Một sĩ quan quân đội đóng quân ở nước ngoài là một ví dụ khác. Đối với người lính này, giữ liên lạc sơ qua thường xuyên với bạn bè và gia đình ở nhà là một ưu tiên chính đáng và có thể được hỗ trợ tốt nhất thông qua các mạng xã hội.
Thông qua những ví dụ này, chúng ta nhận thấy một điểm rõ ràng là chiến lược này, nếu được áp dụng như mô tả, sẽ dẫn đến việc nhiều người hiện đang sử dụng các công cụ như Facebook hoặc Twitter sẽ phải từ bỏ chúng – nhưng không phải tất cả. Về điểm này, bạn có thể phàn nàn về sự độc đoán của chúng tôi khi chỉ cho phép một vài hoạt động chi phối các quyết định về công cụ của bạn. Ví dụ, như chúng tôi đã chia sẻ trước đó, Facebook mang lại nhiều lợi ích cho đời sống xã hội của bạn; tại sao một người lại từ bỏ nó chỉ vì nó không hỗ trợ cho các hoạt động mà chúng ta đánh giá là quan trọng nhất? Tuy vậy, điều quan trọng cần hiểu ở đây là hành động giảm bớt triệt để các ưu tiên này không mang tính độc đoán, mà thay vào đó, chúng được thúc đẩy bởi một ý tưởng liên tục xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lợi nhuận của khách hàng, bình đẳng xã hội, cho tới ngăn chặn sự cố trong các chương trình máy tính.
Quy luật Số ít Tối thiểu[44]: Trong nhiều trường hợp, 80% kết quả đã định chỉ do 20% nguyên nhân khả thi gây ra.
Ví dụ, trường hợp 80% lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ đến từ 20% khách hàng, 80% tài sản của một quốc gia nằm trong tay 20% công dân giàu có nhất hoặc 80% sự cố phần mềm máy tính xuất phát từ 20% các lỗi cụ thể được xác định. Hiện tượng này được củng cố bởi cơ sở toán học chính thức (bạn thường mong đợi sự phân chia 80/20 khi mô tả sự phân bổ của luật năng suất so với ảnh hưởng – một loại phân bổ thường xuất hiện khi đo lường số lượng trong thế giới thực), nhưng quy luật này hữu ích nhất là khi được áp dụng cảm tính như một lời nhắc nhở rằng trong nhiều trường hợp, sự phân bổ kết quả không hề đồng đều.
Tiếp theo, hãy giả sử rằng quy luật này sẽ giúp bạn duy trì các mục tiêu quan trọng trong cuộc sống. Như đã lưu ý, chúng ta có thể thực hiện nhiều hoạt động khác nhau để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, quy luật về số ít thiết yếu nhắc nhở chúng ta rằng khoảng 20% hoạt động quan trọng nhất trong số này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Giả sử, bạn có thể đưa ra con số nào đó trong khoảng 10-15 hoạt động khác biệt và có thể mang lại lợi ích cho mỗi mục tiêu trong cuộc sống của bạn, quy luật này cho biết 2-3 hoạt động đứng đầu danh sách – số lượng hoạt động mà chiến lược này yêu cầu bạn tập trung vào – sẽ tạo nên hầu hết sự khác biệt trong việc bạn có đạt được mục tiêu đó hay không.
Tuy nhiên, dù chấp nhận kết quả này, bạn vẫn có thể cho rằng mình không nên bỏ qua 80% các hoạt động còn lại có khả năng mang lại lợi ích. Đúng là những hoạt động ít quan trọng hơn này không đóng góp nhiều vào tỷ lệ thành công của mục tiêu như 2-3 mục tiêu đứng đầu danh sách, nhưng chúng vẫn có thể mang lại lợi ích nào đó, vậy thì tại sao không giữ chúng lại? Miễn là bạn không bỏ qua các hoạt động quan trọng hơn, thì việc đề phòng vài hoạt động thay thế ít quan trọng khác cũng chẳng sao cả.
