Nỗi sợ rằng bạn có thể bỏ lỡ thứ gì đó rõ ràng có điểm tương đồng với nỗi sợ hãi của Nicodemus về việc hàng loạt đồ đạc trong tủ của anh biết đâu sẽ hữu ích vào một ngày nào đó, vốn là lý do tôi đề xuất một chiến lược hiệu chỉnh song song với bữa tiệc đóng gói của anh. Bằng cách tránh xa các dịch vụ này trong một tháng, bạn có thể thay thế nỗi sợ bỏ lỡ – các sự kiện, các cuộc hội thoại, những trải nghiệm văn hóa chung – bằng một lượng thực tế nhất định. Đối với hầu hết mọi người, thực tế này sẽ xác nhận một điều gì đó vốn có vẻ chỉ rõ ràng khi bạn đã hoàn thành việc giải phóng bản thân khỏi các thông điệp marketing xung quanh các công cụ này: Chúng không thực sự quan trọng đối với cuộc sống của bạn.
Tôi yêu cầu bạn không thông báo về thử nghiệm 30 ngày của mình là vì đối với một số người, một phần của thứ ảo tưởng ràng buộc họ với truyền thông xã hội là suy nghĩ rằng mọi người muốn nghe những gì bạn nói và có thể thất vọng nếu bạn đột nhiên không bình luận nữa. Tôi đang cố tỏ ra lạc quan trong từng câu chữ của mình, nhưng cảm nhận cơ bản này rất phổ biến và cần giải quyết. Ví dụ, khi tôi viết những dòng này, số lượng người theo dõi trung bình đối với mỗi người dùng Twitter là 208. Khi biết có hơn 200 người tình nguyện nghe những gì bạn nói, bạn sẽ dễ tin rằng các hoạt động của bạn trên các dịch vụ này có vai trò rất quan trọng. Xét theo kinh nghiệm của một người kiếm sống bằng việc bán ý tưởng cho mọi người, thì đây quả là một cảm giác gây nghiện vô cùng!
Nhưng đây là thực tế về khán giả trong kỷ nguyên truyền thông xã hội. Trước khi các dịch vụ này ra đời, việc xây dựng quy mô khán giả ngoài bạn bè và gia đình thân thiết của mỗi người là một công việc khó khăn và mang tính cạnh tranh. Chẳng hạn, vào đầu những năm 2000, bất cứ ai cũng có thể lập blog, nhưng để có được thậm chí chỉ một lượng nhỏ khách truy cập mỗi tháng, họ phải đăng những bài viết có giá trị để thu hút sự chú ý của ai đó. Tôi biết điều này khá rõ. Blog đầu tiên của tôi được lập vào mùa thu năm 2003. Nó được gọi một cách khéo léo là Inspiring Moniker. Tôi đã sử dụng nó để tìm hiểu về cuộc sống với cương vị một sinh viên đại học 21 tuổi. Tôi phải xấu hổ thừa nhận rằng, rất lâu rồi không có ai đọc nó (một thuật ngữ mà tôi đang sử dụng theo nghĩa đen). Một thập kỷ sau, quãng thời gian mà tôi kiên nhẫn thu hút khán giả cho trang blog hiện giờ, Study Hacks, lên đến con số hàng trăm nghìn độc giả mỗi tháng, tôi nhận ra rằng thu hút sự chú ý của mọi người trên mạng là công việc cực kỳ vất vả.
Chỉ có điều bây giờ, chuyện đó đã thành dĩ vãng.
