Trong các thử nghiệm ban đầu với 4NT, tôi đã đưa ra một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để thực hiện bảng điểm này. Tôi lấy một tấm thẻ và chia nó thành các hàng, mỗi hàng là một tuần của học kỳ hiện tại. Sau đó, tôi gắn tên mỗi hàng với các ngày trong tuần và dán nó cạnh màn hình máy tính (nơi tôi không thể ngó lơ). Mỗi tuần trôi qua, tôi lại theo dõi số giờ đã dành để làm việc sâu trong tuần đó bằng một dấu tích đơn giản vào hàng của tuần đó. Để tối đa hóa động lực được tạo ra từ bảng điểm này, cứ khi nào đạt được một mốc quan trọng trong công việc (ví dụ như giải quyết một vấn đề hóc búa), tôi sẽ khoanh tròn đánh dấu tương ứng với số giờ tôi đã hoàn thành.[34] Điều này nhằm hai mục đích. Thứ nhất, nó cho phép tôi kết nối các giờ làm việc sâu lũy kế với kết quả hữu hình. Thứ hai, nó giúp hiệu chỉnh kỳ vọng của tôi với số giờ làm việc sâu cần thiết cho từng kết quả. Thực tế này (còn lớn hơn so với những gì tôi nghĩ lúc đầu) đã thúc đẩy tôi làm việc sâu nhiều hơn.
Nguyên tắc số 4: Có trách nhiệm giải trình thường xuyên
Các tác giả của 4NT cho biết thêm rằng bước cuối để duy trì sự tập trung vào phép đo chỉ dẫn là: “Các nhóm đang hướng tới mục tiêu tối quan trọng cần thường xuyên tổ chức các cuộc họp”. Tại những cuộc họp này, các thành viên trong nhóm phải đối chiếu bảng điểm, cam kết các hành động cụ thể giúp cải thiện điểm số trước khi cuộc họp tiếp theo diễn ra và trình bày kết quả các cam kết đã thực hiện được tại cuộc họp trước đó. Họ lưu ý rằng đánh giá này có thể được tóm gọn chỉ trong vài phút, nhưng phải được tiến hành thường xuyên để đạt hiệu quả. Các tác giả cho rằng điều này sẽ hình thành nên kỷ luật để các nhóm có thể “nghiêm túc thực hiện” hành động.
Các cá nhân tập trung vào thói quen làm việc sâu của riêng mình có thể sẽ không có hội nhóm để tiến hành cuộc họp, nhưng điều này không có nghĩa là bạn không cần phải chịu trách nhiệm giải trình thường xuyên. Ở nhiều phần trong cuốn sách này, tôi đã thảo luận và đề xuất thói quen đánh giá hằng tuần, trong đó bạn phải lập kế hoạch cho tuần làm việc tiếp theo (xem Quy tắc số 4). Trong suốt quá trình trải nghiệm với 4NT, tôi đã sử dụng đánh giá hằng tuần để xem xét bảng điểm, ghi nhớ những tuần xuất sắc nhằm tìm ra điều gì đã dẫn đến những tuần kém hiệu quả và quan trọng nhất là tìm ra cách đảm bảo có được điểm số cao cho những ngày sắp tới. Điều này đã giúp tôi điều chỉnh lịch trình nhằm đáp ứng nhu cầu của phép đo chỉ dẫn, từ đó rút kinh nghiệm để làm việc sâu hơn nữa.
Khung 4NT dựa trên tiền đề cơ bản là quá trình thực hiện thường khó khăn hơn quá trình lập chiến lược. Sau khi nghiên cứu hàng trăm trường hợp điển hình, các tác giả đã tách biệt được một vài nguyên tắc kỷ luật cơ bản có vẻ đặc biệt hiệu quả để khắc phục khó khăn này. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những nguyên tắc này đều có tác động như nhau đến mục tiêu cá nhân khi nuôi dưỡng thói quen làm việc sâu.
Để đi tới kết luận, hãy cùng xem lại ví dụ của tôi một lần nữa. Như đã đề cập, khi lần đầu tiếp cận 4NT, tôi đã đặt ra mục tiêu xuất bản năm bài báo được giới chuyên môn đánh giá cao trong năm học 2013-2014. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng khi tôi chỉ mới xuất bản được bốn bài báo vào năm trước (một kỳ tích mà tôi vẫn luôn tự hào). Trong suốt quá trình trải nghiệm 4NT, sự rõ ràng của mục tiêu cùng phản hồi đơn giản nhưng dễ nhận thấy từ bảng điểm của phép đo chỉ dẫn đã thúc đẩy tôi đạt đến mức độ chuyên sâu chưa từng có. Nhìn lại thì đó không phải là vì tôi đã tăng cường độ làm việc sâu lên quá nhiều, mà thay vào đó, tôi thực hiện thói quen này thường xuyên. Thói quen 4NT giúp tâm trí tôi tập trung suốt cả năm. Khi kết thúc quá trình, tôi phải thừa nhận đó quả là một năm đầy mệt mỏi (đặc biệt là khi đó tôi cũng đang viết cuốn sách này). Nhưng hóa ra, nó cũng là minh chứng đầy thuyết phục cho khuôn khổ 4NT: Chỉ trong mùa hè năm 2014, tôi đã có chín bài báo được phê duyệt xuất bản, tăng gấp đôi so với những gì tôi đã đạt được trong các năm trước đó.
Sự biếng nhác
Trong một bài viết năm 2012 được đăng trên blog của New York Time, nhà viết tiểu luận kiêm họa sĩ vẽ tranh biếm họa Tim Kreider đã tự giới thiệu về bản thân theo cách rất ấn tượng: “Tôi không phải là người bận rộn. Tôi là người có tham vọng lười biếng nhất mà tôi biết.” Kreider đã chán ngán với công việc bận tối mắt tối mũi trong suốt nhiều tháng nên mới thốt lên như vậy. Dưới đây là những gì ông mô tả về giai đoạn này: “Tôi đã âm thầm bắt đầu, do yêu cầu công việc mà trở nên bận rộn… mỗi sáng, hộp thư đến của tôi luôn chất đầy e-mail yêu cầu tôi làm những việc tôi không muốn hay đề cập đến những vấn đề mà mình phải giải quyết ngay lúc đó.”
Giải pháp của ông là gì ư? Ông sẽ đi đến nơi mà ông gọi là “căn cứ bí mật”: một nơi không có ti-vi, không có Internet (Ông sẽ phải đạp xe đến thư viện địa phương nếu muốn lên mạng) và là nơi ông có thể không cần thực hiện những yêu cầu lắt nhắt phiền toái tuy có vẻ vô hại nhưng dồn lại thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thói quen làm việc sâu. Nói về sự ẩn mình đó, Kreider cho biết: “Tôi vẫn nhớ những cây mao lương hoa vàng, những con bọ xít và các vì sao. Tôi đã đọc. Và cuối cùng, lần đầu tiên trong suốt nhiều tháng, tôi đã viết xong một tác phẩm hoàn chỉnh thực sự.”
Điều quan trọng chúng ta cần lưu ý ở đây là: Kreider không phải là Thoreau. Ông đã không chạy trốn khỏi thế giới bận rộn để nhấn mạnh phê phán xã hội phức tạp. Việc ông chuyển đến căn cứ bí mật xuất phát từ sự thấu đạt thực tế đáng ngạc nhiên rằng: Việc đó giúp ông làm việc hiệu quả hơn. Dưới đây là lời giải thích của Kreider:
Sự biếng nhác không chỉ là kỳ nghỉ xả hơi, mà nó còn là sự nuông chiều bản thân hay một tật xấu; nó là yếu tố không thể thiếu đối với não bộ hệt như vitamin D đối với cơ thể và khi bị tước đoạt nó, chúng ta sẽ thấy đau khổ vô cùng. Thật ngược đời, đó lại là điều cần thiết để hoàn thành công việc.
