Quan sát các thí nghiệm của Dijksterhuis và cộng sự về việc giới thiệu thuyết tư duy theo tiềm thức (unconscious thought theory – UTT), ta có thể thấy nỗ lực trong việc hiểu được vai trò khác nhau giữa trạng thái có ý thức và tiềm thức khi đưa ra quyết định. Xét ở cấp độ cao, lý thuyết này đề xuất rằng đối với những quyết định yêu cầu áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt, con người sẽ phải dùng tới tư duy có ý thức. Ví dụ, nếu cần thực hiện một phép tính, chỉ có ý thức của bạn mới có thể tuân theo các quy tắc số học để cho ra kết quả chuẩn xác. Mặt khác, đối với các quyết định liên quan đến lượng thông tin lớn và mơ hồ chưa rõ, thậm chí còn nhiều mâu thuẫn và hạn chế, thì tư duy tiềm thức là lựa chọn thích hợp. UTT đưa ra giả thuyết rằng, điều này là do thực tế vùng não có nhiều luồng truyền tải tế bào thần kinh hơn, cho phép chúng truyền tải và sàng lọc được nhiều thông tin thông qua các giải pháp tiềm năng hơn các trung tâm tư duy có ý thức. Theo lý thuyết này, tư duy trong vô thức giống như một máy chiếc tính tại nhà mà bạn có thể chạy các chương trình đã được lập trình cẩn thận nhằm biến những câu trả lời chính xác thành các vấn đề hạn chế, trong khi tư duy tiềm thức lại giống như các trung tâm dữ liệu rộng lớn của Google, trong đó các thuật toán thống kê sẽ phân tích hàng nghìn tỷ byte thông tin chưa được cấu trúc, đưa ra các giải pháp hữu ích đáng ngạc nhiên cho những câu hỏi khó.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng việc cung cấp thời gian nghỉ ngơi cho não bộ có ý thức sẽ cho phép tư duy tiềm thức giải quyết những thách thức phức tạp nhất trong công việc. Do đó, nghỉ ngơi không nhất thiết là phải giảm lượng thời gian làm việc hiệu quả mà thay vào đó, bạn có thể đa dạng hóa hình thức làm việc.
Lý do số 2: Thời gian nghỉ ngơi giúp bạn hồi phục năng lượng cần thiết để làm việc sâu
Một bài báo được trích dẫn trên tạp chí Psychological Science năm 2008 đã mô tả một thí nghiệm đơn giản. Đối tượng tham gia được chia thành hai nhóm. Một nhóm được yêu cầu đi bộ trên con đường rậm rạp trong khu vườn thực vật gần Ann Arbor, Michigan. Nhóm còn lại được đưa đi dạo tại khu trung tâm thành phố nhộn nhịp. Cả hai nhóm đều được giao nhiệm vụ hạn chế quãng số đếm ngược. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm đi giữa thiên nhiên đã thực hiện tốt hơn tới 20% nhiệm vụ. Lợi thế khi đi trong môi trường tự nhiên vẫn được duy trì ở tuần tiếp theo khi các nhà nghiên cứu thực hiện trên cùng đối tượng và di chuyển vị trí: Con người không phải là yếu tố quyết định tới kết quả nhưng liệu họ có cơ hội được đi dạo trong rừng như vậy không?
Hóa ra, nghiên cứu này là một trong nhiều nghiên cứu xác nhận lý thuyết phục hồi sự chú ý (attention restoration theory – ART), khẳng định rằng việc dành thời gian để hòa mình vào thiên nhiên có thể giúp cải thiện khả năng tập trung của con người. Lý thuyết này được Rachel Kaplan và Stephen Kaplan, hai nhà tâm lý thuộc Đại học Michigan, đề xuất lần đầu vào những năm 1980 (sau đó, đồng tác giả Stephen Kaplan đã tiếp tục nghiên cứu cùng Marc Berman và John Jonides vào năm 2008), dựa trên khái niệm về sự suy giảm chú ý. Lý thuyết tập trung vào những điều mà ART gọi là sự chú ý được điều hướng. Nguồn năng lượng này rất hữu hạn; nếu sử dụng hết, bạn sẽ phải cố gắng tập trung. (Theo mục đích hiện tại, có thể coi điều này giống với việc dự trữ năng lượng có hạn của Baumeister mà chúng ta đã thảo luận trong phần giới thiệu về quy tắc này.[35]) Nghiên cứu năm 2008 cho thấy việc đi lại trên các cung đường thành phố nhộn nhịp đòi hỏi bạn phải sử dụng sự chú ý được điều hướng, khi bạn phải điều hướng các tác vụ phức tạp như cân nhắc xem khi nào nên băng qua đường an toàn, khi nào cần luồn lách qua nhóm khách du lịch chậm chạp đang tụ tập trên vỉa hè. Chỉ sau khoảng 50 phút điều hướng tập trung như thế, sự chú ý của chúng ta sẽ giảm đi.