Tôi thừa nhận rằng một trong những yếu tố thúc đẩy truyền thông xã hội phát triển nhanh chóng là khả năng rút ngắn mối liên kết giữa việc tạo ra giá trị thực đầy khó khăn và phần thưởng tích cực khi mọi người chú ý đến bạn. Thế nhưng điều đó đã thay thế sự trao đổi của chủ nghĩa tư bản vô tận bằng hình thức trao đổi của chủ nghĩa tập thể nông cạn: Tôi sẽ chú ý đến những gì anh nói nếu anh chú ý đến những gì tôi nói – bất kể nó có giá trị gì. Ví dụ, blog, tạp chí hoặc chương trình truyền hình chứa nội dung quảng bá một bài đăng Facebook hoặc một trang tin Twitter, trung bình sẽ không thu hút được khán giả nào cả. Nhưng khi đưa vào những quy ước xã hội trên các dịch vụ này, thì cùng nội dung đó sẽ thu hút sự chú ý dưới hình thức Thích và Bình luận. Thỏa thuận ngầm thúc đẩy hành vi này đó là để nhận được sự chú ý (phần lớn là không đáng chú ý) từ bạn bè và người theo dõi, bạn phải đáp lại sự ủng hộ bằng cách dành sự chú ý (cũng không đáng chú ý) đến họ. Bạn “thích” trạng thái mới cập nhật của tôi và tôi sẽ “thích” trạng thái của bạn. Thỏa thuận này tạo ra cho người ta một tầm quan trọng giả tạo mà không cần nhiều nỗ lực đáp lại.
Bằng cách từ bỏ các dịch vụ này mà không thông báo, bạn có thể kiểm tra thực tế trạng thái của mình với tư cách là nhà sản xuất nội dung. Đối với hầu hết mọi người và phần lớn các dịch vụ, tin tức có thể đúng mực – thậm chí không ai ngoài bạn bè thân thiết nhất và gia đình của bạn có thể thấy bạn đã đăng xuất. Tôi thấy mình khó chịu một cách vô cớ khi nói về vấn đề này – liệu có bất kỳ cách giải quyết nào khác không? – nhưng cần phải thảo luận điều này vì mưu cầu tự cho rằng mình là quan trọng là lý do chính khiến mọi người tiếp tục dành thời gian và sự chú ý của mình một cách thiếu suy nghĩ.
Tất nhiên, đối với một số người, thử nghiệm 30 ngày này sẽ rất khó khăn và gây ra nhiều vấn đề. Nếu bạn là một sinh viên đại học hoặc là người kiếm sống nhờ công cụ mạng, thử nghiệm này sẽ làm rối tung cuộc sống của bạn và sẽ được lưu ý. Nhưng đối với đa số mọi người, tôi ngờ rằng kết quả thực tế của thí nghiệm này, nếu không phải là một cuộc đại tu hoành tráng về thói quen sử dụng Internet, thì cũng là một quan điểm có căn cứ hơn về vai trò của truyền thông xã hội trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Các dịch vụ này không nhất thiết phải là huyết quản trong thế giới được kết nối hiện đại của chúng ta như những lời quảng cáo rầm rộ. Chúng chỉ là một sản phẩm, được các công ty tư nhân phát triển, đổ vốn ào ạt, marketing thận trọng với mục đích cuối cùng là thu hút, sau đó bán thông tin và sự chú ý cá nhân cho các nhà quảng cáo. Chúng có thể mang lại niềm vui, nhưng trong lịch trình cuộc sống và mục tiêu của bạn, chúng sẽ gây sao lãng không cần thiết, đe dọa đến khả năng tập trung sâu hơn. Hoặc các công cụ truyền thông xã hội có thể là vấn đề cốt lõi trong cuộc sống của bạn. Bạn sẽ không biết phải làm thế nào cho đến khi được trải nghiệm cuộc sống mà không có chúng.
Đừng sử dụng Internet để giải trí
Arnold Bennett là một tác giả người Anh sinh ra vào gần cuối thế kỷ XX – thời kỳ hỗn loạn của nền kinh tế quê hương ông. Cuộc cách mạng công nghiệp đã được khuấy động trong nhiều thập kỷ tính đến thời điểm đó đã nhận được đủ nguồn vốn thặng dư từ các nguồn lực của đế quốc để tạo ra một giai cấp mới: giai cấp công nhân cổ cồn trắng. Giờ đây, bạn có thể nhận được một công việc, dành vài giờ mỗi tuần trong văn phòng và đổi lại, nhận được một mức lương ổn định đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Lối sống đó rất quen thuộc trong thời kỳ hiện tại, nhưng với Bennett và những người đương thời, điều này còn quá mới mẻ và có phần gây căng thẳng theo nhiều cách. Mối bận tâm lớn nhất của Bennett là thành viên của giai cấp mới này thiếu cơ hội sống một cuộc đời trọn vẹn.
Vào năm 1910, Bennett đã viết trong cuốn sách kỹ năng kinh điển mang tên How to Live on 24 Hours a Day (tạm dịch: Làm cách nào để sống 24 giờ mỗi ngày): “Hãy lấy một người dân London làm việc tại một văn phòng làm ví dụ, người này phải làm việc từ 10 giờ sáng đến 6 giờ tối chưa kể thời gian di chuyển tới chỗ làm và về nhà mất 50 phút mỗi lượt”. Ông lưu ý rằng người làm công ăn lương ở London này còn lại hơn 16 tiếng một chút ngoài giờ làm việc. Đối với Bennett, khoảng thời gian này rất lớn, nhưng hầu hết những người trong tình huống này lại không nhận ra tiềm năng thực sự của nó. Ông nói thêm: “Sai lầm lớn mà anh chàng nhân viên điển hình của tôi mắc phải trong ngày” là dù không thực sự thích công việc này (anh ta chỉ xem nó như một phương tiện để sống “qua ngày”), nhưng anh ta vẫn kiên trì coi khoảng thời gian làm việc từ 10 giờ sáng đến 6 giờ tối là “một ngày”, còn thời gian trước và sau giờ làm việc chỉ là phần phụ. Đây là thái độ mà Bennett lên án là “hoàn toàn vô lý và không lành mạnh”.
Vậy phương án thay thế cho tình trạng này là gì? Bennett gợi ý rằng anh chàng nhân viên điển hình kia nên coi 16 tiếng còn lại ngoài giờ làm việc là “ngày trong ngày” và giải thích rằng: “trong 16 tiếng rảnh rang đó; anh ta không phải là người kiếm tiền; không bận tâm tới vấn đề tiền bạc; và cũng vẫn ổn với thu nhập cá nhân.” Theo đó, anh ta nên sử dụng thời gian như một “nhà quý tộc”: nâng cao năng lực cải thiện bản thân – một nhiệm vụ mà theo Bennett chủ yếu có liên quan đến việc đọc văn chương và thơ ca kinh điển.
Bennett đã viết về những vấn đề này cách đây hơn một thế kỷ. Bạn có thể cho rằng, trong những thập kỷ đầy biến động từ đó tới nay, khoảng thời gian mà tầng lớp trung lưu này bùng nổ về số lượng khắp toàn cầu, thì tư duy của chúng ta về thời gian tiêu khiển cũng thay đổi dần. Nhưng không phải vậy. Nếu có, thì với sự trỗi dậy của Internet và nền kinh tế ít để ý đến dân trí mà nó hỗ trợ, trung bình, một nhân viên có tuần làm việc 40 giờ – đặc biệt là những người sống trong thế hệ Thiên niên kỷ hiểu biết về công nghệ như tôi – đã chứng kiến chất lượng thời gian giải trí của họ vẫn ở trong trạng thái suy thoái, bao gồm việc chủ yếu là lơ đễnh nhấp chuột vào các kênh giải trí kỹ thuật số ít phổ biến nhất. Nếu Bennett còn sống đến giờ, ông có thể sẽ rất tuyệt vọng trước sự thiếu tiến bộ trong kỷ nguyên phát triển con người này.
Phải nói rõ rằng tôi không quan tâm đến nền tảng đạo đức đằng sau những gợi ý của Bennett. Tầm nhìn của ông về nâng cao ý thức và tư duy trong giới trung lưu bằng cách đọc thơ và những cuốn sách tuyệt vời có phần xưa cũ và cổ điển. Nhưng nền tảng logic trong gợi ý đó, rằng bạn nên và có thể sử dụng thời gian rảnh ngoài công việc một cách có chủ đích, vẫn còn hữu hiệu cho đến ngày nay – đặc biệt là đối với mục tiêu của quy tắc này, nhằm làm giảm tác động của các công cụ mạng đến khả năng làm việc sâu của chúng ta.