Tuy nhiên, lập luận này lại bỏ qua điểm mấu chốt rằng tất cả hoạt động, bất kể tầm quan trọng của chúng, đều tiêu thụ cùng một quỹ thời gian và sự chú ý có giới hạn của bạn. Do đó, nếu dành thời gian và tâm sức cho các hoạt động có tác động nhỏ, nghĩa là bạn đang lấy đi thời gian dành cho các hoạt động có tác động lớn. Đó là trò chơi có tổng-bằng-không. Và vì thời gian bạn dành cho những hoạt động có tác động lớn mang lại nhiều thành quả hơn những hoạt động có tác động nhỏ, nên càng tập trung nhiều vào những hoạt động có tác động nhỏ, thì tổng lợi ích thu về của bạn càng thấp.
Giới kinh doanh nắm rõ quy luật này. Đây là lý do tại sao việc một công ty nào đó từ bỏ những khách hàng không mang lại lợi nhuận không hề hiếm gặp. Nếu 80% lợi nhuận của họ đến từ 20% khách hàng, vậy thì họ sẽ đạt được doanh thu lớn hơn bằng cách chuyển hướng năng lượng từ khách hàng có tiềm năng thấp sang phục vụ tốt hơn số ít những khách hàng mang lại những giá trị hợp đồng béo bở – mỗi giờ dành cho khách hàng có khả năng sinh lời cao sẽ mang lại nhiều doanh thu hơn mỗi giờ dành cho khách hàng có tiềm năng sinh lợi thấp. Điều này cũng đúng với các mục tiêu nghề nghiệp và cá nhân bạn. Bằng cách lấy thời gian từ các hoạt động có tác động nhỏ – như tìm bạn cũ trên Facebook – để tái đầu tư vào các hoạt động có tác động lớn – như mời một người bạn thân ăn trưa – bạn sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu hơn. Vì thế, từ bỏ một công cụ mạng bằng cách sử dụng tư duy logic không có nghĩa là từ bỏ những lợi ích tiềm năng nhỏ của nó, mà là để khai thác được nhiều hơn những hoạt động đã biết nhằm mang lại nguồn lợi ích lớn lao.
Trở lại với đoạn đầu của mục này, đối với Malcolm Gladwell, Michael Lewis và George Packer, Twitter không hỗ trợ 20% hoạt động tạo ra phần lớn thành công trong sự nghiệp cầm bút của họ. Dù dịch vụ này có thể mang lại một số lợi ích nhỏ, nhưng khi xem xét tổng thể sự nghiệp của họ, chúng ta có thể nhận thấy họ thành công hơn khi không sử dụng Twitter và chuyển hướng thời gian đó sang những hoạt động sinh lời tốt hơn. Bạn nên cẩn thận như vậy khi quyết định công cụ nào sẽ giúp bạn tận dụng tối ưu thời gian và sự chú ý của mình.
Thoát khỏi truyền thông xã hội
Khi Ryan Nicodemus quyết định đơn giản hóa cuộc sống của mình, một trong những mục tiêu đầu tiên của anh là tài sản. Vào thời điểm đó, Ryan sống một mình tại một căn hộ ba phòng ngủ rộng rãi. Suốt nhiều năm, với tâm lý của người tiêu dùng, anh luôn cố hết sức để lấp đầy không gian rộng rãi này. Giờ đây, đã đến lúc anh cần cải tạo lại cuộc sống, bắt đầu từ đống đồ đạc. Chiến lược mà anh triển khai khi mô tả rất đơn giản nhưng lại khá căn bản về mặt khái niệm. Anh đã dành một buổi chiều đóng gói đồ đạc vào những thùng các-tông như thể sắp sửa chuyển nhà. Để khiến những gì mà anh mô tả là một “nhiệm vụ khó khăn” bớt nặng nề hơn, anh gọi đó là “bữa tiệc đóng gói” và giải thích rằng: “Mọi thứ sẽ thú vị hơn khi đó là một bữa tiệc, đúng không nào?”
Sau khi hoàn thành xong công việc đóng gói, Nicodemus dành tuần tiếp theo để xem xét lại một lượt các thói quen hằng ngày của mình. Nếu cần dùng tới thứ gì đó, anh sẽ mở hộp và đặt vào chỗ cũ sau khi sử dụng xong. Vào cuối tuần, anh nhận thấy đa số các đồ vật vẫn nằm im trong các hộp đã đóng gói.
Vì vậy, anh đã loại bỏ chúng.
