Mỗi sáng, tôi đi bộ đến khuôn viên trường, băng qua cầu Longfellow trong mọi điều kiện thời tiết (thành phố thường chậm chạp trong khâu dọn tuyết trên lối đi bộ sau những trận bão tuyết, việc này sau đó khiến tôi mất hết tinh thần). Vào giờ ăn trưa, tôi đổi pha và chạy về nhà theo hướng khác, dài hơn, men theo bờ sông Charles và băng qua cầu ở đại lộ Massachusetts. Sau khi ăn trưa và tắm qua tại nhà, tôi thường đi tàu điện ngầm băng qua sông trên đường trở lại khuôn viên (việc này có thể giúp tôi tiết kiệm được 500m), rồi đi bộ về nhà vào cuối ngày. Nói cách khác, tôi đã dành rất nhiều thời gian đi bộ trong thời gian này. Chính thực tế này đã giúp tôi hình thành thói quen mà giờ đây tôi muốn bạn áp dụng nghiêm ngặt vào quá trình rèn luyện khả năng làm việc sâu của mình: suy ngẫm hiệu quả.
Mục tiêu của suy ngẫm hiệu quả là dành một khoảng thời gian tập trung vào thể chất thay vì tinh thần – đi bộ, chạy bộ, lái xe, tắm dưới vòi hoa sen – và tập trung vào một vấn đề chuyên môn rõ ràng. Tùy vào ngành nghề của bạn, vấn đề này có thể là phác thảo một bài báo, một bài diễn thuyết, phát triển một vấn đề, hoặc cố gắng định hình một chiến lược kinh doanh. Như trong thiền chánh niệm, bạn phải tiếp tục kéo sự chú ý trở lại vấn đề trước mắt khi sự sao lãng xuất hiện.
Tôi từng thực hành suy ngẫm hiệu quả trong những chuyến đi bộ qua cầu hằng ngày khi sống ở Boston và kết quả của phương pháp này tỷ lệ thuận với sự tiến bộ của bản thân. Ví dụ, tôi đã hoàn thành các bản phác thảo từng chương cho phần lớn cuốn sách mới và cải thiện nhiều vấn đề kỹ thuật quan trọng trong nghiên cứu học thuật của mình khi đi bộ.
Theo tôi, bạn nên áp dụng phương pháp suy ngẫm hiệu quả này vào cuộc sống. Bạn không nhất thiết phải dành riêng thời gian cho nó mỗi ngày, nhưng hãy dành ít nhất 2-3 khoảng thời gian cố định cho nó mỗi tuần. Thật may, sắp xếp thời gian cho chiến lược này không khó, vì nó tận dụng những khoảng thời gian có thể bị lãng phí (chẳng hạn như dắt chó đi dạo hoặc ngồi trên phương tiện công cộng khi đi làm), và nếu được sử dụng đúng cách, khoảng thời gian này thực sự có thể tăng năng suất làm việc của bạn thay vì cắt xén thời gian dành cho công việc. Trên thực tế, bạn thậm chí có thể cân nhắc sắp xếp thời gian ra ngoài đổi gió nếu gặp phải một vấn đề khó khăn ngay trong thời gian làm việc của mình để áp dụng phương pháp suy ngẫm hiệu quả.
Tuy nhiên, tôi không đề nghị bạn áp dụng phương pháp này bởi các lợi ích về mặt hiệu suất của nó (dù nó tốt thật). Thay vào đó, tôi quan tâm đến khả năng của phương pháp trong việc cải thiện năng lực tư duy chuyên sâu. Theo kinh nghiệm của tôi, suy ngẫm hiệu quả được dựa trên hai ý tưởng quan trọng đã giới thiệu ở phần đầu. Bằng cách buộc bạn phải chống lại sự phân tâm và liên tục kéo sự chú ý trở lại với vấn đề trước mắt, suy ngẫm hiệu quả giúp tăng cường khả năng chống lại sự phân tâm và mài giũa sự tập trung hơn nữa.
Để suy ngẫm hiệu quả phát huy tác dụng, bạn cần hiểu rằng giống như bất kỳ hình thức thiền định nào khác, muốn giỏi thì phải luyện tập. Lần đầu thử áp dụng chiến lược này, vài tuần đầu nghiên cứu sau khi có bằng tiến sĩ cao cấp, tôi thấy “bệnh” phân tâm của mình đúng là vô phương cứu chữa – kết thúc chuỗi ngày dài “suy nghĩ” mà thành quả chẳng thấy đâu. Tôi đã phải thực hành cả chục lần trước khi bắt đầu thu được những kết quả thực sự. Đừng nản chí, rồi bạn cũng đạt được kết quả tương tự thôi. Tôi sẽ giới thiệu đến bạn hai gợi ý cụ thể sau.
Gợi ý số 1: Hãy cảnh giác với những sao lãng và suy nghĩ luẩn quẩn
Do chưa có kinh nghiệm, nên khi bạn bắt đầu triển khai chiến lược suy ngẫm hiệu quả, hành động nổi loạn đầu tiên trong tâm trí bạn là nảy ra những suy nghĩ không liên quan nhưng có vẻ thú vị hơn. Ví dụ, tâm trí tôi thường đánh lạc hướng sự chú ý bằng cách bắt đầu soạn e-mail mà tôi biết mình cần phải viết. Nói một cách khách quan, luồng tư tưởng này nghe có vẻ nhạt nhẽo, nhưng vào lúc đó, nó có thể có ảnh hưởng lớn một cách rõ ràng. Khi nhận thấy sự chú ý có dấu hiệu lạc khỏi vấn đề trước mắt, hãy nhẹ nhàng kéo nó quay trở lại và nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể suy nghĩ về việc này sau.
Theo nhiều cách, sự sao lãng kiểu này chính là kẻ thù hiển nhiên cần đánh bại trong quá trình phát triển thói quen suy ngẫm hiệu quả. Một kẻ thù không kém phần nguy hiểm nữa là sự luẩn quẩn. Khi đối mặt với một vấn đề khó khăn, tâm trí bạn ắt sẽ cố gắng tránh tiêu hao năng lượng quá mức khi có thể. Ví dụ, nó sẽ tìm cách tránh đi sâu vào vấn đề quan trọng bằng cách xoáy sâu nhiều lần vào những thông tin đã biết. Ví dụ, khi giải quyết một vấn đề, tâm trí tôi sẽ có xu hướng góp nhặt những kết quả sơ bộ đơn giản rồi làm mới chúng nhiều lần để tránh mất sức tạo dựng những kết quả hướng tới giải pháp cần thiết. Bạn phải cảnh giác với kiểu suy nghĩ luẩn quẩn này, vì nó có thể nhanh chóng phá hủy toàn bộ một buổi suy ngẫm hiệu quả. Khi nhận thấy mình có dấu hiệu suy nghĩ vòng vo, hãy chuyển hướng sự chú ý sang bước tiếp theo.
Gợi ý số 2: Cấu trúc tư duy sâu
“Tư duy sâu” về một vấn đề có vẻ là một hoạt động hiển nhiên, nhưng thực ra không phải vậy. Khi đối mặt với một tâm trí không sao lãng, một vấn đề khó khăn và có thời gian để suy nghĩ, các bước tiếp theo có thể trở nên rối rắm đến không ngờ. Theo tôi, việc xây dựng cấu trúc cho quá trình tư duy sâu này sẽ mang lại hiệu quả. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu bằng việc xem xét toàn bộ các biến có liên quan để giải quyết vấn đề, sau đó ghi nhớ các giá trị này trong đầu. Ví dụ, nếu bạn đang phác thảo dàn ý cho một chương sách, các biến có liên quan có thể là những điểm chính bạn muốn triển khai trong chương. Nếu bạn đang giải một bài toán, các biến này có thể là các biến, các giả định hoặc các bổ đề thực sự. Khi đã làm rõ được các biến có liên quan, hãy xác định câu hỏi cụ thể cho bước tiếp theo mà bạn cần trả lời bằng cách sử dụng các biến. Trong ví dụ về chương sách, câu hỏi này có thể là: “Làm thế nào để tôi mở đầu chương này một cách hiệu quả?” và câu hỏi thể hiện bằng chứng có thể là: “Tôi có thể vấp phải sai lầm nào nếu không đoán được ý nghĩa của bằng chứng này?” Với các biến thể có liên quan trong đầu cùng việc xác định được các câu hỏi cho bước tiếp theo, giờ đây, bạn đã có một mục tiêu cụ thể cho tâm trí rồi.
Giả sử, bạn đã giải quyết xong câu hỏi cho bước tiếp theo, bước cuối cùng của phương pháp có cấu trúc để tư duy sâu là củng cố thành quả bằng cách xem kỹ lại câu trả lời đã xác định. Lúc này, bạn có thể chuyển sang cấp độ tư duy sâu hơn bằng cách bắt đầu lại quá trình. Quá trình này bao gồm việc xem xét và ghi nhớ các biến, xác định và giải quyết câu hỏi cho bước tiếp theo, sau đó củng cố thành quả giống như một thói quen tập luyện cường độ cao cho khả năng tập trung. Việc này sẽ giúp bạn khai thác tối đa hiệu quả các buổi suy ngẫm và đẩy nhanh tốc độ cải thiện khả năng tư duy sâu.
Ghi nhớ một bộ bài
Chỉ trong vòng năm phút, Daniel Kilov có thể ghi nhớ bất kỳ điều nào sau đây: một bộ bài bị xáo trộn, một chuỗi gồm 100 chữ số ngẫu nhiên, hoặc 115 hình trừu tượng (anh đã lập kỷ lục tại Australia với điều cuối cùng). Do đó, không hề ngạc nhiên khi gần đây, Kilov đã giành được huy chương bạc trong giải vô địch trí nhớ của Australia. Dựa theo thành tích của Kilov, có lẽ điều ngạc nhiên nằm ở chỗ anh phải rèn luyện mới có được trí lực đó.
Kilov chia sẻ với tôi rằng: “Tôi không phải là người sinh ra đã sở hữu trí nhớ xuất chúng.” Thật vậy, thời trung học, anh cho rằng mình là người hay quên và vô tổ chức. Anh cũng phải vật lộn với việc học hành và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ với Tansel Ali, một trong những nhà vô địch cuộc thi trí nhớ thành công nhất tại Australia, Kilov bắt đầu nghiêm túc rèn luyện trí nhớ của mình. Thời điểm tốt nghiệp đại học cũng là lúc anh giành được huy chương cấp quốc gia đầu tiên.
Công cuộc chuyển đổi thành một vận động viên trí lực đẳng cấp thế giới của anh tuy diễn ra khá nhanh chóng, nhưng không phải là chưa từng có tiền lệ. Năm 2006, tác giả khoa học người Mỹ Joshua Foer đã chiến thắng cuộc thi Quán quân Trí nhớ của Mỹ chỉ sau một năm rèn luyện (với cường độ cao) – một cuộc hành trình được anh ghi chép lại trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2011 có tiêu đề Moonwalking with Einstein (tạm dịch: Dạo bước trên mặt trăng cùng Einstein). Nhưng điểm đặc biệt ấn tượng với chúng ta trong câu chuyện về Kilov nằm ở thành tích học tập mà anh đạt được trong giai đoạn phát triển trí nhớ chuyên sâu này. Khi rèn luyện trí óc, từ một sinh viên mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, chật vật với việc học, anh đã tốt nghiệp loại ưu ở một trường đại học có yêu cầu cao tại Australia. Kilov sớm được nhận vào chương trình tiến sĩ tại một trong những trường đại học hàng đầu của Australia, nơi anh hiện đang được một triết gia nổi tiếng hướng dẫn nghiên cứu.
Sự chuyển đổi thành công này xuất phát từ nghiên cứu của Henry Roediger, người điều hành Phòng thí nghiệm Trí nhớ tại Đại học Washington ở Saint Louis. Năm 2014, Roediger và các cộng sự của anh đã gửi một nhóm, được trang bị bộ công cụ các bài kiểm tra nhận thức, đến Giải đấu Trí nhớ Xuất chúng được tổ chức tại San Diego. Họ muốn tìm hiểu xem điều gì đã tạo nên sự khác biệt giữa những anh tài có trí nhớ ưu tú này với đa số mọi người. “Chúng tôi nhận thấy một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa các vận động viên trí lực và những người còn lại trong chúng ta là khả năng nhận thức, đó không phải là biện pháp ghi nhớ trực tiếp mà là sự chú ý,” Roediger đã giải thích trong bài viết trên tờ New York Times như vậy (xin nhấn mạnh, đó là bài báo của tôi). Khả năng đặt câu hỏi được gọi là “kiểm soát sự chú ý” và nó đo lường khả năng duy trì sự tập trung vào thông tin cần thiết của các đối tượng.