Ngược lại, việc đi bộ giữa thiên nhiên sẽ cho bạn thấy được những gì mà tác giả hàng đầu Marc Berman gọi là “sự kích thích hấp dẫn vốn có”. Chúng ta hãy lấy các buổi hoàng hôn làm ví dụ. Những kích thích này “gợi lên sự chú ý một cách khiêm tốn, tạo cơ hội để bổ sung các cơ chế tập trung chú ý”. Nói cách khác, khi đi bộ giữa thiên nhiên, bạn không cần phải điều hướng sự chú ý vì có rất ít trở ngại phân tán sự chú ý của bạn (như việc phải vượt qua các đám đông trên phố chẳng hạn), đồng thời bạn còn được trải qua những tác nhân kích thích thú vị giúp tâm trí khoáng đạt, không cần phải điều khiển sự chú ý. Trạng thái này củng cố hơn nữa sự chú ý được điều hướng. Các đối tượng sẽ tăng mức độ tập trung sau 50 phút bổ sung đó.
(Tất nhiên, bạn có thể cho rằng việc được ở ngoài trời ngắm hoàng hôn sẽ khiến mọi người có tâm trạng tốt hơn, từ đó giúp họ thực hiện suôn sẻ các nhiệm vụ. Nhưng trong tình huống thách thức hơn, các nhà nghiên cứu đã rút ra kết luận bằng cách lặp lại thí nghiệm trong mùa đông khắc nghiệt ở Ann Arbor. Đi bộ ngoài trời trong điều kiện thời tiết lạnh thấu xương không thể khiến các đối tượng có tâm trạng tốt được, nhưng rốt cuộc họ vẫn kết thúc các nhiệm vụ một cách tốt đẹp.)
Quan trọng là chúng ta đã thấy được tác động của ART vượt ra ngoài lợi ích của thiên nhiên. Cơ chế cốt lõi của lý thuyết này nằm ở chỗ bạn có thể khôi phục khả năng điều hướng sự chú ý của mình nếu tạm dừng hoạt động để nghỉ ngơi. Đi bộ giữa thiên nhiên luôn mang đến tinh thần đó, nhưng vẫn còn rất nhiều hoạt động thư giãn khác dành cho bạn, miễn là chúng mang lại những “kích thích hấp dẫn vốn có” tương tự và không phải điều hướng sự tập trung. Trò chuyện tếu táo với bạn bè, nghe nhạc trong khi chế biến bữa tối, chơi với các con, chạy bộ… sẽ giúp bạn hồi phục sự chú ý tương tự như khi đi dạo giữa thiên nhiên vậy.
Mặt khác, nếu tiếp tục làm gián đoạn buổi tối của mình bằng việc kiểm tra và trả lời e-mail, hoặc dành vài giờ sau bữa tối để tranh thủ làm việc cho kịp thời hạn, thì bạn chính là người đang kiểm soát trung tâm của sự chú ý trực tiếp. Ngay cả khi những hoạt động này chỉ tốn chút thời gian, chúng cũng sẽ cản trở bạn đạt đến mức độ thư giãn sâu hơn nhằm phục hồi sự chú ý. Chỉ khi tự tin rằng mình đã hoàn thành công việc cho đến tận hôm sau, lúc đó bạn mới có thể thuyết phục não bộ tạm thời nghỉ ngơi để bắt đầu nạp năng lượng cho ngày mới. Nói cách khác, cố gắng tham lam xử lý nhiều việc hơn một chút vào buổi tối có thể khiến bạn giảm hiệu quả làm việc vào ngày hôm sau, do đó, bạn sẽ không thể hoàn thành được nhiều việc như khi bạn tôn trọng việc nghỉ ngơi.
Lý do số 3: Công việc mà thời gian rảnh rỗi buổi tối có thể thay thế được thường không quan trọng
Tranh luận cuối cùng về việc duy trì điểm kết thúc rõ ràng cho một ngày làm việc đòi hỏi chúng ta phải hiểu qua một chút về Anders Ericsson, cha đẻ của thuyết thực hành có chủ đích. Hãy nhớ lại Phần 1, thực hành có chủ đích là cố gắng phát huy khả năng với một kỹ năng nhất định theo cách có hệ thống. Đây là hoạt động cần thiết giúp bạn giỏi hơn trong lĩnh vực nào đó. Như tôi đã trình bày, làm việc sâu và thực hành có chủ đích là hai việc tương đối chồng chéo nhau. Mục đích ở đây là chúng ta có thể biến thực hành có chủ đích thành mục tiêu chung cho những nỗ lực đòi hỏi cao về nhận thức.
Trong bài báo có tiêu đề “The Role of Deliberate Practice in the Acquisition of Expert Performance” (tạm dịch: Vai trò của thực hành có chủ đích trong quá trình đạt được hiệu suất làm việc như chuyên gia) của Ericsson công bố năm 1993, ông đã dành hẳn một mục để tổng kết lại những gì mà tài liệu nghiên cứu chỉ ra về khả năng của một cá nhân trong công việc yêu cầu nhận thức. Ericsson lưu ý rằng, đối với những người chưa có kinh nghiệm, mỗi ngày họ chỉ có thể tập trung cao độ tối đa là một giờ, trong khi đối với các chuyên gia, con số này có thể kéo dài tới bốn giờ – nhưng lại hiếm gặp hơn.
Chẳng hạn, một trong các nghiên cứu đã liệt kê thói quen thường lệ của một nhóm người chơi violin ưu tú được đào tạo tại trường Unisversität der Künste của Berlin. Nghiên cứu cho thấy những người chơi violin giỏi dành trung bình khoảng ba tiếng rưỡi mỗi ngày để thực hành có chủ đích và thường được chia thành hai giai đoạn riêng biệt. Những người chơi kém lão luyện hơn sẽ dành ít thời gian hơn trong trạng thái chuyên sâu.
Những kết quả này cho thấy khả năng làm việc sâu trong một ngày nhất định là có giới hạn. Nếu cẩn thận với lịch trình của mình (ví dụ, sử dụng loại hình chiến lược năng suất được mô tả trong Quy tắc số 4), bạn nên chú trọng tới năng lực làm việc sâu trong suốt thời gian làm việc ban ngày. Như vậy, vào buổi tối, bạn sẽ vượt ngưỡng có thể tiếp tục làm việc sâu hiệu quả. Do đó, bất cứ công việc nào bạn làm vào buổi tối đều không phải là loại hoạt động có giá trị nhằm thúc đẩy sự nghiệp; thay vào đó, nỗ lực của bạn có thể bị giới hạn trong các nhiệm vụ tầm phào mang giá trị thấp (được thực hiện với tốc độ chậm chạp, không tiêu tốn năng lượng). Nói cách khác, khi tạm thời bỏ qua các công việc buổi tối, bạn sẽ không bỏ lỡ nhiều việc quan trọng.
Ba lý do được mô tả trên đây đều hỗ trợ chiến lược chung nhằm duy trì điểm dừng chính xác cho ngày làm việc của bạn. Hãy chốt lại bằng cách hoàn thiện một số chi tiết cho việc triển khai quá trình này.
Để áp dụng thành công chiến lược này, trước tiên bạn phải chấp nhận cam kết rằng khi ngày làm việc đã kết thúc, bạn không được phép để những mối bận tâm liên quan đến nghề nghiệp, dù là nhỏ nhất, xâm phạm vào lĩnh vực bạn đang cần chú ý. Đó có thể là các hoạt động như kiểm tra e-mail hay lướt các trang web có liên quan đến công việc. Trong cả hai trường hợp, dù chỉ là một sự xâm phạm chóng vánh, cũng có thể khiến bạn phân tâm nhiều hơn và làm giảm hiệu quả của thời gian nghỉ ngơi trong một thời gian dài (ví dụ, hầu hết mọi người đều quen với việc liếc nhìn thông báo e-mail vào sáng thứ Bảy, nó sẽ ám ảnh suy nghĩ của bạn suốt thời gian cuối tuần còn lại).