Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Triết lý hà khắc khi lập kế hoạch làm việc sâu

Hãy trở lại với trường hợp của Donald Knuth. Ông vốn là người nổi tiếng với nhiều cuộc cách tân trong lĩnh vực khoa học máy tính, trong đó đáng chú ý phải kể đến việc phát triển phương pháp phân tích hiệu suất thuật toán đầy chuẩn xác. Knuth cũng áp dụng phương pháp tiếp cận này với phương tiện truyền thông điện tử của mình. Nếu truy cập vào trang web của Knuth tại Stanford với ý định tìm kiếm địa chỉ e-mail của ông, bạn sẽ bắt gặp ghi chú sau:

Tôi đã trở thành một người hạnh phúc kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1990, khi không còn sử dụng e-mail nữa. Tôi đã dùng e-mail suốt từ năm 1975, và với tôi, 15 năm dùng e-mail là quá đủ cho một đời người. E-mail là phương tiện tuyệt vời đối với những ai nắm giữ vai trò quan trọng. Nhưng tôi thì không; vai trò của tôi không đáng kể. Những việc tôi làm thường mất hàng giờ nghiên cứu và tập trung liên tục.

Knuth tiếp tục thừa nhận ông không định lánh xa hoàn toàn khỏi thế giới. Ông lưu ý rằng việc viết sách đòi hỏi ông phải trao đổi với hàng nghìn người, đồng thời ông cũng muốn tương tác với các câu hỏi và lời bình luận. Vậy ông sẽ chọn giải pháp nào đây? Ông đã cung cấp một địa chỉ gửi thư qua đường bưu điện. Ông cho biết trợ lý của mình sẽ phân loại các bức thư được gửi đến và lọc ra những bức thư mà cô cho là có liên quan. Nếu có việc gì thực sự khẩn cấp, cô sẽ ngay lập tức mang thư đến cho Knuth, và số thư còn lại sẽ được ông xử lý hàng loạt cứ ba tháng một lần.

Knuth đã áp dụng những gì mà tôi gọi là triết lý hà khắc khi lên kế hoạch làm việc sâu. Triết lý này sẽ tối đa hóa nỗ lực chuyên sâu bằng cách loại bỏ hoặc giảm thiểu triệt để các nghĩa vụ hời hợt. Những người thực hiện triết lý này có khuynh hướng theo đuổi mục tiêu chuyên môn đã được xác định rõ và có giá trị cao, ngoài ra, phần lớn thành công trong công việc của họ đều bắt nguồn từ việc áp dụng hiệu quả chiến lược này. Chính cảm giác thư thái đó đã giúp họ loại bỏ được sự bành trướng của những mối bận tâm hời hợt đang có xu hướng lấn át những thứ có tuyên bố giá trị đa dạng trong thế giới bận rộn ngày nay.

Ví dụ, Knuth giải thích mục tiêu công việc của mình như sau: “Tôi đã nỗ lực hết mình để tìm hiểu một số lĩnh vực khoa học máy tính; rồi lại cố hấp thụ lượng kiến thức đó thành một dạng mà những người không có thời gian nghiên cứu có thể hiểu được.” Sẽ chẳng ích gì nếu cố gắng thuyết phục Knuth về những lợi ích vô hình nếu có nhiều khán giả trên Twitter, hoặc các cơ hội bất ngờ khi tự do sử dụng e-mail hơn vì những hành vi này không trực tiếp hỗ trợ mục tiêu nắm rõ các ngóc ngách cụ thể của khoa học máy tính rồi viết lại những tri thức đó theo cách dễ hiểu.

Còn có một người khác cũng rất tận tâm với làm việc sâu theo triết lý hà khắc, Neal Stephenson, nhà văn chuyên viết về khoa học viễn tưởng nổi tiếng. Nếu từng ghé thăm trang web tác giả của Stephenson, bạn sẽ không thấy e-mail hoặc địa chỉ gửi thư. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn về thiếu sót này qua hai bài tiểu luận mà Stephenson đã đăng lên từ những ngày đầu mới lập trang web (được lưu trên The Well) vào hồi đầu những năm 2000 và đã được lưu trữ trên Internet Archive. Trong một bài luận được lưu trữ vào năm 2003, Stephenson tóm lược chính sách truyền thông của mình như sau:

Những người muốn can thiệp vào sự tập trung của tôi đều được lịch sự yêu cầu đừng làm thế và tôi cũng nói trước rằng tôi không trả lời e-mail… để những tin nhắn quan trọng [trong chính sách truyền thông của tôi] khỏi bị lẫn trong bao câu chữ dài dòng, tôi sẽ nói ngắn gọn ở đây: Tất cả thời gian và sự chú ý của tôi đã nói lên tất cả. Xin đừng đòi hỏi thêm nữa.

Để làm sáng tỏ thêm chính sách này, Stephenson đã viết một bài luận có tiêu đề “Why I Am a Bad Correspondent” (tạm dịch: Tại sao tôi lại rất kém trong việc trao đổi thư). Điểm mấu chốt trong lời giải thích về việc khó liên lạc với ông được đưa ra như sau:

Nói cách khác, cân bằng năng suất là loại cân bằng phi tuyến tính. Điều này giải thích tại sao tôi lại rất tồi trong việc trao đổi thư và hiếm khi chấp nhận hẹn gặp nói chuyện. Nếu tổ chức cuộc sống sao cho bản thân có nhiều khoảng thời gian dài, liên tục, không bị ngắt quãng, tôi có thể [tập trung] viết được tiểu thuyết. Nhưng khi những khoảng thời gian đó bị tách rời và ngắt quãng, năng suất viết tiểu thuyết của tôi giảm đi đáng kể.

Stephenson nhận thấy hai tùy chọn này mang tính loại trừ lẫn nhau: Ông có thể thường xuyên viết được những cuốn tiểu thuyết hay, hoặc ông có thể trả lời rất nhiều e-mail cá nhân và tham dự các hội nghị, nhưng kết quả sẽ là những cuốn tiểu thuyết có chất lượng kém hơn với tốc độ chậm hơn. Ông lựa chọn tùy chọn thứ nhất và với lựa chọn này, ông phải tránh càng xa càng tốt những vấn đề tầm phào liên quan đến công việc. (Vấn đề này quan trọng đối với Stephenson đến nỗi ông đã tiếp tục khám phá những tác động của nó – cả tích cực lẫn tiêu cực – trong tác phẩm khoa học viễn tưởng có tên Anathem (tạm dịch: Lời nguyền) ra mắt năm 2008. Cuốn sách đã đưa ra giả định về một thế giới, nơi tầng lớp trí thức tinh hoa sống trong một trật tự hà khắc, tách biệt với công nghệ và những thứ gây nhiễu loạn, và chỉ tập trung tư duy những điều sâu sắc.)

Theo kinh nghiệm của tôi, triết lý hà khắc khiến nhiều người lao động trí óc trở nên bảo thủ. Việc xác định giá trị của họ đối với thế giới đã gợi lại nỗi buồn của những người từng đóng góp vào nền kinh tế thông tin, khiến mọi việc càng trở nên phức tạp hơn. Tất nhiên, phải lưu ý rằng “phức tạp hơn” không có nghĩa là “ít hơn”. Ví dụ, một nhà quản lý cấp cao có thể đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của một công ty trị giá hàng tỷ đô-la, ngay cả khi thành quả người đó tạo ra không hữu hình hay trọn vẹn như một cuốn tiểu thuyết chẳng hạn, và nói rằng: “Đây là những gì tôi đã tạo ra trong năm nay.” Do đó, ao tù của các cá nhân tuân theo triết lý hà khắc luôn có giới hạn – cũng không sao cả. Nếu bạn nằm ngoài ao tù này, sự đơn giản trong nền tảng căn bản của nó không nên thể hiện quá nhiều ham muốn. Mặt khác, nếu bạn đang ở trong ao tù này – một người có những đóng góp khác biệt, rõ ràng và mang tính cá nhân hóa[29] cho thế giới – hãy cân nhắc kỹ lưỡng triết lý sống này, vì nó có thể là yếu tố quyết định giữa một bên là sự nghiệp tầm thường và một bên là sự nghiệp sẽ khiến người ta nhớ mãi.

