Lý do được đưa ra rất thuyết phục: do các công cụ mạng. Đây là tập hợp lớn, bao gồm các dịch vụ truyền thông như e-mail và SMS, các phương tiện truyền thông xã hội như Twitter và Facebook, cùng các trang thông tin giải trí như BuzzFeed và Reddit. Nhìn chung, sự trỗi dậy của những công cụ này kết hợp với khả năng tiếp cận chúng ở mọi nơi thông qua điện thoại thông minh và máy tính có kết nối mạng, đã làm phân tán sự chú ý của hầu hết lao động trí óc. Một nghiên cứu của McKinsey năm 2012 cho thấy những người lao động trí óc ở mức trung bình đang sử dụng hơn 60% tuần làm việc để giao tiếp điện tử và tìm kiếm trên Internet, với gần 30% thời gian dành cho việc đọc và trả lời e-mail.
Tình trạng phân mảnh tập trung này không thể đáp ứng được công việc chuyên sâu vốn đòi hỏi tư duy liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, những lao động trí óc hiện đại không hẳn đang lãng phí thời gian của họ. Trên thực tế, họ cũng thấy mình đang bận rộn hơn bao giờ hết. Vậy thì đâu là lời giải thích thỏa đáng cho sự không nhất quán này? Chúng ta có thể giải thích bằng một loại nỗ lực khác đối nghịch với ý tưởng về làm việc sâu:
Làm việc hời hợt: Công việc không yêu cầu quá cao về nhận thức, thuộc dạng công việc hậu cần, thường được thực hiện khi bị phân tâm. Những nỗ lực này thường có xu hướng không tạo ra nhiều giá trị mới và dễ bị sao chép.
Nói cách khác, trong kỷ nguyên của các công cụ mạng như hiện nay, những người lao động trí óc đang dần có xu hướng thay thế làm việc sâu bằng làm việc hời hợt – liên tục gửi và nhận e-mail, thường xuyên bị đứt mạch làm việc vì những mối phân tâm tức thời. Tư duy sâu sẽ mang lại những nỗ lực lớn lao hơn, chẳng hạn như hình thành một chiến lược kinh doanh mới hay viết đơn xin trợ cấp nghiên cứu quan trọng, còn sự phân tâm sẽ chỉ tạo ra thành quả có chất lượng mờ nhạt.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự dịch chuyển về phía công việc hời hợt không phải là lựa chọn có thể dễ dàng đảo ngược. Nếu tốn nhiều thời gian trong tình trạng làm việc hời hợt, bạn sẽ vĩnh viễn làm thui chột khả năng làm việc sâu của mình. Nhà báo Nicholas Carr thừa nhận trong một bài viết trên tờ Atlantic năm 2008 rằng: “Có vẻ Internet đang làm mai một khả năng tập trung và tư duy chuyên sâu của tôi. [Và] tôi không phải là người duy nhất.” Carr đã mở rộng lập luận này thành cuốn sách có tựa đề The Shallows (tạm dịch: Những việc tầm phào), cuốn sách giúp anh giành được giải thưởng Pulitzer[3]. Để có môi trường thích hợp viết cuốn The Shallows, Carr đã chuyển đến một khu văn phòng và ngắt hết kết nối với bên ngoài.
Quan điểm cho rằng các công cụ mạng đang khiến chúng ta đi từ làm việc sâu đến làm việc hời hợt không còn mới mẻ. The Shallows chỉ là cuốn sách đầu tiên trong một loạt các cuốn sách gần đây kiểm chứng sức ảnh hưởng của Internet tới não bộ và thói quen làm việc của chúng ta mà thôi. Những cuốn sách cùng chủ đề bao gồm: Hamlet’s BlackBerry(tạm dịch: Chiếc BlackBerry của Hamlet) của William Powers, The Tyranny of E-mail (tạm dịch: Sự thống trị của e-mail) của John Freeman và The Distraction Addiction (tạm dịch: Vòng xoáy sao lãng) của Alex Soojung-Kin Pang – tất cả các tác giả ít nhiều đều nhất trí rằng các công cụ mạng đang khiến chúng ta bị phân tán tư tưởng, đồng thời cũng làm suy giảm khả năng duy trì sự tập trung của chúng ta.