Rất nhiều đồ đạc thừa thãi trong cuộc sống của chúng ta, một phần vì khi đứng trước hành động loại bỏ thứ gì đó, chúng ta dễ lo lắng rằng: “Nhỡ một ngày nào đó mình cần đến chúng thì sao?” Sau đó, chúng ta dùng sự lo lắng này làm lý do biện minh cho hành động giữ chúng lại. Bữa tiệc đóng gói của Nicodemus là minh chứng rõ ràng cho thấy hầu hết các vật dụng không phải là thứ anh cần và nó hỗ trợ rất lớn cho mục tiêu đơn giản hóa của anh.
Chiến lược cuối cùng cung cấp phương pháp phân loại có hệ thống các công cụ mạng hiện đang chiếm nhiều thời gian và sự chú ý của bạn. Chiến lược này mang đến một cách tiếp cận hoàn toàn khác nhưng mang tính bổ sung cho những vấn đề tương tự và được lấy cảm hứng từ cách tiếp cận của Ryan Nicodemus nhằm loại bỏ những thứ mà anh không cần đến.
Cụ thể hơn, chiến lược này yêu cầu bạn thực hiện một bữa tiệc đóng gói tương tự các dịch vụ truyền thông xã hội mà bạn hiện đang sử dụng. Tuy nhiên, thay vì “đóng gói”, bạn hãy tránh xa chúng trong 30 ngày. Tất cả các dịch vụ bao gồm: Facebook, Instagram, Google+, Twitter, Snapchat, Vine hoặc bất kỳ dịch vụ nào khác phổ biến kể từ khi tôi bắt đầu viết những dòng này. Đừng hủy kích hoạt các dịch vụ này và (điều quan trọng) là không đề cập trên mạng rằng bạn sẽ “biến mất” khỏi đó một thời gian: Chỉ cần ngừng sử dụng chúng, im lặng tuyệt đối mà thôi. Nếu ai đó liên hệ với bạn bằng các phương tiện khác và hỏi tại sao bạn không hoạt động trên một dịch vụ cụ thể nào đó, bạn có thể giải thích, nhưng đừng phá vỡ quy tắc khi nói với mọi người.
Sau 30 ngày tự cô lập khỏi cuộc sống trên mạng, hãy tự hỏi hai câu hỏi sau về mỗi dịch vụ mà bạn đang tạm thời từ bỏ:
- Liệu 30 ngày qua có hiệu quả hơn đáng kể nếu tôi vẫn sử dụng dịch vụ này không?
- Mọi người có quan tâm đến việc tôi đang không sử dụng dịch vụ này không?
Nếu câu trả lời của bạn là “không” cho cả hai câu hỏi, hãy ngừng sử dụng dịch vụ đó vĩnh viễn. Nếu câu trả lời của bạn là “có”, hãy quay lại sử dụng dịch vụ. Nếu câu trả lời của bạn đủ điều kiện hoặc không rõ ràng, việc có quay lại dùng dịch vụ hay không là tùy bạn, nhưng tôi khuyên bạn nên từ bỏ. (Bạn hoàn toàn có thể quay lại bất cứ lúc nào.)
Chiến lược này thực sự hiệu quả với phương tiện truyền thông xã hội vì trong số các công cụ mạng khác nhau có thể thu hút thời gian và sự chú ý của bạn, những dịch vụ này, nếu được sử dụng vô độ, có thể phá hủy mong muốn làm việc sâu hơn của bạn. Chúng mang đến thông tin được cá nhân hóa ở chế độ liên tục bất ngờ – khiến chúng trở thành thứ gây nghiện, làm tổn hại nghiêm trọng đến nỗ lực sắp xếp và đạt được sự tập trung của bạn. Với những mối nguy này, bạn hy vọng ngày càng có nhiều người lao động trí óc tránh xa hoàn toàn khỏi các công cụ này – đặc biệt là các lập trình viên máy tính hay các tác giả có sinh kế phụ thuộc khá rõ vào kết quả của sự tập trung khi làm việc. Nhưng điều khiến phương tiện truyền thông xã hội ngấm ngầm gây hại nằm ở chỗ các công ty thu lợi từ sự chú ý của bạn đã thành công với kế hoạch marketing tẩy não đầy thuần thục: Họ đã thuyết phục cả xã hội rằng nếu bạn không sử dụng sản phẩm của họ, bạn có thể bỏ lỡ điều gì đó.