Triết lý phương thức đôi khi lập kế hoạch làm việc sâu

Mở đầu cuốn sách là câu chuyện về nhà tâm lý học kiêm nhà tư tưởng mang tính cách mạng Carl Jung. Trong những năm 1920, khi Jung đang cố gắng thoát khỏi cái bóng của người thầy Sigmund Freud, ông bắt đầu thường xuyên lui tới ngôi nhà đá đơn sơ do ông tự xây dựng trong khu rừng bên ngoài thị trấn nhỏ Bollingen. Khi đó, mỗi sáng ông sẽ tự khóa mình trong phòng để viết mà không bị ai quấy rầy. Sau đó, ông sẽ hành thiền và đi dạo trong rừng để suy nghĩ thông suốt hơn nhằm chuẩn bị viết lách vào ngày hôm sau. Theo tôi, những nỗ lực này đều nhắm tới việc tăng cường khả năng làm việc sâu đến một mức độ đã giúp Jung thành công trong trận chiến trí tuệ với Freud và những người theo chủ nghĩa Freud.

Khi kể lại câu chuyện này, tôi muốn nhấn mạnh một điều quan trọng: Bác sĩ Jung đã không áp dụng cách tiếp cận mang tính hà khắc khi làm việc sâu. Donald Knuth và Neal Stephenson trong hai ví dụ nêu trên đã cố gắng loại bỏ hoàn toàn sự phân tâm và hời hợt ra khỏi công việc của họ. Còn Jung thì ngược lại, ông nhắm tới sự loại bỏ này trong suốt thời gian lui về ẩn dật. Thời gian còn lại ông ở Zurich với cuộc sống tự do tự tại và không hề hà khắc: Jung bận rộn khám chữa bệnh, lúc nào cũng tất bật và thường phải ở bệnh viện mãi tới khuya; ông là người tham gia tích cực vào văn hóa cà phê tại Zurich; ông cũng tiến hành và tham dự nhiều bài giảng ở các trường đại học danh tiếng tại đây. (Einstein còn nhận được học vị tiến sĩ từ một trường đại học ở Zurich, sau đó, dạy học ở nơi khác; ông cũng biết Jung và hai người từng cùng nhau ăn tối vài lần để thảo luận về những ý tưởng chính trong thuyết tương đối đặc biệt của Einstein.) Nói cách khác, cuộc sống của Jung ở Zurich cũng có nhiều nét tương đồng với nguyên mẫu hiện đại của người lao động trí óc thời kỷ nguyên số siêu liên kết hiện nay: Chúng ta có thể thay “Zurich” bằng “San Francisco” và “thư từ” bằng “tweet”, đồng thời chúng ta có thể thảo luận về vài vị CEO tài ba trong lĩnh vực công nghệ.

Tôi gọi cách tiếp cận của Jung là triết lý phương thức đôi khi làm việc sâu. Triết lý này yêu cầu bạn phải chia thời gian theo một số quy định rõ ràng nhằm theo đuổi sự chuyên sâu và dành thời gian còn lại cho những việc khác. Trong thời gian chuyên sâu, những người theo triết lý phương thức đôi sẽ tuân theo sự hà khắc – cố gắng tập trung cao độ và liền mạch. Còn trong thời gian làm những việc hời hợt, sự tập trung không còn là ưu tiên hàng đầu. Sự phân chia thời gian giữa sự chuyên sâu và sự hời hợt có thể áp dụng theo nhiều quy mô. Ví dụ, xét theo quy mô tuần, bạn có thể dành bốn ngày cuối tuần để làm việc sâu và phần thời gian còn lại thì tùy ý sử dụng. Tương tự, xét theo quy mô năm, bạn có thể dành một mùa để làm hầu hết các công việc cần sự chuyên sâu (như nhiều học giả đã làm trong suốt mùa hè hoặc trong khi nghỉ phép).

Triết lý phương thức đôi tin rằng công việc chuyên sâu có thể tạo ra năng suất tối đa, nhưng chỉ khi người thực hiện dành đủ thời gian và nỗ lực để có thể đạt tới mức độ nhận thức tối đa – trạng thái xuất hiện những đột phá thực sự. Đây là lý do tại sao đơn vị thời gian tối thiểu để làm việc sâu trong triết lý này thường phải dài ít nhất một ngày.

Tác giả: