Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Quan trọng hóa vấn đề

Vào đầu đông năm 2007, J. K. Rowling khi ấy đang gấp rút hoàn thành cuốn sách The Deathly Hallows (Bảo bối tử thần), cuốn sách cuối cùng trong loạt truyện Harry Potter của bà. Bà phải chịu áp lực rất lớn vì cuốn sách này còn liên quan tới sáu phần trước đó và bà phải làm sao để khiến hàng trăm triệu người hâm mộ loạt truyện này hài lòng. Rowling cần phải làm việc sâu để thỏa mãn những yêu cầu này, nhưng bà cũng nhận thấy sự tập trung ngày càng bị gián đoạn khi làm việc tại văn phòng ở nhà tại Edinburgh, Scotland. Rowling đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Khi tôi viết xong Deathly Hallows, đó là một ngày cửa sổ mở rộng, bọn trẻ đang ở nhà, lũ chó thì đang sủa.” Như vậy thì quá đơn giản, vì vậy J. K. Rowling quyết định thực hiện điều gì đó cực đoan để chuyển đổi tư duy của mình: Bà đã thuê một phòng hạng sang trong khách sạn Balmoral năm sao, nằm ở trung tâm thành phố Edinburgh. Bà giải thích: “Tôi đến khách sạn này bởi đó là một khách sạn xinh đẹp, nhưng tôi không có ý định ở lại đây. [Nhưng] ngày đầu tiên, công việc viết lách của tôi diễn ra khá suôn sẻ, vì vậy tôi tiếp tục quay lại… và tôi đã hoàn thành cuốn sách cuối cùng trong loạt truyện Harry Potter [ở đây].”

Nhìn lại thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Rowling đã ở lại khách sạn cho đến khi viết xong cuốn sách. Đây là sự sắp xếp hoàn hảo đối với kế hoạch của bà. Balmoral vốn nổi tiếng là một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất của Scotland, một tòa nhà mang phong cách Victoria cổ điển toàn diện với các công trình bằng đá trang trí công phu và một tháp đồng hồ rất cao. Nó chỉ cách lâu đài Edinburgh vài tòa nhà – một trong những nguồn cảm hứng của Rowling để tạo nên trường Hogwarts.

Quyết định của Rowling khi tới một khách sạn sang trọng gần lâu đài Edinburgh là một ví dụ về chiến lược gây tò mò nhưng hiệu quả trong giới làm việc sâu: quan trọng hóa vấn đề. Khái niệm này rất đơn giản: Bằng cách tận dụng sự thay đổi căn bản môi trường thông thường của bạn, cùng với việc đầu tư tiền bạc hoặc nỗ lực đáng kể nhằm hỗ trợ làm việc sâu, bạn sẽ nâng tầm quan trọng của nhiệm vụ lên. Sự nâng tầm này sẽ giúp làm giảm bản năng trì hoãn trong tâm trí bạn và tạo ra động lực cũng như năng lượng làm việc.

Ví dụ, viết một chương trong bộ tiểu thuyết Harry Potter là công việc khó khăn và phải đầu tư rất nhiều chất xám – bất kể bạn có làm điều này ở đâu. Nhưng khi phải thanh toán hơn 1.000 đô-la mỗi ngày để hoàn thành chương đó trong một phòng hạng sang của một khách sạn lâu đời được xây dựng theo cùng phong cách giống trường Hogwarts, thì việc huy động năng lượng để bắt đầu và duy trì công việc này sẽ dễ dàng hơn so với việc ngồi trong phòng làm việc ở nhà và dễ bị sao nhãng.

Khi nghiên cứu thói quen của những người làm việc sâu nổi tiếng khác, ắt hẳn bạn cũng thường bắt gặp chiến lược quan trọng hóa vấn đề này. Ví dụ, trong thời gian làm CEO của Microsoft, Bill Gates đã nổi tiếng với việc thực hiện Tuần suy nghĩ (Think Weeks). Trong thời gian tiến hành, ông phải bỏ lại những công việc thông thường và gia đình mình để lui về một căn phòng chất đầy giấy tờ và sổ sách. Mục tiêu của ông là suy nghĩ kỹ càng, liền mạch các vấn đề lớn liên quan đến công ty. Từ đó, ông đi đến kết luận rằng Internet sẽ là nhân tố quan trọng trong ngành công nghệ thông tin. Không gì có thể cản trở tư duy chuyên sâu trong văn phòng của ông tại trụ sở Seattle của Microsoft, nhưng sự thay đổi khác lạ trong suốt một tuần dài ẩn dật đã giúp ông đạt được mức độ tập trung mong muốn.

Alan Lightman, nhà vật lý thuộc MIT kiêm tiểu thuyết gia từng đạt nhiều giải thưởng, cũng áp dụng phương pháp quan trọng hóa vấn đề. Mỗi khi hè đến, ông đều ẩn dật tại một “hòn đảo nhỏ” ở Maine để tư duy sâu và tĩnh dưỡng phục hồi năng lượng. Vào năm 2000, ông đã mô tả hành động này trong một cuộc phỏng vấn, hòn đảo này không chỉ không có Internet, mà thậm chí còn không có cả dịch vụ điện thoại. Ông khẳng định: “Chỉ có hai tháng rưỡi mà tôi thấy như thể mình có thể tìm lại khoảng lặng trong cuộc đời… thứ vốn thật khó tìm.”

Không phải ai cũng có quyền tự do dành ra hai tháng ở Maine, nhưng nhiều nhà văn, bao gồm cả Dan Pink và Michael Pollan, cũng có trải nghiệm đó quanh năm bằng cách xây dựng căn nhà dành riêng cho hoạt động viết lách – thường tốn khá nhiều chi phí và công sức. (Về phần mình, Pollan thậm chí còn viết một cuốn sách về trải nghiệm xây dựng căn nhà trong rừng, phía sau ngôi nhà cũ ở Connecticut.) Các nhà văn không cần những ngôi nhà phụ quá cầu kỳ, họ chỉ cần một chiếc máy tính xách tay và một chỗ để làm việc mà thôi. Tiện nghi của những ngôi nhà này không tạo ra giá trị; mà là những hành động quan trọng hóa vấn đề được thể hiện thông qua việc thiết kế và xây dựng ngôi nhà nhằm hướng tới mục tiêu duy nhất: tập trung viết lách hiệu quả hơn.

Bạn không cần lúc nào cũng phải duy trì việc quan trọng hóa vấn đề. Nhà vật lý William Shockley làm việc cho công ty Bell Labs đã gặt hái được thành quả lớn khi phát minh ra tranzito[32] – tôi sẽ kể chi tiết việc này trong chiến lược tiếp theo, hai thành viên trong nhóm của ông đã làm nên bước đột phá trong lúc Shockley vắng mặt vì bận tham dự một dự án khác – ông đã tự nhốt mình trong phòng khách sạn ở Chicago, nơi ông đến để tham dự hội nghị. Ông kiên quyết không ra khỏi phòng cho đến khi sắp xếp gọn gàng mọi suy nghĩ trong đầu. Tới khi rời khỏi phòng, ông gửi các ghi chú của mình về cho Murray Hill ở New Jersey, để đồng nghiệp có thể dán chúng vào sổ ghi chép thí nghiệm và đánh dấu bước đổi mới. Hình thức liên kết của tranzito mà Shockley phát hiện ra khi tập trung sâu cuối cùng cũng giúp ông nhận được giải Nobel trao cho phát minh này sau đó.

Một ví dụ khác thậm chí còn tiêu biểu hơn về việc quan trọng hóa vấn đề là câu chuyện về Peter Shankman, doanh nhân kiêm nhà tiên phong trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Là một diễn giả nổi tiếng, Shankman dành phần lớn thời gian ngồi trên các chuyến bay. Cuối cùng, anh cũng nhận ra rằng độ cao hơn 9.000m là môi trường lý tưởng giúp anh tập trung. Đó là đôi lần sau khi anh nhận ra mình đã ký một hợp đồng viết sách mà chỉ có hai tuần để hoàn thành toàn bộ bản thảo. Shankman phải cần đến một sự tập trung phi thường mới có thể đáp ứng được thời hạn này. Để đạt được trạng thái đó, anh đã làm những việc trái với lệ thường. Anh đặt vé khứ hồi hạng thương gia tới Tokyo. Anh đã viết trong suốt chuyến bay tới Nhật Bản, uống một ly espresso tại phòng chờ dành cho vé hạng thương gia khi đến Nhật, sau đó đáp chuyến bay trở về và lại ngồi viết trong suốt hành trình quay về Mỹ. Chỉ 30 giờ kể từ lúc rời đi, anh đã cầm trên tay tập bản thảo hoàn chỉnh. Anh giải thích: “Chi phí của chuyến đi là 4.000 đô-la và đó là chuyến đi xứng đáng.”

Trong tất cả các ví dụ kể trên, không chỉ có sự thay đổi của môi trường hay việc tìm kiếm sự yên tĩnh mới cho phép bạn chuyên sâu hơn. Nhân tố chi phối chính là tâm lý nghiêm túc cam kết thực hiện nhiệm vụ đã đảm nhận. Đặt mình vào một nơi mới lạ để tập trung cho một dự án viết lách, nghỉ làm một tuần chỉ để tư duy, hay khóa mình trong một căn phòng khách sạn cho đến khi hoàn thành một phát minh quan trọng. Những hành động này sẽ đẩy mục tiêu chuyên sâu lên mức ưu tiên về mặt tinh thần nhằm giúp bạn khai thác nguồn lực tinh thần cần thiết. Đôi khi để đi sâu, bạn phải đi xa trước đã.

Không làm việc một mình

Mối quan hệ giữa làm việc sâu và hợp tác đòi hỏi sự tinh tế khéo léo. Tuy nhiên, bạn vẫn nên dành thời gian cho mối quan hệ này, vì nếu biết khéo léo tận dụng, bạn có thể tăng hiệu quả làm việc sâu trong công việc.

Trước khi bắt đầu chủ đề này, chúng ta hãy cùng trở lại xem xét những thứ thoạt nhìn có vẻ giống mâu thuẫn khó giải quyết. Trong Phần 1 của cuốn sách, tôi đã chỉ trích Facebook vì thiết kế trụ sở mới của họ. Cụ thể, tôi đã lưu ý rằng mục tiêu của công ty là tạo ra không gian văn phòng mở lớn nhất thế giới – một căn phòng khổng lồ có sức chứa 20.800 nhân viên – đây quả là một mối đe dọa cho sự tập trung. Nghiên cứu về mặt trực giác và vật lý ngày càng nhấn mạnh thực tế rằng sử dụng chung không gian làm việc với quá nhiều đồng nghiệp sẽ gây ra tình trạng mất tập trung – tạo ra môi trường cản trở nỗ lực suy nghĩ nghiêm túc. Năm 2013, trong một bài báo tóm lược các nghiên cứu gần đây về chủ đề này, tờ Bloomberg Businessweek đã kêu gọi chấm dứt “sự chuyên chế của văn phòng mở”.

Tuy nhiên, những thiết kế văn phòng mở này không được đón nhận bừa bãi. Theo báo cáo của Maria Konnikova trên tờ The New Yorker, khi khái niệm này lần đầu xuất hiện, mục tiêu của nó là “tạo điều kiện cho giao tiếp và luồng ý tưởng”. Tuyên bố này đã cộng hưởng với các doanh nghiệp Mỹ đang tìm kiếm ánh hào quang khởi nghiệp không theo lề lối thông thường. Ví dụ, Josh Tyrangiel, biên tập viên của Bloomberg Businessweek, đã giải thích việc thiếu văn phòng trong trụ sở của Bloomberg như sau: “Văn phòng mở khá đẹp mắt; nó đảm bảo mọi người đều hòa hợp với nhiệm vụ và… nó khuyến khích sự tò mò giữa những người làm việc trong các lĩnh vực khác nhau.” Jack Dorsey đã biện minh cho cấu trúc mở của trụ sở của Square bằng lời giải thích: “Chúng tôi khuyến khích mọi người hoạt động trong không gian mở vì tin vào khả năng tình cờ xuất hiện những yếu tố bất ngờ và may mắn – và mọi người sẽ đồng hành cùng nhau để học hỏi những điều mới mẻ.”

Để hướng tới mục đích của cuộc thảo luận, hãy gọi nguyên tắc này – khi mọi người cùng trao đổi những ý tưởng mới và cùng hợp tác tích cực – là lý thuyết sáng tạo bất ngờ. Khi Mark Zuckerberg quyết định xây dựng khu văn phòng lớn nhất thế giới, chúng ta có thể phỏng đoán một cách hợp lý rằng anh đã đưa ra quyết định đó dựa trên lý thuyết này, cũng như việc nó đã thúc đẩy nhiều động thái hướng tới không gian làm việc mở tại Thung lũng Silicon và nhiều nơi khác nữa. (Các yếu tố phụ khác, như tiết kiệm tiền bạc và tăng cường sự giám sát, cũng có những tác động nhất định, nhưng chúng không hấp dẫn bằng và ít được chú trọng hơn.)

Tác giả: