Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Bước đầu tiên của chiến lược này là xác định mục tiêu quan trọng chủ đạo trong cả công việc và cuộc sống cá nhân của bạn. Ví dụ, nếu đã lập gia đình, mục tiêu cá nhân của bạn có thể liên quan đến việc nuôi dạy con cái thật tốt và thiết lập tôn ti trật tự trong nhà. Trong công việc, mục tiêu này phụ thuộc vào từng ngành nghề. Ví dụ, với vai trò là một giáo sư, tôi luôn theo đuổi hai mục tiêu quan trọng, một là trở thành giảng viên đứng lớp hiệu quả, một chuyên gia cố vấn tích cực cho sinh viên và mục tiêu còn lại là trở thành một nhà nghiên cứu hiệu quả. Dù mục tiêu của bạn có thể khác đi, nhưng điều quan trọng là bạn phải giữ danh sách mục tiêu này chỉ bao gồm những gì phù hợp và quan trọng nhất với bạn. (Nếu bạn đề ra mục tiêu cụ thể là “1 triệu đô-la doanh thu bán hàng” hay “xuất bản khoảng sáu bài báo một năm”, thì nó lại quá cụ thể so với mục tiêu chúng ta đang nói đến ở đây.) Bạn nên đưa ra mục tiêu trong cả công việc lẫn cuộc sống của mình.

Khi đã xác định được các mục tiêu này, hãy bổ sung hai đến ba hoạt động quan trọng nhất giúp bạn hoàn thành mục tiêu. Những hoạt động này phải đủ cụ thể để giúp bạn hình dung rõ ràng về quá trình thực hiện chúng. Mặt khác, chúng nên mang tính tổng quát đủ để không bị ràng buộc vào một kết quả phải tuân theo nguyên tắc về mặt thời gian. Ví dụ, “tiến hành nghiên cứu tốt hơn” là một mục tiêu quá chung chung (tiến hành nghiên cứu tốt hơn là tiến hành nghiên cứu kiểu gì?), trong khi “hoàn thành báo cáo về các chương trình phát thanh sử dụng giải biên dưới kịp thời cho hội nghị sắp tới” lại quá cụ thể (đó là kết quả một lần). Hoạt động phù hợp trong trường hợp này là: “thường xuyên đọc và hiểu các kết quả nổi trội trong lĩnh vực của mình”.

Bước tiếp theo trong chiến lược này là xem xét các công cụ mạng mà bạn đang sử dụng. Đối với mỗi công cụ, hãy xem xét tỉ mỉ các hoạt động chính mà bạn xác định được và hỏi xem liệu việc sử dụng công cụ có tác động tích cực đáng kể, tác động tiêu cực đáng kể hoặc ít tác động đến việc bạn thực hiện thường xuyên và thành công trong hoạt động này hay không. Giờ thì hãy đi đến một quyết định quan trọng: Hãy sử dụng công cụ này nếu bạn cho rằng nó có những tác động tích cực đáng kể và những tác động này lớn hơn các tác động tiêu cực.

Để minh họa chiến lược này trong thực tiễn, hãy xem xét một nghiên cứu tình huống sau. Vì mục đích của ví dụ này, giả sử nếu được hỏi, Michael Lewis sẽ đưa ra mục tiêu và các hoạt động quan trọng tương ứng cho công việc cầm bút của mình như sau.

Mục tiêu nghề nghiệp: Viết những câu chuyện thú vị và sâu sắc có thể thay đổi cách mọi người nhìn nhận về thế giới.

Các hoạt động chính hỗ trợ mục tiêu này:

  • Kiên nhẫn và tập trung nghiên cứu.
  • Viết cẩn thận và có chủ đích.

