nhưng hãy nói lời chào thân ái với suy nghĩ ấy đi. Vì những thứ bạn có được còn nhiều hơn tưởng tượng của bạn đấy. Đó là thời gian, là không gian, là việc dọn dẹp dễ dàng, là sự tự do hay là năng lượng cho bản thân… Những lợi ích này tôi sẽ giới thiệu kĩ hơn với bạn trong chương bốn, nhưng thực sự những gì bạn có được sau khi vứt bớt đồ đạc là không thể đong đếm được.
Bởi vậy, khi vứt thứ gì đó đi, đừng nghĩ đến chúng nữa mà hãy nghĩ đến những lợi ích chúng mang lại cho bạn.
Tôi có thể quyết tâm vứt bớt đồ đạc đi cũng là nhờ nhận ra những lợi ích như vậy. Ngược lại, nếu bạn không nhìn thấy mặt tốt trong việc này thì rất khó để có thể hình thành thói quen giảm bớt đồ đạc. Và thực sự thì những lợi ích mà bạn không nhìn ra ấy còn lớn hơn rất nhiều so với những đồ dùng bạn vứt đi.
Vậy nên, khi vứt bớt đồ, bạn hãy nghĩ đến mặt tốt mà mình có được nhé.
Quy tắc 4: Xác định lý do không thể vứt bỏ
Chắc hẳn không có mấy người chỉ trong một đêm có thể thành người sống tối giản được. Như tôi đã nói ở trên, vứt đồ chính là một kỹ thuật. Bởi vậy nên ngay cả bản thân tôi, từ một người không dám vứt đồ trở thành như hiện nay cũng có rất nhiều thứ không nỡ vứt đi. Không dám vứt đồ không phải là điều gì đáng xấu hổ, nhưng trước hết bạn cũng cần phải làm rõ lý do vì sao bạn không nỡ vứt đồ như vậy. Giai đoạn đầu tiên này, dù bạn không vứt được gì thì cũng không sao cả.
Tôi đã nhiều lần tự hỏi, vì sao mình lại không thể vứt những món đồ này đi. Và tôi cũng đã thấy thật nhiều lý do: Bởi những thứ này rất đắt, bởi nếu vứt chúng đi thì thật tội lỗi, bởi tôi cảm thấy thật tiếc vì không sử dụng hết chúng. Hoặc cũng có thể vì tôi cảm giác như mình đang vứt bỏ những kỉ niệm đáng nhớ, hay mỗi lần thấy chúng tôi lại không vứt được. Thậm chí lí do đơn giản chỉ là việc vứt đồ thật phiền toái.
Nói tóm lại, lúc mới bắt đầu, bạn có thể không vứt được gì cả, nhưng phải xác định rõ lý do không vứt đi được là gì.
Quy tắc 5: Không có chuyện không vứt được, chỉ đơn giản là không thích mà thôi
Nhà triết học Spinoza đã nói: “Khi người ta nói không làm được tức là người ta không muốn làm”. Khi bạn nghĩ muốn cắt giảm đồ đạc trong nhà, thì đồng thời trong đầu bạn cũng có suy nghĩ không muốn vứt chúng đi. Vì thế nên việc xác định rõ lý do thực sự khiến mình không muốn làm rất quan trọng.
Nếu bạn nói đó chỉ là những cảm giác của bạn thì cũng thật khó mà tin được. Hay bạn có thể đưa ra vài lý do rất hay như: những món đồ này chứa đầy kỉ niệm hay đây là món quà tôi nhận được từ một người rất quan trọng… Nhưng đằng sau những lý do mỹ miều ấy, thực ra chỉ là bạn ngại việc vứt đồ tốn công sức hay quá phiền toái mà thôi.
Con người luôn có xu hướng thích duy trì trạng thái và thích hưởng lạc. Nếu phải chọn giữa việc phải hoạt động khi vứt đồ và việc được an nhàn khi để đồ dùng ở nguyên vị trí thì chắc hẳn ai cũng muốn chọn vế sau rồi. Thế nhưng, nếu bạn chỉ muốn được an nhàn khi “để đồ dùng ở nguyên vị trí” thì chẳng mấy chốc bạn sẽ bị chôn vùi trong đống đồ đạc khổng lồ. Thế nên, bạn hãy nghĩ đến cảm giác đấy mỗi khi muốn vứt đồ đi nhé.