Tất nhiên, hoàn thành công việc ở đây không phải là các công việc hời hợt. Hầu như lúc nào cũng vậy, càng dành nhiều thời gian đắm mình vào những công việc hời hợt thì bạn càng lún sâu vào những việc đó. Tuy nhiên, với tư cách là một nhà văn, Kreider lại quan tâm đến làm việc sâu – những nỗ lực nghiêm túc trong việc tạo ra các tác phẩm có giá trị cho đời. Ông cho rằng để có được những nỗ lực này, chúng ta cần phải có một tâm trí thường xuyên được thả lỏng thư giãn.
Chiến lược này cho rằng bạn nên tuân theo chỉ dẫn của Kreider bằng cách thường xuyên dành cho bản thân một khoảng tự do đáng kể để thoát khỏi những ràng buộc trong công việc hằng ngày, tạo ra sự nhàn rỗi một cách nghịch lý chính là điều cần thiết để hoàn thành công việc. Có nhiều cách để đạt được mục tiêu này. Ví dụ, bạn có thể lánh xa thế giới như Kreider bằng cách ẩn nấp trong “căn cứ bí mật”, nhưng không phải ai cũng thực hiện được điều này. Thay vào đó, tôi muốn đề xuất một cách thức táo bạo nhưng khả thi hơn: Vào cuối ngày làm việc, hãy ngừng lo lắng về công việc cho đến sáng hôm sau – không kiểm tra e-mail sau bữa tối, không trò chuyện tán gẫu và không lên kế hoạch để xử lý các thách thức sắp tới; hãy hoàn toàn cắt đứt dòng suy nghĩ về công việc. Nếu cần thêm thời gian, hãy kéo dài ngày làm việc của mình, nhưng sau khi ngừng làm việc, tâm trí bạn phải dành trọn vẹn cho những cây mao lương hoa vàng, những con bọ xít và các vì sao giống như Kreider.
Trước khi mô tả một số chiến thuật bổ trợ cho chiến lược này, tôi muốn tìm hiểu lý do tại sao ngừng làm việc sẽ có lợi cho khả năng tạo ra sản phẩm đầu ra có giá trị. Dĩ nhiên, đó là nhờ Tim Kreider đã tự thân cố gắng, nhưng chúng ta vẫn nên dành thời gian để tìm hiểu về lĩnh vực khoa học đằng sau giá trị của thời gian nghỉ ngơi. Một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn đã đưa ra ba lời giải thích thỏa đáng cho giá trị này như sau.
Lý do số 1: Thời gian nghỉ ngơi sẽ bổ trợ cho những suy nghĩ quan trọng
Hãy xem đoạn trích dưới đây được trích từ một bài báo xuất hiện trên tạp chí Science năm 2006:
Hàng trăm năm qua, các tài liệu khoa học đã nhấn mạnh lợi ích của việc cân nhắc kỹ càng khi đưa ra quyết định… Vấn đề đặt ra ở đây là liệu điều này có được xem là hợp lý hay không. Chúng ta hãy giả sử rằng câu trả lời là “Không”.
Ẩn trong tuyên bố nhạt nhẽo này là một khẳng định táo bạo. Các tác giả của nghiên cứu này, dẫn đầu là nhà tâm lý học người Hà Lan, Ap Dijksterhuis, đã đưa ra các luận điểm chứng minh rằng có những quyết định tốt hơn là hãy để cho vô thức giải quyết. Nói cách khác, việc chủ động tính toán để đưa ra các quyết định sẽ dẫn đến kết quả tồi tệ hơn là cập nhật các thông tin liên quan rồi chuyển sự chú ý sang một điều gì đó và để cho các tầng tư duy tiềm thức xử lý mọi việc.
Nhóm của Dijksterhuis đã tách biệt hiệu ứng này bằng cách cung cấp thông tin cần thiết cho các đối tượng đang phải quyết định mua ô tô. Một nửa số đối tượng được yêu cầu nghiên cứu thông tin rồi đưa ra quyết định tốt nhất. Nửa còn lại bị phân tâm bởi các câu đố dễ dàng sau khi đọc thông tin, rồi phải đưa ra quyết định mà không có thời gian để suy nghĩ một cách có ý thức. Cuối cùng, nhóm bị phân tâm lại đưa ra quyết định đúng đắn hơn.