Trước những bằng chứng rõ ràng kể trên, tôi sẽ không dành nhiều thời gian để cố gắng thiết lập luận điểm này. Tôi hy vọng chúng ta có thể ước định rằng các công cụ mạng đang tác động tiêu cực đến làm việc sâu. Tôi cũng sẽ tránh bất kỳ lập luận gay gắt nào về hậu quả lâu dài của sự thay đổi này đối với xã hội, vì những lập luận như vậy có xu hướng mở ra những bất đồng không thể hóa giải. Một bên của cuộc tranh luận là những người theo chủ nghĩa hoài nghi như Jaron Lanier và John Freeman, họ nghi ngờ rằng phần nhiều các công cụ này, ít nhất là trong trạng thái hiện tại, sẽ gây nguy hại cho xã hội, trong khi những người theo chủ nghĩa lạc quan khác như Clive Thompson lại cho rằng chắc chắn chúng đang thay đổi xã hội nhưng theo hướng khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Ví dụ, Google có thể làm giảm trí nhớ của chúng ta, nhưng chúng ta không còn cần phải nhớ quá nhiều nữa vì giờ đây chúng ta có thể tìm kiếm bất cứ điều gì cần biết.
Tôi không đứng về bên nào trong cuộc tranh luận mang tính triết học này. Thay vào đó, tôi quan tâm tới một bài báo về hứng thú cá nhân và thực dụng hơn: văn hóa công việc chuyển hướng sang sự hời hợt (dù bạn nghĩ nó là tốt hay xấu về mặt triết học) đang tạo ra cơ hội kinh tế mang tính cá nhân cho những người nhận ra tiềm năng khi đi ngược lại với xu hướng này và ưu tiên mức độ làm việc sâu – một cơ hội đã được nhà tư vấn trẻ tuổi Jason Benn đến từ Virginia thừa nhận cách đây không lâu.
Có nhiều cách để nhận ra chúng ta không có giá trị gì trong nền kinh tế. Jason Benn đã hiểu rõ vấn đề không lâu sau khi đảm nhận công việc tư vấn tài chính. Phần lớn trách nhiệm công việc của anh có thể được tự động hóa nhờ một lệnh Excel “chắp vá với nhau”.
Công ty thuê Benn lập báo cáo cho các ngân hàng có liên quan đến những giao dịch phức tạp. (Benn nói đùa trong một cuộc phỏng vấn của chúng tôi rằng: “Nó có vẻ thú vị như tên gọi của nó vậy.”) Quá trình lập báo cáo đòi hỏi nhiều giờ làm việc thủ công với dữ liệu trong một loạt bảng tính Excel. Khi mới đến, anh phải mất sáu tiếng để hoàn thành mỗi báo cáo cho giai đoạn này (những người kỳ cựu làm việc hiệu quả nhất công ty có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong ba tiếng). Với Benn, chuyện này có vẻ không ổn cho lắm.
Benn nhớ lại: “Theo cách tôi được truyền đạt thì quá trình này có vẻ rườm rà phức tạp và thủ công.” Anh biết rằng Excel có một tính năng được gọi là macro[4] cho phép người dùng tự động hóa các tác vụ phổ biến. Benn đã đọc các bài báo về chủ đề này và nhanh chóng tổng hợp một trang tính mới, kết nối với một loạt macro có thể thực hiện quy trình xử lý dữ liệu thủ công trong sáu tiếng và thay thế nó chỉ bằng một cú nhấp chuột. Quá trình viết báo cáo mà lúc đầu anh phải mất một ngày làm việc giờ chỉ tốn chưa đến một tiếng.
Benn là anh chàng thông minh, tốt nghiệp từ một trường ưu tú (Đại học Virginia) với tấm bằng Kinh tế và giống như nhiều người cùng hoàn cảnh khác, anh cũng có tham vọng cho sự nghiệp của bản thân. Anh không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng những tham vọng này có thể sẽ bị cản trở chừng nào những kỹ năng chuyên môn chính của anh còn có thể được xử lý bằng một macro Excel. Do đó, anh quyết định phải gia tăng giá trị của mình với thế giới. Sau một thời gian nghiên cứu, Benn đi đến kết luận: Anh sẽ thông báo với gia đình về việc từ bỏ công việc hiện tại và trở thành lập trình viên máy tính. Tuy hào hứng với kế hoạch lớn đó, nhưng Ben đã vấp phải một rào cản khác: Anh không biết viết mã.
Với tư cách là một nhà khoa học máy tính, tôi có thể chắc chắn một điều rõ ràng rằng: lập trình máy tính là công việc khó khăn. Hầu hết các nhà lập trình mới đều phải mất bốn năm nghiên cứu ở đại học để trau dồi kiến thức cơ bản trước khi bắt đầu công việc. Thậm chí sau đó, cuộc cạnh tranh cho những vị trí tốt nhất cũng rất khốc liệt. Jason Benn lại chưa hề trải qua giai đoạn này. Sau những trải nghiệm giúp anh thông hiểu hơn về Excel, anh bỏ việc tại công ty tài chính và chuyển về nhà để chuẩn bị cho bước tiếp theo của mình. Cha mẹ anh rất vui vì anh đã có kế hoạch, nhưng họ không hài lòng khi biết rằng lần trở về này anh có thể sẽ ở nhà lâu dài. Benn cần học một kỹ năng cứng và phải học thật nhanh.
Chính tại nhà mình, Benn đã đào sâu vào một vấn đề mà nhiều lao động trí óc gặp phải trên con đường hướng tới quỹ đạo nghề nghiệp đang ngày càng bùng nổ. Việc học một thứ gì đó phức tạp như lập trình máy tính đòi hỏi tinh thần tập trung cao độ – một kiểu tập trung đã khiến Carl Jung quyết định vào khu rừng bao quanh hồ Zurich. Nói cách khác, nhiệm vụ này là một trạng thái hành động của làm việc sâu. Tuy nhiên, hầu hết những người lao động trí óc, như tôi đã nêu trong phần giới thiệu, lại đánh mất khả năng này. Và Benn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Khi mô tả bản thân trong khoảng thời gian dẫn đến quyết định từ bỏ công việc tài chính của mình, Benn nhận định: “Tôi bị thôi thúc phải truy cập Internet và kiểm tra e-mail liên tục; tôi không thể dừng bản thân lại.” Để nhấn mạnh những khó khăn khi làm việc sâu, Benn đã kể cho tôi nghe về một dự án mà một giám sát viên tại công ty tài chính từng giới thiệu cho anh. Anh giải thích: “Họ muốn tôi lập kế hoạch kinh doanh.” Benn không biết cách lập kế hoạch kinh doanh, vì vậy, anh quyết định sẽ tìm đọc năm kế hoạch hiện có – so sánh và đối chiếu chúng để hiểu được những gì cần làm. Đây là một ý kiến hay, nhưng Benn lại gặp phải một vấn đề: “Tôi không thể tập trung được.” Anh thừa nhận, thời gian đó, có những hôm anh dành gần như từng phút một (“98% thời gian của tôi”) để lướt web. Dự định lập kế hoạch kinh doanh – cơ hội để khẳng định bản thân trong sự nghiệp – đã bị gạt sang một bên.
Đến khi bỏ cuộc, Benn mới nhận thức rõ ràng về những khó khăn khi phải làm việc sâu, vì vậy trong lúc tận tâm tận lực học viết mã, anh biết mình cũng phải đồng thời rèn luyện tư duy làm việc sâu. Phương pháp của anh tuy quyết liệt mà hiệu quả. “Tôi đã khóa mình trong một căn phòng không có máy tính, chỉ có sách, bảng ghi chép và một cây bút đánh dấu.” Anh sẽ đánh dấu những cuốn sách giáo khoa về lập trình máy tính, chuyển ý tưởng sang bảng ghi chép và đọc to chúng lên. Tuy việc tránh bị sao lãng bởi các thiết bị điện tử lúc đầu tưởng chừng rất khó khăn, nhưng Benn không còn lựa chọn nào khác: Anh phải nghiên cứu những tài liệu này và đảm bảo rằng không có đối tượng nào khác trong căn phòng có thể khiến anh phân tâm. Dần dần anh đã tập trung tốt hơn và cuối cùng cũng đạt đến độ thường xuyên làm việc trong năm tiếng hoặc hơn mỗi ngày, tập trung cao độ mà không bị phân tâm khi trau dồi kỹ năng mới. Anh nhớ lại: “Có lẽ tôi đã đọc được chừng 18 cuốn sách về chủ đề này tính đến lúc tôi hoàn thành.”