Quy tắc 6: Bộ nhớ, năng lượng và thời gian của chúng ta đều là những thứ có giới hạn
Tôi đã gom hết các tài khoản ngân hàng của mình và bỏ bớt mấy cái thẻ không cần thiết. Xét về trọng lượng thì thẻ rút tiền hay thẻ tín dụng cũng chỉ là mấy tấm thẻ mỏng mà thôi. Nhưng nếu có quá nhiều thẻ thì chúng sẽ chiếm một lượng lớn bộ nhớ của bạn. Bạn sẽ phải nhớ hiện trong các thẻ mình có bao nhiêu, ngày rút tiền là ngày nào, rồi còn phải đề phòng trộm cắp, hay lúc mất ví thì nguyên việc báo mất thẻ cũng đã tốn thời gian rồi.
Chính vì vậy mà mấy tấm thẻ mỏng này lại có thể chiếm một phần lớn trong tâm trí bạn, lấy hết năng lượng, thời gian của bạn. Trong bộ nhớ của con người, ổ cứng được lập trình cách đây năm nghìn năm và đến giờ vẫn không được cải tiến, chẳng có chỗ để nhét được những thứ vô bổ như vậy. Thậm chí tôi còn muốn xóa cả những dữ liệu, những ứng dụng dư thừa để đẩy nhanh tốc độ hành động của mình. Có như vậy tôi mới có không gian trống để suy ngẫm xem đâu mới là điều quan trọng với mình. Nếu không, dù có đặt những việc đấy trước mặt tôi đi chăng nữa, thì với những chương trình chạy chậm thế này tôi cũng không thể hoàn thành được.
Quy tắc 7: Hãy vứt bỏ ngay bây giờ. Vứt bỏ chính là khởi đầu cho mọi thứ
Khi nào có thời gian, tôi sẽ vứt bớt đồ đi. Sau khi suy tính kỹ càng, tôi sẽ vứt đồ vào một lúc nào đó. Xin thưa với bạn là khi bạn còn chìm trong đống đồ đạc của mình thì cái “lúc nào đó” chính là vĩnh viễn.
Không phải là khi bình tĩnh suy nghĩ lại thì bạn mới vứt được cái gì đó đi, ngược lại, sau khi vứt đồ đi, bạn có thể tĩnh tâm suy nghĩ về nhiều thứ. Cũng không phải là vì có thời gian mà bạn mới vứt được đồ, mà sau khi vứt đồ đi, bạn mới có thời gian cho mình. Vậy nên, hãy vứt đồ ngay từ bây giờ. Vứt đồ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của bạn.
Vứt đồ là một kỹ thuật, nhưng không phải sau khi thành thục kỹ thuật ấy bạn mới vứt được đồ. Cũng không phải nhờ đọc cuốn sách này mà bạn có thể bỏ đi món gì được. Chỉ có vừa vứt đồ, vừa rèn luyện kỹ thuật bản thân mới là con đường tốt nhất cho bạn. Ngay bây giờ bạn có thể gấp cuốn sách này lại và lấy túi rác ra thực hành được rồi đấy.
Nếu bạn không vứt đồ ngay bây giờ, bạn sẽ chẳng bao giờ biết vứt cái gì được. Chờ đến khi bạn suy tính kỹ càng, chờ đến khi bạn có thời gian thì vĩnh viễn bạn cũng không thể dọn được đồ trong nhà. Vứt đồ, chính là bắt đầu cho mọi thứ.
Quy tắc 8: Sau khi vứt, chẳng có món đồ gì khiến bạn hối tiếc cả đâu
Từ lúc tôi bắt đầu dọn bớt đồ đến bây giờ, đồ đạc trong nhà tôi hiện có đã được giảm xuống còn khoảng 5%. Tức là nếu tôi có 1000 món đồ thì tôi đã vứt đi 950 món rồi. Thực sự là trong 950 món đó chẳng có món nào tôi hối tiếc sau khi đã vứt đi cả. Thậm chí còn có những món mà tôi chẳng thể nào nhớ ra nó nữa. Trong lòng tôi cảm thấy: “Vứt được chúng đi thật là tốt”. Thực sự, không có một món nào khiến tôi phải ôm chăn mà tiếc nuối.
Thực ra, cảm giác phiền toái khi phải vứt thứ gì đó đi chính là sự lo lắng của bạn, sau khi vứt đi, nếu cần dùng đến thì phải làm thế nào, hay thực sự là sau khi vứt đi thì sẽ thoải mái hơn chứ…
Tôi rất hiểu nỗi lo lắng ấy của bạn. Bất cứ ai cũng sẽ lo lắng những điều như vậy. Nếu bạn đang lo lắng, hãy nghe câu nói này: Sau khi vứt đi, chẳng có món đồ nào khiến tôi phải hối hận. Đối với những món đồ mà bạn vứt đi, hãy nói với chúng rằng: Vứt được chúng mày đi thật là tốt.
Quy tắc 9: Đầu tiên hãy vứt những loại rác rõ ràng trước
Để tập cho mình thói quen vứt đồ, bạn cần biết vận dụng phương pháp luận về việc tạo thói quen cho mình. Ví dụ, khi bạn muốn tập thói quen chạy bộ, thì tốt nhất bạn hãy làm như sau: Ngày đầu tiên, đặt mục tiêu là “đi đến thềm nhà”. Ngày thứ hai, mục tiêu là “đi giày chạy bộ ở thềm nhà”. Cứ như vậy, bạn chỉ cần đặt ra những mục tiêu nho nhỏ cho mình. Khi đạt được mục tiêu đề ra ấy, bạn sẽ có cảm giác thành công nho nhỏ. Và nếu bạn tích đủ những thành công nhỏ ấy, bạn có thể đi đến thành công lớn hơn. Cầu thủ Ichiro đã từng nói: “Việc tích góp nhiững điều nhỏ nhặt chính là một con đường đưa bạn đến với bất ngờ”. Và việc vứt đồ cũng giống như vậy, bạn hãy gom cho mình những niềm vui nho nhỏ khi “đã vứt được rồi” nhé.
Trước hết, bạn hãy bắt đầu từ việc vứt những rác thải mà bất cứ ai cũng có thể thấy. Đấy là mấy cái chai rỗng hay mấy hộp cơm hết… Nếu chúng đang nằm rải rác trong nhà bạn thì hãy vứt chúng luôn đi nào. Sau đó, bạn hãy kiểm tra tủ lạnh và nhớ vứt những đồ ăn quá hạn sử dụng luôn nhé. Tiếp tục, bạn hãy vứt những bộ quần áo đã rách, những đồ điện dân dụng bị vỡ, hỏng… Đó chính là rác thải mà bất cứ ai cũng thấy rõ. Việc vứt bớt đồ đạc của bạn cũng bắt đầu từ khâu này đấy.
Quy tắc 10: Vứt những thứ có nhiều
Có một loại đồ rất dễ để vứt, đó chính là những món đồ có nhiều trong nhà. Đồ dùng, dụng cụ các loại chỉ cần một cái là đủ. Tại sao trong nhà lại có đến hai, ba cái kéo. Tại sao lại có đến năm, sáu cái bút bi chẳng viết đến bao giờ, rồi còn có hai cái bút lông mà chẳng mấy khi viết đến. Bạn không thể nhớ hết vị trí của các món đồ trong nhà vì cũng một món lại có nhiều cái, chúng không có chỗ để cố định nên đương nhiên sẽ nằm lung tung trong nhà bạn. Thậm chí, bạn còn chẳng biết được món này trong nhà mình có bao nhiêu cái nữa.
Nếu bạn có ba cái kéo, bạn không bắt buộc chỉ được giữ một cái. Trong ba cái, bạn có thể vứt đi một cái cũng được. Cách lựa chọn cũng rất đơn giản, bạn cứ vứt cái nào xấu nhất, cái nào không dùng đến hay cái nào cùn nhất. Bạn giảm số lượng kéo trong nhà không có nghĩa là bạn không cắt được nữa. Bạn vứt bớt bút đi cũng không có nghĩa là bạn không viết được nữa.
Hãy giảm dần số lượng của những món đồ có nhiều, để cuối cùng bạn chỉ cần giữ lại một cái thôi.