Tuy nhiên, ý tưởng này còn mang một kết quả tất yếu quan trọng: Nỗ lực tập trung sâu hơn sẽ gặp trở ngại nếu bạn không đồng thời ngăn tâm trí khỏi bị phụ thuộc vào sự phân tâm. Tương tự như cách các vận động viên phải rèn luyện thân thể ngoài các buổi đào tạo, bạn sẽ phải đấu tranh để đạt được mức độ tập trung sâu nhất nếu muốn giữ mình tránh xa khỏi sự nhàm chán.
Chúng ta có thể thấy bằng chứng cho tuyên bố này trong nghiên cứu của Clifford Nass, cựu Giáo sư chuyên ngành Truyền thông của Đại học Stanford, người nổi tiếng với nghiên cứu về hành vi trong thời đại kỹ thuật số. Bên cạnh những lập luận khác, nghiên cứu của Nass còn chỉ ra rằng việc liên tục tập trung vào các vấn đề trên mạng sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến não bộ của bạn. Dưới đây là tóm tắt các phát hiện của Nass trong một cuộc phỏng vấn với Ira Flatow của Đài Phát thanh Phi lợi nhuận Quốc gia vào năm 2010:
Vì vậy, chúng ta có thang đo để chia mọi người thành hai kiểu người có sự khác biệt đáng kể: Những người lúc nào cũng trong trạng thái đa nhiệm và những người hiếm khi làm gì. Những người lúc nào cũng trong trạng thái đa nhiệm không thể nhận ra đâu là những việc không liên quan đến họ. Họ không thể quản lý trí nhớ trong công việc. Họ bị lơ đãng kinh niên. Họ dùng phần não lớn hơn cho những việc không liên quan đến nhiệm vụ đang thực hiện… và điều này có ảnh hưởng rất xấu về mặt tinh thần.
Lúc đó, Flatow hỏi Nass rằng liệu những người bị sao lãng kinh niên có nhận ra sự lặp lại này trong não bộ của họ không.
Những người trao đổi cùng chúng tôi nói rằng: “Nhìn xem, khi thực sự phải tập trung, tôi sẽ bỏ qua tất cả mọi thứ và tập trung cao độ.” Và thật không may, họ đã phát triển những thói quen tư duy khiến họ không thể làm như họ đã nói. Họ không thích hợp. Họ không thể tiếp tục công việc.
Nass phát hiện ra khi não bộ của bạn đã quen với sự sao lãng theo nhu cầu, bạn sẽ rất khó rũ bỏ nó dù muốn tập trung. Cụ thể là: Nếu mọi khoảnh khắc dễ gây nhàm chán trong cuộc sống – ví dụ như việc phải đợi xếp hàng năm phút hoặc ngồi một mình trong nhà hàng chờ bạn bè đến – sẽ nhanh chóng vơi bớt khi bạn nghịch chiếc điện thoại thông minh, não bộ của bạn có thể quay lại điểm “ảnh hưởng xấu về mặt tinh thần” như trong nghiên cứu của Nass, khi nó chưa sẵn sàng cho làm việc sâu – dù bạn có thường xuyên sắp xếp thời gian để rèn luyện sự tập trung này đi nữa.
Quy tắc số 1 đã chỉ cho bạn thấy cách kết hợp làm việc sâu với lịch trình và hỗ trợ nó bằng các thói quen cùng nghi thức được thiết lập ra để giúp bạn liên tục đạt tới giới hạn khả năng chuyên tâm hiện tại. Quy tắc số 2 sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể giới hạn này. Các chiến lược tiếp theo được thúc đẩy từ ý tưởng quan trọng: Để thực hiện tốt nhất thói quen làm việc sâu, bạn cần phải rèn luyện và như đã chỉ ra trong phần trước, quá trình rèn luyện này phải giải quyết được hai mục tiêu: cải thiện khả năng tập trung cao độ và vượt qua mong muốn mất tập trung. Các chiến lược này có nhiều cách tiếp cận, từ việc cách ly sự phân tâm đến thuần thục một hình thức suy ngẫm đặc biệt nào đó, những thứ sẽ góp phần tạo nên quá trình thực tế, bắt đầu từ việc tư duy bị sự phân tâm liên tục tác động xấu và không quen được với sự tập trung, đến một công cụ thực sự giúp bạn tập trung cao độ.
Đừng nghỉ ngơi sau khi bị phân tâm, mà hãy nghĩ ngơi sau khi tập trung
Nhiều người cho rằng họ có thể chuyển đổi giữa hai trạng thái phân tâm và tập trung khi cần thiết, nhưng như tôi đã lập luận, giả định này hơi lạc quan thái quá: Một khi bạn đã quen với sự phân tâm, bạn sẽ khao khát có được nó. Rút kinh nghiệm từ thực tế này, tôi sẽ đưa ra chiến lược nhằm giúp bạn tái thiết lập hệ tư duy tốt hơn để não bộ sẵn sàng tập trung vào công việc.
Trước khi đi sâu vào chi tiết, hãy bắt đầu bằng cách xem xét một đề xuất phổ biến đối với thói quen phân tâm không giải quyết được vấn đề của chúng ta: ngày Sa-bát Internet (đôi khi còn được gọi là ngày detox kỹ thuật số). Về cơ bản, nghi lễ này yêu cầu bạn phải dành thời gian thường xuyên – thường là mỗi tuần một ngày – kiềm chế bản thân không dùng mạng Internet. Tương tự như ngày Sa-bát[38] trong Kinh thánh Hebrew, gồm một khoảng thời gian yên tĩnh và chăm chú để thờ phụng Đức Chúa Trời và các phước lành của Ngài, ngày Sa-bát Internet có ý nghĩa nhắc nhở bạn về những gì bạn đã bỏ lỡ khi dán mắt vào màn hình.
Không rõ ai là người đầu tiên nghĩ ra khái niệm Sa-bát Internet, nhưng người ta thường nhắc đến nhà báo William Powers, người đã phổ biến ý tưởng này thông qua cuốn sách Hamlet’s BlackBerry ra mắt năm 2010. Sau đó, trong một bài phỏng vấn, Powers đã đúc kết lại rằng: “Hãy làm những gì Thoreau[39] đã làm, tạm ngừng kết nối trong giây lát với thế giới đang kết nối – đừng bỏ đi.”
Rất nhiều lời khuyên dành cho vấn đề sao lãng đều đi theo mô-tuýp chung là cố gắng thường xuyên tránh xa những buổi tán gẫu trên mạng. Một số người thường dành một hoặc hai tháng mỗi năm để làm điều đó, những người khác lại làm theo lời khuyên mỗi tuần một ngày của Powers, trong khi có người lại dành một hoặc hai giờ mỗi ngày. Tất cả các hình thức của lời khuyên này đều có ích, nhưng một khi chúng ta đã thấy vấn đề phân tâm dưới dạng kết nối thông tin với não bộ, thì rõ ràng Sa-bát Internet có thể không phải là phương thuốc chữa trị cho một bộ não bị phân tâm. Nếu chỉ ăn uống lành mạnh mỗi tuần một ngày, bạn sẽ không giảm được cân nặng, vì đa số thời gian bạn đều ăn rất nhiều. Tương tự như vậy, nếu chỉ dành một ngày trong tuần tránh xa sự phân tâm, bạn vẫn không thể khiến não bộ giảm ham muốn đối với những kích thích này, vì phần lớn thời gian của bạn đều dành cho chúng.
Tôi xin đề xuất một giải pháp thay thế cho Sa-bát Internet. Thay vì lập kế hoạch thỉnh thoảng nghỉ ngơi nhằm thoát khỏi sự phân tâm để bạn có thể tập trung, bạn nên lập kế hoạch nghỉ ngơi sau khi tập trung để có thể chấp nhận sự phân tâm. Cụ thể hơn, hãy đơn giản hóa giả định rằng sử dụng Internet đồng nghĩa với việc tìm kiếm những kích thích gây sao lãng (tất nhiên, bạn có thể sử dụng Internet theo cách tập trung và chuyên sâu, nhưng đối với người thường hay mất tập trung, đây quả là một nhiệm vụ khó khăn.) Tương tự như vậy, làm việc khi không có Internet đồng nghĩa với việc sẽ tập trung hơn (tất nhiên, bạn vẫn có thể bị phân tâm dù không vào mạng).
Với sự phân loại rõ ràng như vậy, bạn sẽ có chiến lược hiệu quả: Lên lịch trước khi sử dụng Internet và có thể tránh không sử dụng Internet nhiều hơn số lần quy định. Tôi khuyên bạn nên giữ một cuốn sổ tay gần máy tính khi làm việc. Trong cuốn sổ này, hãy ghi lại lần tiếp theo bạn được phép sử dụng Internet. Cho đến lúc đó, bạn hoàn toàn không được cho phép bản thân lên mạng – dù điều đó có hấp dẫn tới đâu đi nữa.
Ý tưởng thúc đẩy chiến lược này là sử dụng hoạt động gây phân tâm mà bản thân nó lại không làm giảm khả năng tập trung của não bộ. Việc chuyển đổi liên tục giữa các hoạt động có tính kích thích thấp/giá trị cao và các hoạt động có tính kích thích cao/giá trị thấp, với mức độ nhàm chán hay thử thách về nhận thức thấp nhất, sẽ rèn luyện tâm trí của bạn để nó không bao giờ thiếu được đặc tính mới mẻ này. Sự chuyển đổi liên tục này có thể được hiểu tương tự như việc làm suy yếu các cơ thần kinh chịu trách nhiệm tổ chức các nguồn lực dành cho sự chú ý của bạn. Khi tách biệt việc sử dụng Internet (do đó cũng tách biệt cả sự phân tâm), bạn sẽ giảm thiểu số lần chấp nhận sự phân tâm, từ đó rèn luyện được tâm trí mình.
Ví dụ, nếu bạn đã lên lịch cho việc sử dụng Internet lần tiếp theo là 30 phút nữa tính từ thời điểm hiện tại, nhưng lại bắt đầu cảm thấy buồn chán và mất tập trung, 30 phút kháng cự tiếp theo sẽ trở thành phương pháp rèn luyện một phiên tập trung. Do đó, một ngày hoàn toàn mất tập trung theo lịch trình sẽ trở thành một ngày rèn luyện tinh thần.
Dù ý tưởng cơ bản đằng sau chiến lược này rất đơn giản, nhưng để thực hiện nó đòi hỏi sự tinh tế khéo léo. Để thành công, đây là ba điểm quan trọng bạn cần xem xét:
Điểm số 1: Chiến lược này sẽ hiệu quả dù công việc của bạn yêu cầu phải sử dụng Internet rất nhiều và/hoặc phải trả lời e-mail nhanh chóng.
Nếu bạn phải dành hàng giờ mỗi ngày để lên mạng hay nhanh chóng trả lời e-mail, cũng được thôi: Điều này chỉ đơn giản nghĩa là khối trực tuyến của bạn sẽ nhiều hơn so với những người có công việc ít cần kết nối mạng. Tổng số hoặc thời lượng sử dụng Internet của bạn không quan trọng bằng việc đảm bảo sự toàn vẹn của khối ngoại tuyến.
Ví dụ, hãy tưởng tượng trong khoảng hai tiếng giữa các phiên họp, bạn phải lên lịch kiểm tra e-mail 15 phút một lần. Hãy tưởng tượng thêm rằng việc kiểm tra đó lại mất trung bình 5 phút. Do đó, bạn có thể sắp xếp một khối trực tuyến kéo dài 15 phút trong suốt hai tiếng, với phần còn lại của thời gian là dành cho khối ngoại tuyến. Trong ví dụ này, bạn sẽ sử dụng khoảng 90 phút trong quỹ thời gian hai tiếng trong trạng thái ngắt kết nối và chủ động chống lại sự phân tâm. Điều này sẽ giúp bạn rèn luyện sự tập trung mà không phải hy sinh quá nhiều kết nối.
Điểm số 2: Dù có lên lịch cho khối trực tuyến như thế nào, bạn cũng phải duy trì thời gian dành cho khối không sử dụng Internet.
Về nguyên tắc, mục tiêu này dễ thực hiện hơn nhưng nó lại sớm trở nên phức tạp trong thực tế lộn xộn của một ngày làm việc tiêu chuẩn. Vấn đề không thể tránh khỏi khi thực hiện chiến lược này là khi bạn đang ở khối ngoại tuyến thì lại có một số thông tin buộc bạn phải kết nối Internet để tiếp tục tiến hành công việc hiện tại. Nếu khối trực tuyến tiếp theo không thể bắt đầu trong giây lát, bạn có thể bị mắc kẹt. Trong tình huống này, cám dỗ sẽ khiến bạn nhanh chóng nhượng bộ, vì thế, hãy tra cứu thông tin rồi quay lại với khối ngoại tuyến. Bạn phải chống lại sự cám dỗ này!Internet rất hấp dẫn: Bạn có thể nghĩ mình chỉ đang kiểm tra một e-mail quan trọng trong hộp thư đến mà thôi, nhưng bạn sẽ thấy khó mà ép mình không nhìn lướt qua tin nhắn “khẩn cấp” mới đến. Không thể có quá nhiều ngoại lệ trước khi tâm trí bạn bắt đầu xem rào cản giữa khối trực tuyến và khối ngoại tuyến như một hiện hữu vô hình – và đánh mất tác dụng của chiến lược này.