Giờ thì hãy tưởng tượng rằng Lewis sẽ dùng mục tiêu này để xác định liệu có nên sử dụng Twitter hay không. Chiến lược của chúng ta buộc ông phải nghiên cứu về tác động của Twitter đến các hoạt động chính hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu mà ông đã liệt kê. Không có bằng chứng nào cho thấy Twitter sẽ giúp Lewis làm tốt hai hoạt động này. Tôi cho rằng hoạt động nghiên cứu sâu sẽ buộc Lewis phải mất nhiều tuần hay nhiều tháng để tìm được vài nguồn thông tin (ông là một bậc thầy trong kỹ năng báo chí tổng hợp với khả năng tổng hợp một câu chuyện gốc từ nhiều nguồn khác nhau); tất nhiên, để viết tốt, người viết phải tập trung và tránh xa sự sao lãng. Trong cả hai trường hợp, ở mức tốt nhất, Twitter có tác động tối thiểu, và ở mức tồi tệ nhất, nó sẽ mang tính tiêu cực tùy thuộc vào sự nhạy cảm của Lewis đối với thuộc tính gây nghiện của dịch vụ. Do đó, Lewis không nên sử dụng Twitter.

Lúc này, bạn có thể phản bác rằng ví dụ hạn chế của chúng tôi hướng vào một mục tiêu duy nhất mang tính phiến diện khi bác bỏ những lĩnh vực mà một dịch vụ như Twitter có thể có cơ hội đóng góp tốt nhất. Cụ thể, đối với các tác giả, Twitter thường đóng vai trò là công cụ tạo dựng kết nối với độc giả, từ đó mang về doanh số bán hàng cao hơn. Tuy nhiên, đối với một tác giả như Michael Lewis, marketing có vẻ không phải là tiêu chí đo lường mục tiêu khi đánh giá những điều quan trọng trong sự nghiệp. Đó là vì danh tiếng của ông có thể đảm bảo rằng ông sẽ có được sự chú ý rộng khắp trên các kênh truyền thông có sức ảnh hưởng lớn nếu cuốn sách thực sự hay. Do đó, ông tập trung hơn vào mục tiêu viết cuốn sách hay hết sức có thể thay vì cố gắng lôi kéo những con số bán hàng thông qua các phương tiện không hiệu quả. Nói cách khác, câu hỏi đặt ra không phải là liệu Twitter có mang lại lợi ích đáng kể nào đó cho Lewis hay không; mà phải là liệu Twitter có gây ảnh hưởng đáng kể và tích cực đến các hoạt động quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông hay không.

Thế còn một tác giả kém nổi tiếng hơn thì sao? Trong trường hợp này, quảng cáo sách có thể đóng vai trò thiết yếu hơn trong mục tiêu của họ. Nhưng khi buộc phải xác định hai hoặc ba hoạt động quan trọng nhất hỗ trợ cho mục tiêu này, thì kiểu quan hệ hời hợt giữa cá nhân với cá nhân mà Twitter mang lại cũng không phải là lựa chọn được đưa vào danh sách của họ. Đây là kết quả của một phép toán đơn giản. Giả sử, tác giả của chúng ta gửi 10 tweet cá nhân một ngày, năm ngày một tuần – mỗi lần tác giả đó sẽ kết nối được với một độc giả tiềm năng mới. Giờ đây, hãy tưởng tượng rằng 50% số người được kết nối theo cách này sẽ trở thành người hâm mộ trung thành chắc chắn mua cuốn sách tiếp theo của tác giả. Trong khoảng thời gian hai năm cần thiết để viết sách, hành động của anh ta tạo ra 2.000 đơn hàng – một con số quá khiêm tốn trên thị trường, nơi mà doanh số bán hàng phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba mỗi tuần mới được coi là bán chạy. Một lần nữa, câu hỏi đặt ra không phải là liệu Twitter có mang lại một vài lợi ích hay không mà là liệu nó có cung cấp đủ lợi ích để bù đắp cho thời gian và sự chú ý (hai tài nguyên đặc biệt có giá trị đối với một tác giả) phải bỏ ra hay không.

Chúng ta đã xem xét ví dụ về cách tiếp cận này trong bối cảnh công việc. Giờ hãy tiếp tục xem xét nó trong bối cảnh mục tiêu cá nhân. Cụ thể, hãy áp dụng cách tiếp cận này đối với một trong những công cụ được bảo mật phổ biến nhất trong văn hóa ngày nay: Facebook.

Khi biện minh cho việc sử dụng Facebook (hoặc các mạng xã hội tương tự), hầu hết mọi người đều viện đến tầm quan trọng của chúng đối với cuộc sống xã hội của mình. Với ý nghĩ này, hãy áp dụng chiến lược của chúng tôi để xem liệu Facebook có còn ảnh hưởng tích cực đến khía cạnh này trong các mục tiêu cá nhân của chúng ta hay không. Để làm như vậy, một lần nữa, hãy đưa ra một mục tiêu và các hoạt động hỗ trợ giả định.

Mục tiêu cá nhân: Duy trì tình bạn thân thiết và quý giá với một nhóm quan trọng đối với tôi.

Các hoạt động chính hỗ trợ mục tiêu này:

  1. Thường xuyên dành thời gian liên lạc với những người quan trọng nhất đối với tôi (ví dụ: tâm sự, đi ăn, hoặc hoạt động tập thể).
  2. Hết lòng hết dạ với những người quan trọng nhất với tôi (ví dụ: sẵn sàng hy sinh để cải thiện cuộc sống của họ).

Không phải ai cũng sẽ có mục tiêu hoặc các hoạt động hỗ trợ chính xác như thế này, nhưng hy vọng bạn hiểu rằng chúng hiệu quả với nhiều người. Giờ đây, hãy lùi lại và áp dụng logic chọn lọc của chiến lược vào ví dụ về Facebook trong bối cảnh mục tiêu cá nhân này. Dĩ nhiên, dịch vụ này có thể mang lại một số lợi ích cho đời sống xã hội của bạn: Nó cho phép bạn liên lạc với những người đã lâu không gặp, duy trì liên lạc sơ sơ với những người quen biết nhưng không nói chuyện thường xuyên, dễ dàng theo dõi các sự kiện quan trọng trong cuộc sống của mọi người (chẳng hạn như họ đã kết hôn hay chưa, em bé của họ trông như thế nào) và tạo điều kiện để bạn tiếp cận các cộng đồng hoặc nhóm trên mạng phù hợp với sở thích của mình.

Đây là những lợi ích thực sự không thể phủ nhận mà Facebook đã mang lại cho chúng ta, nhưng không có lợi ích nào trong số này tác động tích cực đáng kể đến hai hoạt động chính mà chúng ta đã liệt kê, cả hai hoạt động này đều mang tính ngoại tuyến và cần sự tập trung cao độ. Do đó, chiến lược của chúng tôi sẽ đưa ra một kết luận có lẽ là đáng ngạc nhiên nhưng rất rõ ràng: Dĩ nhiên, Facebook mang lại một số lợi ích cho đời sống xã hội của bạn, nhưng không có gì quan trọng với nhu cầu của bạn trong lĩnh vực này đủ để biện minh cho việc bạn phải dành thời gian và sự chú ý của mình cho chúng.[43]

Để làm rõ vấn đề, tôi không cho rằng mọi người nên dừng sử dụng Facebook. Thay vào đó, tôi chỉ đưa ra kết luận đó trong nghiên cứu tình huống cụ thể (mang tính đại diện) này. Tuy nhiên, theo tôi, sẽ có những tình huống hợp lý khác dẫn đến kết luận ngược lại. Ví dụ, hãy xem xét trường hợp của một sinh viên năm nhất đại học. Với sinh viên này, việc thiết lập các mối quan hệ mới có thể quan trọng hơn việc củng cố các mối quan hệ hiện tại. Do đó, các hoạt động mà sinh viên này xác định để hỗ trợ mục tiêu phát triển đời sống xã hội của mình có thể bao gồm một số việc như “tham dự thật nhiều sự kiện và giao lưu với nhiều người khác nhau”. Nếu đây là hoạt động chính và bạn đang là sinh viên, một công cụ như Facebook sẽ có tác động tích cực và nên được sử dụng.

Tác giả: