Triết lý nhà báo khi lập kế hoạch làm việc sâu
Trong những năm 1980, khi mới chỉ ngoài 30 tuổi, nhà báo Walter Isaacson đã có sự nghiệp lên nhanh như diều gặp gió thông qua xếp hạng của tạp chí Time. Vào thời đó, ông rõ ràng đã nắm được suy nghĩ của tầng lớp trí thức. Ví dụ, Christopher Hitchens, cây bút cùng thời thường đăng bài trên London Review of Books đã gọi ông là “một trong những nhà báo hay nhất nước Mỹ”. Đã đến lúc Isaacson bắt tay vào viết Cuốn sách Lớn Quan trọng – bước cần thiết trên nấc thang thành tựu làm báo. Vì vậy, ông đã chọn một chủ đề phức tạp, một cuốn tiểu sử tường thuật đan xen của sáu nhân vật đóng vai trò quan trọng trong thời đầu của chính sách Chiến tranh Lạnh, và hợp tác với một biên tập viên trẻ của tờ Time là Evan Thomas, để viết nên cuốn sách có độ dày vừa phải: Một cuốn sử thi dày 864 trang với tựa đề The Wise Men: Six Friends and the World They Made (tạm dịch: Những người khôn ngoan: Sáu người bạn và thế giới họ tạo nên).
Cuốn sách này được xuất bản năm 1986 và được người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt. New York Times gọi nó là “một tác phẩm có bố cục phong phú”, còn tờ San Francisco Chronicle ca ngợi rằng hai nhà văn trẻ đã “tạo nên hiện tượng Plutarch[31] của thời kỳ Chiến tranh Lạnh”. Chưa đầy một thập kỷ sau đó, Isaacson đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp khi được bổ nhiệm làm biên tập viên của tờ Time (sau đó, ông đảm nhiệm vị trí CEO của viện chính sách và trở thành nhà viết tiểu sử lẫy lừng chuyên viết về các danh nhân như Benjamin Franklin, Albert Einstein và Steve Jobs).
Tuy nhiên, điều tôi quan tâm về Isaacson không phải là những gì ông đã làm được qua cuốn sách đầu tiên của mình mà là cách ông đã viết nó như thế nào. Khi tìm hiểu câu chuyện này, tôi tình cờ phát hiện ra một mối liên hệ cá nhân. Hóa ra trong thời gian chuẩn bị xuất bản cuốn The Wise Men, ông chú John Paul Newport của tôi, cũng là một nhà báo ở New York thời đó, đã cùng thuê một bãi biển với Isaacson. Cho đến giờ, chú tôi vẫn nhớ những thói quen làm việc ấn tượng của Isaacson:
Thật ngạc nhiên… trong khi bọn chú còn đang ngồi hóng gió ngoài trời hay làm những việc khác, ông ấy quay về phòng ngủ một lúc để tiếp tục viết sách… cứ như vậy trong khoảng 20 phút đến một giờ, bọn chú sẽ nghe thấy tiếng máy đánh chữ cành cạch, sau đó ông ấy đi xuống cùng thư giãn với mọi người… cứ như thể công việc chưa bao giờ gây áp lực cho ông ấy, ông ấy chỉ vui vẻ làm việc khi có thời gian rảnh rỗi mà thôi.
Isaacson là người làm việc theo phương pháp: Cứ hễ có thời gian rảnh là ông lại làm việc sâu và vùi đầu vào cuốn sách của mình. Hóa ra đây là cách mà người ta có thể viết một cuốn sách dày 900 trang khi vẫn dành phần lớn thời gian để trở thành một trong những nhà báo xuất sắc nhất nước Mỹ.
Tôi gọi phương pháp này là triết lý nhà báo, phương pháp giúp bạn làm việc sâu ở mọi nơi có thể trong lịch trình của mình. Tên gọi này xuất phát từ thực tế rằng các nhà báo như Walter Isaacson luôn được đào tạo để có thể viết bất kỳ lúc nào do đặc thù nghề nghiệp.
Cách tiếp cận này không dành cho những người mới làm quen với làm việc sâu. Như tôi đã nêu trong phần đầu quy tắc, khả năng chuyển đổi tâm trí từ làm việc hời hợt sang làm việc sâu một cách nhanh chóng không phải tự nhiên mà có. Nếu không thực hành, quá trình chuyển đổi đó có thể rút cạn nguồn năng lượng hữu hạn của bạn. Thói quen này cũng đòi hỏi sự tự tin vào khả năng của bản thân – tin rằng những gì bạn đang làm rất quan trọng và chúng nhất định sẽ mang lại thành công. Niềm tin này thường được xây dựng dựa trên nền tảng thành quả sự nghiệp hiện có. Ví dụ, Isaacson có vẻ không mất nhiều thời gian để trở thành một nhà văn so với những tiểu thuyết gia mới bắt đầu sự nghiệp, bởi ông luôn nỗ lực để trở thành một nhà văn đáng kính thời đó. Ông biết mình có khả năng viết tiểu sử và hiểu rằng đó là một nhiệm vụ quan trọng trên chặng đường phát triển sự nghiệp. Sự tự tin này đã luôn đồng hành cùng ông trong quá trình thúc đẩy bản thân.
Tôi ủng hộ triết lý nhà báo trong quá trình làm việc sâu, bởi đó cũng chính là phương pháp của tôi khi nỗ lực thực hiện dự định của mình. Nói cách khác, tôi không phải là người theo triết lý hà khắc trong làm việc sâu (dù đôi khi tôi cũng thấy ghen tị với việc ngắt liên lạc không một lời giải thích của chuyên gia khoa học máy tính Donald Knuth), tôi cũng không định tiến hành làm việc sâu trong nhiều ngày như những người theo triết lý phương thức đôi, và dù tôi rất hứng thú với triết lý nhịp nhàng nhưng lịch trình của tôi lại không phù hợp với một thói quen đều đặn hằng ngày. Thay vào đó, tôi muốn được như Isaacson, đối mặt với công việc mỗi tuần và cố hết sức để làm việc sâu nhất có thể. Ví dụ, để viết cuốn sách này, tôi đã phải tận dụng thời gian rảnh bất cứ khi nào có thể. Khi bọn trẻ đã say giấc, tôi sẽ vớ lấy chiếc laptop và nhốt mình trong phòng làm việc ở nhà. Nếu vợ tôi muốn đến thăm bố mẹ cô ấy ở Annapolis gần đó nhân dịp cuối tuần, tôi sẽ tận dụng việc có thêm người chăm con để kiếm một góc yên tĩnh trong nhà ngồi viết. Nếu có một cuộc họp công ty bị hủy bỏ, hay một buổi chiều rảnh việc, tôi có thể quay lại một trong những thư viện yêu thích trong khuôn viên trường để tập trung viết nhiều hơn. Và cứ thế cứ thế.
Phải thừa nhận rằng tôi không hoàn toàn chỉ áp dụng triết lý nhà báo. Chẳng hạn, tôi không đưa ra quyết định làm việc sâu trong chốc lát. Thay vào đó, ngay từ đầu tuần, tôi đã xác định thời điểm sẽ làm việc sâu trong tuần, rồi xem xét lại những quyết định này từ đầu ngày, nếu cần (hãy xem Quy tắc số 4 để biết thêm chi tiết về thói quen lập kế hoạch của tôi). Bằng cách giảm thiểu nhu cầu đưa ra quyết định về thời điểm làm việc sâu, tôi có thể giữ lại nhiều năng lượng để tư duy sâu.
Nhìn chung, triết lý nhà báo trong lập kế hoạch làm việc sâu rất khó thực hiện. Nhưng nếu bạn tự tin vào giá trị của những gì bạn đang cố gắng tạo dựng, và thực hiện việc đó bằng kỹ năng tập trung sâu (loại kỹ năng chúng ta sẽ tiếp tục rèn luyện trong các chiến lược tiếp theo), bạn có thể hoàn thành khối lượng lớn công việc chuyên sâu kể cả khi phải đối mặt với một lịch trình khắt khe.
Quá trình nghi thức hóa
Khi nhắc tới những người lao động trí óc, chúng ta thường quên mất một điều rằng họ hiếm khi cẩu thả trong thói quen làm việc. Hãy cùng xem xét trường hợp của Robert Caro, nhà viết tiểu sử từng giành giải Pulitzer. Theo một ấn bản tạp chí năm 2009: “Từng ngóc ngách nhỏ trong văn phòng [của Caro] tại New York đều được sắp xếp theo trật tự.” Nơi đặt sách, cách sắp xếp sổ ghi chép, đồ đạc treo trên tường, thậm chí trang phục mặc tới văn phòng: Mọi thứ đều được chỉ định theo thói quen rất hiếm khi thay đổi trong suốt sự nghiệp lâu dài của Caro. Lý giải cho việc đó, ông nói: “Tôi đã tự rèn luyện để trở thành một người có tổ chức.”
Charles Darwin cũng có cách làm chặt chẽ tương tự đối với công việc trong thời gian ông hoàn thành cuốn On the Origin of Species (tạm dịch: Nguồn gốc của muôn loài). Theo lời kể của Francis, con trai ông, cứ đến 7 giờ sáng, ông sẽ dậy để đi bộ một quãng ngắn. Sau đó, Darwin ăn sáng một mình và bắt tay vào nghiên cứu từ 8 giờ đến 9 giờ rưỡi. Ông dành một giờ tiếp theo để đọc thư được gửi đến từ hôm trước, sau đó, ông sẽ quay lại nghiên cứu từ 10 giờ rưỡi cho đến trưa. Sau khi xong việc, ông sẽ nghiền ngẫm những ý tưởng đầy thách thức trong lúc rảo bước trên con đường bỏ hoang chạy dài quanh khu nhà ông. Ông cứ đi như vậy cho đến khi hài lòng với suy nghĩ của mình rồi mới chịu kết thúc một ngày làm việc.
Nhà báo Mason Currey, người đã dành nửa thập kỷ để tìm hiểu về thói quen của các nhà tư tưởng và nhà văn nổi tiếng, tóm tắt xu hướng hệ thống hóa này như sau:
Có một quan điểm phổ biến cho rằng các nghệ sĩ luôn làm việc theo cảm hứng – họ biết phải tìm một cú đánh thức tỉnh, một tia chớp hay bong bóng sáng tạo ở đâu… nhưng tôi hy vọng [công việc của tôi] có thể chứng minh được rằng chờ đợi cảm hứng xuất hiện là một kế hoạch tồi tệ. Trên thực tế, có lẽ lời khuyên tốt nhất tôi có thể đưa ra cho bất kỳ ai đang cố gắng thực hiện những công việc liên quan tới sáng tạo là hãy bỏ qua cảm hứng.
Trong một chuyên mục trên tờ New York Times bàn về chủ đề này, David Brooks đã tóm tắt thực tế này một cách thẳng thừng hơn: “[Những bộ óc sáng tạo tuyệt vời] sẽ tư duy như một nghệ sĩ và làm việc như một kế toán viên.”
Chiến lược này gợi nhắc nhiều điều: Để tận dụng tối đa các phiên làm việc sâu, hãy tạo ra các nghi thức chặt chẽ và mang phong thái riêng của những nhà tư tưởng lớn đã được đề cập trước đó. Sự bắt chước này có lý do riêng. Những bộ óc vĩ đại như Caro và Darwin sẽ không thực hiện những nghi thức kỳ quặc; thành công trong công việc của họ phụ thuộc vào khả năng chuyên sâu, lặp đi lặp lại – không có cách nào để giành được giải Pulitzer hay hình thành một lý thuyết lớn mà lại không đẩy bộ não đến giới hạn. Nghi thức giúp họ giảm thiểu các chướng ngại trong quá trình chuyển sang chế độ chuyên sâu, tạo điều kiện cho họ dễ dàng tập trung sâu và duy trì trạng thái này lâu hơn. Nếu họ cứ ngồi chờ cảm hứng xuất hiện mới làm việc nghiêm túc, thì thành tích của họ sẽ giảm đi rất nhiều.
Không có nghi thức làm việc sâu đúng đắn nào – sự phù hợp phụ thuộc vào cả người thực hiện và kiểu kế hoạch người đó theo đuổi. Nhưng bất kỳ nghi thức hiệu quả nào cũng phải trả lời được những câu hỏi sau:
- Bạn sẽ làm việc ở đâu và trong bao lâu? Bạn cần có một vị trí quen thuộc để làm việc sâu. Vị trí này có thể là văn phòng làm việc, hãy khép cửa lại và không để người khác đến làm phiền bạn (một đồng nghiệp của tôi thích đặt biển báo “Xin đừng làm phiền” ngoài cửa văn phòng khi anh ấy đang giải quyết một vấn đề hóc búa). Nếu có thể xác định được vị trí chỉ được sử dụng riêng cho làm việc sâu – ví dụ như phòng họp hoặc thư viện yên tĩnh – thì kết quả thu được có thể tích cực hơn nhiều. Dù làm việc ở đâu, hãy chắc rằng bạn luôn dành riêng một khung thời gian cụ thể để duy trì mục đích tập trung sâu của mình.
- Cách bạn sẽ làm việc sau khi bắt tay vào công việc. Nghi thức cần các quy tắc và quy trình để biến những nỗ lực thực hiện thói quen này thành khuôn khổ. Ví dụ, bạn có thể tự ban lệnh cấm sử dụng Internet hoặc duy trì một chuẩn mực như cứ 20 phút phải viết được bao nhiêu từ để mài giũa sự tập trung của mình. Nếu không có khuôn khổ này, bạn sẽ phải đấu tranh tư tưởng giữa những gì nên và không nên làm trong thời gian chuyên sâu và tiếp tục cố gắng đánh giá xem bạn có đang làm việc đủ chăm chỉ hay không. Đây là những việc không cần thiết nhưng lại làm tiêu hao năng lượng của bạn.
- Bạn sẽ hỗ trợ công việc của mình ra sao. Nghi thức của bạn phải đi liền với sự hỗ trợ cần thiết để duy trì hoạt động chuyên sâu của não bộ ở cường độ cao. Ví dụ, bạn có thể đặt ra một nghi thức cố định như bắt đầu công việc bằng một tách cà phê thơm ngon, hoặc ăn đủ no để duy trì năng lượng, hay thêm vào các bài luyện tập nhẹ như đi bộ để thư thái đầu óc. (Theo Nietzsche, “Chỉ những ý tưởng nảy ra từ việc đi bộ mới có giá trị.”) Sự hỗ trợ này cũng có thể bao gồm các yếu tố khách quan như sắp xếp công việc để tối thiểu hóa năng lượng bị tiêu hao (như chúng ta đã thấy trong ví dụ của Caro). Để tối đa hóa thành công, bạn cần tăng cường nỗ lực khi chuyên sâu. Đồng thời, sự hỗ trợ này cũng cần được hệ thống hóa để không lãng phí năng lượng tinh thần nhằm tìm ra những gì bạn cần trong lúc này.
Những câu hỏi này sẽ giúp bạn bắt đầu xây dựng nghi thức làm việc sâu. Nhưng hãy nhớ rằng việc tìm kiếm các nghi thức để gắn bó có thể sẽ cần trải nghiệm, vì vậy hãy sẵn sàng với điều đó. Tôi đảm bảo nỗ lực của bạn rất đáng giá: Khi bạn thực hiện điều mà bạn cảm thấy đúng đắn, ảnh hưởng của việc đó có thể rất lớn. Không nên xem nhẹ làm việc sâu. Bên cạnh những nỗ lực với nghi thức phức tạp (và có lẽ với thế giới bên ngoài thì việc này khá kỳ lạ) – việc đưa tâm trí vào khuôn khổ và quyết tâm đẩy nó tới trạng thái tập trung sẽ giúp bạn bắt đầu tạo ra rất nhiều kết quả quan trọng.