Tuy nhiên, trước khi bắt đầu chiến đấu chống lại những thứ gây sao lãng này, chúng ta phải hiểu rõ hơn về chiến trường của mình. Việc này đưa tôi đến với điểm quan trọng thứ hai rút ra từ câu chuyện của Baratunde Thurston: sự bất lực của những người lao động trí óc trong việc thảo luận về công cụ mạng và sự chú ý. Bị quá tải bởi nhu cầu sử dụng các công cụ này, Thurston cảm thấy lựa chọn duy nhất của anh là (tạm thời) hoàn toàn thoát khỏi Internet. Quãng thời gian đoạn tuyệt với Internet[41] là phương án thay thế duy nhất dành cho sự sao lãng mà truyền thông xã hội và thông tin giải trí gây ra, thứ đang ngày càng lan rộng trong các cuộc trao đổi về văn hóa của chúng ta.
Vấn đề nằm ở chỗ hai lựa chọn này quá thô lệch tới mức vô dụng. Dĩ nhiên, quan niệm cho rằng bạn sẽ từ bỏ Internet là lối ngụy biện vòng vo, không thể xảy ra với hầu hết mọi người (trừ khi bạn là nhà báo đang viết bài về sự phân tâm.) Không ai thực sự muốn làm theo cách của Baratunde Thurston – thực tế này cũng biện minh cho việc duy trì đề nghị thay thế duy nhất được đưa ra: Chúng ta phải chấp nhận trạng thái bị sao lãng hiện tại như một điều không thể tránh khỏi. Ví dụ, bất chấp sự thấu suốt và rõ ràng mà Thurston đã lĩnh hội được trong thời gian đoạn tuyệt với Internet, sau khi thử nghiệm kết thúc, anh không mất nhiều thời gian để quay trở lại trạng thái sao lãng ban đầu. Vào ngày đầu tiên tôi bắt đầu viết chương này, chỉ khoảng sáu tháng kể từ khi bài viết của Thurston xuất hiện lần đầu trên tạp chí Fast Company, anh chàng này đã gửi hàng tá Tweet trong vài giờ kể từ khi thức dậy.
Quy tắc này còn cố gắng kéo chúng ta ra khỏi vết xe đổ này bằng cách đề xuất một lựa chọn thứ ba: Chúng ta hãy chấp nhận rằng các công cụ này không phải là xấu, một vài trong số đó còn quan trọng đối với thành công và hạnh phúc của bạn, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải chấp nhận rằng ngưỡng thời gian và sự chú ý cần dành để truy cập một trang web (không tính dữ liệu cá nhân) nên được thắt chặt hơn và do đó, hầu hết mọi người nên sử dụng ít công cụ như vậy hơn. Nói cách khác, tôi sẽ không bảo bạn phải từ bỏ Internet hoàn toàn giống như Baratunde Thurston đã làm trong 25 ngày vào năm 2013. Nhưng tôi khuyên bạn nên tránh xa trạng thái siêu kết nối đầy sao lãng đã khiến anh quyết tâm thực hiện thử nghiệm quyết liệt đó lúc đầu. Luôn có một vị trí quan trọng để nếu bạn quan tâm đến việc hình thành thói quen làm việc sâu, bạn sẽ phải nỗ lực hết mình để đạt được điều đó.
Để tìm thấy vị trí trung tâm này khi lựa chọn công cụ mạng, bước đầu tiên chúng ta cần thực hiện là hiểu rõ quá trình ra quyết định mặc định hiện tại của hầu hết những người dùng Internet. Vào mùa thu năm 2013, tôi đã hiểu rõ quá trình này nhờ một bài viết giải thích lý do tại sao tôi không bao giờ dùng Facebook. Dù bài viết này chỉ mang tính giải thích mà không hề có ý cáo buộc, nhưng nó đã làm dấy lên nhiều ý kiến phản đối từ các độc giả, họ đáp lại bằng những lời biện minh cho việc sử dụng dịch vụ của họ. Dưới đây là vài lời biện minh:
- “Tôi mê Facebook chủ yếu vì lý do giải trí là chính. Tôi thấy bạn bè ở đó, đăng những bức ảnh buồn cười và đưa ra những nhận xét nhanh chóng.”
- “[Khi] lần đầu tham gia, [tôi không biết tại sao]… Tôi tham gia một diễn đàn truyện ngắn hư cấu chỉ vì tò mò. [Một khi] ở đó, tôi có thể cải thiện được khả năng viết lách và làm quen được với những người bạn tốt.”
- “[Tôi dùng] Facebook vì rất nhiều bạn bè trung học của tôi cũng dùng.”
Đây là những phản hồi (đại diện cho số lượng lớn phản hồi tôi nhận được về chủ đề này) thực sự gây ấn tượng với tôi: Họ thuộc về nhóm ít người đến mức ngạc nhiên. Ví dụ, rõ ràng, người bình luận đầu tiên trong danh sách này thấy thoải mái khi sử dụng Facebook, nhưng tôi cũng có thể cho rằng người này không thiếu các lựa chọn giải trí khác trước khi sử dụng mạng xã hội này. Tôi cũng cá rằng người dùng này có đầy thú vui khác ngay cả khi dịch vụ này đột nhiên ngắt quãng. Facebook chỉ là một sự bổ sung tùy chọn giải trí (được cho là khá tầm thường) vào vô vàn các hình thức giải trí đang tồn tại.
Một người bình luận khác đã nêu ra lý do kết bạn trên một diễn đàn sáng tác. Tôi không nghi ngờ gì về sự tồn tại của những người bạn này, nhưng chúng ta có thể cho rằng những tình bạn này khá hời hợt – dựa trên việc họ gửi những tin nhắn ngắn gọn qua lại cho nhau thông qua mạng Internet. Những tình bạn hời hợt kiểu này chẳng có vấn đề gì, nhưng có lẽ chúng không thể trở thành trung tâm trong đời sống xã hội của người dùng này. Điều này cũng như thể nói rằng người bình luận đã tái kết nối với bạn bè ở trường trung học: Đây là một hoạt động tiêu khiển thú vị, nhưng hiếm khi nắm giữ vị trí trung tâm trong nhận thức của họ về kết nối xã hội hoặc hạnh phúc.
Để làm rõ, tôi không cố gắng phủ nhận những lợi ích mà họ đưa ra – chúng chẳng có gì là ảo tưởng hay sai lầm. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng đây chỉ là những lợi ích rất nhỏ và có chút ngẫu nhiên. (Ngược lại, nếu thay vào đó, bạn đề nghị ai đó đưa ra lời biện minh cho việc sử dụng mạng lưới toàn cầu (World Wide Web) hoặc e-mail theo cách khái quát hơn, thì các cuộc tranh luận sẽ trở nên cụ thể và hấp dẫn hơn.) Trước nhận xét này, bạn có thể trả lời rằng giá trị là giá trị: Nếu anh/chị có thể tìm thêm một số lợi ích của việc sử dụng một dịch vụ như Facebook – dù nhỏ – thì tại sao lại không sử dụng nó chứ? Tôi gọi cách suy nghĩ này là tư duy lợi-ích-nào-cũng-được, vì nó sẽ đưa ra bất kỳ lợi ích khả thi nào để biện minh hữu hiệu cho việc sử dụng một công cụ mạng. Chi tiết hơn là:
Phương pháp lợi-ích-nào-cũng-được trong việc lựa chọn công cụ mạng: Bạn có thể hợp lý hóa việc sử dụng một công cụ mạng nếu xác định được bất kỳ lợi ích tiềm tàng nào khi sử dụng nó, hoặc bất kỳ điều gì bạn có thể bỏ lỡ nếu không sử dụng nó.
Tất nhiên, vấn đề của cách tiếp cận này nằm ở chỗ nó đã bỏ qua mọi yếu tố tiêu cực đi kèm với các công cụ. Các dịch vụ này được sinh ra để gây nghiện – cướp đi thời gian và sự chú ý từ các hoạt động đóng vai trò hỗ trợ trực tiếp hơn là các mục tiêu chuyên môn và cá nhân (chẳng hạn như làm việc sâu). Cuối cùng, nếu bạn sử dụng các công cụ này vừa đủ, bạn sẽ đạt đến trạng thái quá tải, kết nối siêu nhiễu loạn đã tác động xấu đến Baratunde Thurston và hàng triệu người khác giống anh. Đây là lúc chúng ta đối diện với bản chất thực sự ngớ ngẩn của lối tư duy lợi-ích-nào-cũng-được. Việc sử dụng các công cụ mạng có thể có hại. Nếu không cố gắng cân nhắc kỹ lợi-hại, mà thay vào đó, bạn lại lấy lợi ích tiềm năng hời hợt nào đó để biện minh cho việc sử dụng vô độ một công cụ, bạn sẽ vô tình làm tê liệt khả năng thành công của chính mình trong ngành lao động trí óc.
Nếu được xem xét khách quan, kết luận này không có gì đáng ngạc nhiên. Trong bối cảnh công cụ mạng lên ngôi như hiện nay, chúng ta đã trở nên thoải mái với tư duy lợi-ích-nào-cũng-được, nhưng nếu thay vào đó, chúng ta quan sát và cân nhắc kỹ lưỡng loại tư duy này trong bối cảnh rộng lớn hơn về lao động có tay nghề, thì đột nhiên đây có vẻ là một cách lựa chọn công cụ thiếu phù hợp. Nói cách khác, khi bạn đặt sang một bên lời biện hộ mang tính cách mạng bao quanh mọi thứ trên Internet – thứ cảm nhận rằng mình đang cam kết toàn tâm toàn ý với “cuộc cách mạng” hoặc là một kẻ ngu dốt trước những đổi mới về khoa học kỹ thuật như đã được tổng kết trong Phần 1 – bạn sẽ sớm nhận ra rằng các công cụ mạng không có gì đặc biệt. Chúng là công cụ, không khác gì cây búa của người thợ rèn hay cây cọ của người họa sĩ, được những người thợ thủ công sử dụng để phục vụ cho công việc của họ (và đôi khi chỉ để giải trí) mà thôi. Trong suốt quá trình lịch sử đó, những người thợ thủ công thường phức tạp hóa và có thái độ hoài nghi khi tiếp xúc với các công cụ mới hay phân vân không biết liệu họ có chấp nhận chúng hay không. Do đó, cách hành xử của người lao động trí óc đối với Internet như đã nêu cũng là điều dễ hiểu – thực tế, những người làm lao động chân tay đang tiếp xúc ngày càng nhiều hơn với thế giới số cũng không thay đổi được thực tế này.
Để hiểu rõ phương pháp cẩn thận lựa chọn công cụ, chúng ta nên bắt đầu từ việc trao đổi với những người kiếm sống bằng cách sử dụng các công cụ (không phải dạng kỹ thuật số) và dựa vào mối quan hệ phức tạp với các công cụ này để có thể thành công. Thật may mắn, tôi đã tìm thấy một anh chàng gầy gò, cao lêu nghêu từng học chuyên ngành tiếng Anh nhưng sau đó lại trở thành một nông dân thành công có tên là Forrest Pritchard.
Forrest Pritchard điều hành Smith Meadows, một nông trại gia đình cách Washington D.C. một giờ lái xe về phía tây – một trong nhiều trang trại nằm giữa những thung lũng thuộc dãy núi Blue Ridge. Theo tôi được biết, ngay sau khi tiếp quản mảnh đất từ cha mẹ mình, Pritchard đã xóa bỏ hoạt động độc canh truyền thống và hướng tới khái niệm mới lạ về thịt động vật ăn cỏ. Trang trại bỏ qua bán buôn – bạn không thể thấy thịt bò của Smith Meadows ở Whole Foods[42] – để chuyển sang bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại các chợ nông sản nhộn nhịp ở Washington, D.C. và khu vực tàu điện ngầm nữa. Nhờ những nỗ lực đó, nông trại đang phát triển mạnh mẽ trong ngành mà các tổ chức nhỏ lẻ hiếm khi có cơ hội thành công.